18/06/2018, 16:30

Những nỗ lực đầu tiên trong tiến trình tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây (từ nửa cuối thế kỷ XIX đến trước Chiến tranh thế giới thứ nhất)

GS.TS. Phạm Xuân Nam (Viện Sử học) Lịch sử Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất có thể được chia thành hai giai đoạn nhỏ: Từ năm 1858 đến năm 1896 là giai đoạn thực dân Pháp lần lượt thôn tính toàn bộ nước ta, rồi tiếp đó tiến hành ...

lch-s-5-x-hi-vit-nam-cui-th-k-xix-u-th-k-xx-3-638

   GS.TS. Phạm Xuân Nam

(Viện Sử học)

Lịch sử Việt Nam từ nửa cuối thế kỷ XIX đến trước Chiến tranh thế giới thứ Nhất có thể được chia thành hai giai đoạn nhỏ: Từ năm 1858 đến năm 1896 là giai đoạn thực dân Pháp lần lượt thôn tính toàn bộ nước ta, rồi tiếp đó tiến hành công cuộc “bình định” để củng cố ách thống trị của chúng. Từ năm 1897 đến năm 1913 là giai đoạn chính quyền thực dân bắt đầu mở cuộc khai thác thuộc địa quy mô lớn để vơ vét sức người và tài nguyên thiên nhiên của nước ta, hòng mãi mãi kìm hãm nhân dân ta trong vòng nô lệ.

Trong cả hai giai đoạn kể trên, bên cạnh những tổ chức yêu nước trước sau kiên trì chủ trương tiến hành đấu tranh vũ trang theo kiểu cũ nhằm quét sạch bọn “Tây dương” xâm lược ra khỏi bờ cõi, cũng đã xuất hiện không ít nhân vật ưu thời mẫn thế (kể cả những người quyết tâm theo đuổi con đường cứu nước bằng bạo động) thấy rõ sự cần thiết phải nhìn rộng ra thế giới, tiếp thu những kinh nghiệm hay của nước ngoài, nhất là những thành tựu mới của văn hóa, văn minh phương Tây nhằm canh tân đất nước, nâng cao sức mạnh mọi mặt của dân tộc, với hy vọng bảo vệ được Tổ quốc thoát khỏi họa ngoại xâm, hoặc giành lại độc lập cho nước nhà sau khi đã bị mất về tay Pháp.

Dưới đây là tư tưởng và hành động của một số nhân vật tiêu biểu.

I. TƯ TƯỞNG VÀ HÀNH ĐỘNG CANH TÂN CỦA ĐẶNG HUY TRỨ

Trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều kiến nghị canh tân đất nước để tự cường đã được một số trí thức xuất thân Nho học ưu thời mẫn thế như Phạm Phú Thứ, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch… đề xuất với vua Tự Đức.

Nhận xét về hiện tượng này, trong cuốn Việt Nam quốc sử khảo, Phan Bội Châu viết: “Những năm cuối thời Tự Đức, tân học chưa vào, đường biển chưa mở, nhưng đã có người bàn về đại thế của thiên hạ, nói nên kết giao với Anh, Đức, không nên cứ ỷ lại vào Bắc triều, đã có người xin cử người xuất dương học binh pháp của người Tây Âu, xin mở thương cảng thông thương với các nước, xin cử người đi học học thuật của Tây Âu: Thừa Thiên có Đặng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch; Quảng Ngãi có Nguyễn Đức Thuận; Nghệ An có Nguyễn Trường Tộ. Họ chính là những người trồng mầm khai hóa ở Việt Nam” (1).

Trong số những người nói trên, Đặng Huy Trứ (2) nổi bật lên là một người vừa có tư tưởng canh tân vào hàng sớm nhất, vừa là người đi đầu trong việc thực hiện một số giải pháp canh tân mong làm cho đất nước giàu mạnh.

Năm 1843, khi mới 18 tuổi, Đặng Huy Trứ đã thi đậu cử nhân. Năm 22 tuổi, ông đi thi Hội. Đáng ra ông đã có thể đỗ tiến sĩ, nhưng không may phạm húy nên bị đánh hỏng. Chẳng những thế, ông còn bị tước luôn cả học vị cử nhân và bị phạt 100 roi.

Không nhụt chí trước vấp ngã này, ngay cuối năm ấy, ông lại đi thi Hương và đậu Giải nguyên (đỗ đầu). Tiếp đó, trong vòng 10 năm, ông theo nghiệp cha làm nghề dạy học. Ông thường viết những bài Cáo thị nói lên tôn chỉ dạy học của mình. Theo ông, học để trở thành người có tài giúp ích cho dân, cho nước chứ không phải để làm những kẻ “luôn tỏ ra vẻ cử nhân, tiến sĩ, kỳ thực là da báo thân dê, trong bụng hoàn toàn rỗng tuếch” (3). Ông chế nhạo lối học của những kẻ nặng đầu óc giáo điều, bảo thủ. Ông ví họ giống như người đi thuyền đánh rơi gươm xuống nước, vạch dấu vào mạn thuyền để khi đến bến thì xuống mò gươm!

Năm 1856, Đặng Huy Trứ được cử đi Quân thứ Đà Nẵng. Đó chính là năm tàu chiến Pháp đến bắn phá vùng đất này để thăm dò phản ứng của triều đình Huế, chuẩn bị cho cuộc tiến công xâm lược nước ta vào mấy năm sau. Trước tình hình ấy, ông đã viết một bài thơ nói lên suy nghĩ và trách nhiệm của mình:

     … Ăn lộc, ta càng lo việc nước,

Tính sao? Hòa, chiến, giữ hay nhường? (4).

