02/07/2018, 18:22

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. Bài làm Trong một chuyến đi thực tế ở vùng cao Tây Bắc, được sống và chứng kiến cuộc sống của những người dân nghèo, nhìn thấy cảnh xã hội mục nát đã đẩy người dân nghèo phải sống kiếp nô lệ, với ngòi bút hiện thực sắc sảo, nhà ...

Đề bài: Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.

Bài làm

Trong một chuyến đi thực tế ở vùng cao Tây Bắc, được sống và chứng kiến cuộc sống của những người dân nghèo, nhìn thấy cảnh xã hội mục nát đã đẩy người dân nghèo phải sống kiếp nô lệ, với ngòi bút hiện thực sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã sáng tác truyện ngắn Vợ chồng A Phủ với những nhân vật tiêu biểu cho tầng lớp bị bóc lột và tầng lớp thống trị. Những người nghèo như A Phủ và Mị đã phải sống không bằng chết dưới sự bóc lột và áp bức tàn ác của thống lí Pá Tra. Nhưng cuối cùng họ cũng đã thoát ra khỏi cuộc sống ấy để đón nhận một cuộc sống tốt đẹp hơn. Hình ảnh một cô Mị trong đêm tình mùa xuân khác hẳn với cô Mị thường ngày là một hình ảnh đẹp trong câu chuyện.

Hàng ngày, với chất chồng công việc làm mãi không hết, Mị lặng lẽ làm trong cái trạng thái lúc nào cũng cúi mặt buồn rười rượi. Ta nhìn thấy một cô Mị cam chịu, buông xuôi mặc số phận đưa đẩy. Đúng là Mị đang sống với thân phận một cô dâu bị bắt về để trả món nợ truyền kiếp cho cha, một cuộc hôn nhân không có tình yêu. Mị như đã cạn khô dòng nước mắt, đã từng nghĩ tới việc ăn lá ngón tự tử, trái tim Mị đã dần chai sạn, mất đi nhịp đập tự nhiên.

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Phân tích nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân

Nhưng không, trong sâu thẳm tâm hồn, tình yêu cuộc sống, mong muốn thoát khỏi cảnh làm dâu mà thực chất là làm nô lệ trong Mị vẫn như ngọn lửa cháy âm ỉ. Chính đêm tình mùa xuân đã thổi bùng lên ngọn lửa ấy trong Mị. Cảm xúc của Mị đưa đẩy theo tiếng sáo, Mị uống rượu và nhớ lại những kỉ niệm xa xưa. Mị ý thức được bản thân, ý thức được cuộc đời, Mị muốn đi chơi. A Sử, người chồng không có tình yêu đã trói Mị, Mị không đến được gần hơn với tiếng sáo, không đến được với đêm tình mùa xuân mà bao trai gái quê hương Mị đều muốn đến đó. Cũng không sao, Mị đang lâng lâng với men rượu, hắn chỉ trói được thể xác chứ không trói được tâm hồn Mị. Tâm hồn Mị đang giao cảm với đất trời, mùa xuân, lòng Mị phơi phới trong cái đêm được sống chính là mình trong suy nghĩ, tâm tưởng, sống theo tiếng gọi của trái tim.

Sau đêm tình mùa xuân ấy, Mị lại trở về với thực tại, tiếp tục sống kiếp trâu ngựa nhưng Mị như đã thành một người khác, mạnh mẽ hơn.

Mùa đông đến mang cái rét tê tái đến cho vùng núi. Đêm đêm, Mị ra bên ngoài bếp lửa hơ tay cho đỡ rét. Mị đã bắt gặp cảnh A Phủ bị trói đứng chờ chết. Những đêm đầu tiên, Mị không thấy động lòng trước cảnh ấy. Mị còn đang sống cuộc đời của Mị cũng chưa xong sao Mị động lòng lo cho người khác được hay đây là cảnh quen thuộc, cách đối xử với kẻ ăn người ở của nhà thống lí vẫn thường xuyên diễn ra như vậy. Chỉ biết rằng Mị gần như không quan tâm đến cái người bị trói chờ chết ấy. Nhưng rồi, một đêm khác, dòng nước mắt của người sắp phải chết ấy đã làm tan chảy trái tim đóng băng của Mị.

Mị nhớ lại đêm mùa xuân trước Mị cũng bị trói đứng thế kia, nhiều lần nước mắt rơi xuống miệng, xuống cổ không lau đi được. Mị đã có sự đồng cảm với người ấy. Mị nhớ lại người đàn bà trước đây đã từng bị trói cho đến chết trong nhà này, thật ác hơn cả thú rừng.

Mị nghĩ sao người này lại phải chết chỉ vì một con bò. Mị nghĩ đến cảnh người này bỏ trốn rồi tưởng tượng cảnh mình phải chết thay. Nghĩ đến mình, đến người, Mị không còn là cô gái cam chịu nữa, Mị đã nhận ra tội ác của bọn lãnh chúa phong kiến rồi. Mị dùng dao cắt lúa cởi trói cho A Phủ, gào lên: Chạy đi nhưng ngay sau đó chính Mị cũng chạy đi cùng A Phủ.

Đêm tình mùa xuân là một nét văn hóa đẹp của đồng bào Tây Bắc. Với Mị, từ đêm tình mùa xuân ở Hồng Ngài đã thức dậy trong Mị tình yêu cuộc sống, muốn vùng lên thoát khỏi kiếp đời nô lệ. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa  giúp cho Mị vùng lên, có đủ dũng khí cởi trói cứu A Phủ và cũng là cứu lấy cuộc đời mình thoát ra khỏi nơi mà bản thân bị đày đọa, sống không bằng chết để đi tìm cuộc sống mới.

Tuấn Đức

0