18/06/2018, 13:09

4. Thời Trần (1225-1400) - 175 năm tiếp tục phát triển văn hóa Thăng Long

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm * Thời Trần (1225-1400) - 175 năm tiếp tục phát triển văn hóa Thăng Long Lê Văn Hảo "Phái thiền Trúc Lâm đã làm cho tôn giáo và ...

Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm
*
Thời Trần (1225-1400)
-
175 năm tiếp tục phát triển văn hóa Thăng Long

Lê Văn Hảo

"Phái thiền Trúc Lâm đã làm cho tôn giáo và văn hóa Việt Nam phong phú thêm nhờ một số tác phẩm bất hủ "
Nực cười châu chấu Đại Việt đá xe Mông Cổ
Thay nhà Lý, triều đại Trần tồn tại 175 năm, từ đầu thế kỷ 13 tới hết thế kỷ 14.

Cũng vào đầu thế kỷ 13, Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) thống nhất các bộ lạc du mục Mông Cổ rồi xây dựng một đế chế rộng lớn, bành trướng bằng chiến tranh sang đế chế Ba Tư, rồi sang châu Âu, đánh chiếm nhiều nước, nô dịch nhiều dân tộc, đánh chiếm luôn cả Trung Quốc thời nhà Tống.

Gengis Khan lập nên triều đại nhà Nguyên, tồn tại trong bốn thế kỷ như là một nỗi kinh hoàng khiếp đảm và một đại họa đẫm máu của nhân loại đương thời, đến nỗi một nhà thơ Arménie sống ở thế kỷ 13 đã phải thống thiết ta thán :

Không còn một dòng suối, một con sông nào
Không tràn đầy nước mắt của chúng ta
Không còn một ngọn núi, một cánh đồng nào
Không bị quân Tartar dày xéo...
Riêng Đại Việt thời Trần - một cái gai trước mắt Đại hãn Hốt Tất Liệt, vì dám chặn đường bành trướng của đế chế Mông Cổ xuống miền Đông Nam Á - đã bị vó ngựa kỵ binh Mông Cổ dày xéo đến ba lần : 1258, 1285, 1287-1288. Và cả ba lần quân Mông Cổ đã thất bại.

Để chống lại các đội quân khét tiếng thiện chiến và hung ác ấy, nhà Trần đã xây dựng được một quân đội hùng mạnh với nhiều tướng tài (đứng đầu là Trần Quốc Tuấn), nhiều vua giỏi (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông). Tại hội nghị Bình Than, vua và các vương hầu đã nêu cao quyết tâm "sát Thát" (diệt Mông Cổ). Rồi tại hội nghị Diên Hồng (1285) đông đảo các bô lão Đại Việt, đại diện cho toàn dân đã đồng thanh hô "Quyết đánh !".
 



   

Thế là từ 1258 đến 1288 quân và dân nhà Trần (kể các các sắc tộc ít người vùng rừng núi) đã làm nên những Bình Lệ Nguyên, Đông Bộ Đầu, Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, và nhất là đại thắng Bạch Đằng, làm cho quân đội Mông Cổ hoàn toàn tan tác, và hầu hết các tướng chỉ huy (Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ Ngọc...) đều bị bắt sống.

Sông Bạch Đằng đã đi vào thơ văn Việt Nam như một hình tượng bất tử. Dân gian thì chỉ nói đơn giản bằng ca dao :

"Nực cười châu chấu đá xe
Tưởng châu chấu ngã ai dè xe nghiêng"
Còn Trần Quang Khải, một trong những anh hùng thắng Mông Cổ, sau đại thắng Bạch Đằng cũng chỉ có mấy lời thơ bình dị :
"Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng sức
Non nước vững muôn thu".
Năm địa danh của một thời kỳ quang vinh
Nói tới thời Trần, trong ký ức tập thể Việt Nam ngân vang 5 địa danh : Tức Mặc, Côn Sơn, Kiếp Bạc, Quỳnh Lâm, Yên Tử.

Tức Mặc là quê hương gốc của các vua Trần, xưa gọi là hương Tức Mặc, được nhà Trần tôn lên thành phủ Thiên Trường vì đã là một trung tâm chính trị và văn hóa quan trọng trong ngót hai thế kỷ. Nơi đây, nhiều cung điện đã được dựng lên : cung Trùng Quang, Trùng Hoa, cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, v.v. làm cho Thiên Trường lộng lẫy đến nỗi Trần Thánh Tông (trị vì 1258-1278) đã phải ngợi ca : "Trong 12 cõi tiên thì chốn này là cõi thứ nhất".