Và đến khi được bổ nhiệm làm Ngự sử ở trong triều (1861-1864), Đặng Huy Trứ đã kiên quyết đứng về phe “chủ chiến” với lời thề: “Không đội trời chung với giặc” (5). Năm 1865, theo đề nghị của Phạm Phú Thứ và Viện Cơ mật, ông cải trang làm người nhà Thanh đi Hương Cảng để làm nhiệm vụ dò xét tình hình của bọn người phương Tây. Năm 1866, sau khi từ Hương Cảng về nước, ông đã xin thành lập một cơ quan kinh tế – thương mại đặt tại Hà Nội. Từ giữa năm 1867 đến cuối năm 1868, ông lại được đi công cán ở Quảng Đông. Năm 1869, ông được cử giữ chức Thượng biện tỉnh vụ Hà Nội, rồi làm Khâm phái quân vụ Sơn – Hưng – Tuyên. Năm 1871, ông giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng – Ninh – Thái và được phái đi giúp Hoàng Kế Viêm đánh dẹp thổ phỉ ở biên giới. Năm 1873, khi Pháp bắt đầu đem quân ra đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất, ông theo đội quân do Hoàng Kế Viêm chỉ huy rút về căn cứ Đồn Vàng, Hưng Hóa. Tại đây, Đặng Huy Trứ bị bệnh và từ trần ngày 7-8-1874.

Ông để lại cho đời 12 tập thơ với 2.000 bài, 4 tập văn gồm nhiều thể loại, 1 tập hồi ký, một số sách giáo khoa và sách nghiên cứu.

Qua tác phẩm và hành trạng của ông, Đặng Huy Trứ xứng đáng được tôn vinh là nhà thơ, nhà văn, nhà kinh tế, nhà quân sự và là một trong số những nhà trí thức có tư tưởng và hành động canh tân sớm nhất ở nước ta hồi giữa thế kỷ XIX.

Ở đây, từ góc nhìn tiếp xúc, giao lưu, đối thoại giữa các nền văn hóa, chúng tôi tập trung bàn về những cống hiến xuất sắc của ông trên mấy phương diện:

Thứ nhất, Đặng Huy Trứ đã vượt lên quan niệm cổ hủ của hệ tư tưởng phong kiến đương thời xem nghề buôn là mạt nghệ để đi đến khẳng định Làm giàu là một đạo lớn không thể xem thường, đồng thời chủ trương kết hợp hài hòa giữa cái lợi và cái thiện trong hoạt động kinh doanh.

Có thể nói, đây là một nhận thức mới mà ông thâu hóa được trong chuyến xuất ngoại lần thứ nhất. Với phương châm “khách giang hồ phải mở rộng tầm mắt ngàn dặm, sao cho quê hương được vui khắp mọi nhà” (6), trong suốt chuyến đi đầu tiên (năm 1865) đến Hương Cảng – một vùng đất ven biển của Trung Quốc mà nhà Thanh đã buộc phải cắt nhượng cho Anh sau cuộc Chiến tranh nha phiến II (1858-1860) -, Đặng Huy Trứ đã trực tiếp quan sát, đồng thời tranh thủ gặp gỡ, trao đổi ý kiến với nhiều nhà trí thức canh tân ở nước này. Qua đó, ông hiểu được tầm quan trọng của việc người Anh đã ra sức áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào quá trình làm thay đổi nhanh chóng đời sống mọi mặt của mảnh đất đó: Từ chỗ là một bán đảo với các làng chài nghèo khổ xác xơ trở thành một trung tâm kinh tế mở, với những hoạt động nhộn nhịp của các nhà máy, xí nghiệp, hiệu buôn, bến cảng… Vì thế, ông đặc biệt quan tâm sưu tầm sách báo về khoa học kỹ thuật nước ngoài, và đích thân ghi chép tỉ mỉ về kỹ thuật máy hơi nước vốn được mô tả trong sách Bác vật tân biên để đem về nước.

Cũng trong chuyến đi đầu tiên ấy, ông đã gặp gỡ, động viên những người thợ giỏi Việt Nam được cử sang Hương Cảng học nghề đóng tàu thủy chạy bằng hơi nước. Với sự giúp đỡ của người Anh, họ đã đóng thành công một chiếc tầu đầu tiên đặt tên là Mẫn Thỏa. Ông rất phấn khởi khi được trực tiếp tham dự buổi chạy thử chiếc tầu này “vòng qua các hòn núi trong vịnh, trông lên bờ thấy cây bay, núi chạy rất là nhanh” (7).

Năm 1866, sau khi từ Hương Cảng về nước, Đặng Huy Trứ đã kiến nghị và được triều đình cho phép thành lập Ty Bình Chuẩn để tổ chức việc kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia. Là người được giao phụ trách cơ quan này, ông đã cho mở nhiều hiệu buôn tại Hà Nội như: Lạc sinh điếm, Lạc thanh điếm, Lạc đức điếm… Ông khuyến khích việc lưu thông hàng hóa giữa các vùng miền trong nước. Với một số vốn ít ỏi là năm chục ngàn quan do triều đình cấp, ông đã huy động thêm vốn của tư nhân theo công thức “công và tư đều lợi cả” (8). Ông xem “việc làm giàu là một đạo lớn không thể coi khinh” (sinh tài đại đạo sự phi khinh)” (9). Ông tổ chức việc khai mỏ, xuất cảng thiếc, tơ lụa, đường, dầu thảo mộc, quế… sang Hồng Kông.

