3 Đề nghị về Luật giáo dục (sửa đổi) và đổi mới giáo dục
Nhân dịp Quốc hội khoá XI tiến hành kỳ họp thứ 7 và chuẩn bị phê duyệt Luật giáo dục (sửa đổi), với ý thức đầy đủ về trách nhiệm công dân và lương tâm của một Nhà giáo, xin gởi đến Quốc hội 3 đề nghị sau đây về “ Luật giáo dục (sửa đổi)” và đổi ...
Nhân dịp Quốc hội khoá XI tiến hành kỳ họp thứ 7 và chuẩn bị phê duyệt Luật giáo dục (sửa đổi), với ý thức đầy đủ về trách nhiệm công dân và lương tâm của một Nhà giáo, xin gởi đến Quốc hội 3 đề nghị sau đây về “Luật giáo dục (sửa đổi)” và đổi mới Giáo dục (GD) Việt Nam.
ĐỀ NGHỊ 1. Lùi lại việc thông qua Luật GD (sửa đổi) cho đến kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XI vào cuối năm 2005.Lý do:
- Những sửa đổi so với Luật GD 1998 phần lớn chỉ có tính chất bổ sung để chi tiết hơn, chưa phải là vấn đề then chốt. Ví dụ, dùng hệ tín chỉ với GDĐH (Điều 6), dạy bằng tiếng nước ngoài (Điều 7), bỏ thi tiểu học (Điều 31), đổi trung học chuyên nghiệp thành trung cấp (Điều 32), chi tiết về chương trình khung (Điều 35) v.v… Những vấn đề như vậy có thể chi tiết bằng các văn bản dưới luật hoặc nhiều lắm là một nghị quyết của Quốc hội.
- Dự thảo cũng chưa có được những điều/ khoản định hướng để khắc phục những tồn tại quá lớn hiện nay trong GD. Ví dụ: chương trình ở GD phổ thông cũng như GDĐH đang quá nặng nề, quá hàn lâm, trong khi đó mảng GD nhân văn, kỹ năng sống v.v… lại đang rất thiếu. Có thể xem đây là mảng rất phung phí về tài chính, về trí tuệ và thể lực của tuổi trẻ và gây ra nhiều tác hại nhất trong GD của Việt Nam hiện nay. Các vấn đề về phân ban ở phổ thông, tài chính ở các cơ sở GD nói chung, GD ngoài công lập nói riêng v.v… thì lại đang bỏ ngỏ. Về mặt quản lý GD, những quy định của Dự thảo vẫn tập trung quá lớn quyền lực ở bộ GD & ĐT, xem nhẹ vai trò của địa phương, của cộng đồng, của cơ sở GD, của các hội đồng. Vì vậy, một vài quy định mới cũng chưa thể khắc phục được những tồn tại về mặt tổ chức quản lý.
- Với những điểm cơ bản có tính đổi mới thì một số còn viết rất chung chung, như: quyền và nghĩa vụ học tập của nhân dân, xã hội hóa GD (Điều 10, 12), cấm lợi dụng các hoạt động GD… (Điều 20), kiểm định chất lượng (Điều 53), quyết định học phí (Điều 105) v.v… Một số khác lại có thể gây ra hiểu nhầm, như: mục tiêu GD (Điều 2), “tự chịu trách nhiệm” (Điều 14, 60, lẽ ra là “trách nhiệm xã hội” của chính Nhà trường), chính sách ưu đãi đối với trường ĐH tư thục (Điều 68) v.v… Hơn nữa, ngay cả định hướng “chuyển một số cơ sở GD công lập sang cơ chế hoạt động dịch vụ” cũng chưa được thể hiện trong Dự thảo. Dự thảo còn như quá chú trọng đến vấn đề công lập – tư thục, trong khi ngày nay, sự phân biệt công lập – tư thục không còn là vấn đề, mà vấn đề là không vì lợi nhuận và mức độ lợi nhuận của cơ sở GD. Chính những quy định có tính “mờ” như vậy không giúp ích gì cho việc đổi mới GD mà còn có thể sẽ là những cản trở hoặc sự thái quá trong đổi mới GD những năm sắp đến.
