14/01/2018, 17:05

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 Đáp án - Đề thi đại học môn Văn năm 2016 Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 Bộ GD vs ĐT công bố Đáp án - Đề thi THPT ...

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

Bộ GD vs ĐT công bố Đáp án - Đề thi THPT Quốc gia năm 2016 Tất cả các môn

Sáng ngày 2/7/2016, các thí sinh sẽ là bài thi THPT Quốc gia môn Văn với thời gian làm bài 180 phút, bắt đầu làm bài từ 7h30 phút. Nhằm giúp quý thầy cô, quý phụ huynh, cũng như các bạn thí sinh nắm chắc kết quả bài thi để tự tin hơn cho các môn thi tiếp theo. VnDoc.com sẽ nhanh chóng cập nhật . Mời các bạn chú ý theo dõi.

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Toán năm 2016

Đáp án - Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Lịch sử năm 2016

Đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Tiếng Anh năm 2016

Đề cương ôn tập THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ Văn

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

(Đề thi có 02 trang)

KÌ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2016

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa Thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

(Trích Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ, Thơ Việt Nam, 1945 - 1985, NXB Giáo Dục, 1985. tr. 218)

Câu 1: Sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt được thể hiện ở những từ ngữ nào trong khổ thơ thứ nhất?

Câu 2: Kể tên hai biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ thứ hai và thứ ba.

Câu 3: Nêu nội dung chính của đoạn trích.

Câu 4: Từ đoạn trích, anh/chị hãy bày tỏ cảm nghĩ của mình về tiếng Việt (Trình bày khoảng 7 đến 10 dòng)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8

Cuộc sống riêng không biết đến điều gì xảy ra ngoài ngưỡng cửa nhà mình là một cuộc sống nghèo nàn, dù nó có đầy đủ tiện nghi đến đâu đi nữa. nó giống như một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm sạch sẽ và gọn gàng. Mảnh vườn này có thể làm chủ nhân của nó êm ấm một thời gian dài, nhất là khi lớp rào bao quanh không còn làm họ vướng mắc nữa. Nhưng hễ có một cơn dông tố nổi lên là cây cối sẽ bị bật khỏi đất, hoa sẽ nát và mảnh vườn sẽ xấu xí hơn bất kì một nơi hoang dại nào. Con người không thể hạnh phúc với một hạnh phúc mong manh như thế. Con người cần một đại dương mênh mông bị bão táp làm nổi sóng nhưng rồi lại phẳng lì và trong sáng như trước. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn.

(Theo A. L. Ghéc-xen, Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.31)

Câu 5: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 6: Vẻ bề ngoài đẹp đẽ của "cuộc sống riêng không biết gì hết ở bên kia ngưỡng cửa nhà mình" được thể hiện rõ nhất qua hình ảnh so sánh nào?

Câu 7: Tại sao tác giả cho rằng "Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn"?

Câu 8: Anh/Chị suy nghĩ thế nào về cuộc sống của con người khi thoát ra khỏi "cái tuyệt đối cá nhân"? (Trình bày khoảng 7 đến 10 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) bàn luận về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Có ý kiến cho rằng: Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người

Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm Vợ nhặt, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

Đáp án đề thi chính thức THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Những từ ngữ thể hiện sự mượt mà và tinh tế của tiếng Việt: vẹn tròn, vầng trăng cao, đêm cá lặn sao mờ, bùn, lụa, óng tre ngà, mềm mại như tơ. (Thí sinh cần chỉ ra ít nhất 02 từ ngữ trong các từ ngữ trên). (0,25)

2. Kể tên được hai biện pháp tu từ trong các biện pháp: so sánh, liệt kê, điệp, ẩn dụ. (0,25)

3. Nội dung chính của đoạn trích: (0,50)

  • Khẳng định vẻ đẹp và sức sống của tiếng Việt.
  • Thể hiện niềm tự hào và tình yêu của tác giả đối với tiếng Việt.

4. Bày tỏ cảm nghĩ chân thành, sâu sắc của bản thân (có thể trình bày theo hướng: tự hào, yêu quý, có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt,...). (0,50)

5. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận/ phương thức nghị luận. (0,25)

6. Hình ảnh so sánh: một mảnh vườn được chăm sóc cẩn thận, đầy hoa thơm, sạch sẽ, gọn gàng. (0,25)

7. Số phận của những cái tuyệt đối cá nhân, không bộc lộ ra khỏi bản thân, chẳng có gì đáng thèm muốn vì: (0,50)

  • Đó là cuộc sống nghèo nàn.
  • Đó là hạnh phúc mỏng manh và sự êm ấm tạm thời.
  • Nó khiến con người không có khả năng vượt qua những dông tố của cuộc đời.

