06/02/2018, 00:35

Bài 14 – Lặng lẽ Sa Pa (trích)

Bài 14 – Lặng lẽ Sa Pa (trích) Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM – Nguyễn Thành Long (1925-1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông chuyên viết truyện ngắn và kí. Tác phẩm chính: Bát cơm Cụ Hồ (1952), Gió bấc gió nồm (1956), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), ...

Bài 14 – Lặng lẽ Sa Pa (trích)

Hướng dẫn

I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

– Nguyễn Thành Long (1925-1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông chuyên viết truyện ngắn và kí. Tác phẩm chính: Bát cơm Cụ Hồ (1952), Gió bấc gió nồm (1956), Chuyện nhà chuyện xưởng (1962), Lí Sơn mùa tỏi (1980), Sáng mai nào, xế chiều nào (1984)….

– Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết quả của chuyến thực tế Lào Cai trong mùa hè 1970 của tác giả. Truyện rút từ tập Giữa trong xanh (1972). Đây là một truyện có chiều sâu tư tưởng thể hiện vốn sống phong phú và tâm hồn đôn hậu của nhà văn.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Truyện được trần thuật chủ yếu theo điểm nhìn và ý nghĩ của nhân vật ông họa sĩ. Bởi vậy, dù không phải là nhân vật chính, nhưng nhân vật ông họa sĩ có một vị trí khá quan trọng trong truyện này. Cách trần thuật như thế giúp cho việc giới thiệu nhân vật chính anh thanh niên được dễ dàng và thuận lợi. Tác giả để anh hiện ra qua cái nhìn và ấn tượng của các nhân vật khác. Nói chung các nhân vật khác đều cùng với nhân vật chính góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm.

2. Truyện Lặng lẽ Sa Pa có bốn nhân vật: bác tài xế, ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên ở trạm khí tượng trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét. Nhân vật chính của truyện là anh thanh niên. Anh không xuất hiện ngay từ đầu mà chỉ hiện ra trong cuộc gặp gỡ chốc lát giữa các nhân vật kia với anh, khi xe của họ dừng lại nghỉ. Dù chỉ xuất hiện trong chốc lát nhưng cũng đủ để các nhân vật khác ghi nhận được một ấn tượng tốt đẹp về anh: Trong cái lặng im của Sa Pa (…) Sa Pa mà chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước.

Ngoài ra anh còn hiện ra sự nhìn nhận, đánh giá và suy nghĩ của ba nhân vật kia thật rõ nét và đáng quý trọng hơn.

Phân tích nhân vật anh thanh niên:

* Hoàn cảnh sống và làm việc: Một mình trên đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét, với công việc đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, tham dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ chiến đấu tuy có nhiều ý nghĩa nhưng cũng dễ gây cảm giác buồn tẻ, đơn điệu lại đòi hỏi phải tỉ mỉ, chính xác và có tinh thần trách nhiệm cao (nửa đêm, đúng giờ “ốp” thì dù mưa tuyết, giá lạnh thế nào cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm công việc đã qui định).

Gian khổ nhất đối với anh vẫn là một mình quanh năm giữa cỏ cây, mây núi Sa Pa.

Do đâu mà anh vượt lên được hoàn cảnh ấy?

– Do ý thức công việc và lòng yêu nghề của mình thấy được công việc lặng thầm này là có ích cho cuộc sống, cho mọi người.

– Miệt mài với công việc, xem công việc là bạn nên không thấy cô đơn.

– Vui thú đọc sách, tổ chức sắp xếp cuộc sống ở trạm khí tượng thật ngăn nắp chủ động: trồng hoa, nuôi gà, tự học, đọc sách.

* Bản chất anh cởi mở, khiêm tốn chân thành quý trọng tình cảm của mọi người.

Tóm lại, với một số chi tiết và chỉ cho xuất hiện trong chốc lát nhưng chân dung, tinh thần của anh thanh niên hiện ra khá rõ nét với những nét đẹp về tình cảm, tâm hồn, cách sống, quan niệm sống, quan niệm về công việc….

Trong truyện ngắn này còn xuất hiện một số nhân vật khác đã góp phần làm rõ nét hơn nhân vật chính.

* Bác lái xe là cầu nối khiến người đọc chờ gặp anh mà theo lời bác là một trong những người cô độc nhất thế gian và cũng nhờ lời kể của bác mà người đọc biết được sơ nét về anh thanh niên nhân vật chính với nỗi “thèm” được gặp người của anh lúc mới lên sống trên đỉnh núi.

* Ông họa sĩ già đã xúc động bối rối “vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết. Ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác….”

Chính nỗi xúc động và bao điều suy tư của ông hoạ sĩ đã làm cho chân dung anh thanh niên sáng đẹp hơn lên và chứa đựng những chiều sâu tư tưởng.

* Cô kĩ sư trẻ soi chiếu vào cái đẹp của anh thanh niên để bàng hoàng, cô hiểu thêm về cuộc sống một mình dũng cảm tuyệt đẹp của người thanh niên, về thế giới những con người như anh. Cô bình tĩnh hơn khi nhớ đến mối tình đầu nhạt nhẽo mà cô đã từ bỏ để an tâm với đường mà cô đã lựa chọn, mà cô đang đi tới (lên công tác ở miền núi).