Làng Tức Mặc ngày nay cách thành phố Nam Định 3 km, chỉ còn giữ được một ít dấu tích thời Trần và một vài di tích lịch sử - văn hóa : chùa Phổ Minh với 96 chân cột đá tảng chạm hoa sen, hai đôi rồng đá, và đặc biệt còn nguyên vẹn là tháp Phổ Minh (1305). Gần chùa có đền Trần, gồm hai ngôi đền Thiên Trường và Cổ Trạch thờ 14 vị vua Trần và Trần Quốc Tuấn (đại vương Hưng Đạo).

Địa danh thứ hai là Côn Sơn, một trong ba trung tâm Phật giáo lớn thời Trần (cùng với Quỳnh Lâm và Yên Tử), đã từng tiếp đón ba vị tổ sáng lập phái thiền Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.



 

Địa danh thứ ba là Kiếp Bạc (còn gọi là Vạn Kiếp), có đền lớn xây trên phần đất làng Kiếp và làng Bạc, nay thuộc tỉnh Hải Dương. Gần đền có hai chùa thờ Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng và các tướng lãnh khác của Trần Quốc Tuấn.

Địa danh thứ tư là Quỳnh Lâm với một chùa lớn có từ thời Lý, được mở rộng ở thời Trần, là nơi thiền sư Pháp Loa đã đến trụ trì và xây thêm viện Quỳnh Lâm (1329). Chùa và viện đã trở thành đệ nhất danh lam cổ tích của Đại Việt, nơi tàng trữ kinh, thuyết pháp và đào tạo sư sãi.

Địa danh thứ năm là Yên Tử mà ca dao đã đề cao :

"Trăm năm tích đức tu hành,
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu".
Đây là một hệ thống chùa tháp cổ kính gắn với sự sáng tạo phái thiền Trúc Lâm đặc sắc Việt Nam. Từ chân núi đến đỉnh núi (cao 1068 m) có gần 20 di tích, kể cả tượng tổ Trúc Lâm thứ nhất Trần Nhân Tông. Trong lịch sử Phật giáo cũng như trong lịch sử văn hóa Việt Nam có lẽ không có một khu di tích nào vừa hùng vĩ vừa trữ tình nên thơ mà lại đầy khí vị linh thiêng như Yên Tử, với một hội chùa kéo dài từ mồng 9 tháng Giêng đến hết tháng Ba, rộn rã và nồng nhiệt hơn cả hội Chùa Hương, lôi cuốn được nhiều vạn tín đồ và du khách.
Một hội lễ lớn vinh danh Đức Thánh Trần
Bên cạnh nhiều hội lễ liên quan đến thời Trần có lẽ không có sinh hoạt tôn giáo nào nổi đình nổi đám bằng hội Đền Kiếp Bạc. Khu đền nằm trong một thung lũng trù phú của châu thổ sông Hồng, chung quanh có dãy núi Rồng bao bọc, tạo cho Kiếp Bạc một vẻ đẹp vừa kín đáo thơ mộng lại vừa tràn đầy khí vị hùng tráng của một thời hiển hách.

Vào thế kỷ 13, Kiếp Bạc vốn là nơi đặt tổng hành dinh và phủ đệ của Trần Hưng Đạo, vị tổng chỉ huy cuộc kháng chiến chống Mông Cổ. Sau khi mất (1300), ông được nhân dân tôn lên là Đức Thánh Trần và lập đền thờ ở nhiều nơi khắp miền Bắc tới tận Sài Gòn.



 

Trẩy hội Đền Kiếp Bạc để tưởng nhớ và vinh danh Đức Thánh Trần là một tập quán tốt đẹp của dân gian từ nhiều thế kỷ qua. Tuy ngày 20 tháng Tám âm lịch mới là chính hội nhưng từ mồng 10 vô số khách thập phương đã kìn kìn kéo tới Kiếp Bạc bằng đường bộ và đường thủy, kể cả bà con các sắc tộc ít người ở miền núi miền biển, từ Hòa Bình tới Quảng Ninh. Ngày xưa tới dự hội người ta thích lên đồng hầu bóng vì cho là Đức Thánh Trần rất linh thiêng, cầu chi được nấy. Ngày nay đông đảo người đến dự hội là để vãn cảnh, tưởng niệm, dâng hương, tế, rước và chiêm ngưỡng các pho tượng đẹp quí thờ trong đền.

