04/06/2017, 00:36

Bình giảng bài thơ Tôi yêu em của Puskin.

Mỗi chúng ta có một Puskin của mình, và chỉ có một Puskin với tất cả mà thôi. Ông đã đi vào cuộc sống chúng ta với ngay từ đầu của nó và mãi mãi không từ bỏ chúng ta (Alếch-xan-đrơ Tra-đốp-xki). Nhận định này không chỉ khẳng định sức sống và khả năng tác động mạnh mẽ của thơ ca Puskin đối với đông ...

Mỗi chúng ta có một Puskin của mình, và chỉ có một Puskin với tất cả mà thôi. Ông đã đi vào cuộc sống chúng ta với ngay từ đầu của nó và mãi mãi không từ bỏ chúng ta (Alếch-xan-đrơ Tra-đốp-xki). Nhận định này không chỉ khẳng định sức sống và khả năng tác động mạnh mẽ của thơ ca Puskin đối với đông đảo độc giả mà còn nói đến sự phong phú đa dạng trong sáng tác của ông.

Ở Puskin, chúng ta có thể gặp một thanh niên quý tộc với tư tưởng chán chường, muốn xa lánh xã hội thượng lưu giả dối để đến với cuộc sống thanh bình, tự do chốn thôn quê. Cũng có thể gặp một chiến sĩ cách mạng với khát vọng tự do hoặc một nhà cải cách xã hội có tư tưởng tiến bộ, và còn có cả một nhà văn hiện thực trong một nhà thơ tình lãng mạn.
 
 Quá trình sáng tác của Puskin là một quá trình vận động tư tưởng theo chiều tiến bộ, từ một thanh niên quý tộc có tư tưởng tiến bộ nhưng còn xa rời nhân dân đến một chiến sĩ cách mạng ưu tú luôn vì quyền lợi của nhân dân lao động. Nhưng cao hơn tất cả chúng ta gặp một nhân cách Puskin - một Con người đích thực ở mọi phương diện sống. Xuất thân trong một gia đình đại quý tộc với rất nhiều điều kiện thuận lợi cho một cuộc sống vinh hoa nhưng là một con người, nhà thơ đã không chấp nhận, đã nguyện làm một ca sĩ của tự do, trở thành kẻ thù của bọn cầm quyền. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho khát vọng về một xã hội tốt đẹp, tự do và bình đẳng. Sáng tác của Puskin là lí tưởng cao cả về những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống, trong đó có tình yêu - tình cảm tuyệt vời nhất của cuộc đời.
 
Tình yêu là một đề tài lớn của thơ ca nhân loại. Không có nhà thơ nào lại không nói đến tình yêu trong thi phẩm của mình. Mọi cung bậc tình cảm, mọi biến thái của tinh vi và những rung động tinh tế của tâm hồn con người đều xuất hiện trong thơ ca. Tình yêu là một thứ tình cảm rất phức tạp, có khả năng đưa con người trở thành thiên thần nhưng cũng có thể biến con người trở thành quỷ dữ. Và điều mà thơ ca hướng đến là lí tưởng về những tình yêu đẹp, tình yêu thánh thiện. Puskin là một nhà thơ tình yêu như thế. Thơ tình của ông là sự kết hợp của tình yêu nhân loại và tình yêu con người. Ông sáng tác cả thơ trữ tình và văn xuôi và đều thành công, ở mảng thơ trữ tình, nhà thơ quan tâm đến hai đề tài lớn: đề cao khát vọng tự do và khám phá đời sống tinh thần, tình cảm của nhân dân lao động (thể hiện ở mảng thơ về tình yêu).
 
Những trải nghiệm của chính bản thân và sự nhạy cảm của một tâm hồn nhân hậu đã giúp nhà thơ phát hiện và thể hiện vẻ đẹp của tình yêu chân chính. Nhà thơ đã phát hiện và xử lí các tình huống của tình yêu theo chuẩn mực đạo đức của nhân dân lao động. Những tình cảm cao đẹp mà nhà thơ ca ngợi đối lập hoàn toàn với cuộc sống nhơ nhớp bẩn thỉu của xã hội thượng lưu, cái xã hội mà tình yêu chỉ là sự chiếm đoạt, ích kỉ.
 
Trong các trường ca như Ep-ghê-nhi Ô-nhê-ghin, Đoàn người Tsưgan, Người tù Cáp-ca-dơ, nhân vật chính của Puskin đều là những thanh niên quý tộc chán ghét tình yêu chốn thượng lưu đi tìm tình yêu ở nơi khác, nhưng rồi bản tính ích kỉ trong tình yêu của những thanh niên quý tộc mà họ không bỏ được vẫn đưa họ đến những bi kịch. Tình yêu với họ đã từng chỉ là những trò chơi, những cuộc chinh phục, sự ghen tuông có thể dẫn đến những cuộc đấu súng một mất một còn (E. Ô-nhê- ghin và Len-xki trong Ép -ghê- nhi Ô-nhê-ghin), họ sẵn sàng giết chết người yêu khi cảm thấy bị phản bội (A-lê-cô trong trường ca Đoàn người Tsư-gan), có lẽ tấn bi kịch cuối đời của Puskin cũng xuất phát từ chính những thành kiến kiểu quý tộc ấy mà Puskin đã không thể tự vượt qua.
 
