7. Thời Mạc (1527-1592) - hay 65 năm phục hưng văn hóa dân gian Đại Việt
Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm * 7.Thời Mạc (1527-1592) - hay 65 năm phục hưng văn hóa dân gian Đại Việt Lê Văn Hảo "... Đăng Dung đã ...
Việt Nam Văn Hiến Ngàn Năm *
7.Thời Mạc (1527-1592)
-
hay 65 năm phục hưng văn hóa dân gian Đại ViệtLê Văn Hảo
"... Đăng Dung đã xúc phạm tới điều thiêng liêng nhất đối với người Việt là độc lập dân tộc, thanh danh tổ quốc. Từ đó nhà Mạc bị cô lập, suy yếu dần, và cuối cùng đã tan rã (1592)..."
Vương triều Mạc từ Thăng Long tới Cao Bằng : 65 năm vinh nhục
Thế kỷ 15 là thời thịnh trị của triều đại Lê Sơ, nhưng sau khi Lê Thánh Tông mất (1497), sự thịnh vượng của triều đại không còn nữa, bóng vang của một thời "văn trị võ công" phai nhạt dần. Với những vua hung ác, xa hoa, đồi trụy như Uy Mục, Tương Dực hay yếu hèn như Chiêu Tông, với một triều đình chia năm xẻ bảy tranh giành hỗn loạn, Mạc Đăng Dung, một tướng võ tài giỏi cháu bảy đời của danh nhân Mạc Đĩnh Chi thời Trần, đã để mười năm để loại trừ dần các phe phái đối lập, chấm dứt triều Lê Sơ không mấy khó khăn và lên ngôi vua (1527), chính thức lập ra triều Mạc trên đất nước Đại Việt.Thật ra nhà Mạc - được gọi là Bắc triều - chỉ cai quản phần lãnh thổ của Đàng Ngoài từ vùng Sơn Nam trở ra, còn các quan tướng cũ của nhà Lê Sơ (Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm...) đứng đầu Nam triều, cai quản vùng đất từ phía nam Sơn Nam tới Thuận Hóa, với trung tâm là miền Thanh Hóa, và liên tục đánh nhau với Bắc triều tới năm 1592 thì con cháu nhà Mạc phải rút lui lên ẩn náu tại vùng rừng núi Cao Bằng cho tới năm 1677 mới bị họ Trịnh đánh bại hoàn toàn.
Trong 65 năm trị vì trên một phần lớn lãnh thổ Đàng Ngoài, 5 vua Mạc từ Đăng Dung (1527-1529) tới Hậu Hợp (1562-1592) đã làm được một số việc tích cực như :
- Xây dựng được một lực lượng quân đội mạnh, thường xuyên có trên 10 vạn người ;
- Chú trọng tổ chức khoa cử : mở 22 khoa thi Hội, lấy đậu 484 tiến sĩ (11 trạng nguyên), nhiều người trong số đó đã có những đóng góp cho văn học và văn hóa thời Mạc;
- Làm cho kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp khá phát triển, kể cả ngoại thương ;
- Không đề cao Tống nho như thời Lê Sơ, trái lại cố gắng phục hồi Phật giáo, cùng lúc khuyến khích sự thăng tiến của văn hóa dân gian, cụ thể là khuyến khích nghệ thuật gốm sứ xuất khẩu ;
- Giúp dân trùng tu hay xây dựng nhiều đình miếu, chùa quán, làm giàu cho văn hóa dân gian Đại Việt.
Tuy nhiên bên cạnh một số công lao và với ít nhiều vinh quang như thế, nhà Mạc đã để lại một gương xấu trong lịch sử dân tộc : năm 1537 vua nhà Minh điều quân xuống miền Lưỡng Quảng rồi viết hịch kể tội cha con Mạc Đăng Dung và ra lệnh "nếu biết tự trói mình nhận tội thì sẽ được tha tội chết". Đại Việt sử ký toàn thư cho biết Mạc Đăng Dung đã lên biên giới tự trói mình làm lễ đầu hàng và cắt đất 5 động dâng nộp cho nhà Minh. Sau cử chỉ nhục nhã này vua Minh phong cho Đăng Dung làm An Nam đô thống sứ và thôi không tiến quân xâm lược Đại Việt nữa.
