20/08/2018, 22:48

Phân tích hình tượng người nông dân trong bài thơ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Phân tích hình tượng người nông dân trong bài thơ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc Bài làm Tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là đỉnh cao sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, đây là tác phẩm biểu hiện tập trung và sâu sắc nhất tinh thần yêu nước, thương dân ...

Phân tích hình tượng người nông dân trong bài thơ Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Bài làm

Tác phẩm “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là đỉnh cao sáng tác của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, đây là tác phẩm biểu hiện tập trung và sâu sắc nhất tinh thần yêu nước, thương dân của ông. Bằng chính lòng thương cảm và khâm phục chân thành, nhà thơ đã dựng lên một bức tượng đài nghệ thuật bất hủ về những người nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài văn tế là một khúc ca bi tráng về người nghĩa dĩ nông dân dám xả thân vì sự sống còn của đất nước.

Với cái nhìn đầu tiên, tác giả cho chúng ta cảm nhận về vẻ đẹp trong tinh thần tự nguyện đánh giặc của những người nông dân nghĩa sĩ. Họ vốn là những người nông dân suốt đời lam lũ làm ăn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, cui cút làm ăn cốt làm sao cho khỏi đói khổ, rách rưới. Họ hiền lành, chân chất, biết thân biết phận của mình, ngoài sưu thuế phải nộp họ đâu còn nghĩ được công to chuyện lớn gì. Vốn việc đại sự quốc gia là của quan quân, triều đình, ấy vậy mà thực dân Pháp sang xâm lược, gieo rắc hôi tanh (tinh chiên) đã ba năm nay, chẳng thấy bóng dáng quan quân ở đâu. Cuộc sống bị đày đọa, số phận đất nước lâm nguy, họ không thể chống mắt làm ngơ, lòng yêu nước đã được hun đúc trong họ suốt bao nhiêu đời nay sôi sục lên, họ tự nguyện đánh giặc mà chẳng cần ai phải bắt ép:

“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình.

Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.”

Họ không ngần ngại nhận vào mình công việc khó khăn, trách nhiệm cao cả: “đoạn kình”, “bộ hổ” ,chiến đấu với quân thù mạnh hơn mình rất nhiều lần. Họ có vẻ đẹp tinh thần cao cả, dám đánh, dám hi sinh, một lòng dốc sức vì Tổ quốc. Tinh thần ấy càng đẹp hơn biết bao nhiêu khi họ chỉ là những người nông dân, tự liên kết với nhau để tạo thành nghĩa quân chiến đấu, chứ chẳng cần ai tập hợp hay bắt ép. Từ chính nếp nhà tranh của mình, họ xông thẳng lên chiến trường, chẳng cần qua khóa huấn luyện hay được học võ nghệ gì, vũ khí sắc bén nhất của họ chính là lòng yêu nước và nghĩa lớn vì nước. “Rơm con cúi”, “lưỡi dao phay”, “gậy tầm vông” làm sao có thể chống lại được với vũ khí tối tân, hiện đại của địch. Thế nhưng họ đã giết giặc bằng chính sức mạnh con tim, dũng khí anh hùng, vẻ đẹp của người cầm dao, cầm gậy tầm vông thật hào hùng:

“Hỏa mai đánh bẳng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia.

Gươm đeo dùng bằng lưỡi giao phay, cũng chém rớt đầu quan hai họ.”

Hình ảnh những người nông dân nghèo khó, chân lấm tay bùn đã trở thành người lồng lộng giữa chiến trường, làm chủ thế trận và hiên ngang, làm cho giặc kinh hãy, hồn bay phách lạc. Đoạn văn đã sử dụng kết hợp rất nhiều động từ, mô tả hành động mãnh liệt và hào khí bừng bừng của nghĩa quân. Trước những người anh hùng ấy, dù quân giặc có súng đạn, bom mìn nguy hiểm đến đâu cũng phải co rúm lại, sợ hãi đến thảm hại. Có thể nói, hình tượng người nông dân nghĩa sĩ Cần Giuộc đã hiện lên trên nền trời rực lửa, sừng sừng như một tượng đài vĩ đại. Ta cũng cảm nhận được, cảm xúc chủ đạo của bài văn là cảm xúc bi tráng, lời văn hào hùng, rắn rỏi, giọng điệu sục sôi. Tất cả những âm hưởng ấy đã tạo nên một trận chiến hào hùng, đi vào lịch sử dân tộc như bài thiên hùng ca tuyệt diệu. Dưới ngòi bút của Nguyễn Đình Chiểu, hành động cao cả của người nghĩa sĩ nông dân cùng với những tư tưởng lớn lao đã được bộ lộ, đó là hành động tự nguyện giết giặc cứu nước. Đã có gần ba chục người nghĩa sĩ nông dân phải bỏ mình nơi cuộc chiến ác liệt không cân sức ấy. Cái chết, sự hi sinh của họ là sự hi sinh cao cả, anh hùng và bất tử, cái chết bi tráng của họ khiến cả thiên nhiên đất trời và con người cảm thương, xót xa.

“Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng.

Nhìn chợ Trường Bình, già trẻ hai hàng lụy nhỏ.”

Tượng đài nghệ thuật về người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc đậm chất bi tráng, mãi mãi in sâu vào trí nhớ người dân Việt Nam, khắc ghi và lịch sử dân tộc. Đây là một tác phẩm thành công xuất sắc của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Bài văn tế như một tượng đài vinh quang về người nông dân Nam Bộ nói riêng và toàn thể nhân dân lao động nói chung.

0