31/05/2017, 13:08

Truyện cổ nhân gian là gì?

Truyện cổ dân gian gồm có những loại truyện nào mà em đã học, đã đọc và đã được nghe kể? Mỗi loại truyện hãy nêu tên một vài truyện mà em thích. “Truyện cổ dân gian”gồm có 5 loại truyện mà em đã học, đã đọc và đã được nghe kể: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, ...

Truyện cổ dân gian gồm có những loại truyện nào mà em đã học, đã đọc và đã được nghe kể? Mỗi loại truyện hãy nêu tên một vài truyện mà em thích.

 

“Truyện cổ dân gian”gồm có 5 loại truyện mà em đã học, đã đọc và đã được nghe kể: thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười.

Thần thoại kể về các vị thần, những bậc siêu nhân thần kì như: Thần Sấm, Thần Sét, Thần Mưa, Thần Gió, Thần Chớp, Thần Biển, v.v... Có câu ca, bài hát đồng dao được lưu truyền:

Ông Đếm Cát

Ông Tát Bể

Ông Kể Sao

Ông Đào Sông

Ông Trồng Cây

Ông Xây Rú

Ông Trụ Trời

Truyền thuyết kể lại sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử mang đậm yếu tố li kì, theo cách cảm, cách nghĩ của dân gian.

Mẹ Â Cơ, Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự tích Hồ Gươm,... là những truyền thuyết rất hay, rất hấp dẫn.

Truyện cổ tích kể về các tích cũ với bao yếu tố hoang đường. Đó là những dũng sĩ có tài năng kì lạ, những nhân vật thông minh, dị dạng, những con người ngốc nghếch, hoặc những sự tích về các con vật, hoa trái, v.v...

Thạch Sanh, Sọ Dừa, Tấm Cám, Cái cân thủy ngân, Cô bé Lọ Lem, Con Thỏ mưu trí,... là những truyện cổ tích lí thú.

Truyện ngụ ngôn thường mượn các loài vật, cây cỏ, hoa lá,... để nêu lên bài học luân lí, đạo đức nhằm khuyên răn người đời.

Kiến giết Voi, Trí khôn của tao đây, Đeo nhạc cho mèo, Treo biển, v.v... là những truyện ngụ ngôn mà em đã được nghe cô giáo kể.

Truyện cười mang yếu tố cười để phê phán, châm biếm.

Đến chết vẫn hà tiện, Con rắn vuông, Lợn cưới áo mới, v.v... là những truyện cười mà chúng em rất thích thú.

 

Những bài văn về truyện cổ nhân gian

 

1. Nhập vai con trâu, em hãy kể một cách sáng tạo truyện cổ dân gian "Trí khôn của tao đây!"

BÀI LÀM

Tôi là một chú trâu hiền lành. Tôi đứng đầu hạng lục súc. Tôi là bạn nhà nông. Nhiều vị hỏi tôi là tại sao họ nhà trâu chúng tôi không có hàm răng trên mà chỉ có hàm răng dưới? Cái hàm răng ấy gắn liền với một kỉ niệm vui trong đời tôi:

"... Buổi cày hôm ấy, tôi và ngườiđanglàm lụng trên một thửa ruộng ở mé rừng. Bỗng có một chú hổ dáng hộ hiền lành từ trong rừng đi ra. Hổ hỏi tôi với tất cả sựngạc nhiên:

"Này anh trâu, anh to thế, khỏe thế. Sao anh lại để cho người đánh đập, hành hạ khổ sở vậy?".

Tôi nhỏ nhẹ nói với hổ:

"Anh chưa biết à? Người tuy nhỏ bé nhưng lại có trí khôn!".

Hổ tò mò hỏi đi hỏi lại mãi. Lí luận ít, tôi nói với hổ là anh đi hỏi người ấy, người sẽ nói cho anh nghe. Lễ phép chào người rồi hổ thật thà hỏi:

"Trí khôn của anh để đâu? Anh cho tôi xem một tí có được không?".

