04/06/2017, 00:35

Phân tích hình tượng nhân vật Huấn Cao trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

Người quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân thật đã có một cách chơi độc đáo: chơi chữ đẹp, lại chơi trong một hoàn cảnh độc đáo: nhà ngục tử tù. Hai cái độc đáo ấy cùng với cách kể chuyện độc đáo của Nguyễn Tuân, thật ra, lại để làm nổi bật một sự độc đáo khác: chủ yếu hơn có ...

Người quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân thật đã có một cách chơi độc đáo: chơi chữ đẹp, lại chơi trong một hoàn cảnh độc đáo: nhà ngục tử tù. Hai cái độc đáo ấy cùng với cách kể chuyện độc đáo của Nguyễn Tuân, thật ra, lại để làm nổi bật một sự độc đáo khác: chủ yếu hơn có ý nghĩa toàn tác phẩm hơn: nhân cách cao đẹp của Huấn Cao.

Huấn Cao là ai? Đó là một nhà nho tài hoa, văn hay chữ tốt, tính tình phóng khoáng, nhân cách cao thượng, đã dám làm loạn chống triều đình, bị triều đình khép vào tội đại nghịch, kết án tử hình và đang chờ cái chết trong một sớm một chiều. Như vậy, Huấn Cao là một nhân cách toàn vẹn vừa có tài văn, tài võ vừa là người nghĩa khí. Sự trùng hợp giữa nhiều chi tiết giữa nhân vật nghệ thuật này với một ông Huấn đạo Cao Bá Quát có thật dưới triều vua Tự Đức, cho phép ta nghĩ rằng: Có thể Nguyễn Tuân đã mượn Huấn Cao để viết một thiên tụng ca về Cao Bá Quát và mặt khác, đã dựa vào Cao Bá Quát như một nguyên mẫu để xây dựng nên hình tượng một nhân vật tài hoa trong đời.
 
Trong tài văn của Huấn Cao, Nguyễn Tuân tập trung ca ngợi riêng cái tài viết chữ đẹp: Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Trong thị hiếu thẫm mĩ của người xưa, từ Trung Quốc đến Việt Nam, viết chữ đẹp là cả một nghệ thuật cao quý và chơi chữ đẹp là một thú chơi thanh cao. Bởi vậy lúc này, có được chữ ông Huấn Cao mà treo là cả một báu vật trên đời. Những băn khoăn của viên quản ngục, những tính toán mưu mẹo của y, những biệt đãi, những nhẫn nhục, đau khổ, hốt hoảng, hi vọng, tuyệt vọng, hồi hộp, thành kính... của y nữa, đều là những thủ pháp nghệ thuật đầy hiệu quả của truyện ngắn để khẳng định cái tài vừa hiếm này của ông Huấn Cao.
 
Nhưng xét cho cùng, hết mực ca ngợi cái tài của Huấn Cao, Nguyễn Tuân chủ yếu và đang thời hết mực ca ngợi cái tâm của Huấn Cao. Bởi cái tài ấy chính là chỗ phát lộ của cái tâm ấy. Có lẽ ở đây, ý kiến phong cách tức là con người đã được thể hiện một cách trọn vẹn nhất. Ông Huấn Cao có những nét chữ đầy sức chinh phục mọi người, nó rắn rỏi, cao khiết, vuông vắn, bởi vì cái tâm của ông cũng vuông vắn, cao khiết và đầy chinh phục.
 
Cái tâm của Huấn Cao chiếu sáng lên toàn bộ cuộc đời, các hành động lớn, nhỏ của ông. Không chịu vào luồn ra cúi, không chịu sống cảnh cá chậu chim lồng, ông đi làm giặc triều đình. Sự nghiệp không thành, bị bắt, bị kết án tử hình, ông không mảy may tỏ ra sợ hãi hay hối tiếc. Cổ mang gông tử tù, bước vào ngục tử tội chờ chết, ông vẫn hiên ngang như bước trên đường cái. Nếu trong đời thường, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ... nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ, thì khi sa vào chốn giam cầm ông cũng chẳng vì biệt đãi mà lung lạc hay vì quyền uy mà run sợ. Thật đúng là nhân cách lý tưởng mà con người cả ngàn năm qua vẫn ao ước: bần tiện bất năng di, phú quý bất băng dâm, uy vũ bất năng khuất.
 
Nhưng con người tưởng được đúc bằng thép ấy lại tỏ ra tinh tế trong cách đối xử với người biết bao, đặc biệt là với người tốt trong cuộc đời. Cái biệt nhỡn liên tài của ông đối với viên quản ngục không phải là sự liên tài đối với một người biết trọng đãi mình, mà là sự trân trọng, cảm động trước một nhân cách, đặc biệt là ở viên quản ngục, nó lại là một đóa sen trong bùn. Hãy nghe ông ân hận nói: ... Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Phát hiện được một nhân cách trong sáng giữa chốn tối tăm, ông Huấn không nỡ để cho nhân cách ấy bị bóng tối làm cho u ám đi. Ông ân cần dặn dò những lời tâm huyết:
 
... Ta khuyên thầy quản nên thay chốn ở đi... ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng nhem nhuốc mất cả đời lương thiện đi.
 
Có thể nói đoạn văn tả cảnh Huấn Cao viết chữ ở cuối truyện là đoạn văn hay nhất tác phẩm, cũng là đoạn văn làm bộc lộ trọn vẹn nhất vẻ đẹp nhân cách Huấn Cao.
 
 Dường như không còn một Huấn Cao tử tù nữa, chỉ có một Huấn Cao con người tự do. Dường như không có cái chết sắp đến nữa, chỉ có một cuộc sống vĩnh hằng của cái đẹp; không còn bóng tối, sự chật hẹp, hôi hám của nhà tù nữa, chỉ còn ánh sáng và sự trân trọng đối với tài hoa của một con người. Dường như Huấn Cao không phải đang chờ ngày vào kinh để nhận lấy cái chết mà đang đi vào cõi sống khác. Còn những người như quản ngục và viên thư lại thì đón nhận những lời truyền dạy của kẻ tù nhân dưới quyền họ một cách khúm núm, e sợ, thành kính, cứ như những tín đồ đang nghe lời vị giáo chủ tối cao của mình. Tự nhiên giữa nhà ngục này lại có sự đổi ngôi kỳ lạ. Có thể xem đó là cách Nguyễn Tuân thể hiện một cách đặc biệt quan niệm của mình về sức mạnh của cái đẹp. Sức mạnh của cái đẹp là thế. Không có thế lực tàn bạo nào, không có bóng tối âm u nào có thể che khuất được nó, có thể đánh bại được nó, đè bẹp được nó, kìm hãm được nó.
 
Đã có người cho rằng Chữ người tủ tù là một sản phẩm của quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật. Ngón chữ đẹp của Huấn Cao là nghệ thuật chăng? Đúng thế, nhưng đó cũng là cuộc sống, là con người, là khát vọng tốt đẹp và cao thượng mà con người vẫn luôn hướng tới.

0