Chính sách đối ngoại bạc nhược và hèn hạ của nhà Mạc đã gây bất bình, phẫn nộ trong nhân dân, kể cả quan lại sĩ phu : Đăng Dung đã xúc phạm tới điều thiêng liêng nhất đối với người Việt là độc lập dân tộc, thanh danh tổ quốc. Từ đó nhà Mạc bị cô lập, suy yếu dần, và cuối cùng đã tan rã sau khi bị quan quân Lê Trung hưng đánh đuổi chạy lên cố thủ tại vùng rừng núi Cao Bằng hiểm trở.
Thời Mạc là một thời kỳ phục hưng văn hóa dân gian Đại Việt Văn hóa dân gian là nền tảng của văn hóa dân tộc. Trước thời Mạc là năm thế kỷ văn hóa dân gian Việt Nam phong phú. Người Việt đã có một nền thần thoại lâu đời với những hình tượng đẹp đẽ : Ông Trời, Bà Trời, mười hai Bà Mụ, Nàng Bân, Chú Cuội v.v...
Cùng với thần thoại, nền truyền thuyết của người Việt cũng rất lâu đời và làm nên niềm kiêu hãnh của chúng ta xưa nay với những truyện về họ Hồng Bàng, Âu Cơ - Lạc Long, các Vua Hùng, Ông Gióng, Rùa Vàng giúp vua Thục xây thành Cổ Loa. Rồi những truyện hấp dẫn về các vị anh hùng dân tộc từ Bà Trưng, Bà Triệu tới Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi.
Ra đời muộn hơn thần thoại và truyền thuyết, những cổ tích quen thuộc nhất của người Việt như Tấm Cám, Trương Chi - Mỵ Nương, Thạch Sanh, Cây Khế, Sọ Dừa... chắc chắn đã có trong folklor Việt từ thời Lý-Trần.
Các làn điệu dân ca cổ kính nhất như hát xoan, hát ghẹo, trống quân (còn gọi là hát trống giăng), hát quan họ, hát cửa đình (cội nguồn của hát ả đào) hay hát ví, hát đúm, hát dậm, có lẽ đã xuất hiện từ thời Lý-Trần, bên cạnh những hình thức cổ kính của chèo bội. Múa rối nước cua nguoi Viet được nhắc tới trong văn bia chùa Đọi (khắc năm 1121, thời Lý Nhân Tông). Thể thơ lục bát có lẽ cũng đã xuất hiện từ thời Trần cùng với sự hình thành chữ Nôm từ thế kỷ 13 để sau này trở thành thể thơ ưu việt của ca dao dân ca Việt.
Vào thời Lê Sơ, vua quan và nhà nho vì sính Nho giáo và Tống nho nên đã coi rẻ nền văn hóa dân gian Việt. Quan lại mà thương yêu và cưới xin con gái các gia đình làm nghề xướng ca thì bị trừng phạt. Chèo bội và dân ca không được biểu diễn ở chốn cung đình. Con trai các gia đình hát xướng không được đi thi.
Ở thời Mạc trái lại, triều đình không đề cao Nho giáo mà lại có khuynh hướng tôn trọng và phục hồi Phật giáo đã bị thất sủng từ cuối Trần tới cuối Lê Sơ.
Có nhiều bằng chứng cụ thể về sự bước đầu phục hưng văn hóa dân gian ở thời Mạc.
Khi khuyến khích sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp , nhà Mạc đã tạo điều kiện cho sự thịnh vượng của nghệ thuật gốm sứ nhất là ở các cơ sở gốm sứ cổ truyền nổi tiếng như Bát Tràng, Chu Đậu, Thổ Hà, Hương Canh ở trung du và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trong các thế kỷ từ 15 tới 18, gốm sứ Việt Nam đã chu du từ châu Á (nhiều nhất là ở Nhật Bản) tới tận châu Âu và Trung Cận Đông, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Trái với thói quen khiêm tốn của các nghệ nhân dân gian truyền thống vài nghệ nhân gốm sứ Việt đã cao hứng ký tên nới tác phẩm của mình như Đặng Huyền Thông (và 4 người khác sẽ nói rõ thêm dưới đây).