Anh trai cày ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

"Nói thật với anh là tôi để trí khôn ở nhà. Tôi sẽ về nhà lấy cho anh xem nhé! Nếu anh thích, tôi sẽ cho anh một ít".

Hổ mừng lắm, vẫy đuôi rối rít.

Anh nông dân toan bước đi, chợt sực nhớ ra điều gì bèn nói với hổ:

"Khó nói quá... Tôi đi về... nhỡ anh ăn mất trâu thì sao?".

Hổ còn băn khoăn chưa biết xử sự ra thế nào thì anh nông dân khẽ nói:

"Hay là như thế này, như thế này... anh chịu khó để tôi tạm trói anh vào gốc cây kia, cho tôi được yên tâm về nhà:.."

Hổ vui vẻ ưng thuận. Anh trai cày lấy dây thừng trói hổ. Xong đâu đấy, anh ta bèn lấy roi cày quất túi bụi vào người hổ, vừa đánh vừa thét:

"Trí khôn của tao đây! Trí khôn của tao đây!".

Anh trai cày chất rơm rạ đốt hổ. Lửa cháy dùng đùng. Hổ quằn quại. Bỗng dày thừng cháy đứt. Hổ ba chân bốn cẳng chạy thục mạng vào rừng. Nhìn thấy cảnh tượng lạ kì ấy, tôi thích thú quá, cười rũ rượi, bò ra mà cười. Chẳng may hàm răng trên va vào tảng đá gãy không còn một chiếc nào.

Từ đó, họ nhà trâu chúng tôi chỉ có một hàm răng dưới. Bộ da hổ vằn đen dài là do vết cháy còn để lại đến ngày nay.

 

2. Hãy kể lại truyện cổ "Điều ước của vua Mi-dát" theo sự hiểu biết và bằng ngôn ngữ của em.

BÀI LÀM

Ngày xưa, vua Mi-đát là một con người cực kì tham lam. Một lần, nhà vua đến gặp Thần Đi-ô-ni-dốt xin thần ban cho phép lạ.

Thần Đi-ô-ni-dốt hỏi:

-     Nhà ngươi muốn gì?

-     Xin Thần cho mọi vật tôi chạm đến đều hóa thành vàng.

Thần Đi-ô-ni-dốt mỉm cười ưng thuận.

Mi-đát sung sướng lắm. Vua liền bẻ một cành sồi, tức thì cành sồi biến thành một cành vàng lấp lánh. Chớp chớp đôi mắt, Mi- đát đưa tay run run ngắt một quả táo, quá táo cũng thành vàng nốt, óng a óng ánh. Mi-đát mặt mày rạng rỡ, tưởng trên đời không có ai sung sướng hơn thế nữa.

Bữa cơm hôm ấy, nhà vua ngồi vào bàn. Bát,đĩa,cốc,chén... vua vừa chạm tới, biến ngay thành vàng. Các thứ cao lương mĩ vị... vua vừa chạm tay vào điều biến thành vàng. Lúc bấy giờ Mi-đát mới biết mình đã xin một điều ước khủng khiếp. Ngày đêm trôi qua. bụng đói cồn cào, ngủ không yên..., Mi-đát quỳ xuống chắp tay cầu khẩn:

-     Thần Đi-ô-ni-dốt muôn vàn kính mến! Xin Thần tha tội cho tôi. Kính mong người thu lại lời ước... để cho tôi được sống!...

Tức thì Thần Đi-ô-ni-dốt hiện ra và phán truyền:

-     Nhà ngươi hãy chạy mau đến sông Pác-tôn, nhúng mình vào dòng nước. Phép mầu sẽ biến mất ngay lập tức và nhà ngươi sẽ rửa sạch được lòng tham!

Mi-đát ba chân bốn cẳng vội vàng chạy đến sông Pác-tôn và nhảy ào xuống dòng nước. Quả nhiên nhà vua thoát khỏi quà tặng của Thần mà trước đây ông từng khát khao mong ước.

