5 điều cần làm ngay sau khi kết thúc kì thi THPT Quốc gia
5 điều cần làm ngay sau khi kết thúc kì thi THPT Quốc gia Những lưu ý sau kỳ thi THPT Quốc gia 2016 Cuộc đua vẫn chỉ vừa mới bắt đầu, hãy ghi nhớ ngay những điều sau đây để lựa chọn con đường sáng ...
5 điều cần làm ngay sau khi kết thúc kì thi THPT Quốc gia
Cuộc đua vẫn chỉ vừa mới bắt đầu, hãy ghi nhớ ngay những điều sau đây để lựa chọn con đường sáng suốt nhất cho bản thân sau khi kết thúc kỳ thi quan trọng.
Đáp án - Đề thi THPT Quốc gia năm 2016 - Tất cả các môn
Danh sách trường xét tuyển học bạ THPT năm 2016
Như vậy là kì thi THPT Quốc Gia 2016 đã vừa kết thúc, nhưng ngay sau đó là cả một chặng đường dài đầy "toan tính" để chọn cho mình một trường xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng. Nhiều bạn thi xong là nghĩ ngay đến việc "xõa" cho thật đã, tuy nhiên còn rất nhiều việc cần phải chú ý đến. Cuộc đua vẫn chỉ vừa mới bắt đầu, hãy ghi nhớ ngay những điều sau đây để lựa chọn con đường sáng suốt nhất cho bản thân.
Việc đầu tiên là phải dò ngay đáp án...và ước lượng được số điểm
Kì thi THPT Quốc Gia là kì thi chung vừa để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, vừa lấy tổ hợp môn để xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng. Ngay sau khi kết thúc các môn thi, đã có rất nhiều những bài giải gợi ý được các thầy cô uy tín đăng tải cho thí sinh tham khảo. Mặc dù chưa có đáp án chính thức của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên những đáp án trên vẫn mang tính xác thực khá cao, bạn nên chọn những trang tin uy tín để bắt đầu "dò đáp án ngay". Việc ước lượng số điểm là điều hết sức quan trọng, vừa giúp định hướng chọn trường ngay từ bây giờ, vừa là căn cứ để chuẩn bị tinh thần phúc khảo nếu như kết quả thi chênh lệch quá nhiều so với bạn "tự chấm".
Xác định được tổng điểm của tổ hợp môn để định hướng chọn ngành gì? ở trường nào? sao cho phù hợp nhất, tránh tình trạng bị động ngay khi có kết quả công bố. Các bạn nếu chỉ dùng để xét tốt nghiệp THPT cũng nên tính thử kết quả theo công thức mà Bộ GD&ĐT đã công bố để sau này chủ động hơn nếu như gặp sự cố.
Sẵn sàng tâm lí để chọn ngành học và trường đào tạo
Năm 2015, công tác xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ được đánh giá còn gặp nhiều hạn chế. Thời gian cận kề kết thúc hạn nộp hồ sơ xét tuyển đã có không ít những câu chuyện "dở khóc dở cười" mà nhiều người nói vui là "sàn chứng khoán". Tuy nhiên, khắc phục những hạn chế đó, kì xét tuyển năm nay chỉ cho phép thí sinh nộp hồ sơ vào 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành học và không được rút hồ sơ sau khi đã nộp. Chính vì vậy mà năm nay thí sinh cần phải cân nhắc kĩ lưỡng chọn trường làm sao cho phù hợp.
Điều đầu tiên phải phù hợp với sở thích, đam mê của bản thân, sau đó là điểm thi phải ước lượng thật chính xác để nộp vào trường, ngoài ra các yếu tố như: trường nằm ở tỉnh thành nào? có người thân ở đó hay không?, học phí bao nhiêu? chương trình đào tạo?...vv cũng là những yếu tố cần phải cân nhắc. Ngay sau khi "tự chấm" và ước lượng kết quả, bạn nên đối chiếu với điểm chuẩn của ngành học các năm vừa rồi, tham khảo thêm ý kiến của bố mẹ, các anh chị sinh viên đi trước để có những tư vấn chính xác nhất. Chuẩn bị tâm lí chọn ngành học và trường đào tạo ngay từ bây giờ để tránh bị động ngay khi kì xét tuyển sắp sửa bắt đầu.