Trong lãnh vực kiến trúc, điêu khắc, đồ họa và âm nhạc dân gian, có một số sự việc đáng chú ý.
Hiện nay vẫn chưa khẳng định được thật chính xác thời gian ra đời của tranh dân gian truyền thống. Nhưng Hoàng Sĩ Khải sinh vào khoảng những năm 1510-1520 và mất khoảng cuối thế kỷ 16, một thượng thư kiêm tế tửu Quốc tử giám triều Mạc, đã viết Tứ thời khúc vịnh, một bài thơ Nôm dài 336 câu, diễn tả cảnh đổi thay bốn mùa, trong đó có câu : "Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm". Qua đó ta thấy dân gian đương thời đã treo tranh gà để trừ tà ma.
Sau Hoàng Sĩ Khải, Lê Đức Mao (1462-1529) sống vào cuối thời Lê Sơ đầu thời Mạc, đã viết bài thơ Nôm dài 128 câu theo thể song thất lục bát nhan đề : Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào, được xem là lời của bài ca trù cổ nhất hiện còn. Tác phẩm này cho thấy điệu hát cửa đình - tiền thân của ca trù - được các ả đào hát trong lễ hội mùa xuân tế thần cầu phúc ở làng quê đã có mặt trong âm nhạc dân gian vào khoảng từ thời Lê Sơ sang thời Mạc.
Nhiều đền chùa đình quán đã được xây dựng hay trùng tu trong thời Mạc mang đậm sắc thái dân gian. Nhờ tài liệu văn bia mà ta biết vào năm 1543, sau khi từ quan về làng ẩn dật, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã xây một ngôi quán, gọi là quán Trung Tân để khách qua đường có chỗ dừng chân nghỉ ngơi. Những ngôi đình cổ nhất còn lại tới nay đều mang niên đại thời Mạc : đình Lỗ Hạnh (1576), Tây Đằng (1583), Phù Lưu (cuối thế kỷ 16)...
Tại Đình Lỗ Hạnh (tỉnh Bắc Giang) còn thấy được nhiều tác phẩm điêu khắc dân gian trên gỗ về các đề tài mây, hoa cúc, rồng, phượng, nai, cọp, cô tiên đánh đàn... Thêm vào đó là hai bức tranh cổ vẽ 4 nữ nhạc sĩ đang chơi những nhạc khí quen thuộc như đàn nhị, tỳ bà...
Tại Đình Tây Đằng (tỉnh Hà Tây) có các hình chạm khắc rất phong phú : hoa lá, voi hươu, tiên nữ bên cạnh những hình người đẽo cày, đá cầu, gánh con, chèo thuyền với phong cách nghệ thuật Mạc, khỏe thoáng, mộc mạc, hồn nhiên.
Tại đình Phù Lưu (tỉnh Bắc Ninh) lại thấy được những tác phẩm điêu khắc dân gian như tiên nữ ngồi trên đầu sư tử hay ngồi trên mình rồng chầu mặt trăng, những nhóm người đánh đàn, đấu vật, bơi trải...
Ai cũng biết gốm sứ là một nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng của đất nước ta xưa nay, từ những lò gốm như Bát Tràng, Chu Đậu... ngoài Bắc tới Lái Thiêu, Chợ Lớn trong Nam. Điều đáng nói là gốm sứ thời Mạc đáng được xem như một đỉnh cao của nghệ thuật và kỹ thuật gốm sứ Việt, với những kiệt tác gốm hoa lam mà uy tín quốc gia và quốc tế không thua kém những gốm men ngọc, gốm hoa nâu thời Lý Trần. Đặc biệt gốm Bát Tràng, gốm Chu Đậu các thời Lê Sơ, Mạc rồi Trịnh hiện được lưu giữ và trưng bày ở 30 bảo tàng lớn của các nước Á, Âu, Mỹ, Úc.