Trên đường trở về hoàng cung, Mi-đát mới thấm thía. Ông vừa đi vừa lẩm bẩm: "Hóa ra hạnh phúc không thể xây dựng bằng ước muốn tham lam!".

Nguyễn Quỳnh Phương kể

Lớp 4A Trường Tiểu học Trần Quốc Toản

Thành phố Nam Định

 

3. Kể lại truyện cổ tích "Cây khế"

BÀI LÀM

Ngày xưa có hai anh em nhà nọ cha mẹ mất sớm để lại cho một ngôi nhà ngói và một số ruộng vườn.

Mấy năm sau, hai anh em đều lấy vợ, không thể ở chung với nhau được nữa. Người anh bèn chia gia tài. Vốn tham lam, người anh giành hết ruộng vườn nhà cửa. chỉ chia cho người em một mái nhà gianh và một cày khế.

Vợ chồng người em hiền lành và cần cù, cày thuê cuốc mướn kiếm sống. Cây khế được vun gốc, bón phàn, tưới nước, bắt sâu, ngày một tươi tốt, cành lá sum sê tỏa bóng mát một góc sân.

Mùa hè năm ấy, cây khế ra hoa rồi kết quả. Ngày qua tháng lại, trái khế trĩu cành. Những quả khế to năm cánh bóng mượt, vàng óng dần lên. Vợ chồng người em khấp khởi mừng thầm: tiền bán khế sẽ mua được ít nhiều lúa gạo.

Nhưng một buổi sáng tinh mơ, có con chim đại bàng ở đâu bay đến cây khế. Chim ăn hết quả chín này đến quả chín khác. Vợ chồng người em lo lắm, không biết làm thế nào. Cả hai vợ chồng cùng thốt lên lời than:

-     Cơ nghiệp vợ chồng tôi chỉ có ngần ấy. Chim ăn hết thì biết trông cậy vào đâu khi ngày ba, tháng tám...

Kì lạ thay, con chim lạ cất tiếng nói:

-     Ăn một quả trả cục vàng, may túi ba gang mang đi mà đựng.

Biết là con chim thần, người vợ may cho chồng một cái túi ba gang. Họ thấp thỏm đợi chờ.

Mấy ngày sau, đại bàng lại bay đến, xòe rộng đôi cánh, rồi đỗ xuống sân. Chim cất tiếng gọi rối rít. Người em mang theo cái túi ba gang, nhẹ nhàng leo lên mình chim, ôm lấy cổ chim. Đại bàng vỗ cánh bay lên cao.

Chim chở người em bay qua những cánh đồng xanh bát ngát, vượt qua những ngọn đồi, dãy núi điệp trùng, bay dọc theo những dòng sông như dải thắt lưng xanh xa dài tít tắp. Lúc bay thấp, lúc bay cao lẩn vào những cồn mây trắng như bông. Rồi chim sải cánh vút qua biển rộng, nước xanh biếc một màu mênh mông. Đại bàng bay mải miết. Người em say sưa và xúc động trước cảnh đất trời mây nước bao la. Đến non trưa, chim lượn ba vòng rồi đậu xuống một hòn đảo lấp lánh giữa biển.

Một cảnh tượng vô cùng kì lạ. Cả một kho báu rực rỡ lấp lánh sắc màu. Bạch ngọc, hồng ngọc, ngọc tị trân chân, ngọc lam.... đủ hình dáng to nhỏ. Còn vàng khối thì có không biết bao nhiêu mà kể. Như lạc vào cõi thần tiên, người em chỉ biết say sưa ngắm nhìn gần xa. Và khi nghe chim giục, người em chọn mỗi thứ một ít vàng ngọc bỏ vào cái túi ba gang.

Lại trèo lên mình chim, người em một tay giữ lấy túi vàng ngọc, một tay ôm lấy cổ chim. Đại bàng vút bay qua biển rộng sông dài, băng qua những dãy núi đồi, vượt qua những cánh đồng lúa xanh rì... Trước mắt anh, làng cũ thân thuộc đã hiện ra. Đại bàng lượn ba vòng xung quanh cày khế, nhẹ đáp xuống sân. Khi người vợ trẻ chạy ra đón chồng, xách hộ cái túi ba gang đựng đầy châu báu đưa vào nhà, thì đại bàng cũng vút bay lén chín tầng mây xanh.