Đám rước của hội đền với các đội múa rồng múa lân, các đoàn thuyền rồng trang hoàng rực rỡ là một đám rước hoành tráng giữa tiếng pháo nổ, tiếng loa vang, tiếng chiêng trống tù và âm vang trên một chặng đường thủy bộ dài hơn 2 km.

Mỹ thuật thời Trần, một nét son của mỹ thuật Việt Nam
Sau thời Lý, hai thế kỷ 13-14 đã chứng kiến sự phát triển của mỹ thuật thời Trần. Bất chấp những tàn phá của khí hậu và của chiến tranh vẫn còn tồn tại một vài công trình có giá trị lớn.

Tháp Bình Sơn (tháp Then) ở Phú Thọ gồm 11 tầng, cao 15 m, xây toàn bằng đất nung. Toàn bộ mặt ngoài tháp được phủ kín các hình trang trí : rồng, sư tử, hoa sen, lá đề.

Tháp Phổ Minh ở Nam Định, gồm 14 tầng, cao đến 21 m. Tầng dưới xây đá, các tầng trên xây gạch nung, đơn giản mà thanh thoát, là nơi cất giữ xá lợi của tổ thứ nhất phái thiền Trúc Lâm Trần Nhân Tông.

Vài ngôi chùa thời Trần còn giữ lại được là chùa Phổ Minh, chùa Bối Khê (Hà Tây) và nhất là chùa Thái Lạc (Hải Dương) với những mảng chạm khắc gỗ tuyệt tác : những nhạc công đánh đàn, tiên nữ dâng hoa, nữ thần nửa người nửa chim (kinnari) giữa rồng bay phượng múa...



   

Bên cạnh các tháp và chùa, phải nhắc tới khu lăng tẩm các vua Trần (Quảng Ninh), lăng Trần Thủ Độ (Thái Bình), với một số tượng thú đẹp, nổi tiếng là tượng cọp dài 1,40 m tạc từ một khối đá tĩnh lặng nhưng tiềm tàng sức mạnh.

Đồ gốm thời Trần, điển hình là gốm hoa nâu, cũng đáng chú ý vì những thành tựu của nó, là những sản phẩm có kích thước lớn như chậu, thạp, liễng, vò, chân đèn, lư hương... Nhờ các sản phẩm ấy mà chúng ta thấy được voi, cọp, chim, tôm, cá, bông sen, bông cúc... và cả hình tượng hiên ngang của chiến binh thời Trần đã làm cho các đội quân Mông Cổ thiện chiến lắm phen thất điên bát đảo !

Khoa học, văn học và tôn giáo thời Trần
Hơn hẳn thời Lý, khoa học nhân văn thời Trần đã có những thành tựu đáng khen ngợi.

Đặng Lộ (không rõ năm sinh, năm mất) là một nhà thiên văn và lịch pháp học đã chế tạo được dụng cụ khí tượng học lung linh nghi, được Đại Việt sử ký toàn thư nhắc tới như là một khí cụ dùng để "khảo nghiệm các hiện tượng thiên văn, không việc gì là không đúng".

Cùng với Đặng Lộ, Trần Nguyên Đán (1326-1390) cũng là một nhà thiên văn và lịch pháp học có tiếng ở thời Trần. Tuy giữ chức đại phu ở đài ngự sử nhưng ông lại say mê tìm hiểu thiên văn và lịch pháp, rồi biên soạn cuốn Bách thế thông kỷ thư với một cách nhìn thiên nhiên, vũ trụ và thời gian theo chiều hướng khoa học chớ không bằng cảm tính.

Về y học, danh nho Chu Văn An (1292-1370), nhà thơ kiêm nhà giáo, đã có một đóng góp quan trọng là cuốn Y học yếu giải tập chú di biên, có lẽ là công trình đầu tiên về y học ra đời trên đất nước ta.

Hai lãnh vực mà thời Trần đã có những đóng góp xuất sắc nhất là quân sự học và sử học.

Trần Quốc Tuấn (1232-1300) vừa là anh hùng dân tộc lỗi lạc vừa là nhà văn lớn, tác giả Hịch tướng sĩ văn, kiêm nhà khoa học quân sự lớn, đã viết Binh thư yếu lượcVạn Kiếp tông bí truyền thư, còn gọi là Bát quái cửu cung đồ, với một lời tựa của danh tướng Trần Khánh Dư.