Các mốc thời gian cần phải ghi nhớ
Công bố kết quả thi THPT Quốc Gia: Dự kiến khoảng từ ngày 20 tháng7 đến 25 tháng 7. Chậm nhất là trước ngày 30 tháng 7.Các bạn nên nhớ mốc thời gian này để truy cập và xem kết quả. Tình trạng ngẽn mạng cũng là điều rất có khả năng xảy ra, nên các bạn nhớ chủ động truy cập. Ngoài ra, nếu như không truy cập được thì cũng đừng nôn nóng quá, nhẫn nại một tí tránh áp lực dẫn đến căng thẳng.
Thời gian xét tuyển ĐH, CĐ đợt I: Thí sinh có thể làm thủ tục đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường Đại học, Cao đẳng trong 12 ngày từ ngày 1/8 đến 12/8. Trong đợt 1, mỗi thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển vào tối đa hai trường, mỗi trường tối đa hai ngành. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng sau khi đã đăng ký trong các đợt xét tuyển.
Thời gian công bố kết quả xét tuyển đợt I: Kết quả xét tuyển đợt I sẽ được công bố trước ngày 15 tháng 8. Ngoài ra các thí sinh cũng cần phải chú ý nộp Giấy chứng nhận kết quả thi (Bản chính) trước 17 giờ ngày 17 tháng 8 về cho trường mà mình trúng tuyển. Nếu chậm trễ thì kết quả trúng tuyển sẽ bị hủy.
Thời gian các đợt xét tuyển bổ sung: Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì có thể tham gia đợt xét tuyển bổ sung tùy vào sự tổ chức của các trường. Dự kiến thời gian cho mỗi đợt bổ sung là 10 ngày, bắt đầu từ 20/8 đến 20/10. Cách thức xét tuyển tương tự như xét tuyển đợt I.
Ngay sau khi trúng tuyển, các trường ĐH, CĐ sẽ thông báo danh sách ở trên Website của trường và gửi giấy báo nhập học qua đường bưu điện trong thời gian sớm nhất.
Giữ lại tài liệu ôn thi... và vẫn tiếp tục trau dồi thêm kiến thức
Sự học là vô tận, nhiều bạn cho rằng thi xong là "vứt hết", tuy nhiên việc học của bạn vẫn đang còn rất dài, kiến thức ở phổ thông là nền tảng cho đại học. Nhiều bạn lơ là đẫn đến mất sạch kiến thức, và tất nhiên là khi bắt tay vào học lại thì cảm thấy rất chán nản. Tiếng Anh nếu như lơ là, thì kỹ năng của bạn sẽ bị mai một đi, bạn hãy nhớ rằng mình vẫn còn phải học dài dài và phải học liên tục để giữ "phong độ". Ngoài ra, mỗi năm có rất nhiều thí sinh thi lại để xét tuyển vào các ngành học khác, hay còn gọi là thí sinh tự do, điều đó chứng tỏ rằng tài liệu ôn thi bạn không được "vứt" nó đi nếu như bạn chưa biết được kết quả xét tuyển. Hãy nhớ giữ lại tất cả những tài liệu liên quan, biết đâu sẽ có ngày bạn cần dùng đến đấy.
Bây giờ thì "xõa" được rồi đấy
Chắc chắn sau kì thi cực kì căng thẳng này, bạn được phép "tự thưởng" cho mình bằng những phút giây thư giãn. Sau khi đã lo liệu những việc trên một cách khoa học rồi, thì hãy nghĩ đến những tháng ngày vui vẻ trong lúc chờ đợi. Bạn nên làm những việc mà mình chưa làm được trong lúc bận rộn ôn thi, dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn, trò chuyện nhiều hơn với bố mẹ hoặc cũng có thể "xách ba lô" cho một chuyến du lịch ngắn ngày. Rất nhiều thứ bạn có thể làm, hãy tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi trong lúc chờ đợi này để làm nhiều việc ý nghĩa hơn.