Đình Tây Đằng (1583)
Khoa cử và văn học thời Mạc Tuy phải ở trong một tình trạng chiến tranh do phải chống lại các cuộc tấn công của quan quân Lê Trung hưng, triều Mạc vẫn chú trọng tổ chức khoa cử đều đặn nên trong 65 năm cầm quyền tại Thăng Long đã mở cả thảy 22 khoa thi hội (ba năm một khoa) lấy đậu 484 tiến sĩ (trong đó có 11 trạng nguyên) mà nổi tiếng nhất là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Một điều kỳ lạ nữa là Văn học của một thời loân lạc như thời Mạc cũng thật là phong phú: Ở tập 5 của Bộ Tổng tập Văn học Việt Nam (trọn bộ 42 tập) xuất bản năm 2000 đã thống khê được cả thảy 19 tác giả. Đó là chưa kể một vài nhà văn nhà thơ khác được bộ sách xếp vào phần "Tác giả cuối triều Lê Sơ đầu triều Mạc". Tổng cộng hơn một trăm tác phẩm thơ văn lớn nhỏ.
Tất cả các hoạt động văn học phong phú này không khỏi làm chúng ta nhớ tới thời Lê Thánh Tông và Hội Tao Đàn. Mặc dù các sử quan từ thế kỷ 17 tới cuối tk 19 đã luôn luôn đánh giá thấp triều Mạc theo những tiêu chuẩn đạo đức chính trị kiểu Nho giáo, ta vẫn không thể không đặt câu hỏi: Tại sao một bậc phu tử , nhà văn hóa lớn Nguyễn Bỉnh Khiêm đã là đại thần của triều Mạc trong 8 năm, rồi sau khi dâng sớ xin chém 18 lộng thần mà không được vua nghe ông đã xin về ở ẩn , nhưng rồi muốn tác động tới thời cuộc ông đã trở lại tham gia triều chính trên cương vị một cố vấn, và mãi cho tới 70 tuổi ông mới thực sự treo mũ từ quan ? Rồi tại sao khi nhà Mạc sắp bị đánh đuổi ra khỏi Thăng Long ông lại bày mưu tính kế giúp Mạc rút lui lên cố thủ ở "nước non Cao Bằng" để vớt vát cái hư danh vương nghiệp trong một xó xủnh rừng núi thêm 85 năm nữa mới bị chúa Trịnh đánh bại hoàn toàn (1677) ?
Ba danh nhân thời Mạc : Nguyễn Bỉnh Khiêm, Dương Văn An, Đặng Huyền Thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1575), quê ở Hải Dương (nay là Hải Phòng), từ nhỏ tỏ ra thông minh hiếu học, được mẹ đem kinh truyện, thơ Nôm, ca dao, tục ngữ ra dạy cho. Lớn lên được thầy là bảng nhãn Lương Đức Bằng truyền thụ lý học, kinh Dịch và kinh Thái Ất. Sau khi Mạc thay Lê Sơ, tình hình xã hội tương đối ổn định, ông mới đi thi vào tuổi 45, đậu trạng nguyên rồi làm quan cho nhà Mạc. Ở triều chỉ có 8 năm, ông đã chán ngán cáo bệnh về quê ở ẩn.
Nhưng rồi tiếng là ẩn dật, ông vẫn ở vị thế "làm quan tại nhà", vẫn được triều Mạc trọng vọng như một đại thần cố cựu thường tới hỏi kế sách, hoặc mời lên kinh đô bàn chính sự. Tương truyền Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng đã xin ý kiến ông trước khi lấy những quyết định hệ trọng. Chính ông đã bày mưu kế cho Nguyễn Hoàng bằng một lời khuyên chiến lược có tính cách khuyến dụ mở cõi : "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân", có thể xem là câu nói mở đầu cho sự nghiệp Nam tiến vĩ đại hơn 200 năm của các chúa Nguyễn ở phương Nam.
