30/05/2018, 18:26

Ẩm thực: Cứ ngon như bánh đa cua ở 4 hàng này, bạn cần chi tốn tiền ăn cao lương mỹ vị nữa!

1. Bánh đa cua Hàm Long Ẩm thực - 25 năm trong nghề, gánh bánh đa cua của cô Anh chẳng còn xa lạ gì với người dân khu Hàm Long - Lê Văn Hưu. Cũng như nhiều hàng rong khác, toàn bộ gánh hàng của cô thu gọn trong 2 chiếc thúng, một chiếc là nồi nước dùng, một là rau, gạch cua, bát, đồ ...

1. Bánh đa cua Hàm Long

Ẩm thực25 năm trong nghề, gánh bánh đa cua của cô Anh chẳng còn xa lạ gì với người dân khu Hàm Long - Lê Văn Hưu. Cũng như nhiều hàng rong khác, toàn bộ gánh hàng của cô thu gọn trong 2 chiếc thúng, một chiếc là nồi nước dùng, một là rau, gạch cua, bát, đồ dùng... Tuy gánh hàng nhỏ nhưng mọi thứ được sắp xếp ngăn nắp và trông rất sạch sẽ.

Nồi nước dùng của cô Anh rất đặc biệt, màu vàng nhạt và trong. Người không biết, hẳn ái ngại có chút ái ngại khi chẳng thấy tí gạch nào, nhưng nếu là người sành cua, hay nấu canh cua ở nhà, nhìn sẽ thấy ngay đây chính là màu nước cua thật. Và chỉ cần nếm thìa nước dùng của cô là nhận ngay ra vị thanh đặc trưng của cua. Còn gạch cua, cô vớt riêng, chưng màu, khi khách ăn thì múc một muôi nhỏ vào bát. Kiểu gạch cua này tuy không cho bạn cảm giác thú vị khi ăn miếng gạch đóng tảng, nhưng khi ăn bánh đa trộn lại khiến gạch cua trộn đều vào bánh đa hay miến.

Nấu theo trường phái thanh đạm nên tô bánh đa của cô chỉ gồm có bánh đa (hoặc miến) ăn kèm rau muống, rau rút (khi vào mùa), một thìa gạch cua chưng, cây giò tai nhỏ và nước dùng. Nếu ăn món bánh đa trộn thì có thêm hành phi, lạc giã nhỏ. Đơn giản thế thôi mà ngon đến khó cưỡng.

Bát bánh đa cua của cô Anh không quá to, cũng không bị cảm giác ngồn ngộn mà chỉ ở mức vừa đủ xinh để ấm bụng mà không quá no. Bát bánh đa cua ở đây tùy lượng giò ăn kèm có giá từ 25 đến 35 ngàn đồng. Một điểm khiến thực khách yên tâm hơn khi ăn uống ở đây là gánh hàng rất gần nhà cô, bát đĩa bẩn được chuyển về nhà rửa nên cũng yên tâm khoản vệ sinh. Quán bán từ 11 giờ đến khoảng 4 giờ hàng ngày.

2. Bánh đa cua Lý Thường Kiệt

Chỉ là một gánh hàng nhỏ xíu, trước bán rong, vài tháng gần đây mới thuê mặt bằng để có chỗ ngồi tạm ổn định, nhưng tiếng tăm của bánh đa cua Lý Thường Kiệt thì có lẽ chẳng còn cần bàn tới. Trên thực tế, với hơn 10 năm thâm niên, quán bánh đa này còn là một phần thân thuộc với dân văn phòng quanh khu vực này và nhiều thế hệ học sinh trường Việt Đức.

Gia sản của quán này gói gọn ghẽ trong 2 cái thúng, một thúng là nồi nước dùng lúc nào cũng sôi lục bục, thúng còn lại là "hầm bà lằng" bát, bánh đa, rau ăn kèm... được bày hết sức khoa học cho tiết kiệm chỗ. Khi có khách, tùy theo yêu cầu, cô bán hàng mới chần rau, bánh đa, miến, thêm vào vài miếng chả cá mỏng, cây giò cắt nhỏ, chút mỡ hành phi. 

Bánh đa cua Lý Thường Kiệt mang vị ngon thanh đạm của bánh đa, miến chần vừa tới lại ngấm nước dùng đậm đà, đồ ăn đủ "đính kèm" để không trống trải nhưng không bị ngấy. Đặc biệt nhất phải kể đến nước dùng và gạch cua của quán. Cô hàng không vớt gạch cua để riêng ra bát mà cứ để nguyên những tảng gạch nổi trong nồi, khi có khách ăn thì lấy 1, 2 miếng nhỏ thêm vào bát. Ăn miếng gạch ở đây, bạn sẽ phát hiện ra ngày là gạch không hề độn đậu mà mềm, thơm ngậy đặc trưng.