Đi vào hoạt động trên lĩnh vực mới mẻ này, Đặng Huy Trứ đã nêu lên một mệnh đề tư tưởng có ý nghĩa rất sâu sắc:

Đường lợi bốn phương tuy rộng mở

 Đạo tâm một tấm chẳng suy vi” (10).

Có thể xem đây là một mệnh đề phản ánh kết quả của sự chia sẻ, tương tác, thâu hóa giữa thành tựu văn minh phương Tây trong phát triển kinh doanh buôn bán mà Đặng Huy Trứ đã được trực tiếp quan sát, tìm hiểu tại Hương Cảng với việc coi trọng giữ gìn đạo nghĩa vốn là một giá trị quý báu của truyền thống văn hóa Việt Nam.

Thật vậy, nhìn lại lịch sử tư tưởng phương Đông, ta thấy trong suốt mấy ngàn năm, tại những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Khổng – Mạnh (trong đó có Việt Nam), hầu hết các nhà Nho thường chỉ nói đến việc làm điều nhân chứ ngại nói đến việc làm giàu, thường chỉ hay nói đến điều nghĩa, chứ ít dám nói đến điều lợi. Trong bối cảnh ấy, tư tưởng của Đặng Huy Trứ về sự kết hợp giữa việc kiếm lời mà người kinh doanh buôn bán theo đuổi với “đạo tâm” trong sáng mà người ấy phải thể hiện trong cân đong đo đếm, giao dịch với bạn hàng và người mua quả là một bước đột phá trong việc đưa văn hóa đạo đức vào kinh doanh. Tư tưởng ấy quả thực đã đi trước thời đại và còn giữ nguyên giá trị đến ngày nay.

Thứ hai, từ lĩnh vực kinh doanh, càng ngày Đặng Huy Trứ càng mở rộng thêm tầm nhìn ra bên ngoài, theo dõi, lựa chọn tiếp thu những kinh nghiệm hay của một số nước phương Đông đang trên đà canh tân, qua đó bước đầu phác ra một phương lược tự cường, tự chủ cho nước nhà.

Như trên đã nói, từ giữa năm 1867 đến cuối năm 1868, Đặng Huy Trứ lại được cử đi công cán ở Quảng Đông. Ông bị ốm ngay trên đường đi và khi đến nơi thì ốm nặng suốt 9 tháng liền. Nằm trên giường bệnh, ông vẫn đọc sách, làm thơ. Khi sức khỏe đã hồi phục, ông tranh thủ quan hệ với Tuần phủ Quảng Đông và gần 30 sĩ phu Trung Quốc. Ông đã mua 239 khẩu “quá sơn pháo” gửi về nước, đồng thời tiếp tục sưu tầm tân thư và binh thư.

Chính trong thời gian này, ông đã viết một bài văn dài nhan đề là “Trong khi ốm được Dã trì chủ nhân chỉ giáo”. Bài viết mô tả cuộc gặp gỡ, trao đổi, đối thoại giữa ông với một vị khách tự xưng là “Dã trì chủ nhân”. Thật ra, “Dã trì chủ nhân” chỉ là một nhân vật hư cấu do ông dựng lên để phản ánh cuộc đối thoại nội tâm – tức đối thoại giữa mình với mình – về những vấn đề có liên quan đến con đường tự cường, tự chủ của nước nhà.

Đem đối chiếu cuộc sống của một vị quan to ở Việt Nam với cuộc sống thiếu thốn, khó khăn lúc bấy giờ của Đặng Huy Trứ, “Dã trì chủ nhân” tỏ ra rất ái ngại cho những nỗi khổ của ông:

– Ở trong nước, Túc hạ (11) có nhà cao cửa rộng, thư thái ung dung, sang đây thì chỉ ở cái buồng con con trên thuyền, suốt ngày đóng cửa ngồi một mình, co gối nằm khác gì nằm trong lỗ.

– Ở trong nước, Túc hạ có đủ của ngon vật lạ, ăn uống sung sướng, sang đây thức ăn không hợp khẩu vị mà lại quá đắt đỏ.

– Ở trong nước, khi ốm đau Túc hạ đều sẵn thầy, sẵn thuốc, người trong nhà phục dịch chu đáo, sang đây thì gối chiếc đèn tàn, một mình một bóng cả ngày chẳng ai hỏi han…

