Ẩm thực: 12 sai lầm cực kì phổ biến khi vào bếp mà bạn cần nên tránh
Bạn có bao giờ thắc mắc rằng, mặc dù thực hiện đúng theo từng bước hướng dẫn với thành phần tỷ lệ chính xác nhưng tại sao món ăn của mình vẫn không được ngon như ở nhà hàng? Thật ra, vấn đề này thường nằm ở khâu chế biến. Vì thế, để chế biến những món ăn thơm ngon nhất cho cả nhà, hãy đảm bảo ...
Bạn có bao giờ thắc mắc rằng, mặc dù thực hiện đúng theo từng bước hướng dẫn với thành phần tỷ lệ chính xác nhưng tại sao món ăn của mình vẫn không được ngon như ở nhà hàng? Thật ra, vấn đề này thường nằm ở khâu chế biến. Vì thế, để chế biến những món ăn thơm ngon nhất cho cả nhà, hãy đảm bảo rằng chúng ta không mắc những sai lầm phổ biến khi nấu nướng dưới đây nhé.
1. Chiên một chảo chật kín đồ ăn
Hãy để những miếng thịt hoặc miếng sườn cách xa nhau trong chảo nếu bạn muốn món ăn khi chế biến xong có lớp vỏ giòn và ngon. Vì thế, đừng cho quá nhiều thứ vào một chảo để tiết kiệm thời gia nấu nướng nhé, làm như vậy món thịt của bạn sẽ mất ngon đấy.
2. Chiên thịt bằng chảo chống dính
Một lý do khác khiến món thịt của chúng ta không có lớp vỏ ngoài giòn vì bạn sử dụng chảo chống dính khi chế biến. Chảo chống dính thường có độ nóng kém hơn những loại chảo gang thông thường, vì vậy nó chỉ phù hợp để làm các loại bánh, trứng ốp la hay gà rán. Để chiên thịt, bạn nên dùng chảo gang hoặc chảo nướng mới hợp.
3. Không cho muối vào nước khi luộc mì Ý
Nguyên tắc cơ bản để làm món mì Ý “tròn vị” là bạn phải cho muối vào nồi nước khi luộc mì. Nếu không cho muối, sợi mì sẽ nhạt, dù nước sốt của bạn có ngon đến đâu thì khi ăn vẫn cảm giác sợi mì không ngon. Tốt nhất là bạn nên sử dụng một muỗng muối cho 300gr mì khô nhé.
4. Dùng dầu oliu để chiên
Ở nhiệt độ cao, dầu oliu sẽ mất đi các giá trị dinh dưỡng, tệ hơn là chúng bắt đầu có mùi khét, khiến đồ ăn của bạn có mùi khó chịu. Vì vậy, tốt nhất là bạn chỉ nên dùng dầu oliu cho món trộn salad, còn khi chiên thì nên dùng dầu hướng dương hoặc đậu nành.
5. Dùng cốc thủy tinh lường bột
Nhiều “đầu bếp tại gia” sử dụng dụng cụ đo chất lỏng để lường nguyên liệu khô (như bột mì...) với tỉ lệ quy đổi tương đương 100ml = 100gr. Nhưng thực tế, nguyên liệu khô và chất lỏng có khối lượng hoàn toàn khác nhau ở cùng một thể tích. Bạn hãy nhớ rằng việc làm bánh đòi hỏi phải tuân thủ chính xác tỉ lệ của từng nguyên liệu, vì vậy nếu bạn không thể ước lượng được thì hãy sử dụng những dụng cụ đo lường chính xác dành riêng cho từng nhóm nguyên liệu nhé, vì như thế món bánh của bạn mới thơm ngon được.
6. Không làm nóng chảo trước khi nấu
Các đầu bếp hàng đầu vẫn thường khuyên rằng: "Nếu bạn nghĩ chảo đã đủ nóng, hãy chờ thêm 2 phút nữa rồi hãy cho dầu vào". Nhiều người nghĩ rằng khi đặt chảo lên bếp thấy khô nước là đã đủ nóng , nhưng thực tế, để món rau xào được xanh ngon hoặc miếng thịt đủ độ săn giòn thì trước khi đổ dầu và phi hành tỏi, chảo của bạn cần được làm nóng già cho tới khi có cảm giác hơi nóng bốc lên thì mới đạt yêu cầu.
7. Phi tỏi quá kỹ
Hầu hết, các công thức nấu ăn đều khuyên rằng chúng ta nên cho tỏi vào món ăn sau khi nấu xong khoảng 2 - 3 phút. Vì vậy bạn không nên phi tỏi quá kỹ bởi tỏi là một loại gia vị chín rất nhanh và dễ cháy, khi tỏi chín quá có thể khiến món ăn mất đi vị thơm ngon vốn có của nó.
8. Chế biến thịt khi chưa rã đông hoàn toàn
Trước khi nấu, bạn nên chắc chắn rằng miếng thịt của mình đã được rã đông hoàn toàn. Nhiều người thường lấy thịt ở ngăn đông lạnh ra, thái lát và nấu luôn vì nghĩ rằng đằng nào khi đun nóng lên thì thịt cũng chín, đó là một sai lầm rất phổ biến. Khi thịt chưa rã đông hoàn toàn, chúng không thể chín và ngấm đều gia vị được, để chín tới phần thịt bên trong thì phần thịt bên ngoài lại bị quá lửa và dai.
9. Ăn thịt ngay sau khi vừa nấu chín
Nếu quá đói hoặc bị hấp dẫn bởi món thịt vừa chế biến xong thì bạn cũng nên kiên nhẫn chờ khoảng vài phút sau khi nấu chín. Hãy thưởng thức khi món ăn không quá nóng mới có thể cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của chúng.
10. Cho vào tủ lạnh mọi loại thực phẩm
Không phải thực phẩm nào được bảo quản trong tủ lạnh cũng tốt đâu bạn nhé. Các loại thực phẩm như cà chua, hành tây, tỏi, khoai tây, bí xanh, cà tím và các loại trái cây nhiệt đới khác như xoài và kiwi sẽ ngon hơn khi để ở ngoài tủ lạnh. Khi bảo quản những thực phẩm trên trong tủ lạnh, chúng không những mất đi độ tươi ngon mà còn mất chất dinh dưỡng vốn có.
11. Lật trở thức ăn thường xuyên khi nấu
Bạn không cần lật trở thức ăn ở trong chảo liên tục khi chiên rán mà hãy để thức ăn chín già một mặt rồi mới lật qua mặt bên kia. Vì làm vậy sẽ giúp bạn giữ được sự nguyên vẹn và màu sắc đẹp mắt của món ăn.
12. Luộc trứng quá kỹ
Thực tế là khi bạn luộc trứng quá kĩ, không những món trứng của bạn sẽ mất ngon mà chất dinh dưỡng trong trứng cũng bị mất đi khá nhiều. Cách luộc chuẩn nhất là cho trứng vào nồi, ngay sau khi nước sôi thì tắt bếp, ngâm trứng trong nồi khoảng 10 phút thì vớt ra chần qua nước lạnh rồi bóc vỏ. Trứng luộc khi đó sẽ có màu sắc rất bắt mắt và rất thơm ngon.
Qua những bí quyết nội trợ trên, hi vọng bạn sẽ có thêm nhiều bí kíp nấu nướng để chế biến thật nhiều món ăn thơm ngon và giàu dinh dưỡng cho gia đình.
Hà Anh/ Theo TTVH