8 Thể hiện suy nghĩ hợp lí, thuyết phục về cuộc sống thoát ra khỏi cái tuyệt đối cá nhân (có thể trình bày theo hướng: cuộc sống con người có ý nghĩa hơn khi xác lập được mối liên hệ giữa cái tôi với cái ta, giữa cá nhân với cộng đồng,...). (0,50)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm): Viết bài văn bàn luận về vấn đề: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình, còn dũng khí lại giúp họ được là chính mình. (0,50)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

  • Giải thích: (0,25)
    • Hèn nhát: thiếu can đảm đến mức đáng khinh; dũng khí: sức mạnh tinh thần trên mức bình thường, dám đương đầu với những trở lực, khó khăn, nguy hiểm.
    • Nội dung ý kiến: một mặt phê phán những kẻ hèn nhát tự đánh mất chính mình; mặt khác đề cao những người có dũng khí dám sống là chính mình.
  • Bàn luận: (1,25) Thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:
    • Sự hèn nhát khiến con người tự đánh mất mình: (0,50)
      • Sự hèn nhát làm cho con người thiếu tự tin, không dám bộc lộ chủ kiến, dễ a dua; không đủ nghị lực để thực hiện những mong muốn chính đáng của bản thân.
      • Sự hèn nhát khiến con người không thể vượt qua những cám dỗ, dục vọng tầm thường; không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác; không dám lên tiếng bênh vực cái thiện, cái đẹp.
    • Dũng khí giúp con người được là chính mình: (0,50)
      • Dũng khí giúp con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám dấn thân theo đuổi những đam mê chính đáng, phát huy cao độ năng lực bản thân.
      • Dũng khí tạo nên sức mạnh kiên cường giúp con người dám đương đầu với những thách thức; dám bênh vực lẽ phải, bảo vệ chân lí.
    • Mở rộng: (0,25)
      • Dũng khí không đồng nghĩa với sự liều lĩnh, bất chấp; sống là chính mình không đồng nghĩa với chủ nghĩa cá nhân cực đoan; do đó, con người cần tôn trọng cá tính, sự khác biệt và cũng cần biết hợp tác vì chính nghĩa.
      • Việc dám sống là chính mình của mỗi người sẽ góp phần làm nên bản lĩnh sống của dân tộc.
  • Bài học nhận thức và hành động:
    • Cần nhận thức đúng đắn sự tiêu cực của lối sống hèn nhát và sự tích cực của lối sống có dũng khí; từ đó, bày tỏ quan niệm sống của chính mình và rút ra bài học hành động phù hợp cho bản thân. (0,25)

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. (0,25)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)

Câu 2 (4,0 điểm):Phân tích tình huống truyện và bình luận ý kiến: Trong tác phẩm "Vợ nhặt", nhà văn Kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề. (0,25)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tình huống bất thường nói lên khát vọng bình thường mà chính đáng của con người trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. (0,50)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

  • Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: (0,25)
    • Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, chuyên viết về cuộc sống và con người nông thôn.
    • Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc, tác giả đã sáng tạo được tình huống "nhặt vợ" độc đáo.
  • Nêu nội dung ý kiến: khẳng định thành công của tác giả trong việc xây dựng tình huống độc đáo (tính chất bất thường), giàu ý nghĩa nhân bản (thể hiện khát vọng bình thường của con người). (0,25)
  • Phân tích tình huống: (1,25)
    • Nêu tình huống: Tràng - một nông dân ngụ cư nghèo khổ, ngờ nghệch, xấu xí, đang ế vợ bỗng nhiên "nhặt" được vợ giữa nạn đói khủng khiếp. (0,25)
    • Tính chất bất thường: giữa nạn đói kinh hoàng, khi người ta chỉ nghĩ đến chuyện sống - chết thì Tràng lại lấy vợ; một người tưởng như không thể lấy được vợ lại "nhặt" được vợ một cách dễ dàng; Tràng "nhờ" nạn đói mới có được vợ còn người đàn bà vì đói khát mà theo không một người đàn ông xa lạ; việc Tràng có vợ khiến cho mọi người ngạc nhiên, không biết nên buồn hay vui, nên mừng hay lo;... (0,50)
    • Khát vọng bình thường mà chính đáng của con người: khát vọng được sống (người đàn bà đói khát theo không về làm vợ Tràng); khát vọng yêu thương, khát vọng về mái ấm gia đình (suy nghĩ và hành động của các nhân vật đều hướng tới vun đắp hạnh phúc gia đình); khát vọng về tương lai tươi sáng (bà cụ Tứ động viên con, người vợ nhặt nhắc đến chuyện phá kho thóc, Tràng nghĩ đến lá cờ đỏ sao vàng,...);... (0,50)
  • Bình luận: (0,75)
    • Thí sinh cần đánh giá mức độ hợp lí của ý kiến, có thể theo hướng: ý kiến xác đáng vì đã chỉ ra nét độc đáo và làm nổi bật ý nghĩa quan trọng của tình huống truyện trong việc thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác giả.
    • Có thể xem ý kiến là một định hướng cho người đọc khi tiếp nhận tác phẩm Vợ nhặt, đồng thời là một gợi mở cho độc giả về cách thức tiếp cận truyện ngắn theo đặc trưng thể loại.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận. (0,50)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. (0,25)

Lưu ý chung

  1. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, bài làm của thí sinh cần được đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm..
  2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
  3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Bài viết có thể không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
  4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng hoặc phần thân bài ở hai câu làm văn chỉ viết một đoạn văn.
  5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
0