Cứ như thế, “Dã trì chủ nhân” lần lượt nêu lên 11 điều coi như 11 nỗi khổ của Đặng Huy Trứ trong những ngày ở Quảng Châu. Nhưng Đặng Huy Trứ đã gạt đi mà rằng: “Ôi! Những điều Tôn ông cho là khổ là như vậy ư? Những điều tôi cho là khổ khác vậy thay! Ôi! Cái khổ có quan hệ đến xã tắc, đến triều đình, đến dân đen thì cho là khổ được. Cái khổ chỉ quan hệ đến bản thân mình thì là cái khổ của kẻ ngu phu, ngu phụ…” (12). Ông giảng giải tiếp: “Nước Nam chúng tôi, một dải đất chạy dọc bờ biển, mỗi năm thu nhập chỉ đủ cung cấp cho việc chi tiêu. Từ năm Mậu Ngọ (1858) đến nay, lũ lụt, hạn hán, bão tố, hoàng trùng, binh đao, tật dịch… chi phí ngày càng nhiều, tài chính ngày càng thiếu hụt. Ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường ở Nam Kỳ là những nơi tài nguyên nhiều, đất đai rộng thì đã bị bọn Phú-lang-sa (Pháp) chiếm đóng, lại còn đòi bồi thường hàng năm những 28 vạn 8 nghìn lạng bạc… Biên cương bị chiếm chưa khôi phục được, đó là điều tôi cho là khổ. Cơ quan Tư Nông (13) cho biết công quỹ thiếu hụt, đó là điều tôi cho là khổ… Ôi! Cái khổ nếu coi là khổ, thì phải vì nước quên mình, đương đầu với giặc như Tán lý Nguyễn Duy, như Bố chánh Khánh Hòa Nguyễn Đăng Hành. Là thế cô, sức yếu vẫn chửi giặc mà chết như Hàn lâm thị độc Phạm Hinh. Là lương tận, viện hết, gieo mình xuống sông mà chết như Tri phủ Phú Bình Doãn Chính. Là xông pha tên đạn, vạn tử nhất sinh như Binh bộ biện lý Ông Ích Khiêm. Là ra vào nơi man địa, không sợ lam sơn chướng khí như Tiễu phủ sứ Nguyễn Tấn. Là bốn mặt bị vây, cố thủ trong cô thành như các quan ở Hải Dương. Là khi giặc Tây hạ thành thì đi khắp đông tây lo cứu nước như các chí sĩ Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường…” (14).

“Dã trì chủ nhân” nghe xong vỗ tay cười, bày tỏ lòng kính phục lòng yêu nước nồng nàn của Đặng Huy Trứ và xin được góp ý kiến với ông về việc bảo vệ biên cương, khôi phục đất cũ. Những lời phát biểu của vị khách thật ra cũng chính là những điều mà Đặng Huy Trứ, qua nghiền ngẫm Tân thư, theo dõi báo chí và trao đổi với các sĩ phu của Trung Quốc, đã đúc kết thành những kinh nghiệm hay của một số nước phương Đông đang trên đà canh tân mà nước ta có thể vận dụng để thực hiện tự cường, tự chủ. Những kinh nghiệm chủ yếu đó là:

– Lập cục cơ khí, lập cục dạy nghề, tuyển thanh thiếu niên thông minh, rước mời người phương Tây đến dạy ngôn ngữ, văn tự, toán pháp, đồ họa để làm cơ sở cho việc chế tạo cơ khí, đóng tầu thuyền. Thể lệ tuyển người học gồm 6 điều: i) Chỉ lấy người khoa mục vào học; ii) ở luôn trong trường để chuyên tâm học tập; iii) Hàng tháng sát hạch để biết ai chăm ai lười; iv) Cuối năm cho thi để biết kết quả; v) Cấp học bổng để yên tâm học tập; vi) Ưu tiên khen thưởng để khuyến khích (Kinh nghiệm của nhà Thanh).

– Chế tạo được súng bắn nhanh, lại khéo giáo dục dân chúng làm cho lòng người “vững như thành”; đồng thời cùng với nước Nga hùng mạnh kết thành liên minh (Kinh nghiệm của Ba Tư).

– Nghiêm cấm thương gia nước ngoài mua rẻ bán đắt, tích trữ hàng hóa không được nhập cảnh và lợi dụng việc buôn bán để do thám tình hình (Kinh nghiệm của Cao Ly).

– Luyện tập võ nghệ, thủy quân thì tập giỏi cả hai việc đi tầu và bắn súng; lái tầu thì dạy kỹ thuật hàng hải. Tuyển chọn những thanh thiếu niên tuấn tú cho sang học ở “Luân Đôn học hiệu” của nước Anh, học chữ Anh. Những người này đều thông thạo ngôn ngữ, văn tự nước Anh… (Kinh nghiệm của Nhật Bản) (15).

Có lẽ do các điều kiện khách quan và chủ quan hạn chế, Đặng Huy Trứ chưa thể thu thập đầy đủ kinh nghiệm bắt đầu canh tân để tự cường của các nước, kể cả những nước mà ông đã nêu ra. Nhưng phải thừa nhận rằng vào thời bấy giờ, ông là người Việt Nam đầu tiên đã bỏ công nghiên cứu và viết thành văn bản kinh nghiệm của nhiều nước ngoài đến vậy.

Tuy vẫn được trình bày là lời của “Dã trì chủ nhân”, nhưng chính Đặng Huy Trứ đã biết rất rõ về những điều sau đây: “Tất cả các cách để tự cường, tự trị của các nước đều có đăng tải trên tờ Thiên Tân kinh báo và trên tuần san Quảng Châu bằng tiếng Trung Quốc và tiếng nước ngoài. Ghi chép lại, thu thập cho hết, không bỏ sót điều gì rồi đệ trình lên nhà vua và báo cáo với các vị đại thần. Cái gì dùng được thì dùng, một hạt bụi, một giọt nước dù nhỏ trong muôn một cũng có thể góp vào núi cao và biển cả. Đạo của kẻ bày tôi là biết thì không có cái gì là không nói mới là chí trung… Ôi! Thuốc tốt đắng miệng chữa khỏi bệnh, lời nói thẳng chối tai lợi cho công việc… Nhưng còn phải thận trọng” (16).

