31/05/2017, 13:09

Thao tác lập luận bác bỏ

Đề bài: Thao tác lập luận bác bỏ Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới: Bác bỏ một ý kiến nào đó không giản đơn là tuyên bố ý kiến đó sai, mà phải lập luận đầy đủ để chứng minh là nó sai thì mới thuyết phục được người nghe, người đọc. Muốn bác bỏ một ý ...

Đề bài: Thao tác lập luận bác bỏ

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Bác bỏ một ý kiến nào đó không giản đơn là tuyên bố ý kiến đó sai, mà phải lập luận đầy đủ để chứng minh là nó sai thì mới thuyết phục được người nghe, người đọc.

Muốn bác bỏ một ý kiến sai, trước hết hãy trích dẫn ý kiến đó một cách đầy đủ, khách quan, trung thực. Sau đó, người viết phải làm sáng tỏ hai phương diện: ý kiến ấy sai ở chỗ nào và vì sao như thế là sai. Để trả lời câu hỏi thứ nhất, cần đọc kĩ và xem xét ý kiến ấy ở cả ba yếu tố: luận điểm, luận cứ và lập luận. Phân tích để người đọc thấy ý kiến đó sai ở luận điểm, luận cứ hay ở cách lập luận rồi tiến hành bác bỏ. Để trả lời câu hỏi thứ hai, cần dùng lí lẽ và dẫn chứng để phân tích, lí giải vì sao như thế là sai. Chẳng hạn, đểchứng minh một luận cứ sai, có thể bác bỏ bằng cách chỉ ra trong luận cứ đó, người viết đã trích dẫn sai, cố ý cắt xén ý tứ, câu chữ của người khác, hoặc trích dẫn đúng nhưng phân tích, giải thích lại sai...

(, Ngữ văn 11 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 14)

1.   Đoạn văn trên đề cập đến vấn đề gì? vấn đề ấy có tầm quan trọng như thế nào?

2.   Tại sao khi muốn bác bỏ một ý kiến sai, trước hết phải trích dẫn ý kiến đó một cách đầy đủ, khách quan, trung thực?

3.   Vì sao sau các câu: “Sau đó, người viết phải làm sáng tỏ hai phương diện: ý kiến ấy sai ở chỗ nào và vì sao như thế là sai.”; “Để trả lời câu hỏi thứ hai, cần dùng lí lẽ và dẫn chứng để phân tích, lí giải vìsao như thế là sai.”, tác giả không dùng dấu chấm hỏi?

4.   Anh (chị) rút ra được bài học gì sau khi đọc đoạn văn trên?

Trả lời

1.  Đoạn văn nêu yêu cầu của thao tác bác bỏ. Trong đời sống cũng như trong khoa học, luôn tồn tại những vấn đề đúng và những vấn đề sai. Những gì đúng cần được khẳng định, những gì sai cần phải bác bỏ. Bác bỏ một vấn đề sai cũng là một phương thức để hiểu sâu vấn đề ấy. Thao tác bác bỏ có giá trị rèn luyện tư duy, nâng cao khả năng nhận thức.

2.  Muốn bác bỏ một ý kiến sai, trước hết phải trích dẫn ý kiến đó một cách đầy đủ, khách quan, trung thực, vì có như vậy, mới hiểu thực chất ý kiến ấy là gì và từ đó bác bỏ mới đúng trọng tâm. Nếu không trích dẫn ý kiến chính xác và đầy đủ, sự bác bỏ sẽ chệch hướng, ý kiến cần bác bỏ xem như không hề được đả động đến. Trích dẫn ý kiến đầy đủ, chính xác, người bác bỏ mới đảm bảo thái độ trung thực và khoa học.

3.  Sau các câu: “Sau đó, người viết phải làm sáng tỏ hai phương diện: ý kiến ấy sai ở chỗ nào và vì sao như thế là sai.”; “Để trả lời câu hỏi thứ hai, cần dùng lí lẽ và dẫn chứng nhằm phân tích, lí giải vì sao như thế là sai.”, tác giả không dùng dấu chấm hỏi là bởi đó là những vế hỏi gián tiếp, và cả câu vẫn là câu tường thuật.

 

4.  Trước hết, đoạn văn đề ra yêu cầu: phải có thái độ trung thực, cẩn trọng, khoa học khi bác bỏ một vấn đề, một ý kiến. Tiếp đó, đoạn văn hướng dẫn cụ thể các bước tiến hành thao tác bác bỏ.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0