- GD nói chung và GDĐH nói riêng trên thế giới trong 20-30 năm qua, đặc biệt trong khoảng 10 năm gần đây, trước bối cảnh nền GD cho số đông và toàn cầu hóa, trong đó có việc “GD không biên giới”, đã làm thay đổi rất lớn vai trò quản lý và việc cung cấp tài chính của Nhà nước , cũng như thay đổi rất lớn về cung cách quản lý ở các cơ sở GD. Vì vậy, người ta nói: GD trên thế giới đang có những bước nhảy về triết lý, về ý thức hệ. Các vấn đề về chất lượng, tài chính, hiệu quả, cạnh tranh, công bằng xã hội v.v… đang trở thành hết sức gay cấn. Tình hình này cũng đã và đang xảy ra ở Việt Nam. Thế nhưng, Dự thảo Luật GD (sửa đổi) cũng chưa có được những điều/ khoản để định hướng cho những cải cách / đổi mới cũng như những thay đổi về chính sách quốc gia đối với GD.
- Luật GD (sửa đổi) về bản chất là sự lựa chọn chiến lược, lựa chọn ưu tiên, không một nước nào có thể giải quyết trọn vẹn vấn đề GD. Vì vậy, Luật phải được nghiên cứu, soạn thảo rất công phu và phải có sự đóng góp ý kiến của nhiều loại chuyên gia khác nhau, có sự đồng thuận của dân chúng. Đáng tiếc việc tổ chức soạn thảo của bộ GD & ĐT còn chưa làm được như vậy (Xem thêm Đề nghị 2 bên dưới).
Tóm lại, Luật GD (sửa đổi) còn chưa vạch được bộ khung cho việc khắc phục các tồn tại hiện nay, chưa định hướng được cho việc đổi mới mà còn có thể là những cản trở hoặc thái quá trong đổi mới sắp đến. Hơn nữa, còn chưa có sự đồng thuận của công chúng.
ĐỀ NGHỊ 2. Quốc hội hoặc hội đồng Quốc gia GD hình thành một tổ đặc trách chỉnh sửa Dự thảo để có thể trình Quốc hội vào cuối năm 2005.
Trước hết xin phép được nói qua vài nét về việc soạn thảo Luật GD năm 1999 của Thái Lan. Họ đã soạn thảo Luật dựa trên 5 căn cứ sau đây:
- “Cơ sở thông tin khoa học”. Văn phòng Uỷ ban GD Quốc gia (Văn phòng Chính phủ) tổ chức nghiên cứu 42 vấn đề chính về GD và xem xét kinh nghiệm của 12 nước để xây dựng phát thảo đầu tiên.
- “Sự xem xét thận trọng của các học giả”. Ủy ban soạn thảo Luật, do một vị Giáo sư Chủ tịch “hội đồng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia” đứng đầu, soạn thảo Dự luật và nộp cho Uỷ ban GD quốc gia, hội đồng bộ trưởng, hội đồng pháp lý, Hạ viện và Thượng viện. Hạ viện lập một Uỷ ban đặc biệt có 45 thành viên để xem xét và nộp cho Thượng viện. Thượng viện cũng cử một ủy ban gồm 30 thành viên để xem xét. Các thành viên và các ủy ban đều dành rất nhiều thời gian cho việc này trong gần 2 năm. Và ở tất cả các giai đoạn đều có sự tham gia của các học giả, chuyên gia về GD, kinh tế, xã hội, luật pháp.
- Sự tham gia của “các nhóm có lợi ích liên quan”. Nhiều hội thảo được tổ chức ở khắp các tỉnh để trao đổi và lắng nghe ý kiến, tất cả có 254.318 người tham gia. Với giai đoạn ở Hạ viện, có 8 cuộc lắng nghe ý kiến công chúng ở các vùng, gồm ý kiến của 38.942 người.
- “Quan hệ công chúng”. Sử dụng các phương tiên thông tin, báo chí… để phổ biến Dự luật đến tất cả các Nhà quản lý GD, thầy cô giáo, học sinh-sinh viên, phụ huynh và công chúng nói chung.
- “Thăm dò dư luận công chúng”. Văn phòng Ủy ban GD Quốc gia phối hợp với Tổ chức thăm dò dư luận để thăm dò ý kiến công chúng. Kể từ tháng 01/1997 đến tháng 10/1998 có tổng cộng 105.376 người phát biểu các quan niệm và đưa ra các đề nghị của mình. Nói chung, công chúng được tạo điều kiện tối đa để bày tỏ ý kiến riêng. Đến tháng 7/1999 thì Dự thảo mới được Hạ viện phê duyệt.
