04/06/2017, 23:49

Anh (chị) nghĩ gì khi nhìn những cánh rừng tiếp tục bị tàn phá.

Ngày hôm qua, một tờ báo đưa ra lời cảnh báo về nạn tàn phá rừng đang diễn biến phức tạp với những cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc. Ngày hôm qua, truyền hình đưa tin về một vụ cháy rừng gây thiệt hại hàng trăm héc ta rừng. Ngày hôm qua, các nhà khoa học nói về tình trạng Trái Đất đang nóng ...

Ngày hôm qua, một tờ báo đưa ra lời cảnh báo về nạn tàn phá rừng đang diễn biến phức tạp với những cánh rừng bị tàn phá không thương tiếc. Ngày hôm qua, truyền hình đưa tin về một vụ cháy rừng gây thiệt hại hàng trăm héc ta rừng.

Ngày hôm qua, các nhà khoa học nói về tình trạng Trái Đất đang nóng lên và nguồn nước sạch đang ngày càng cạn kiệt. Rừng bị tàn phá kéo theo biết bao những hậu quả nghiêm trọng. Vậy mà ngày hôm nay và ngày mai, những cánh rừng vẫn đang tiếp tục bị tàn phá. Rừng đang kêu cứu...
 
Nhắc đến rừng, người ta nhắc đến lá phổi xanh, cỗ máy sản xuất oxi của Trái Đất. Rừng là tài nguyên thiên nhiên quý báu của con người, là môi trường sinh sản của các loài động thực vật. Rừng tạo nên một vành đai tự nhiên bảo vệ con người trước nguy cơ lũ lụt trong hoàn cảnh Trái Đất đang ngày càng nóng lên. Rừng giúp duy trì lớp nước tự nhiên trên bề mặt và trong lòng đất, giúp cân bằng hệ sinh thái...
 
Không thể không khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu của rừng trong cuộc sống con người. Vậy mà có một thực trạng đau lòng là rừng đang bị tàn phá một cách báo động từng ngày, từng giờ. Kéo theo nó là tất cả các nguy cơ đe dọa đến sự sống của con người được đặt lên mức báo động đỏ. Hàng ngày, các phương tiện thông tin truyền thông thường xuyên đưa tin về tình trạng khai thác rừng bừa bãi hiện nay. Đó là trường hợp một dự án trồng mía biến thành dự án...chia nhau phá rừng khiến cho 176 ha rừng ở Tây Ninh bị tàn phá đăng trên báo Lao động; Là hàng chục héc ta rừng, chưa đầy mười năm trước đây còn là rừng nguyên sinh nay trơ trọi, hoang tàn, khét lẹt mùi gỗ cháy ở khu bảo tồn thiên nhiên Kè Gỗ trên Thiênnhiên.net. Là biết bao những cánh rừng khác vẫn đang từng ngày, từng giờ bị thu hẹp diện tích.
 
Vậy nguyên nhân là do đâu?
 
Rừng bị chặt phá trước tiên là để lấy đất làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi thuỷ sản, xây dựng... Những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ bị chuyển hoá thành đất nông nghiệp còn có thể trồng trọt được lâu dài. Hiện nay, những vùng như vậy hầu như đã bị khai thác hết. Còn những vùng đất dốc, kém phì nhiêu, sau khi bị chuyển đổi thành đất nông nghiệp, thường cho năng suất thấp, rất dễ và nhanh bị bạc màu, hoặc đòi hỏi phải có những đầu tư tốn kém để tưới tiêu và cải tạo đất. Rừng ngập mặn ven biển của Việt Nam đang bị chặt phá để làm ao nuôi tôm. Do nuôi tôm kiểu quãng canh, không đúng kĩ thuật, nên năng suất không cao và mỗi ao cũng chỉ cho thu hoạch được vài năm, sau đó người ta lại đi chặt phá rừng làm ao mới. Rừng Tây Nguyên đang bị người dân di cư tự phát đốt phá nham nhở, đốt rừng làm nương rẫy.
 
