06/02/2018, 09:58

Bài 19 – Tục ngữ về con người và xã hội

Bài 19 – Tục ngữ về con người và xã hội Hướng dẫn I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN 1. Đọc kĩ văn bản và phần chú thích. 2. Phân tích từng câu tục ngữ: – Một mặt người bằng mười mặt của. Câu này có ý nghĩa: giá trị con người luôn cao hơn tiền bạc, của cải. Câu này thể hiện đạo lí của ...

Bài 19 – Tục ngữ về con người và xã hội

Hướng dẫn

I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Đọc kĩ văn bản và phần chú thích.

2. Phân tích từng câu tục ngữ:

Một mặt người bằng mười mặt của.

Câu này có ý nghĩa: giá trị con người luôn cao hơn tiền bạc, của cải.

Câu này thể hiện đạo lí của nhân dân ta luôn coi trọng con người mà xem tiền bạc, của cải chỉ là thứ yếu.

Câu này dùng phép so sánh và có vần lưng người – mười.

– Cái răng, cái tóc là gốc con người.

Câu này có ý nghĩa khuyên người ta phải giữ gìn sức khỏe. Sức khỏe được biểu hiện ở răng và tóc của con người, vì răng tóc có giá trị như một góc của cả con người, xét cả các mặt sức khỏe, nhân cách và vẻ đẹp.

Trong thực tế, khi ta gặp một người nào đó, chỉ mới nhìn vào đầu tóc, hàm răng của người đó, ta có thể xác định được phần nào tính cách của họ.

Câu có vần lưng: tóc… gốc….

– Đói cho sạch, rách cho thơm.

Câu này có ý nghĩa khuyên người ta, dù trong hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu như thế nào, cũng vẫn phải luôn giữ cho lòng mình thật thà, trong sạch, không làm điều gian xấu.

Thực tế có những em bé rất nghèo, phải đi bán báo hoặc đánh giày nhưng khi nhặt được của rơi vẫn đem nộp công an để trả về cho người mất. Như thế là các em này đã làm đúng như câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Câu này sử dụng vần lưng: sạch – rách.

– Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Câu này có ý nghĩa nhắc nhở người ta phải biết học hỏi phải nói rõ ra trong cuộc sống để hoàn thiện con người mình.

Cần học cách ăn uống cho hợp vệ sinh, cho văn minh lịch sự; cần học cách nói cho rõ ràng, khúc chiết lễ phép, hòa nhã… cái gì cần giữ không nên nói thì phải giữ kín (gói lại); cái gì nên bộc bạch cần cho rõ ràng thì nên nói ra (mở ra).

Câu này có thể ứng dụng rộng rãi trong chúng ta, bởi vì riêng một chuyện nói năng thôi, đã là rất khó, có khi học hỏi cả đời mà nói năng vẫn lúng túng, dùng từ ngữ không chính xác, diễn đạt ý tứ chẳng rõ ràng…

Câu có vần lưng: nói – gói.

– Không thầy đố mày làm nên.

Câu này nhắc nhở người ta phải luôn nhớ tới công ơn của những người đã dạy bảo, dẫn dắt cho ta trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống. Nếu không có những người thầy dạy bảo, dẫn dắt thì rất khó mà nắm bắt kiến thức, vốn sống, khó mà thi cử đỗ đạt và làm nên sự nghiệp.

Học thầy không tày học bạn.

Câu này có ý nghĩa nhắc nhở chúng ta phải biết tranh thủ học hỏi bạn bè. Câu này không có ý xem nhẹ việc học thầy nhưng muốn nói là ngoài việc học thầy ra thì còn phải học bạn để ngày càng tiến bộ hơn. Trong lớp, trong trường, trong xã hội, bạn của ta thường rất đông, mỗi người có thể có cái hay riêng mà ta có thể học tập được. Vì thế mà việc học bạn là hết sức phong phú.

Thương người như thể thương thân.

Câu này vừa có ý nghĩa khuyên người ta phải biết thương yêu người khác như thương yêu chính mình, vừa có ý đề cao đạo lí của nhân dân: luôn sống nhân hậu, giàu tình nhân ái.

Việc cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, phong trào quyên góp tiền để làm nhà tình nghĩa, để mở lớp học tình thương, để xây dựng trường cho trẻ em khuyết tật… đã chứng tỏ câu tục ngữ này luôn được ứng dụng trong cuộc sống.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Câu này có ý nghĩa khuyên người ta khi hưởng thụ các thành quả nào đó trong cuộc sống thì phải biết nhớ ơn những người đã làm ra các thành quả đó.

Câu này cũng thể hiện đạo lí ‘"uống nước nhớ nguồn" của nhân dân ta.

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Câu này có ý nghĩa đề cao sức mạnh của sự đoàn kết.

