04/06/2017, 00:36

Phân tích khổ thơ đầu của bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử:

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?Nhìn nắng hàng cau nắng mới lênVườn ai mướt quá xanh như ngọcLá trúc che ngang mặt chữ điền. Nếu nhân loại không còn khao khát nữa Và nhà thơ nghề chẳng kẻ nào yêu Người - thi sĩ - cuối cùng vẫn là Hàn Mặc Tử Vẫn hiện lên ở đáy vực đợi chờ (Trần Ninh Hổ) ...

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?Nhìn nắng hàng cau nắng mới lênVườn ai mướt quá xanh như ngọcLá trúc che ngang mặt chữ điền.

Nếu nhân loại không còn khao khát nữa
Và nhà thơ nghề chẳng kẻ nào yêu
Người - thi sĩ - cuối cùng vẫn là Hàn Mặc Tử
 Vẫn hiện lên ở đáy vực đợi chờ
(Trần Ninh Hổ)
 
Hàn Mặc Tử - thi nhân của những mối tình khuấy mãi không thành khối. Tử yêu nhiều nhưng chua xót nhận ra rằng: Trăng là người bạn tình và là người bạn tình chung thủy cuối cùng của đời mình. Trong đời thơ, đời người quá ngắn ngủi, Hàn say mê bốn thiếu nữ (Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương). Hoàng Cúc, một thiếu nữ thôn Vĩ Dạ, là mối tình đầu của Tử hai người quen nhau ở Quy Nhơn, Tử là nhân viên sở Đạc điền còn cha Hoàng Cúc là chủ sở. Hàn thầm yêu Hoàng Cúc từ năm 1936 nhưng vì rụt rè nên chỉ dám bộc bạch tâm sự cùng thơ và bạn bè... Năm 1939, biết Tử mắc bệnh nan y, lại được người khác nhắc nhở thúc giục Hoàng Cúc gửi tặng thi nhân Hàn Mặc Tử bưu ảnh phong cảnh Huế và mấy dòng hỏi thăm mà không ký tên. Hàn lầm tưởng đó là cảnh Bến Vĩ Dạ lúc hừng đông hay đêm trăng? Để tạ lòng cố nhân, Tử gửi tặng Hoàng Cúc bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Đọc bài thơ này người vô tâm cũng không thể không nhớ tới khổ thơ đầu của bài thơ này:
 
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
 Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
 
Cảm nhận Đây thôn Vĩ Dạ phải gắn với mối tình đầu của Tử và Hoàng Cúc. Nhưng lâu nay, bị ám ảnh bởi yếu tố ngoài văn bản ngôn ngữ - đặc biệt ý kiến Hoàng Cúc đã gửi cho Hàn Mặc Tử một tấm hình cô mặc áo dài trắng trường Đồng Khánh (...) và trách Hàn Mặc Tử sao lâu nay không ra thăm Vĩ Dạ nên nhiều người đã hiểu câu thơ mở đầu bài thơ là lời trách nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ - đúng là giọng hờn dịu ngọt của các cô gái Huế, trách mà cứ như là mời chào khách về thăm thôn Vĩ. Những lời bình ấy xem ra thoát li văn bản. Căn cứ vào đâu mà nói Sao anh không về chơi thôn Vĩ? là câu hỏi trách móc của người thôn nữ. Hơn nữa, như Hoàng Cúc khẳng định: sau tấm bưu ảnh không có một lời trách móc      nào hết. Làm sao có thể trách được người  đang từng giờ, từng phút đợi tử         thần đến mang đi. Thơ trữ tình là hướng nội. Thơ Hàn Mặc Tử lại càng là thơ hướng nội. Câu hỏi Sao anh không về chơi thôn Vĩ? có thể là câu hỏi tự vấn bản thân Tử. Anh ở đây là đại từ nhân xưng được dùng ở ngôi thứ nhất, chứ không phải ở ngôi thứ hai. Một câu hỏi mang tính giãi bày. Câu thơ thể hiện niềm tiếc nuối. Nhân vật trữ tình đã tự trách mình sao lại không về chơi thôn Vĩ. Câu thơ đượm buồn, có pha chút hối hận. Cả bài Đây thôn Vĩ Dạ phải chăng là để trả lời câu hỏi đã đặt ra ở câu đầu tiên của bài thơ (có lẽ nên đặt dâu chấm hỏi ở vị trí cuối cùng của dòng thơ thứ hai thì hợp lý hơn).
 