Vợ chồng người em trở nên giàu có từ đó.

Người anh biết chuyện, đòi đổi nhà cửa ruộng vườn của mình lấy cây khế và mái lều gianh. Mùa khế năm sau, đại bàng lại bay đến ăn quả. Vợ chồng người anh đã chực sẵn bao tháng ngày, vội vàng chạy ra kêu to lên. Đại bàng cất tiếng:

-     Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng.

Vợ chồng người anh bàn bạc mãi. Cuối cùng may một cái túi rõ to, rõ dài, một cái túi 9 gang. Rồi đại bàng đúng hẹn bay đến chở người anh bay thẳng một mạch đến đảo vàng. Người anh lóa mắt lên trước núi vàng, núi ngọc. Anh ta nhặt và nhét đầy cái túi to. Anh ta còn nhặt nhiều thỏi vàng dắt vào xung quanh cạp quần. Chim giục mãi, anh ta mới chịu trèo lên lưng chim. Chim đập cánh ba, bốn lần mới bay lên được. Khi ra đến giữa biển, gió mạnh thổi lên, chim mỏi quá nghiêng cánh. Cả cái túi vàng nặng trĩu rơi xuống kéo theo kẻ tham lam xuống đáy biển.

 

4. Em hãy kể lại một truyện cổ tích trong đó có cảnh "Người ngay thì gặp người tiên độ trì".

Cây tre trăm đốt

Ngày xửa ngày xưa có phú ông sinh hạ được một người con gái xinh đẹp. Phú ông luôn luôn nói và hứa với anh trai cày: “Mày hãy chăm chỉ làm ăn thì tao sẽ gả cô mày cho”

Anh trai cày mừng lắm, chẳng quản nắng mưa, ra sức cày sâu cuốc bẫm. Qua ba năm, phú ông ngày một giàu thêm. Cô con gái của phú ông ngày một thêm xinh đẹp. Anh trai cày phấp phỏng mừng thầm. Nhưng phú ông đã nuốt lời hứa đem cô gái gả cho con trai một gia đình giàu có nhất nhì trong làng. Đến hôm sắp cưới, phú ông còn lừa anh trai cày một mẻ nữa. Ông nói với chàng trai hiền lành chất phác:

-     Mọi việc đã sẵn sàng. Bây giờ mày hãy lên rừng đốn một cây tre trăm đốt đem về làm đũa ăn cưới thì ta cho mày lấy cô mày ngay. Đi nhanh lên!

Tin là thật, anh trai cày vác dao đi vào rừng. Anh ta lặn lội từ rừng nọ qua rừng kia, từ lũng này qua lũng khác, bụng đói, miệng khát, chân mỏi mà vẫn không tìm được một cây tre trăm đốt nào! Thất vọng quá, anh ta ngồi, khóc hu hu. Bỗng có một cụ già râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào chống gậy trúc đi tới.

-     Làm sao mà cháu khóc? Hãy nói cho lão nghe.

Anh trai cày lễ phép thưa rõ đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, ông lão bảo anh đi chặt ngay một trăm đốt tre đem lại. Ông lão bảo anh đọc ba lần: “Khắc nhập! Khắc nhập! Khắc nhập!". Tức thì các đốt tre tự nhiên dính vào nhau thành một cây tre dài trăm đốt. Cụ già đã biến mất lúc nào. Anh trai cày hí hoáy mãi rồi lại ngồi khóc, vì anh ta không thể nào đưa cây tre dài ra khỏi rừng. Cụ già lại hiện lên, nhẹ nhàng bảo anh đọc ba lần: “Khác xuất! Khắc xuất! Khắc xuất!”. Cây tre lại rời ra từng đốt một. Anh chưa kịp nói lời cảm ơn thì ông lão đã biến mất.