Cuối năm 1868, Đặng Huy Trứ trở về nước. Ông rất muốn đem những tư tưởng trên đây trình lên Tự Đức và vận động triều đình thực hiện.

Nhưng lúc đó, hoàn cảnh đất nước vốn đã đen tối lại còn đen tối hơn nữa. Quân Pháp sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông đã chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Nhân dân và sĩ phu từ Nam chí Bắc đều sẵn sàng đứng lên chống Pháp cứu nước. Song với đầu óc thủ cựu thâm căn cố đế và tinh thần bạc nhược, vua Tự Đức tiếp tục làm ngơ trước nhiều đề nghị canh tân của các sĩ phu yêu nước; chỉ lo tìm cách xin hòa với Pháp, ra lệnh cấm các phủ huyện không được mộ quân và rèn đúc vũ khí, bãi bỏ ty Bình Chuẩn, quyết định xây “vạn niên cát địa” cho Hoàng Thái hậu…

Đó chính là một số trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm kịch mất nước. Và trong bối cảnh ấy, cũng giống như nhiều nhà trí thức canh tân khác, Đặng Huy Trứ đành phải bó tay, không thể đem biết bao suy nghĩ đầy tâm huyết của mình ra thi thố, những mong khôi phục lại giang sơn.

II. SỰ CHUYỂN BIẾN TƯ TƯỞNG CỦA PHAN BỘI CHÂU: TỪ CẦU VIỆN SANG CẦU HỌC, TỪ QUÂN CHỦ LẬP HIẾN SANG CỘNG HÒA DÂN CHỦ

Đầu thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần Vương thất bại, hệ tư tưởng phong kiến tỏ ra không còn có thể đương đầu nổi với chủ nghĩa thực dân. Những người Việt Nam yêu nước trăn trở đi tìm một trào lưu tư tưởng mới có khả năng soi đường cho sự nghiệp giành lại non sông. Giữa lúc đó, qua “tân thư”, những tư tưởng cải cách theo xu hướng dân chủ tư sản của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu… được truyền bá vào nước ta. Chiến thắng của nước Nhật Bản mới tự cường từ sau cuộc Duy Tân Minh Trị trong chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905) đã có tiếng vang lớn ở châu Á.

Đó là một số nhân tố bên trong và bên ngoài thúc đẩy sự ra đời của các phong trào yêu nước, các cuộc vận động văn hóa theo xu hướng dân chủ tư sản như phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo, phong trào Đông Kinh nghĩa thục do Lương Văn Can tổ chức, phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh cổ vũ…

Ở đây, chúng tôi chỉ dừng lại phân tích một trường hợp điển hình là những hoạt động của Phan Bội Châu.

Năm 17 tuổi, khi Pháp đánh ra Bắc Kỳ lần thứ hai, Phan Bội Châu đã cảm kích viết bài Bình Tây thu Bắc. Năm 19 tuổi, Phan tập hợp 60 bạn cùng học, lập đội Thí sinh quân để hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nhưng sự việc không thành… (17). Từ những bài học thất bại của phong trào Cần Vương và của chính bản thân mình, Phan Bội Châu nhận thấy muốn đánh đổ được ách thống trị của thực dân Pháp thì không thể chỉ lẻ tẻ nhóm lên ngọn lửa khởi nghĩa tại một số vùng, mà phải liên kết và tập hợp được đông đảo những người trung nghĩa trong cả nước, phải có tổ chức mới, biện pháp đấu tranh mới.

Năm 1897, nhân vào Huế đi thi rồi ở lại dạy học, Phan Bội Châu đã được một số bạn đồng tâm đưa cho đọc Thiên hạ đại thế luậncủa Nguyễn Lộ Trạch cùng một số tân thư như Phổ Pháp chiến kỷ, Doanh hoàn chí lược, Mậu Tuất chính biến, Trung Quốc hồn… của Khang Hữu Vy, Lương Khải Siêu. Phan Bội Châu viết: “Tôi xem những sách ấy mới hiểu sơ qua về tình hình cạnh tranh trên thế giới và thảm trạng mất nước, nòi giống diệt vong, lòng tôi được kích thích thêm… Từ đấy tư tưởng tháo cũi sổ lồng của tôi bắt đầu rung động” (18).

Tiếp đó, Phan Bội Châu đã đi đến nhiều nơi ở cả Bắc, Trung, Nam để xem xét tình hình, tìm thêm đồng chí. Năm 1903, ông viết một tập sách nhan đề Lưu Cầu huyết lệ tân thư. Sách mô tả thảm trạng thành tan nước mất của đảo quốc Lưu Cầu với dụng ý gợi cho người đọc liên hệ tới tình cảnh nước nhà từ khi bị Pháp xâm lược, qua đó nêu lên sự cần thiết cấp bách phải “mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, bồi dưỡng nhân tài” (19) để làm nền tảng cho công cuộc cứu nước. Cuốn sách trở thành môi giới cho Phan Bội Châu làm quen với các sĩ phu yêu nước khác như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng…

Đầu tháng 5-1904, hơn 20 đồng chí chí cốt của Phan Bội Châu họp tại Quảng Nam đã chính thức lập ra một tổ chức bí mật, lấy tên là Duy Tân hội. Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm, Đặng Tử Kính, Đặng Thái Thân… là những sáng lập viên trọng yếu của hội. Kỳ ngoại hầu Cường Để – cháu đích tôn của hoàng tử Cảnh, dòng dõi Gia Long – được cử làm hội chủ. Mục đích của hội là “đánh giặc phục thù mà thủ đoạn là bạo động” nhằm “khôi phục nước Việt Nam, lập ra một chính phủ độc lập” (20).