- Đáng tiếc, việc soạn thảo Luật GD (sửa đổi) của chúng ta đã không được tổ chức một cách bài bản như vậy. Trên thực tế, việc soạn thảo chỉ do một nhóm năm ba chuyên viên của chính bộ GD & ĐT chuẩn bị. Bộ GD & ĐT là tổ chức có tính chất hành chính (thực thi), chức năng của bộ là “Giữ kỷ cương trật tự”, chỉ có cơ cấu “hội đồng” mới có chức năng “tạo ra một sự đổi mới”. Vì vậy, việc soạn thảo phải là công việc của một hội đồng. Thế nhưng, cho đến nay ngay cả hội đồng Quốc gia GD cũng chưa có ý kiến về Luật GD (sửa đổi). Với các cuộc hội thảo, tổ chức còn hình thức, thiếu hiệu quả. Bản thân tôi, đã tham dự nhiều hội thảo, đã có 4 bài góp ý kiến. Tổ soạn thảo đã có tham khảo và bổ sung một số nhưng chỉ là các vấn đề bộ phận, chi tiết, các vấn đề cơ bản có lẽ còn chưa có thể thay đổi được (!).
- Vì vậy, để Quốc hội có thể phê duyệt vào kỳ họp thứ 8 cuối năm 2005, đề nghị Quốc hội hoặc hội đồng Quốc gia GD hình thành một “Tổ đặc trách” gồm một số chuyên gia của bộ GD & ĐT và của các bộ có liên quan, bổ sung thêm một số chuyên gia về chính sách công, về tài chính GD, về các vấn đề xã hội, một vài đại biểu chuyên trách của Quốc hội, một vài chuyên gia của hội đồng Quốc gia GD. Tổ soạn thảo sẽ chỉnh sửa Luật GD (sửa đổi) và tham khảo kinh nghiệm làm Luật GD của Thái Lan để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi và trình Quốc hội vào tháng 11 năm 2005. Phải có ít nhất 1/3 số thành viên của tổ làm việc theo chế độ biệt phái chuyên trách (trong khoảng nửa năm).
ĐỀ NGHỊ 3 . Quốc hội có một nghị quyết về việc tiến hành đổi mới/ cải cách nền GD trong giai đoạn 2006-2020 khi phê duyệt luật GD (sửa đổi).
Hiện nay, theo chỉ thị của Chính phủ, bộ GD & ĐT đã hình thành một ban trù bị xây dựng “Đề án đổi mới GDĐH Việt Nam”. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay không chỉ là ở mảng GDĐH. Toàn bộ nền GD đang cần một chiến lược tổng thể để đổi mới/ cải cách. Như trên đã nêu, trong bối cảnh nền GD cho số đông và trước bối cảnh toàn cầu hóa, bối cảnh xuất nhập cảng dịch vụ GD, bối cảnh của “hiểm họa và triển vọng”, hầu hết các vấn đề về GD cần phải có những bước nhảy về hệ tư tưởng, về triết lý, về tổ chức quản lý của Nhà nước , về cung cấp tài chính, về chính sách học phí, về nội dung GD v.v… Vì vậy, hầu như tất cả các nước trên thế giới trong 10, 20 năm gần đây đều có chương trình cải cách cơ bản nền GD. Chương trình này cần có sự cam kết quốc gia và sự đồng thuận của dân chúng. Nước ta cũng không thể nằm ngoài xu thế chung đó (Có thể nói, hiện nay mới bắt đầu là đã muộn - xin tham khảo thêm: “Một số ý tưởng về dự án xây dựng chương trình hành động cải cách GD” đã gởi cho các cấp lãnh đạo và “3 vấn đề cấp bách của GD”).
Vì vậy, thiết tha đề nghị Quốc hội có một nghị quyết về việc tiến hành đổi mới/ cải cách nền GD trong giai đoạn 2006 – 2020. Để chuẩn bị cho việc này, trước hết cần có một số điều/ khoản cơ bản trong Luật GD (sửa đổi) và sau đó là một Ủy ban soạn thảo chiến lược tổng thể để đổi mới/ cải cách GD.