Những công trình sử học quí báu có tính chất tiên phong ở thời Trần là :

- Đại Việt sử lược, cuốn sử biên niên (viết bằng chữ Hán) của một tác gia khuyết danh chép từ Triệu Đà đến hết thời Lý là bộ sử xưa nhất còn lưu truyền đến nay;

- Đại Việt sử ký là tên gọi hai bộ quốc sử của Lê Văn Hưu thời Trần và Phan Phu Tiên thời Lê. Tuy cuốn của Lê Văn Hưu đã thất truyền nhưng những lời bình của ông vẫn được các sử gia đời sau trân trọng giữ lại ;

- An Nam chí lược của Lê Tắc ghi chép về lịch sử, địa lý, phong tục và một số sự kiện văn hóa từ đầu đến cuối thời Trần. Đây là sưu tập vào loại sớm nhất của ngành Việt học có giá trị văn hóa học.

Nói tới văn học thời Trần trước hết phải nhấn mạnh tới sự xuất hiện của chữ Nôm, được tạo ra theo nguyên tắc và trên cơ sở chữ Hán, nhưng ghi được tiếng nói của người Việt và đã được dùng ngay để sáng tác văn học. Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Trần Nhân Tông, Chu Văn An... là những tác giả đầu tiên đã làm thơ phú bằng chữ Nôm, đặt cở sở cho nền văn học tiếng Việt.

Sau thời Lý, văn học chữ Hán thời Trần tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều chục tác giả, tiêu biểu nhất là Trần Quốc Tuấn, Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Mạc Đỉnh Chi... tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước tràn trề khí phách anh hùng.
 



   

Bảy thế kỷ đã trôi qua nhưng lòng ta vẫn dạt dào xúc động khi đọc lại những lời văn lời thơ tuyệt vời trong Hịch Tướng sĩ, phú Bạch Đằng giang, phú Hoa Sen Giếng Ngọc, thơ Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường, thơ Qua Vạn Kiếp, thơ Núi Dục Thúy... Hãy nêu lên một ví dụ sáng giá, đầy tự hào :

Sông Bạch Đằng
thơ Nguyễn Sưởng
(tạm dịch)
Mồ chôn quân thù cao như núi, cây cỏ xanh tươi
Nước triều ngoài biển ầm ầm, đá núi lởm chởm
Mấy ai biết sự nghiệp muôn thuở đời Trùng Hưng
Một nửa nhờ sông núi, một nửa do con người
Đứng về mặt tâm linh, thời Trần đã có một sáng tạo mới mẻ đó là phái thiền Trúc Lâm, do Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang lập ra.

Thiền, gọi đầy đủ là thiền na (tĩnh tâm để suy nghĩ) là một dòng tư tưởng lớn của Phật giáo. Người tu thiền nhắm mục đích định tâm, dùng phương tiện thở và chế ngự hơi thở để tâm trở nên tỉnh táo, cảm thấy yên vui, từ đó đi sâu vào tư duy, không còn nghi hoặc, oán giận, hối tiếc hay bị phân tán, để hiểu cho được các chân lý chủ đạo như thế nào là khổ, vô thường, vô ngã, trầm luân, niết bàn...

Với phái thiền Trúc Lâm, người tu thiền không dựa trên kinh kệ, truyền dạy không theo giáo lý, đi thẳng vào tâm con người, thấy cho được tính Phật mà giác ngộ. Nói tóm lại phải đạt tới chân lý : "Phật tại tâm", "Phật ấy là lòng".

Phái thiền Trúc Lâm đã làm cho tôn giáo và văn hóa Việt Nam phong phú thêm nhờ một số tác phẩm bất hủ : Khóa hư lục, Tam tổ thực lục, Thượng sĩ ngữ lục, Thuyền uyển tập anh ngữ lục...

Danh nhân thời Trần : nhiều tướng giỏi, vua hiền, trí thức lớn và một công chúa vĩ đại.