Còn nhân dân thì tôn Nguyễn Bỉnh Khiêm là bậc tiên tri, tiên giác, trân trọng gọi ông là trạng Trình và lưu truyền chung quanh ông nhiều sấm trạng, giai thoại và truyền thuyết ít nhiều mang tính siêu nhiên. Trong những năm ở ẩn tại quê nhà, ông đã cho xây một số chùa miếu, dựng am Bạch Vân, quán Trung Tân làm chỗ đàm đạo với người già, bàn bạc đạo đức và thế sự với quan khách gần xa.
Vẻ vang hơn nữa ông đã mở trường dạy học bên bờ sông Tuyết, thu hút đông đảo học trò, trong đó nhiều người sẽ trở nên nổi tiếng như Nguyễn Dữ, tác giả Truyền kỳ mạn lục được người đời đánh giá là "thiên cổ kỳ bút", hay Phùng Khắc Khoan, tức trạng Bùng, người có công đưa về Đại Việt một số bí quyết của nghề dệt lụa của Trung Quốc và nhiều giống cây lương thực quý của vùng Hoa Nam để thúc đẩy quốc kế dân sinh, v.v.
Là tác giả hai bài văn xuôi, hai tập thơ chữ Hán và chữ Nôm và nhiều tập sấm ký được phổ biến qua nhiều thế hệ như những truyền ngôn của một bậc tiên tri, Nguyễn Bỉnh Khiêm trước hết là một nhà thơ triết học và đạo đức lớn, vì đã kết hợp kinh Dịch và lý học với thực tiễn thời đại để giải thích những biến động chính trị, xã hội và để cảnh cáo vua quan về lẽ biến dịch của tạo vật và thời cuộc để cho họ biết thế nào là thiện, ác, hưng, vong.
Cao quý nhất ở Trạng Trình là lòng yêu nước, thương dân, lo đời, tình yêu thiên nhiên, ý chí lên án chiến tranh phi nghĩa gây ra "núi xương, sông máu" và lòng tha thiết mong mỏi hòa bình an lạc cho dân, như ông đã từng khẳng định : "Để nước được bền thì yên dân là việc đầu mối; từ xưa đến nay nước lấy dân làm gốc, muốn được nước phải biết là ở chỗ được lòng dân".Trong cuộc đời trường thọ và ẩn dật gần dân, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tiếp thu được ảnh hưởng văn hóa dân gian, tư tưởng và tình cảm nhân dân, lối sống thuần hậu chất phác nơi thôn dã. Vũ Khâm Lân và Phan Huy Chú đều khen thơ trạng Trình : "tự nhiên không gò gẫm, đơn giản mà thư thái, đạm bạc mà có ý vị, thanh tao hồn hậu [...], đọc thơ ông dù ngàn năm sau vẫn còn tưởng như được thấy trăng thanh gió mát".
Dương Văn An sinh năm 1513 (chưa rõ năm mất), vốn người làng Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy trên đất châu Ô cũ nay là tỉnh Quảng Bình, đã di cư ra làng Phù Diễn, huyện Từ Liêm nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Học giỏi, hiểu nhiều, biết rộng, đậu tiến sĩ năm 1547 đời Mạc Phúc Nguyên, làm quan tới chức thượng thư.
Là một nhà khoa học nhân văn thông thái kiêm nhà văn xuất sắc, ông đã mượn chữ Hán để lại cho đời một cuốn địa phương chí tuyệt tác : Ô châu cận lục.
Về thăm quê cũ năm 1553 và tình cờ được đọc hai bản thảo của hai môn sinh cùng làng viết về hai phủ Tân Bình và Triệu Phong, ông nhiệt tình dành hai năm bổ sung tài liệu, mở rộng địa bàn quan sát ra toàn vùng Thuận Hóa.