Việc chọn Cường Để làm hội chủ để “thu phục nhân tâm” chứng tỏ Duy Tân hội chưa vượt ra ngoài chủ nghĩa quân chủ, nhưng trên thực tế nó đã ngả theo xu hướng quân chủ lập hiến – một xu hướng thuộc trào lưu tư tưởng dân chủ tư sản.

Đi đôi với việc phát triển nguồn nhân lực, tài lực của tổ chức và xúc tiến chuẩn bị bạo động, Duy Tân hội xem xuất dương cầu viện là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Hội đã giao cho Phan Bội Châu và Nguyễn Hàm bí mật trù tính kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này. Phan Bội Châu cho biết: “Chúng tôi bàn định với nhau chỉ có cầu viện Nhật Bản. Lúc ấy Nhật Bản mới phát lên hùng cường mà họ cũng là một dân tộc da vàng ở châu á như ta, lại vừa mới đánh thắng Nga xong, không chừng họ có ý muốn làm bá chủ cả châu Á, vậy thì họ giúp ta để tước bớt khí lực của châu Âu đi, cũng có điều lợi cho họ vậy. Nếu ta sang kêu ca thống thiết với họ, tưởng gì chớ món quân giới hoặc cho ta mượn, hoặc giúp ta mua, không khó khăn chi!” (21).

Ngày 23-2-1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ, Đặng Tử Kính lên đường sang Nhật Bản. Đó cũng là cái mốc khởi đầu phong trào Đông Du.

Vừa tới Hoành Tân (Yokohama), Phan Bội Châu đã tìm đến gặp Lương Khải Siêu, lúc đó đang cư trú chính trị và làm chủ bút tờTân dân tùng báo tại đây, để nhờ Lương Khải Siêu giới thiệu với các yếu nhân Nhật Bản. Ngay lần tiếp xúc đầu tiên, giữa Phan và Lương đã hình thành nên mối quan hệ “tương tri”. Những ngày tiếp theo, hai người đã có một số cuộc đối thoại dưới hình thức bút đàm kéo dài nhiều tiếng đồng hồ về những vấn đề mà Phan Bội Châu nêu ra.

Phan Bội Châu nói qua cho Lương Khải Siêu biết tình cảnh nước mình dưới ách thống trị của Pháp và nguyện vọng tha thiết của mọi người Việt Nam yêu nước là làm sao giành lại được độc lập cho Tổ quốc.

Trả lời Phan, Lương nói: “Quý quốc không sợ không có ngày độc lập, mà chỉ sợ không có dân độc lập, kế hoạch khôi phục cần phải có 3 điều kiện:

1. Thực lực của quý quốc.

2. Sự viện trợ của Lưỡng Quảng.

3. Sự thanh viện của Nhật Bản.

Nếu ở trong nước mà không có thực lực thì dầu có hai điều kiện sau, cũng không phải là hạnh phúc của quý quốc… Thực lực của quý quốc tức là: dân trí, dân khí và nhân tài; viện trợ của Lưỡng Quảng tức là: quân lính, lương thực và khí giới; Thanh viện của Nhật Bản tức là: về phương diện ngoại giao, quý quốc được một cường quốc ở Á châu thừa nhận là nước độc lập”.

Phan nói về ý định cầu viện Nhật Bản.

Lương liền bảo Phan: “Kế ấy có lẽ không lợi, bởi vì quân Nhật đã kéo vào nước mình, sau này quyết không tìm được lý do gì mà đuổi họ ra được, như thế là muốn sinh tồn mà lại tìm vào con đường chóng phải diệt vong. Quý quốc không sợ không có cơ hội độc lập, chỉ sợ không có nhân tài biết nắm ngay lấy cơ hội mà thôi. Lúc nào mà Đức tuyên chiến với Pháp, đấy là cơ hội rất tốt để quý quốc mưu sự độc lập đấy” (22).

Theo đề nghị của Phan Bội Châu, Lương Khải Siêu đã giới thiệu ông với hai chính khách quan trọng của Nhật Bản là Bá tước Đại Ôi – người đứng đầu Đảng Tiến bộ và Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị – Tổng lý của đảng này, để đặt vấn đề xin Nhật Bản giúp Việt Nam đánh Pháp. Nhưng họ đều từ chối việc viện trợ về binh lực, vì cho là không phải lúc. Họ chỉ khuyên nên ẩn nhẫn chờ đợi thời cơ. Trước mắt, cần đưa gấp Cường Để sang Nhật Bản để khỏi sa vào tay giặc Pháp và đặc biệt cần cổ động nhiều nhân sĩ trong nước xuất dương để mở rộng kiến văn, nâng cao tinh thần, xem đó là “một bài thuốc hay cứu cấp” (23).

Ít hôm sau, Lương Khải Siêu lại mời Phan Bội Châu đến nhà, giúp bàn định kế hoạch. Cuộc hội kiến này cũng dùng bút đàm để trao đổi. Đại ý Lương Khải Siêu nói: “Tôi cố hết sức suy nghĩ, chỉ tìm được hai cách có thể trình bày với Ông:

1. Phải làm thật nhiều bài văn kịch liệt và thống thiết, mô tả hết thảm trạng nước mất nhà tan, lột trần tội ác của giặc Pháp hòng làm diệt chủng nước người, tuyên bố với thế giới để gây dư luận thế giới; kế hoạch này là để làm môi giới về đường ngoại giao.