Anh vội vàng bó các đốt tre lại thành hai bó lớn rồi gánh chạy như bay về nhà phú ông. Anh ngạc nhiên thấy hai họ nhà trai, nhà gái đang ăn uống linh đình và sắp rước dâu. Anh giận lắm! Phú ông cười nói với anh: “Tôi cần cây tre trăm đốt, chứ khôg cần hai bó ống tre này” Anh trai cày liền xếp các ống tre lại, rồi khẽ đọc: “Khắc nhập!...”. Tức thì cây tre dài trăm đốt có ngay. Phú ông thấy lạ chạy đến, anh lại khẽ đọc câu thần chú, lão ta liền bị dính chặt vào cây tre, sợ quá, kêu toáng lên. Lão thông gia vội chạy đến cứu. Anh lại khẽ đọc: "Khắc nhập!...". thế là lão này cũng bị dính chặt vào cây tre, kêu trời lên ầm ĩ. Quan khách hai họ sợ quá! Người thì bỏ về, người thì chạy đến van lạy anh trai cày. Phú ông van lạy hết lời xin tha và hứa cho anh trai cày làm lễ cưới con gái mình.

Lúc bấy giờ, anh trai cày mới khẽ đọc: '”Khắc xuất! Khắc xuất! Khắc xuất!”. Cây tre trăm đốt rời ra. Hai lão kia được giải thoát.

Về truyện này mà trong dân gian đến nay vẫn lưu truyền câu ca:

"Chê ta rồi lại lấy ta,

Tuy là đứa ở nhưng mà có công"

 

5. Em hãy kể lại truyện cổ tích "Sự tích hồ Ba Bể"

BÀI LÀM

Ngày xửa ngày xưa, thần Giao Long đã biến thành bà ião già nua bệnh tật để đi thứ lòng mọi người. Đến đâu bà lão cũng bị người ta xa lánh. Một hôm bà lão tìm đến một nơi đang diễn ra lễ hội đông vui. Mọi người đều ăn mặc đẹp, thắp hương khấn cầu Trời, Phật, thần linh ban cho nhiều phúc lộc. Ai cũng nói đến chuyện làm phúc, chuyện lễ nghĩa. Nhưng mọi người đều xa lánh, đều từ chối, đều xua đuổi bà lão đói khổ khi bà cất tiếng van xin.

Trời sắp tối. Bà lão ăn mày lập cập bước vào một túp lều của hai mẹ con bà Góa nghèo khổ. Chỉ có một bát cơm nguội, hai mẹ con dành cho bà lão ăn mày. Chỉ có một manh chiếu rách, hai me con cũng nhường cho con người khốnkhổ. Bà lão ăn mày cảm động lắm cất tiếng cảm ơn và nói: "Hai mẹ con bà tuy nghèo mà phúc đức lắm, Trời sẽ phù hộ cho". Trước khi bước ra đi, bà lão đưa cho hai mẹ con bà Góa một gói tro, một chiếc vỏ trấu và dặn: “Nhớ giữ lấy để phòng thân. Lũ lụt, mưa to gió lớn thì rắc tro xung quanh nhà. Nước dâng lên thì thả vỏ trấu xuống…”Rồi bà lão ăn mày biến mất.

Đêm ấy mưa to gió lớn Thần Giao Long còn hóa phép làm cho đất sụt xuống, nước phụt lên, dâng lên trắng cả trời đất như biển. Nhiều người bị chết đuối, bị lũ cuốn đi. Hai mẹ con bà Góa rắc tro xung quanh túp lều mình, nước không tràn vào được. Chiếc vỏ trấu, hai mẹ con vừa thả xuống nước, tức thì hóa thành một chiếc thuyền độc mộc rất to rất dài. Với chiếc thuyền độc mộc ấy, hai mẹ con bà Góa đã cứu được bao nhiêu người thoát chết. Họ không bao giờ quên công ơn của hai mẹ con bà.