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến mất rừng là lấy gỗ làm củi đốt. Cho đến thế kỉ XIX, trước khi khám phá ra khả năng đốt bằng than và dầu, chất đốt chủ yếu của con người là củi gỗ. Nhiều nước châu Âu, trong giai đoạn đầu của cách mạng khoa học kĩ thuật đã đốt gần hết rừng của mình. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, củi và than củi vẫn là chất đốt chính trong gia đình và các bếp đun đang đốt khoảng 1/4 số diện tích rừng bị tàn phá hàng năm. Ở một nước nông nghiệp đang trên đường phát triển như Việt Nam, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc, củi là nguồn nguyên liệu chính cung cấp chất đốt.
 
Nguyên nhân thứ ba gây mất rừng là do khai thác gỗ. Gỗ cần cho sản xuất các đồ gia dụng, sản xuất giấy... Khoa học kĩ thuật càng phát triển, người ta càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, làm cho lượng gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều. Trong khai thác gỗ, nếu chỉ chạy theo lợi nhuận, chỗ nào dễ thì khai thác trước, không đốn tỉa mà chặt hạ trắng, nghĩa là chặt từ bìa rừng vào, vừa chặt cây to để lấy gỗ, vừa phá hoại cây con, thì những khu vực rừng đã bị chặt phá sẽ khó cơ hội tự phục hồi lại được.
 
Nguyên nhân thứ tư gây mất rừng là do cháy. Rừng bị cháy do đốt rừng làm nương, làm bãi săn bắn, dùng lửa thiếu thận trọng trong rừng, thiên tai, chiến tranh... Trong mùa khô, chỉ cần một mẩu tàn thuốc lá cháy đỏ, một bùi nhùi lửa đuôi ong ra khỏi tổ để lấy mật cũng đủ gây ra một đám cháy rừng lớn trong nhiều ngày, nhất là khi không có đủ nước, nhân lực và phương tiện để dập tắt lửa. Bên cạnh đó, chiến tranh tuy không phải là hiện tượng phổ biến, thường xuyên nhưng các cuộc chiến tranh thường có sức tàn phá ghê gớm. Ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay mất khoảng hơn 2 triệu ha. Nhiều vùng rừng bị chất độc hoá học tàn phá đến nay vẫn chưa mọc lại được.
 
Tất nhiên không thể không kể đến một nguyên nhân quan trọng có thể coi là khởi nguồn của hầu hết các nguyên nhân trên đó là ý thức trách nhiệm của mỗi người. Trước hết, đó là việc một vài người, đặc biệt là đồng bào dân tộc chưa ý thức được sâu sắc vai trò của rừng cũng như hậu quả nghiêm trọng trong những hành động của mình. Nhưng đáng phê phán hơn là những kẻ dù ý thức được nhưng vì lợi ích cá nhân vẫn lao vào thực hiện thậm chí còn tìm ra nhưng phương pháp khai thác hiệu quả nhưng mức độ tàn phá ghê gớm. Những hành động đó chỉ mang tính thời vụ trong khi hậu quả thì không thể lường trước. Việc phá rừng lấy đất, lấy gỗ, củi bừa bãi thực tế chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của một số cá nhân nào đó. Cái lợi mà việc làm đó đem thì nhỏ hơn nhiều so với cái hại mà nó gây ra.
 
Chỉ ra nguyên nhân, chúng ta phải cũng nhau tìm ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Hãy bắt đầu bằng việc giáo dục ý thức và tinh thần trách nhiệm cho mỗi người dân. Các trường học cần có những bài học thiết thực về rừng cũng như sự cần thiết và những lợi ích của rừng trong cuộc sống, giáo dục cho các em ngay từ nhỏ để các em có ý thức bảo vệ chúng, cần phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Nhà nước cần chặt chẽ, nghiêm minh hơn trong các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, xử lí các trường hợp vi phạm, Cần có những chính sách, chiến lược cụ thể trong việc phục hồi, trồng mới, phủ xanh đất trồng đồi núi trọc. Hi vọng rằng bằng sự nỗ lực của Nhà nước và nhân dân, bằng việc áp dụng thành công các tiến bộ khoa học kĩ thuật và sử dụng tiết kiệm, hợp lí tài nguyên đất, rừng, tăng cường trồng vả bảo vệ rừng, diện tích rừng trên Trái Đất không bị giảm mà còn có thể tăng lên.
 
Rừng là người bạn quan trọng và thân thiết của con người. Nhưng rừng cũng đang bị tàn phá nghiêm trọng. Để bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mình, hãy bảo vệ rừng, bảo vệ lá phổi xanh của chúng ta!

0