Hình ảnh “một cây” tượng trưng cho sự đơn lẻ, rời rạc. Hình ảnh “ba cây” tượng trưng cho sự tập hợp, đoàn kết, chung sức chung lòng của nhiều người.

Trong thực tế, nhân dân ta luôn thể hiện tinh thần của câu tục ngữ này. Mỗi khi có giặc xâm lăng, nhân dân ta luôn đoàn kết gắn bó, tạo nên một sức mạnh tổng hợp đè bẹp kẻ thù, giành lại độc lập, tự do. Hình ảnh một cây, non, ba cây, hòn núi cao là những hình ảnh ẩn dụ.

3. So sánh hai câu tục ngữ:

– Không thầy đố mày làm nên;

– Học thầy không tày học bạn.

Ta thấy hai câu này không mâu thuẫn nhau mà lại có ý nghĩa bổ sung cho nhau, vì trong cuộc sống, chúng ta không chỉ học ở trường do các thầy giáo cô giáo dạy bảo mà còn phải học ở mọi lúc, mọi nơi. Lúc này, chính những người bạn ở quanh ta là những người thầy của ta. Ta có thể học hỏi được ở các bạn nhiều cái hay, cái tốt về đạo đức, về trình độ chuyên môn, về kiến thức khoa học, về tinh thần làm việc, về cách đối xử với mọi người xung quanh…

Cặp câu tục ngữ sau cũng có nội dung tưởng như ngược nhau nhưng lại bổ sung cho nhau:

– Anh em như chân với tay.

– Bán anh em xa mua láng giềng gần.

Cặp này bổ sung ý nghĩa cho nhau: anh em thì bao giờ cũng rất thân thiết như chân và tay trong cùng một cơ thể nhưng khi ở xa cách, ngoài anh em ra, ta nên coi trọng tình nghĩa làng xóm láng giềng.

4. Các đặc điểm trong tục ngữ:

* Diễn đạt bằng so sánh:

– Thương người như thể thương thân.

– Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân.

Cách diễn đạt này giúp cho câu tục ngữ thêm sinh động, cụ thể, dễ cảm nhận.

* Diễn đạt bằng cách dùng hình ảnh ẩn dụ:

– Một cây làm chẳng nên non

– Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

– Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.

(Chớ thấy sóng to mà buông tay chèo chống)

Các hình ảnh: một cây, non, ba cây, hòn núi cao, sóng cả, tay chèo đều là các hình ảnh ẩn dụ.

Các hình ảnh này làm cho câu tục ngữ thêm sâu sắc.

* Từ và câu có nhiều nghĩa:

– Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.

Các từ mực, đen, đèn, rạng đều có hai ý nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng. Cả câu cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng.

Mực là mực màu đen dùng để viết, để vẽ chữ. Nếu tiếp xúc với mực thì dễ bị vết đen dây vào tay hoặc quần áo. Đó là nghĩa đen của từ mực.Nghĩa bóng: mực ngụ ý chỉ điều xấu, kẻ xấu, môi trường xấu. Nếu sống trong một môi trường xấu, tiếp xúc với nhiều kẻ xấu thì cũng dễ bị lây nhiễm thói xấu.

Đèn có nghĩa đen là cây đèn được thắp sáng, nếu ta ở gần đèn thì cũng được sáng lây. Đèn còn có nghĩa bóng chỉ người tốt, môi trường tốt. Nếu ta sống trong một môi trường tốt, tiếp xúc với nhiều người tốt thì cũng dễ học hỏi được nhiều điều hay lẽ phải.

Câu này khuyên ta phải chọn bạn mà chơi, tìm môi trường tốt để sống.

Ghi nhớ: Tục ngữ về con người và xã hội thường rất giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, hàm súc về nội dung. Những câu tục ngữ này luôn chú ý tôn vinh giá trị con người, đưa ra nhận xét, lời khuyên về những phẩm chất và lối sống mà con người cần phải có.

II. LUYỆN TẬP

Tìm những câu tục ngữ đồng nghĩa hoặc trái nghĩa với những câu tục ngữ trong bài 19 đã học.

+ Hai câu:

Một mặt người bằng mười mặt của;

– Người sống đống vàng

có ý nghĩa tương tự như nhau.

+ Hai câu:

Đói cho sạch, rách cho thơm;

– Giấy rách phải giữ lấy lề.

là hai câu đồng nghĩa.

+ Hai câu:

Học ăn, học nói, học gói, học mở;

– Đi một ngày đường học một sàng khôn.

đều khuyên người ta phải luôn học tập.

+ Hai câu:

Thương người như thể thương thân;

– Lá lành đùm lá rách.

đều nói về tình thương và sự chia sẻ đùm bọc nhau.

+ Hai câu:

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây;

– Uống nước nhớ nguồn.

là hai câu đồng nghĩa.

Mai Thu


Từ khóa tìm kiếm:

  • tuc ngu ve con nguoi va xa hoi
0