 Những mối tình thượng lưu kiểu ấy đã khiến nhà thơ suy ngẫm về một tình yêu đích thực. Cảm hứng về một tình yêu cao thượng đã được gửi gắm trong hình tượng nhân vật trữ tình của bài thơ Tôi yêu em. Dưới hình thức một lời tỏ tình là khát vọng về một tình yêu chân chính với tình cảm cao thượng. Bài thơ là sự kết hợp tuyệt vời của một lí trí sáng suốt và một trái tim biết yêu thương thực sự. Mạch cảm xúc của bài thơ tự nó đã chia thành hai phần dưới hình thức hai câu, mỗi câu bốn dòng thơ. Và trong mỗi câu thơ lại có hai vế. Một kết cấu hài hòa cân đối đã làm nên vẻ đẹp của bài thơ nhưng không làm suy giảm sự tinh tế của cảm xúc.
 
Thơ Puskin vốn rất giản dị, gần gũi cuộc sống. Những hình ảnh biểu tượng trong thơ ông thường dễ hiểu nhưng rất có chiều sâu. Hiểu ở mức độ nào phụ thuộc vào sự đồng cảm và rung động của trái tim người đọc. Thế nhưng điều mà bất cứ độc giả nào cũng cảm nhận được chính là những giá trị đạo đức trong thơ Puskin. Những vần thơ trong sáng và đầy cảm hứng nhân văn của ông có khả năng tác động rất mạnh mẽ đến tâm hồn người đọc. Và tình cảm cao đẹp của nhân vật trữ tình trong Tôi yêu em có thể tạo nên khả năng thanh lọc tâm hồn đối với nhiều thế hệ bạn đọc.
 
Mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình tôi được bắt đầu bằng một lời thổ lộ rất chân thành:
 
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
 
Có thể nhận ra một sự không bình thường trong lời bày tỏ của nhân vật trữ tình. Đó không phải là một lời tỏ tình ở một giai đoạn bắt đầu một mối tình. Có vẻ như là một sự xác nhận về một tình cảm đơn phương từ phía tôi. Một tình cảm như đã từng bị cô làm cho lụi tàn nhưng nó lại chưa hẳn đã tàn phai. Hai dòng thơ, đơn giản là một lời xác nhận sự tồn tại của một tình yêu. Một tình yêu mà dù muốn cũng không thể nguôi quên. Nhưng điều đáng nói là mục đích của lời bày tỏ ấy. Mong muốn được đáp lại tình cảm hay thể hiện một điều gì khác:
 
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.
 
Một mong muốn cao thượng chỉ có thể xuất phát từ một tình cảm chân thành của một trái tim biết yêu thương, biết hi sinh. Câu thơ đã xác nhận một chân lí của tình yêu là đã yêu thì không đòi hỏi, yêu là mong muốn những điều tốt lành đến với người mình yêu thương: Tôi chẳng muốn em buồn vì bất cứ lẽ gì.
 
Quả thực tình yêu đã nâng con người lên cao hơn. Mặc dù nhân vật em không xuất hiện trong bài thơ nhưng qua cảm nhận của nhân vật trữ tình thì đó phải là một người con gái rất đáng yêu. Chấp nhận âm thầm chịu đựng tình yêu đơn phương, nhân vật trữ tình đã nâng mình lên cao hơn.
 
Câu thơ đầu có sự tham gia rất mạnh mẽ của lí trí. Đây là giai đoạn mà lí trí vẫn điều khiển được trái tim. Ý thơ thẳng thắn, minh bạch và rất rõ ràng: còn yêu và rất yêu nhưng không muốn làm em phải suy nghĩ. Câu thơ như lời tự nhủ với chính mình với một quyết tâm rất cao. Nhưng nếu chấp nhận dễ dàng như vậy thì có vẻ lí trí quá và tình yêu của tôi đối với em chưa đủ sức thuyết phục, còn kém mãnh liệt. Sự mãnh liệt của tình yêu được thể hiện ở bốn dòng thơ tiếp theo:
 
Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yếu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
 
Dường như lí trí đã nhường chỗ cho cảm xúc. Những trạng thái cảm xúc phức tạp và đầy mâu thuẫn của trái tim đang yêu đã được bày tỏ rất chân thành. Sự tăng tiến của tình cảm, cảm xúc khiến câu thơ có khả năng truyền tải tình cảm mãnh liệt của nhân vật trữ tình. Sức nặng của tâm trạng và trung tâm thẩm mĩ của bài thơ nằm ở câu thơ thứ hai này:
 
