19-5-1941: Thành lập mặt trận việt minh
MẶT TRẬN VIỆT MINH - BIỂU TƯỢNG SÁNG NGỜI CỦA KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC (ĐCSVN) - Tháng 5 năm 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi ...
MẶT TRẬN VIỆT MINH - BIỂU TƯỢNG SÁNG NGỜI CỦA KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
(ĐCSVN)- Tháng 5 năm 1941, trước những thay đổi mạnh mẽ của tình hình trong nước và những biến động to lớn trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng ở Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu đó, Hội nghị đã quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới…tham gia Mặt trận.
Có thể nói, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh là một chủ trương hết sức sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Nhận định về tình hình cách mạng nước ta lúc đó, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, đòi hỏi Đảng ta phải tập hợp, đoàn kết được mọi lực lượng trong xã hội, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc vào một mặt trận dân tộc thống nhất. Ngày 19-5-1941, Mặt trân Việt Minh đã ra đời. Điều lệ của Mặt trận Việt Minh ghi rõ: liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước. Kết nạp từng đoàn thể không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, để cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập.
Với Cương lĩnh chính trị đúng đắn của mình, chỉ sau một thời gian ngắn, Mặt trận Việt Minh đã phát triển nhanh chóng, từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, thu hút đông đảo các giai tầng xã hội tham gia Mặt trận và đã góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945.
Mặt trận Việt Minh đã trở thành biểu tượng sáng ngời của khối đại đoàn kết toàn dân, của tư tưởng Hồ Chí Minh về Mặt trận dân tộc thống nhất và để lại cho Đảng ta những bài học quý báu, được Đảng ta vận dụng một cách linh hoạt, hiệu quả trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua hoạt động của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (1946), Mặt trận Liên - Việt (1951), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960) và Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hoà bình miền Nam Việt Nam (1969)…
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hôm nay, vấn đề đại đoàn kết toàn dân vẫn là một vấn đề mang tính thời sự và có ý nghĩa vô cùng to lớn. Báo cáo của BCHTƯ Đảng khoá IX tại Đại hội X của Đảng đã khẳng định: Đại đoàn kết các dân tộc cần lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất của tổ quốc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta định cư ở nước ngoài; xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích dân tộc; đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, giữ gìn sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội vì tương lai tươi sáng của dân tộc.
Với chính sách đúng đắn đó, chúng ta tin tưởng rằng, khối đại đoàn kết toàn dân, mà nòng cốt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ ngày càng được tăng cường và củng cố nhằm tập hợp, động viên mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, phát huy mọi nguồn lực để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu, phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, để sớm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng kém phát triển trước những khó khăn và thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trọng Nguyễn