Kết quả là ông đã cống hiến cho quê hương và cho đời một tác phẩm nói về xứ Thuận Hóa vừa có giá trị khoa học vừa rất thành công về văn học. Tác phẩm này gồm 6 quyển, mô tả cụ thể và sống động núi rừng, sông biển, sản vật, hoa trái, cầm thú, phong tục tập quán của xứ Thuận Hóa ; kèm theo danh mục đầy đủ các phủ, huyện, châu, xã là những mô tả về thành quách, chợ búa, trang trại, bến đò, danh lam thắng cảnh, cùng với tiểu sử của hơn 100 nhân vật từ thời Lê Sơ đến giữa thế kỷ 16 : công thần, quan lại, những người đỗ đạt, sư tăng chân tu, phụ nữ tiết hạnh...
Điều hấp dẫn nhất trong Ô châu cận lục là Dương Văn An khi biên soạn tập sách đầy ắp tài liệu địa lý học , sử học và dân tộc học của một vùng đất giàu đẹp ở phương Nam tổ quốc, đã có cảm hứng của dùng thể loại văn xuôi biền ngẫu giàu chất thơ trữ tình mà trang trọng để nói về quê hương mình, nơi mà :
"Thổ dân làng La Giang còn nói tiếng Chàm, con gái làng Thuy Ban vẫn mặc áo Chàm (...) Đàn ông khá kiên cường, đàn bà hơi mềm mại; trai trọng đức dũng cảm hiền lương, gái quý nết đoan trang cần kiệm (...) Xuân sang mở hội đua thuyền với nhiều trai thanh gái lịch, hè tới bày cuộc viếng thăm với nhiều chốn múa nơi ca. Lễ an táng thì chôn cất rất nhanh, không có lệ cúng sớm cúng chiều, dịp cúng quải thì bày cỗ bàn linh đình tốn kém. Làm ma chay trong nhà có múa hát trước quan tài gọi là hò đưa linh, dịp giỗ đầu cúng tế lúc gà gáy gọi là giờ cúng trộm. Lễ cưới dùng tiền mắt ngỗng để làm quà giá thú, cúng bái có cỗ xôi gà kèm cuộc hát hầu văn", v.v.Chỉ với một kiệt tác địa phương chí như thế, Dương Văn An vẫn xứng đáng được xem là một danh nhân văn hóa thời Mạc.Một danh nhân khác cùng thời, ít được người đời biết tới, đó là Đặng Huyền Thông. Cho tới nay vẫn chưa biết năm sinh năm mất của anh tú tài kiêm thợ gốm này. Chỉ biết rằng các viện bảo tàng Việt Nam cùng 30 viện bảo tàng ở khắp thế giới đang tàng trữ và trưng bày nhiều tác phẩm gốm sứ của Đặng Huyền Thông : những bình, lọ, bát hương, lư hương, chân đèn được tạo tác vào những năm 1558-1590 thời Mạc Hậu Hợp.
Trong bộ sưu tập gốm sứ cổ trưng bày tại Viện bảo tàng lịch sử Việt Nam (Hà Nội), có một số tác phẩm đáng lưu ý, đó là nhóm gốm men hoa lam ghi rõ người tạo tác là Đặng Huyền Thông qua dòng chữ Hán : "Nam Sách phủ, Thanh Lâm huyện, Hùng Thắng xã, Đặng Huyền Thông tạo".
Không biết nghệ nhân họ Đặng này đã làm ra bao nhiêu sản phẩm nhưng nếu căn cứ vào số hiện vật gốm được trưng bày tại Việt Nam và trên thế giới thì có thể khẳng định rằng Đặng Huyền Thông là một người thợ gốm ưu việt, có bàn tay rất mực tài hoa, có khả năng chế ngự được ngọn lửa lò nung, làm chủ được chất liệu xương gốm và men màu.
Loại men mà ông sử dụng cách đây hơn 400 năm là loại men lam xám nhạt, có độ trong và bóng gần gũi với men ngọc thời Lý-Trần. Trên các tác phẩm của mình, ông còn trổ tài thêm vào những chủ đề trang trí thật đẹp đẽ, độc đáo : hình rồng, cánh bướm, cánh sen, vòng tròn, đường vạch đứng song song... Tất cả đều là dấu ấn của một nghệ nhân thiên tài trong lịch sử nghệ thuật gốm sứ nước nhà.
Lê Văn Hảo
(Paris)