04/06/2017, 00:36

Phân tích bài thơ Hầu Tròi của nhà thơ Tản Đà.

Trong muôn vàn ngôi sao sáng trên bầu trời văn học, thì Tản Đà là ngôi sao rực rỡ nhất trên thi đàn vào những năm 20 của thế kỉ XX. Thơ văn ông có thể xem như một gạch nối giữa hai thời đại văn học của dân tộc: Trung đại và Hiện đại. Ông có nhiều tác phẩm hay thế hiện cái tôi mạnh mẽ đặc biệt là ...

Trong muôn vàn ngôi sao sáng trên bầu trời văn học, thì Tản Đà là ngôi sao rực rỡ nhất trên thi đàn vào những năm 20 của thế kỉ XX. Thơ văn ông có thể xem như một gạch nối giữa hai thời đại văn học của dân tộc: Trung đại và Hiện đại. Ông có nhiều tác phẩm hay thế hiện cái tôi mạnh mẽ đặc biệt là bài Hầu Trời in trong tập Còn chơi, xuất bản lần đầu năm 1921.

Mở đầu câu chuyện lên Trời tác giả đặt ra một câu hỏi nghi vấn nửa hư nửa thực:
 
Đêm qua chẳng biết có hay không.
Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng.
Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể!
Thật được lên tiên - sướng lạ lùng.
 
Ai cũng biết câu chuyện lên thiên đình hầu Trời của tác giả là câu chuyện hoàn toàn hư cấu không có thực nhưng ngay khổ thơ đầu tác giả đã tạo cho người đọc thấy đây là câu chuyện có thực với một nghệ thuật cao tay: Câu thơ đầu gây cho người đọc một mối nghi vấn để tò mò. Chuyện có vẻ như mộng mơ, như bịa đặt đêm qua chẳng biết có hay không, nhưng dường như lại là thật, thật hoàn toàn, bởi tiếp đó là ba câu thơ khẳng định chắc như đinh đóng cột, được nhắc đi nhắc lại đến bốn lần chữ thật với nhịp thơ nhanh, dồn dập ngăn cách nhau bằng những dấu cảm thán.
 
Xuân Diệu đã có lời bình khổ thơ đầu này thật tinh tế: Vào đột ngột câu đầu, cũng ra vẻ đặt vấn đề cho nó khách quan, nghi ngờ theo khoa học, để ba câu sau toàn là khẳng định, ăn hiếp người ta. Cảm giác đó làm cho câu chuyện mà tác giả sẽ kể trở nến có sức hấp dẫn đặc biệt, không ai có thể bỏ qua. Cách vào đề thật độc đáo và có duyên.
 
Có lẽ cảnh để lại ấn tượng nhất cho người đọc trong bài thơ Hầu Trời là cảnh tác giả đọc thơ cho Trời và chư tiên nghe. Cảnh này dưới lời kể của nhà thơ đã diễn ra khá sinh động pha chút hóm hỉnh thật thú vị. Thi sĩ rất cao hứng và có phần tự đắc:
 
Đương cơn đắc ý đọc đã thích
Chè trời nhấp giọng càng tốt hơi
Văn dài hơi tốt ran cung mây!...
 
Rồi sau đó lại tự khen:
 
Văn đã giàu thay lại lắm lối...
 
Chư tiên nghe thơ rất xúc động, tán thưởng và hâm mộ, đặc biệt là câu thơ thật hóm hỉnh của Tản Đà khi ông tự đề cao thơ của mình:
 
Chư tiên ao ước tranh nhau dặn:
Anh gánh lên đây bán chợ trời
 
 Còn Trời thì đánh giá cao và không tiếc lời tán dương thơ của thi sĩ:
 
Trời lại phê cho: Văn hay tuyệt
 Văn trần được thế chắc có ít!
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!
Khí văn hùng mạnh như mây chuyển!
Êm như gió thoảng, tinh như sương!
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!
Chẳng hay văn sĩ tên họ gì?
Người ở phương nào ta chưa biết
 
 Sự hâm mộ của mọi người đối với nhà thơ đã làm nổi bật cái tôi bản thân qua hành động của các chư tiên và Ngọc Hoàng:
 
Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi
Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày
 Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng
 Đọc xong mỗi bài cùng vỗ tay.
 
Tản Đà tự coi mình là một trích Tiên - một vị Tiên bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Ông luôn mơ thấy mình lên Thượng giới, lên Thiên đình để hội ngộ với các mỹ nhân cổ kim như Tây Thi, Chiêu Quân,
 
Dương Quý Phi và đàm đạo văn chương với các bậc tiền bối như: Nguyễn Trãi, Hàn Thuyên, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương... thậm chí với cả cụ Khổng Tử. Ông còn viết thư hỏi Trời và bị Trời mắng. Qua cảnh tác giả đọc thơ hầu Trời, ta cảm nhận thi sĩ là một nhà thơ rất có ý thức về tài năng của mình, là người táo bạo dám đường hoàng bộc lộ bản ngã, cái tôi đó. Chúng ta cần nhớ một điều là cái tôi của nhà văn, nói chung chưa có điều kiện để bộc lộ vì đối với các nhà văn đương thời họ thường viết theo cái ta - đạo lý của xã hội phong kiến. Vì vậy có thể xem việc bộc lộ cái tôi ở đây của Tản Đà là một nét mới đáng ghi nhận. Tản Đà cũng rất ngông khi tìm đến tận Trời để khẳng định tài năng của mình trước Ngọc Hoàng và chư tiên nghe. Đó là niềm khao khát chân thành trong tâm hồn thi sĩ. Bởi giữa chốn hạ giới văn chương rẻ như bèo, thân phận bị rẻ rúng, khinh bỉ, ông không tìm được tri kỉ, phải lên tận cõi tiên này mới có thể thỏa nguyện.
 
Có thể nói cái tôi, cái ngông trong văn chương thường biểu hiện thái độ phản ứng của người nghệ sĩ tài hoa, có cốt cách, có tâm hồn không muốn chấp nhận sự bằng phẳng, sự đơn điệu, nên thường tự đề cao, phóng đại cá tính của mình. Đó là niềm khao khát chân thành trong tâm hồn thi sĩ.
 
Trách nhiệm và khát vọng của thi nhân:
 
 
...Trời định sai con một việc này
Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuật cùng đời hay
 
Nhiệm vụ Trời giao cho thi nhân: Truyền bá thiên lương cho hạ giới ,một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh dự vì có ý nghĩa với cuộc đời. Từ trách nhiệm này, chứng tỏ nhà thơ dù lãng mạn nhưng vẫn không thoát ly hiện thực cuộc sống. Tác giả vẫn ý thức về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với cuộc đời, mong giúp đời tốt đẹp hơn.
 
Bài thơ thể hiện cái tôi, cá nhân ngông nghênh - một cái tôi ngông, phóng túng, tự ý thức về tài năng, giá trị đích thực của mình và khao khát được khẳng định mình giữa cuộc đời của nhà thơ Tản Đà.

0