Nơi thần Giao Long làm sụt đất ấy biến thành một cái hố sâu, dài, rộng, bốn bề là vách núi, được người đời gọi là hồ Ba Bể. Giữa hồ mênh mông nổi lên một cái gò cao gọi là Gò Bà Góa.

Đã bao đời nay, dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao:

"Bắc Cạn có suối đãi vàng,

Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh".

 

6.   Em hãy kể lại truyện "Bốn anh tài",

Một truyện cổ dân tộc Tày mà em đã được học.

BÀI LÀM

Ngày xưa ở một bản nọ có một cậu bé kì lạ, mới lên mười tuổi mà sức khỏe đã bằng trai 18; 15 tuổi đã tinh thông võ nghệ và có chí khí hơn người. Đặc biệt là cậu ta ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn hết 9 chõ xôi. Dân bản đặt tên là Cẩu Khây.

Hồi ấy có một con yêu tinh xuất hiện chuyên bắt người và súc vật để ăn thịt. Nó hoành hành ngang dọc, tàn phá làng bản tan hoang, nhân dân vô cùng lo sợ. Cẩu Khây rất thương bà con, chàng vác vũ khí lên đường quyết trừ diệt yêu quái.

Cẩu Khây qua một cánh đồng khô cạn, thấy một cậu bé dùng tay làm vồ đóng cọc. Một quả đấm cậu giáng xuống cái cọc tre thụt sâu vào lòng đất. Tên cậu ta là Nắm Tay Đóng Cọc. Nghe Cẩu Khây nói chuyện đi giết yêu tinh, cậu ta xin được lên đường.

Hai người đi đến một vùng khác. Từ xa đã nghe tiếng ầm ầm. Đến gần mới thấy một cậu bé đang ngâm mình dưới hồ, lấy vành tai to tát nước lên thửa ruộng cao bằng mái nhà. Vừa nghe Cẩu Khây nói chuyện, Lấy Tai Tát Nước xin được nhập đoàn, cùng đi diệt trừ yêu quái.

Ba người vượt qua bao núi cao rừng thẳm đến một nơi xa lạ. Họ ngạc nhiên thấy một chú bé ngồi dưới gốc cây cổ thụ, đang cặm cụi dùng móng tay đục gỗ thành máng dẫn nước vào ruộng. Móng Tay Đục Máng xin được làm em út đi theo để cùng 3 anh tiêu diệt yêu quái.

Bốn anh tài đi suốt đêm ngày, trải qua nhiều mưa nắng và đói khát mới tìm đến được hang ổ của yêu tinh. Họ may mắn gặp được một bà già đang chănbò cho yêu tinh. Cụ nấu cơm cho 4 cậu bé ăn. Ăn no, cả 4 anh em cùng lăn ra ngủ. Đánh hơi thấy mùi thịt trẻ em, yêu tinh xuất hiện. Được bà cụ báo cho biết, 4 anh em quyết chí sẵn sàng chiến đấu.

Yêu tinh trợn mắt xanh lè, thè lưỡi đỏ như máu, dài bằng quả núc nác, cái đầu bù xù lông lá. Một mùi tanh nồng nặc xông lên. Nhanh như cắt, Móng Tay Đục Máng túm chặt lấy lưỡi yêu tinh kéo ra. Nắm Tay Đóng Cọc liền vung tay đánh thẳng vào mõm quái vật, làm gãy gần hết hàm răng của nó. Quái vật rú lên, điên cuồng chống trả. Cẩu Khây nhổ cây làm gậy nện túi bụi. Yêu tinh đau quá hét lên, chạy trốn. Tức thì gió bão nổi lên, đất trời tối sầm lại. Bốn anh em bám sát đuổi theo đến một thung lũng. Yêu tinh phun nước ra như mưa, dâng nước ngập tràn băng băng. Bốn anh em vội trèo lên núi. Nắm Tay Đóng Cọc be bờ ngăn nước lũ. Lấy Tai Tát Nước ra sức tát nước ầm ầm. Móng Tay Đục Máng ngả cây khoét máng khơi dòng nước chảy đi. Chỉ một lát sau, mặt đất lại khô ráo. Yêu tinh sợ quá phải quy hàng anh em Cẩu Khây.