Một điều khiến nhiều thực khách đến đây thích thú là khi làm xong bát bánh đa, bát miến, cô còn chu đáo lót thêm tờ giấy ăn rồi mới đưa khách để đỡ nóng. Bởi vốn quán vỉa hè thì làm gì có đủ bàn ghế, chỉ có chiếc ghế nhựa con con để khách ngồi rồi tự cầm bát mà ăn thôi. Một bát bánh đa cua đầy đủ ở đây cũng chỉ 30 ngàn. Quán bán từ tầm trưa đến cữ 4, 5 giờ là hết hàng.

3. Bánh đa cua Hàng Chĩnh

Nếu đã là người mê bánh đa cua, hẳn không ai chưa từng nghe đến bánh đa cua Hàng Chĩnh. Cũng phải thôi, bởi đến nay, quán đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề. Và thời gian bác Thơm bỏ gánh hàng rong để ngồi cố định hẳn ở phố Hàng Chĩnh cũng khoảng 5 năm có lẻ. Gọi là quán nhưng bánh đa cua Hàng Chĩnh rất bình dân, chỉ vài cái bàn, vài cái ghế nhựa cho khách đến có chỗ ngồi. Thế mà trưa nào, quán cũng đông nườm nượp.

Ai đã từng ăn bát bánh đa cua Hàng Chĩnh hẳn đều ấn tượng với thứ nước dùng cua thanh nhẹ, những sợi bánh đa chần đến độ, mềm mà không nát hay miếng gạch cua thơm bùi. Trong đó nhiều thực khách bảo bánh đa ở đây thứ gây nghiện nhất, bởi nó vừa dai, vừa mềm, ăn ngọt vị gạo rất "sướng miệng", điều không phải hàng bánh đa nào cũng có được.

Được biết, thứ bánh đa này được bác Thơm đặt từ quê nhà Nam Định lên để phục vụ dân Thủ đô sành miệng. Nhưng bánh đa cua đâu chỉ cần bánh đa ngon là đủ, mà cái ngon còn nằm ở nước dùng, ở gạch cua, ở mỡ hành ăn kèm. Bác Thơm bảo, mỗi ngày bác đều nấu 3 kg cua để có được nồi nước dùng thơm đúng vị và lớp gạch thơm mềm. 

Bánh đa đỏ được bác Thơm đặt từ Nam Định.

Mỗi bát bánh đa Hàng Chĩnh là sự tổng hòa của nắm bánh đa đỏ mềm dẻo, của rau muống, rau rút (hoặc rau cần lúc vào đông), vài miếng chả cá, miếng giò hồng nhạt (ở đây có đến 3 loại giò là giò bò, giò lụa, giò tai để lựa chọn), lạc rang giã nhỏ thêm thìa gạch cua, chút hành mỡ. Chỉ cần thêm chút ớt, thìa dấm, chan vài thìa nước dùng rồi trộn đều lên thì ăn có no cũng chẳng biết chán.

Bánh đa cua Hàng Chĩnh bán từ 11 giờ trưa đến khoảng 4 giờ chiều hàng ngày. Giá bánh đa ở đây, dù trộn hay nước cũng chỉ 30 ngàn là có ngay một bát ngon lành, "đầy có ngọn", rất hợp lý cho bữa trưa lạ miệng của dân công sở.

4. Bánh đa cua Trung Liệt

Ở con phố Trung Liệt, Đống Đa, có một quán bánh đa cua, miến trộn khá nổi tiếng. Quán nằm ngay trong sân một khu tập thể gần lối rẽ từ Thái Thịnh vào Trung Liệt, đến nay đã bán được hơn 10 năm. Ở đây chỉ bán món bánh đa và miến với 2 phiên bản nước và trộn nhưng luôn tấp nập khách ưa ẩm thực.

Dù có 2 lựa chọn là trộn và nước nhưng đến đây sẽ thấy, dường như các món trộn của quán có phần đắt hàng hơn. Một bát miến trộn ở đây khoảng 30 ngàn khá đầy đặn với đậu rán, giò tai, rau, thịt bò, hành với đặc trưng là cái nước dùng mỡ màng và ớt cay xè. Tuy nhiên, rau ở đây không phải là rau muống mà là rau cải, nước dùng cũng không rõ vị cua.

Về không gian, quán này thuộc kiểu dân dã với cả bàn ngồi ở sân tập thể và cả bàn trong nhà (tùy khung giờ). Đến đây ăn trưa, bạn phải gửi xe ở sân khu tập thể, nhưng khách ăn tại đây được miễn phí tiền gửi xe, nhớ để ý giữ cái phiếu nhân viên quán đưa cho mình để lúc ra lấy xe đưa cho bác trông xe.

Theo Thế Đại/Trí Thức Trẻ

0