30/05/2018, 18:45

Ẩm thực: Nhận biết thịt bò giả không khó, chỉ cần biết những mẹo này

Những gợi ý sau đây sẽ giúp các bà nội trợ trở thành những nhà tiêu dùng thông thái không bị những kẻ "treo đầu dê bán thịt chó" lừa. 1. Màu sắc và hình dạng Thịt bò thật màu đỏ au, tươi hồng. Thịt bò giả thường được tưới huyết bò lên tạo màu, hoặc vô lương tâm hơn, người bán hàng còn ...

Những gợi ý sau đây sẽ giúp các bà nội trợ trở thành những nhà tiêu dùng thông thái không bị những kẻ "treo đầu dê bán thịt chó" lừa.

1. Màu sắc và hình dạng

Thịt bò thật màu đỏ au, tươi hồng. Thịt bò giả thường được tưới huyết bò lên tạo màu, hoặc vô lương tâm hơn, người bán hàng còn nêm các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc để tạo màu như thịt bò thật. Tuy nhiên, nếu dùng tay miết miếng thịt mà thấy có màu đỏ dính ra tay thì chắc chắn là thịt bò giả. Muốn chắc chắn hơn nữa, bạn có thể rửa miếng thịt đó ngay tại nơi bán, sẽ thấy miếng "thịt bò" nhạt màu dần.

Nếu muốn tự kiểm chứng hơn nữa thì có thể yêu cầu người bán cắt miếng thịt nhỏ ra. "Hàng giả" sẽ có sự khác biệt về màu sắc tương đối giữa bề ngoài miếng thịt và mặt bên trong do công nghệ nhuộm rẻ tiền không thể "biến hóa" được cả miếng thịt.

Nhiều người bán hàng còn trộn lẫn thịt bò thật và giả với nhau để lừa người mua. Để phân biệt điều này, bạn phải hết sức tinh ý. Thịt bò thật thớ nhỏ, dài, màu đỏ tươi, phần mỡ và bì có màu vàng nhạt. Trong khi đó, thớ thịt lợn to và ngắn, bì và mỡ có màu trắng.

Thịt bò giả được tẩm hóa chất hoặc huyết bò để có màu như thịt bò thật.

2. Độ cứng mềm

Ấn nhẹ vào miếng thịt bò khi chọn mua, miếng thịt bò thật sẽ dẻo, ít đàn hồi, cảm giác thịt dính theo tay. Nếu là thịt heo giả thịt bò ấn vào sẽ thấy mềm bở, thịt không dính theo tay. 

Thịt bò thật ít đàn hồi, có độ dẻo.

3. Mùi vị

Có rất nhiều cách để tạo ra "mùi thịt bò cho thịt không phải thịt bò". Theo như điều tra của các cơ quan chức năng, những kẻ đồ tể lừa đảo sử dụng mỡ bò rán lấy nước mỡ thoa một lượt quanh thịt heo, trâu chết thì thịt sẽ có mùi bò. Nhưng thịt bò thật có mùi hôi rất đặc trưng của bò. Còn "đồ giả" sẽ không thể có được hương vị như thế, dù đã tưới mỡ bò lên nhưng sau khi vận chuyển nhiều và để phơi ra nhiều giờ dưới thời tiết ẩm như của Việt Nam, thì chắc chắn mùi vị kia sẽ bị bay đi hoặc "biến tấu" đi ít nhiều.

Thịt bò thật có mùi hôi rất đặc trưng của bò.

4. Chế biến

Tất nhiên là chẳng ai mong muốn tới tận khi nấu xong mới phát hiện ra miếng thịt bò mình phải trả cả hàng trăm ngàn mua về đãi cả nhà lại hóa ra là thịt heo sề chết hay thịt trâu chết. Nhưng, đi một đàng học một sàng khôn, muộn còn hơn không, lần sau bạn sẽ biết bộ mặt thật của kẻ bán hàng giả.

Nếu là thịt bò thật, thì dù sau khi chế biến, thịt vẫn giữ nguyên màu sắc hồng sậm, ngọt đặc trưng. Trong khi đó, thịt heo, thịt trâu nhuộm hóa chất giả làm thịt bò khi chế biến sẽ bị nhạt bớt, chuyển qua màu hồng lợt hoặc màu trắng. Màu sắc này có thể nhìn rõ nhất khi thịt chần lâu trong nước sôi. Bên cạnh đó, thịt heo sề vốn mềm, sau khi chế biến thịt dễ bị bở, tơi hơn thịt bò. Nếu không may mắn gặp phải thịt làm giả từ con heo hay trâu đã chết lâu thì thậm chí còn có mùi tanh rất khó chịu. 

Khi chế biến, thịt giả sẽ bị nhạt màu dần.

                                                                                                                     Châu Hà/ Theo TTVH

0