Nói tới danh nhân thời Trần, trước hết phải nhắc tới những danh tướng đã ba lần quét sạch quân xâm lược Mông Cổ ra khỏi bờ cõi Đại Việt, đó là những Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản... và không thể quên hai gia nô Yết Kiêu và Dã Tượng rất trung tín với đại vương Hưng Đạo, đã được vị tổng tư lệnh đề cao với lời lẽ như sau : "Chim hồng, chim hộc bay được là nhờ vào sáu trụ xương cánh, nếu không cũng chỉ là chim thường".

Danh tướng lỗi lạc nhất trong các danh tướng là Trần Hưng Đạo, vị đại vương cả một đời vì dân vì nước, đã viết nên kiệt tác hịch Tướng sĩ góp phần nâng cao tinh thần quyết đánh quyết thắng của toàn dân Đại Việt. Năm 1300 khi ông dau nặng, Trần Anh Tông tới thăm và hỏi kế giữ nước, nhà tư tưởng Trần Hưng Đạo đã có câu nói vô cùng sâu sắc :

"...Vì vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức nên giặc đã đại bại. Nên khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc đó là thượng sách giữ nước".

Nhà Trần có nhiều tướng giỏi lại lắm vua hiền.

- Trần Thái Tông (1218-1277), vị vua đầu tiên của nhà Trần đã từng trực tiếp xông pha trận mạc. Sau chiến thắng đã nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông để làm thơ và nghiên cứu Phật giáo rồi viết ra Thái hư lục và Thiền tông chỉ nam. Qua thơ văn ông, người đời sau thấy được tâm sự một vị vua khoan hậu, tuy chưa hề xuất gia nhưng vẫn tha thiết với Phật pháp và mơ ước một cuộc sống thanh tĩnh, an nhiên, coi thường quyền lực và phú quí.

- Trần Thánh Tông (1240-1290), con của Thái Tông. Hai cha con đã triệu tập hội nghị Diên Hồng phát động được lòng yêu nước của toàn dân. Vừa thích nghiên cứu đạo Phật vừa giỏi văn học và biết tôn trọng hiền tài, Thánh Tông đã để lại cho đời sau một số bài thơ hay ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên bằng lời lẽ đạm bạc trang nhã và lạc quan.

- Trần Nhân Tông (1258-1308), con của Thánh Tông, có lẽ là vị vua lỗi lạc nhất của thời Trần. Cùng vua cha và các tướng lãnh kiệt xuất, đứng đầu là Trần Quốc Tuấn, ông đã tham gia tổ chức toàn dân kháng chiến và hai lần đánh thắng giặc Mông Cổ. Gần 60 tuổi, ông lên Yên Tử tu hành, toàn tâm toàn ý nghiên cứu thiền học và lập phái thiền Trúc Lâm với tư cách là vị tổ thứ nhất. Các tập sách thiền ông viết và các tập thơ ông làm hầu hết đã mất, nhưng thật may mắn là vẫn còn bài phú Nôm : Ở giữa cõi trần vui đạo, và 25 bài thơ tả ngày xuân, ánh trăng, cánh đồng lúc chiều hôm... cho ta thấy một tâm hồn nghệ sĩ tuy đã tu hành nhưng vẫn không khước từ hơi ấm của cuộc đời và niềm vui sống đạm bạc mà rất mực thanh khiết.

Giữa các danh nhân thời Trần có một người phụ nữ rất đáng được đề cao, đó là Huyền Trân. Cho đến nay vẫn chưa được biết năm sinh năm mất của bà công chúa này. Chỉ biết rằng vào năm 1306, tuân lệnh vua cha (Nhân Tông) và vua anh (Anh Tông), bà đã sang Champa kết hôn với vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân) và trở thành hoàng hậu Paramevan. Năm sau vua Chăm mất, triều Trần cử thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung sang Champa đón bà về Đại Việt.

Với thời gian, hình tượng Huyền Trân hiện lên lồng lộng trong văn hóa dân gian, âm nhạc và văn học Việt Nam. Nhờ sự hy sinh cao cả của bà, muốn thay thế bạo lực và chiến tranh bằng hòa bình và hữu nghị giữa hai dân tộc, nên đã có được một đám cưới vương giả tốt đẹp mà sính lễ là dải đất dài rộng từ nam Quảng Trị tới bắc Quảng Nam, kể cả ngọn đèo chiến lược là Hải Vân, thì xét ra công lao của Trần Huyền Trân đối với tổ quốc cũng xứng đáng cho phép chúng ta gọi bà là một công chúa Việt Nam vĩ đại.

Lê Văn Hảo
(Paris)

0