Cô bàng hoàng không chỉ vì bó hoa to mà anh đã vô tư tặng cô mà còn vì: một bó hoa khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô.

Đâu dễ chi quên chi tiết đẹp: Cô ôm bó hoa vào ngực, bạo dạn nhìn thẳng vào mặt anh. Anh thanh niên bắt gặp cái nhìn đó, phủi vội giọt mồ hôi trên sống mũi, mỉm cười

Tóm lại, đây chính là một thủ pháp nghệ thuật mà nhà văn đã sử dụng thành công trong việc xây dựng nhân vật chính của truyện mình.

Các nhân vật phụ vừa nói bên trên đều để lại cho người đọc những ấn tượng khó mờ phai. Mỗi người có một tính cách riêng, công việc riêng nhưng tất cả đều có tâm hồn trong sáng, có tinh thần trách nhiệm cao với công việc và đều đáng yêu mến.

3. Phân tích nhân vật ông họa sĩ già

Nhân vật ông họa sĩ già: Có thể nói đây là nhân vật gần gũi nhất với quan điểm trần thuật của tác giả (Truyện được trần thuật chủ yếu dựa vào điểm nhìn về ý nghĩa của nhân vật này). Qua đây, nhân vật chính là anh thanh niên đã hiện ra rõ nét và đẹp hơn và cũng khơi gợi được nhiều ý nghĩa về cuộc sống, về nghệ thuật hơn.

Ông họa sĩ là một người từng trải cuộc sống và am tường nghệ thuật. Ông đang đi chuyến thực tế cuối cùng trong đời trước khi ông nghỉ hưu.

Ngay từ những giây phút đầu tiên gặp anh thanh niên ông họa sĩ già đã xúc động và bối rối “Vì họa sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, ôi, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác.”

Ông muốn ghi lại hình ảnh anh bằng nét bút kí họa và người con trai ấy đáng yêu thật, nhưng làm cho ông nhọc quá. Với những điều làm cho người ta suy nghĩ về anh. Và về những điều anh suy nghĩ!

Chính những suy tư, cảm xúc của ông họa sĩ về người thanh niên về nghệ thuật, về mảnh đất Sa Pa được gợi lên câu chuyện của anh thanh niên đã làm chân dung anh càng sáng đẹp hơn và có chiều sâu suy tưởng.

4. Trong truyện ngắn này có sự kết hợp các yếu tố trữ tình, bình luận với tự sự. Ta tìm hiểu về yếu tố trữ tình của truyện.

Yếu tố trữ tình ở đây được toát lên từ những phong cảnh thiên nhiên đẹp và đầy thơ mộng của Sa Pa, đặc sắc hơn cả là đoạn mở đầu và đoạn kết thúc truyện.

“Rời cây cầu số 4 một quãng, xe trèo lên núi. Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng. Chỉ thấy thấp thoáng trong màu xanh bao la, ở phía trước, một vệt hình ba góc màu vàng, chính là đoạn đường mình vừa đi qua. Đi một lúc lâu, ngửng lên vẫn thấy cái vệt ba góc đó”.

Và:

“Lúc bấy giờ nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn. Nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo… ”

Đó là những đoạn tả cảnh Sa Pa qua cái nhìn của người họa sĩ già trong truyện. Ngoài ra chất trữ tình ở đây toát lên chủ yếu từ nội dung của truyện: Từ một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi chưa đầy nửa giờ giữa một không gian đẹp như hư ảo của Sa Pa núi cao mây trắng đã để lại nhiều dư vị trong lòng mỗi người, từ nét đẹp bình dị đáng yêu của anh thanh niên, từ những câu chuyện anh kể về cuộc sống lặng lẽ của mình và từ những tình cảm, cảm xúc mới nảy sinh của những ông họa sĩ già, cô kĩ sư trẻ đối với anh.

Có thể nói Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long là một truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng thú vị và ẩn chứa bên trong nhiều ý vị sâu sắc. Truyện có dáng dấp như một bài thơ, chất trữ tình bàng bạc trong toàn truyện.

5. Chủ đề của truyện

Truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long đã giới thiệu với người đọc chân dung của một người lao động thầm lặng, tự giác trên mặt trận khoa học kĩ thuật. Đó là một thanh niên quan sát khí tượng, say mê khoa học gắn bó không rời với cuộc sống khiêm tốn, giàu tình cảm, có trách nhiệm. Bên cạnh đó là một bác lái xe khách, một họa sĩ già sắp về hưu, một cô sinh viên mới tốt nghiệp. Toàn bộ câu chuyện và hệ thống nhân vật ấy là một bài ca ca ngợi cuộc sống và tình người trong đó lòng tốt của con người đối với công việc, đối với đất nước, đối với nhau được nhà văn hết sức nâng niu trân trọng gửi đến độc giả.

Ghi nhớ:

– Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa đã khắc họa thành công hình ảnh đẹp của người lao động bình thường. Anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên núi cao. Qua đó truyện đã khẳng định vẻ đẹp và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

– Truyện đã xây dựng được tình huống hợp lí, có cách kể truyện tự nhiên từ điểm nhìn của một nhân vật.

– Truyện còn hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận.

Mai Thu

0