2. Ông có thể trở về nước hay là gửi giấy tờ về cổ động được nhiều thanh niên xuất dương du học, làm cho chấn hưng dân khí, mở mang dân trí. Ngoài hai kế hoạch này ra, thì phải nằm gai nếm mật, nhịn nhục chờ thời” (24).

Theo Lương Khải Siêu, thời cơ là khi Đức – Pháp chiến tranh với nhau, như trên đã nói, hoặc khi cách mạng Trung Quốc nổ ra.

Chuyến xuất dương đầu tiên và những cuộc đối thoại cởi mở với nhà chí sĩ Trung Hoa yêu nước Lương Khải Siêu và một số nhà hoạt động chính trị Nhật Bản đã có tác dụng giúp Phan Bội Châu mở rộng tầm nhìn.

Trên nền tảng tư tưởng vốn có của bản thân khi viết Lưu Cầu huyết lệ tân thư về sự cần thiết phải mở mang dân trí, chấn hưng dân khí, bồi dưỡng nhân tài, Phan Bội Châu đã dễ dàng tiếp thu những gợi ý hay của Lương Khải Siêu. Từ đó, Ông quyết định chuyển từ chủ trương cầu viện sang cầu học tại Nhật, đồng thời mở cuộc vận động văn hóa ngay tại Việt Nam. Ông đã dồn hết tâm huyết viết nên nhiều áng văn thơ với lời lẽ lâm ly thống thiết, làm “sôi động lòng người” như Việt Nam vong quốc sử (1905), Hải ngoại huyết thư (1906), Khuyến quốc dân tư trợ du học văn (1906), Đề tỉnh quốc dân hồn (1907), Tân Việt Nam (1907), Việt Nam quốc sử khảo (1908)… gửi về trong nước để “một mặt cổ vũ thanh niên du học, một mặt muốn mở mang tư tưởng ái quốc cho toàn quốc dân” (25).

Cuộc vận động này đã đưa lại kết quả là hơn 200 con em các sĩ phu yêu nước, các nhà công thương có xu hướng chống Pháp ở khắp Bắc, Trung, Nam đã sang Nhật Bản du học. Một thành tựu quan trọng khác của cuộc vận động là đã góp phần vạch trần tội ác của thực dân Pháp, thức tỉnh lòng yêu nước, động viên 10 giới đồng tâm (26) để “xúm tay vào, kéo lại non sông” (Hải ngoại huyết thư).

Lo sợ trước sự phát triển của phong trào Đông Du gắn với cuộc vận động văn hóa ở trong nước, thực dân Pháp một mặt khủng bố các hội viên của Duy Tân hội, mặt khác thương lượng với Nhật Bản, nhường cho Nhật Bản một số quyền lợi buôn bán ở Đông Dương để chính phủ Nhật Bản trục xuất tất cả du học sinh Việt Nam. Cuối năm 1909, Phan Bội Châu và Cường Để cũng phải ra khỏi đất Nhật Bản.

Sau thất bại của phong trào Đông Du, Phan Bội Châu cùng với một số đồng chí trung kiên quay về Quảng Đông, Trung Quốc rồi tìm đường sang Xiêm (Thái Lan) mượn đất cày ruộng chờ thời. Cuối năm 1911, Cách mạng Tân Hợi do Đồng minh hội của Tôn Dật Tiên lãnh đạo nổ ra ở Trung Quốc. Chế độ quân chủ chuyên chế của nhà Thanh bị lật đổ. Chính phủ lâm thời Trung Hoa dân quốc được thành lập ở Nam Kinh. Sau khi nhận được tin này, Phan Bội Châu cùng một số đồng chí từ Xiêm trở lại Trung Quốc.

Tháng 5-1912, Phan Bội Châu mở hội nghị toàn thể của Duy Tân hội tại Quảng Đông với sự tham gia của hơn 100 hội viên từ trong nước sang, từ Xiêm qua, từ Nhật Bản về. Kỳ ngoại hầu Cường Để từ Hồng Kông cũng đến họp. Một vấn đề có ý nghĩa then chốt cần phải giải quyết trước hết là theo quân chủ hay theo dân chủ? Và chính Phan Bội Châu là người đầu tiên đã đề xuất ý kiến lấy dân chủ thay cho quân chủ. Qua thảo luận gay go, chủ nghĩa dân chủ được đại đa số tán thành. Hội nghị quyết định thủ tiêu Duy Tân hội và thành lập Việt Nam Quang Phục hội với tôn chỉ duy nhất là: “Đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam, thành lập nước Cộng hòa dân quốc Việt Nam” (27).

Nói về quá trình chuyển biến tư tưởng của bản thân mình từ quân chủ sang dân chủ, Phan Bội Châu cho biết: “Tôi từ sau khi sang Nhật Bản, được nghiên cứu nguyên nhân cách mạng nước ngoài và chính thể các nước, thì rất say sưa về lý luận của Lư Thoa (Rousseau); vả lại được giao thiệp với các đồng chí Trung Hoa nhiều, nên trong đầu óc đã xếp tư tưởng quân chủ vào một xó” (28).