Tôi yêu em âm thầm không hi vọng
Lúc rụt rè khi hậm hực lòng ghen,
 
Một lần nữa, mối tình đơn phương lại được xác nhận. Vì không muốn em phải bận lòng thêm nữa nên phải âm thầm. Yêu không hi vọng, yêu đơn phương vẫn là tình yêu, thậm chí còn là một tình yêu rất sâu sắc. Có rụt rè có ghen tuông thì đích thị là tình yêu. Nhưng sự hờn ghen và không hi vọng ấy không làm giảm đi vẻ đẹp của tình cảm mà nhân vật trữ tình dành cho em. Đó là một lời bày tỏ chân thành. Nhịp thơ dồn dập, liên tiếp xuất hiện các tính từ chỉ trạng thái cảm xúc, đã bộc lộ mức độ mãnh liệt của tình yêu. Trong bài thơ có tới ba cụm từ tôi yêu em thì hai cụm tập trung ở câu thứ hai và được gắn với những tính từ cảm xúc (âm thầm, không hi vọng, chân thành, đằm thắm).
 
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
 
Chân thành, đằm thắm là hai phẩm chất mà mọi tình yêu đều muốn đạt tới, đó là tiêu chuẩn lí tưởng của mọi mối tình. Nếu thiếu hai tiêu chuẩn thì không còn là tình yêu nữa. Và mức độ chân thành, đằm thắm được xác nhận và cụ thể hóa một cách khéo léo và đầy thuyết phục ở dòng thơ cuối cùng:
 
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
 
Tư tưởng và giá trị của bài thơ được cô đọng ở câu thơ này. Chỉ một lời cầu chúc thôi nhưng nói được bao điều. Nó khẳng định tấm tình chân thành của tôi, đồng thời thể hiện tôi yêu em là tình yêu mãnh liệt và chân chính. Câu thơ hội tụ vẻ đẹp của cảm xúc và cảm hứng của nhân vật trữ tình. Lời cầu chúc giản dị mà thể hiện được cả một nhân cách. Đó là lời cầu chúc tuyệt vời nhất của nhân loại. Thói thường tình yêu thường kèm theo sự ích kỉ, ai đã yêu mà không từng hậm hực lòng ghen. Nhân vật tôi cũng như vậy. Nhưng sự ích kỉ không thể chiến thắng được sự cao thượng của một trái tim biết yêu thương. Nếu chỉ là lời cầu mong cho người mình yêu những điều tốt đẹp nhất thì đơn giản quá và không có khả năng thể hiện tình yêu như Cầu em được người tình như tôi đã yêu em. Bài thơ là lời bày tỏ tình cảm, vì vậy cái ẩn ý đằng sau câu thơ, làm cho cảm xúc thơ chân thực hơn chính là ở lời cầu mong này. Lời cầu chúc cũng chính là lời khẳng định tình yêu chân thành và đằm thắm của mình, đó là tình yêu thực sự, tình yêu xứng đáng nhất với em.
 
 Đây không chỉ là một lời cầu chúc tuyệt vời nhất, thể hiện hay nhất tình cảm của tôi mà còn là một lời thổ lộ thật thông minh. Chấp nhận yêu đơn phương, chấp nhận sự thực là em sẽ có người khác nhưng lại nhấn mạnh và xác nhận tình yêu mãnh liệt của mình, liệu có mâu thuẫn không? Liệu có cô gái nào yên lòng trước lời cầu chúc chân thành và đáng yêu như thế. Quả thực bài thơ thật đẹp, thật trong sáng. Với một tình yêu như thế dù được đáp lại hay không thì vẫn là một tình yêu lí tưởng, những trái tim yêu như thế sẽ giúp con người ngày càng người hơn.
 
Nhìn lại mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ thì đây là bài thơ về một mối tình đơn phương nhưng qua đó lại thể hiện một quan niệm rất nhân văn về tình yêu. Và mạch cảm xúc của bài thơ được phát triển theo lôgíc tâm trạng nhưng có sự kết hợp rất khéo với lí trí. Sự hài hòa giữa cảm xúc và lí trí đã tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn cho bài thơ. Tâm trạng được thể hiện không quá bản năng nhưng cũng không quá nặng nề khô cứng. Cảm xúc có khi mâu thuẫn với lí trí nhưng lại được giải quyết một cách rất hợp lí, hợp với sự phát triển của mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Một tình yêu chân thành của một trái tim biết yêu thương thực sự đã thể hiện một tư tưởng nhân văn cao đẹp. Một vấn đề thuộc về đạo đức và nhân cách con người đã được nhà thơ thể hiện dưới một hình thức giản dị và giàu khả năng gợi cảm. Đây cũng chính là một trong những thành công nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác của Puskin.

0