Trước khi tạo nên bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ bất hủ này Hàn Mặc Tử đã có lần đi qua khu vườn nhà Hoàng Cúc ở bến Vĩ Dạ, nhưng chỉ đứng ở cổng mà nhìn vào. Ấn tượng sâu sắc đầu tiên còn lại trong độc giả khi đọc khổ thơ đầu là cảnh Vĩ Dạ lúc hừng đông. Qua cảnh này Tử muốn gửi gắm những tâm sự kín đáo nào đây? Trong muôn vàn cây, lá của Vĩ Dạ, nhà thơ nhắc đến hàng cau tắm nắng bình minh, bao đời nay với người Việt Nam, cây cau vẫn gợi mối tình đôi lứa, bằng biện pháp nghệ thuật tăng cấp tiệm tiến, nhà thơ đã nhấn mạnh ý nắng mới lên, xanh như ngọc. Nắng bình minh, (nắng mới lên) đẹp thì đẹp, nhưng qua cái nhìn của thi nhân lãng mạn nó cũng qua nhanh như hơi rượu say (bởi vậy liền sau cảnh hừng đông là cảnh bến sông trăng buồn đến nao lòng).
 
Nắng hàng cau - nắng mới lên đi liền với Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Cũng là vườn mang hương vị ngọt ngào của ca dao, nhưng vườn mà Tử miêu tả khác với vườn của Nguyễn Bính, ở đây người ta thấy xuất hiện trong thơ một khu vườn mướt quá xanh như ngọc. Vườn ai - vườn của một đối tượng có vẻ như phiếm chỉ, nhưng cũng có thể là vườn của người mình thương, vườn- tình của cô gái.
 
Rõ ràng khu vườn trong thơ Tử không phải là vườn hồng cũng không phải khu vườn có bóng hoàng lan, mà là vườn xanh như ngọc. Phép so sánh khá mới lạ này khiến cho độc giả có thể nghĩ đến đến vườn em, là vườn cành vàng lá ngọc. Vào khu vườn ấy đâu phải dễ dàng. Câu thơ thứ tư nói rõ thêm ý tưởng ấy:
 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
 
Hình ảnh lá trúc góp phần làm rõ thêm tính quyền quý của khu vườn Vĩ Dạ. Khuôn mặt chữ điền bị lá trúc che ngang lâu nay trở thành lời thách đố với bao nhiêu bạn yêu thơ. Nhiều người đồng tình khẳng định khuôn mặt chữ điền là phúc hậu, hiền lành, trung thực, ca dao Huế đã từng có câu:
 
Mặt em vuông tựa chữ điền
 Da em thì trắng, áo đen mặc ngoài
 Lòng em có đất có trời
Có câu nhân nghĩa có lời thủy chung
 
Nhà thơ quá cố Chê Lan Viên đã có ý nghi ngờ khi ông nêu ra câu hỏi con gái mặt chữ điền thì đẹp gì mà Hàn Mặc Tử ca ngợi. Gương mặt chữ điền trong câu thơ là gương mặt ai. Một số người cho rằng gương mặt ấy chính là gương mặt của Hoàng Cúc, người khác lại nghĩ là gương mặt Hàn Mặc Tử. Hình ảnh lá trúc làm nảy sinh sự tranh cãi khá gay gắt. Lá trúc thực ở ngoài đời hay lá trúc vẽ trên những bức rèm treo trước cửa phòng của các nhà quyền quý? Người ta nói văn chương tự cổ vô bằng cứ cũng không phải là không có nguyên cớ. Theo thiển nghĩ của người viết bài này thì trung tâm phát sóng của khổ thơ nằm trong chi tiết thầm mĩ:
 
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
 
 Lá trúc ấy phải ở trong vườn ngọc kia, nó che khuất, che lấp cả sự phúc hậu hiền lành, trung thực. Phải chăng nó thực sự trở thành trở lực ngăn cách tình người. Nó làm cho gió theo lối gió mây đường mây, nó tạo nên dòng nước buồn thiu hoa bắp lay, nó đưa đến tâm trạng hy vọng mong manh mà thất vọng tràn trề: có chở trăng về kịp tối nay, nó kết lại trong một lời trách.
 
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
 Ai biết tình ai có đậm đà
 
Câu kết bài thơ đã trả lời khá đầy đủ lý do Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
 
Chỉ thiên về việc khai thác vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên và con người xứ Huế, có thể người bình thơ phải sai lầm là không hiểu hết bi kịch tình yêu của Tử. Khi Hàn Mặc Tử viết: Đây thôn Vĩ Dạ thì tình cảm của thi nhân với Hoàng Cúc cũng chỉ còn trong quá vãng vì lúc này Hàn Mặc Tử đã yêu người khác. Hơn nữa, Tử lại đang ở trong tình trạng hoang mang, bi quan đến cực độ khi biết mình mắc bệnh nan y. Khổ thơ đầu nói riêng và Đây thôn Vĩ Dạ nói chung vẫn nằm trong cảm hứng đau thương của Hàn Mặc Tử.

0