06/02/2018, 00:35

Bài 13 – Làng (trích)

Bài 13 – Làng (trích) Hướng dẫn I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM Kim Lân tên là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920, quê ở làng Phù Lưu, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962) Là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, Kim Lân có một ...

Bài 13 – Làng (trích)

Hướng dẫn

I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

Kim Lân tên là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920, quê ở làng Phù Lưu, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (1955), Con chó xấu xí (1962)

Là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, Kim Lân có một vốn sống phong phú về nông thôn Việt Nam. Truyện của ông hầu hết chỉ viết về sinh hoạt nông thôn và cảnh ngộ của người nông dân.

Làng là truyện ngắn được Kim Lân sáng tác trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đăng lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

Truyện khai thác tình cảm quê hương, đất nước, một tình cảm bao trùm và phổ biến trong mỗi con người Việt Nam thời kì kháng chiến.

Thành công của Kim Lân là đã diễn tả chân thật và sinh động tình yêu làng quê của ông Hai, một người dân nông thôn đặc biệt là diễn biến tâm lí của ông từ lúc nghe tin làng mình theo giặc.

II. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

1. Tình huống truyện của truyện ngắn Làng

Kim Lân đã đặt nhân vật chính của truyện là ông Hai vào một tình huống gay gắt là cái làng mà ông hết lòng yêu mến tự hào đã theo giặc lập tề mà chính ông đã biết được từ những người tản cư qua vùng ông. Chính cái tình huống gay gắt ấy đã làm bộc lộ sâu sắc tình yêu làng quê và lòng yêu nước ở nhân vật ông Hai. ông Hai yêu cái làng Chợ Dầu của ông bằng một tình cảm thật đặc biệt: Khi kể về làng mình ông thật say mê, luôn khoe, luôn tự hào về các làng Chợ Dầu. Tình cảm ấy càng bộc lộ thắm thiết, nhiệt thành khi ông phải xa làng đi tản cư. Ông tự hào làng của mình giàu đẹp: nhà ngói san sát, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa, trời gió tha hồ mà đi khắp đầu làng, cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Trước cách mạng, ông khoe về cái “sinh phần" của viên quan Tổng đốc người làng ông.

Sau cách mạng, ông tự hào về phong trào cách mạng của làng sôi nổi, đầy khí thế. Ông khoe về cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa và rộng rãi nhất vùng, chòi phát thanh cao bằng ngọn tre chiều chiều loa gọi cả làng đều nghe. Mỗi lần nói chuyện về làng mình ông đều nói chuyện một cách say mê đầy náo nức: Hai con mắt ông sáng hẳn lên, cái mặt biến chuyển, hoạt động.

Bởi vậy ông hăng hái tình nguyện ở lại làng chiến đấu. Nhưng đến lúc vì hoàn cảnh gia đình mà phải tản cư ông khổ tâm day dứt mãi vì nhớ làng, nhớ anh em đồng chí đã ở lại làng.

2. Diễn biến tâm trạng của ông Hai từ khi nghe tin làng mình “theo giặc”: Khi nghe được tin quá đột ngột ấy, ông Hai đã sững sờ: Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Khi trấn tĩnh lại được phần nào ông còn cố chưa tin những người tản cư đã kể rành rọt quá làm ông không thể không tin được.

Trong tâm trí ông từ phút ấy tin dữ ấy là một ám ảnh day dứt khôn nguôi. Nghe tiếng chửi bọn Việt gian, ông cúi gằm mặt xuống mà đi. về đến nhà, ông nằm vật ra giường rồi tủi thân khi nhìn lũ con nước mắt ông lão cứ tràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy ư?

Ông Hai nằm rũ trên giường, trằn trọc không sao ngủ được… ông xấu hổ đến mấy hôm không bước chân ra đến ngoài. Ông sợ người ta đuổi như đuổi hủi.

Khi nghe tin làng “theo giặc” ông Hai đã lựa chọn dứt khoát: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây thì phải thù. Tuy vậy ông vẫn không thể nào dứt bỏ được tình yêu quê do đó mà lòng càng thêm đau xót, tủi hổ.

Có lúc ông đã định quay về làng nếu tuyệt đường không nơi nào chứa chấp. Nhưng ý nghĩ đó vụt tan biến ngay: Về làm gì cái làng ấy nữa. Về làng tức là chịu nô lệ cho thằng Tây.

Qua đây có thể thấy ở ông Hai lòng yêu làng quê không thể tách rời lòng yêu Tổ quốc, yêu cách mạng. Đó chính là phẩm chất tốt đẹp đáng quý trọng ở ông.

3. Đoạn văn ông Hai trò chuyện với đứa con trai út là một đoạn văn diễn tả rất cảm động và sinh động tâm tư sâu sắc bền chặt chân thành của ông – một người nông dân – với quê hương, đất nước, cách mạng và kháng chiến.

Những lời tâm sự với con nhưng nói đúng hơn là ông Hai tự nhủ với mình tự bộc bạch nỗi lòng mình. Qua đó ông gửi gắm tình yêu sâu nặng với cái làng Chợ Dầu của mình và tấm lòng thủy chung với kháng chiến, với cách mạng mà biểu tượng là Cụ Hồ. (Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai).

4. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật ông Hai

Nhà văn đã đặt nhân vật của mình vào một tình huống thử thách để bộc lộ chiều sâu tâm trạng.

– Ông miêu tả chân thực cụ thể đầy xúc động các diễn biến nội tâm của nhân vật qua các ý nghĩa, cảm giác, hành động ngôn ngữ.

Đặc biệt, ông miêu tả chân thực gây ấn tượng mạnh mẽ về sự ám ảnh day dứt trong tâm trạng ông Hai. Điều này đúng như lời nhận định của sách giáo khoa: Kim Lân am hiểu sâu sắc và gắn bó với nông thôn và người nông dân. Truyện của ông hầu như chỉ viết về sinh hoạt ở nông thôn và cảnh ngộ của người nông dân.

Nhận xét về ngôn ngữ nhân vật:

Nhà văn chú ý diễn tả ngôn ngữ nhân vật mang rõ nét cá nhân, ông Hai ở đây là một lão nông vui tính thích chuyện trò, ham nói chữ một cách hồn nhiên (Ra láo hết, chẳng có gì sất. Toàn là sai sự mục đích cả!…)

Ghi nhớ: Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện.

Truyện đã thành công trong việc xây dựng tình huống truyện trong nghệ thuật miêu tả tâm lí và ngôn ngữ nhân vật.

Mai Thu

0