Từ đấy, các bản làng được bình yên, bà con được yên ổn làm ăn. Họ mãi ghi nhớ công ơn bốn anh tài.

7. Em hãy kể lại truyện "Phần thưởng" của Lep Tôn-xtôi.

BÀI LÀM

Ngày xưa, có một bác nông dân tìm được ngọc quý. Bác ta muốn đem dâng Nga hoàng.

Tìm đến cung điện trong hoàng thành, bác nông dân gặp được một viên quan. Sau khi nghe bác nông dân nói muốn được gặp Đức Vua để dâng ngọc quý, viên quan hứa sẽ đưa đến gặp vua, nhưng với diều kiện "biếu ông ta một nửa phần thưởng". Bác nông dân vui vẻ ưng thuận. Thế là bác nông dân được dẫn vào cung điện gặp vua.

Đặt viên ngọc quý lên lòng bàn tay, nhà vua say mê ngắm nghía. Một màu lam óng ánh tỏa ra. Vua xoay đi xoay lại viên ngọc. Các sắc màu lung linh biến đổi: sắc hồng lam, sắc tím biếc, sắc trắng hồng, với những vân màu lấp lánh. Nga hoàng mỉm cười hài lòng, nói với bác nông dân:

-     Trẫm rất thú vị khi nhận được viên ngọc này. Trẫm muốn tặng anh một phần thưởng cao quý và xứng đáng.

Bác nông dân hiền lành kính cẩn thưa:

-     Muôn tâu Đức Vua, kẻ chân quê này chỉ xin được lĩnh một phần thưởng đặc biệt. Đức Vua hãy thưởng cho thần 50 roi.

-     Sao lại thế ? - Nhà vua ngạc nhiên hỏi.

-     Tâu Đức Vua, vì trước khi vào đây, kẻ chân què đã thỏa thuận với vị cận thần này sẽ chia đôi phần thưởng của vua ban cho !

Nga hoàng mỉm cười, rồi chỉ tay đuổi viên quan đi ra. Vua liền thưởng cho bác nông dân một nghìn rúp bỏ vào trong một cái túi gấm.

 

8. Kể lại truyện cổ dân gian Khơ-me “Những hạt thóc giống”

BÀI LÀM

Ngày xưa có một ông vua tuổi đã cao mà không có con. Vua muốn tìm một người tài đức để truyền ngôi.

Bữa nọ, vua ra lệnh mở kho thóc phát cho mỗi thần dân một đấu thóc giống và giao hẹn: "Ai nộp được nhiều thóc nhất sẽ được truyền ngôi báu; ai khônh có thóc nộp sẽ bị trừng phạt!".

Vụ mùa năm ấy bội thu. Các thần dân trong Vương quốc nô nức chở thóc về Kinh thành. Chỉ có một chú bé tên là Chôm đến với hai bàn tay không. Quỳ xuống trước mặt vua, Chôm kính cẩn tâu:

-     Muôn tâu Đức Vua! Con xin chịu tội vì thóc giống Bệ hạ ban cho, con đã gieo nhưng không mọc mầm !

Mọi người đều sững sờ. Nhưng nhà vua thì mỉm cười đỡ chú bé đứng dậy và nói: "Thóc phát ra đã bị luộc cả rồi, làm sao mà gieo thành mạ được. Những gánh thóc, xe thóc kia đâu phải thu được từ thóc giống của ta!...".

Nhìn một lượt khắp các bá quan văn võ và ngàn vạn thần dân có mặt, nhà vua phán truyền:

-     Trung thực là đức tính quý báu nhất của con người. Chôm vừa trung thực vừa dũng cảm, rất xứng đáng được ta truyền ngôi báu.

Chôm được làm vua và nổi tiếng là vị vua hiền minh của Vương quốc.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0