Thật vậy, trong 3 đến 4 năm hoạt động ở Nhật Bản, có điều kiện đi sâu nghiên cứu các tác phẩm của các nhà khai sáng Pháp, lại có dịp trao đổi, đàm đạo với nhiều chí sĩ yêu nước và cách mạng Trung Hoa, trong đó có hai lần đối thoại dưới hình thức bút đàm với Tôn Dật Tiên, Phan Bội Châu đã thấy “chính thể dân chủ cộng hòa là hay là đúng” (29).

Vì thế, Phan Bội Châu càng chú ý tìm hiểu chính thể đó. Kết quả là, trong tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo (1908), Phan Bội Châu đã nêu lên một số luận điểm khá độc đáo về mối quan hệ giữa tư tưởng độc lập, chủ quyền quốc gia – những hằng số trong bảng thang giá trị văn hóa Việt Nam – với tư tưởng dân quyền của trào lưu dân chủ tư sản phương Tây bắt đầu nổi lên từ thế kỷ ánh sáng:

Thứ nhất, độc lập và chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Phan Bội Châu viết: “Điều quan trọng của nước là ở chủ quyền; điều quan trọng của chủ quyền là ở độc lập, tức là bên ngoài thì không bị người khác áp chế, bên trong thì nắm giữ được quyền bính… Chủ quyền hoàn toàn tức là nói chung cả đối nội, đối ngoại đều hoàn toàn về ta” (30).

Thứ hai, dân quyền phải gắn liền với độc lập và chủ quyền quốc gia.

Theo Phan Bội Châu, “Một nước thì phải có nhân dân, có đất đai, có chủ quyền… Trong ba cái đó thì nhân dân là quan trọng nhất. Không có nhân dân thì đất đai không thể còn, chủ quyền không thể lập; nhân dân còn thì nước còn; nhân dân mất thì nước mất. Muốn biết nhân dân còn mất như thế nào thì phải xem cái quyền của nhân dân còn mất như thế nào. Dân quyền mà được đề cao thì nhân dân được tôn trọng, mà nước cũng mạnh” (31).

Qua những luận điểm trên đây, ta thấy, Phan Bội Châu luôn đứng trên lập trường yêu nước mà tiếp thu và vận dụng tư tưởng dân quyền của các nhà khai sáng Pháp.

Trong bối cảnh của một cuộc cách mạng tư sản chống chế độ phong kiến chuyên chế đang đến gần ở Pháp hồi giữa thế kỷ XVIII, Jean Jacques Rousseau (1712-1778) chủ yếu tập trung nêu bật vấn đề dân quyền mà quan trọng nhất là quyền tự do và quyền bình đẳng của con người trong xã hội. Ông cho rằng, những điều tốt nhất cho mỗi cá nhân con người trong một quốc gia đều quy vào hai mục tiêu là: “Tự do bình đẳng. Tự do, vì cá nhân bị mất tự do bao nhiêu thì cơ thể quốc gia giảm sút sức lực bấy nhiêu.Bình đẳng, vì không có bình đẳng thì không thể nào có tự do được” (31).

Còn khi đứng trước yêu cầu cấp thiết của Tổ quốc là phải đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập và chủ quyền quốc gia, thì Phan Bội Châu lại đặt vấn đề dân quyền phải gắn bó mật thiết với hai giá trị thiêng liêng đó của dân tộc.

Rõ ràng ở đây đã diễn ra sự tương tác, chia sẻ giữa những giá trị hàng đầu của văn hóa Việt Nam và của văn hóa phương Tây về một lĩnh vực rất hệ trọng đối với sự tồn vong của đất nước. Và sự tương tác, chia sẻ ấy đã đưa đến một sự tiếp biến văn hóa sáng tạo chứ không phải là sao chép, rập khuôn.

___________________________

Chú thích

(1). Phan Bội Châu: Việt Nam quốc sử khảo. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1982, tr. 214.

(2). Đặng Huy Trứ sinh ngày 16-5-1825 trong một gia đình trí thức nghèo ở làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên -Huế. Ông nội và cha đều làm nghề dạy học.

(3). Đặng Huy Trứ: Lời Cáo thị của trường tư thục Thanh Hương ở Quảng Nam. In trong Đặng Huy Trứ Con người và tác phẩm do Nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1990, tr. 121.

(4), (5), (6). Đặng Huy Trứ: Đi quân thứ Đà Nẵng. In trong Đặng Huy Trứ Con người và tác phẩm do Nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu. Sđd, tr. 151, 226, 332.

(7). Đặng Huy Trứ: Chép lại việc nước ta mới đóng chiếc tàu lớn bằng đồng có máy ngầm. In trong Đặng Huy Trứ Con người và tác phẩm do Nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu. Sđd, tr. 334.

(8). Đặng Huy Trứ: Nguyễn Hòa Hợp và Vũ Đức Long mới mở chi điếm Lạc đức… In trong Đặng Huy Trứ Con người và tác phẩmdo Nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu. Sđd, tr. 380.

(9). Đặng Huy Trứ: Dặn bảo những viên quan nhỏ… In trong Đặng Huy Trứ Con người và tác phẩm do Nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu. Sđd, tr. 374.

(10).  Đặng Huy Trứ: Vâng theo sắc chỉ tiến hành thử công việc Bình Chuẩn. In trong Đặng Huy Trứ Con người và tác phẩm do Nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu. Sđd, tr. 370.

(11). Túc hạ nghĩa là ngài mà tôi ở dưới chân, tức cách xưng hô tỏ sự tôn kính.

(12), (14), (15), (16). Đặng Huy Trứ: Trong khi ốm được Dã trì chủ nhân chỉ giáo… In trong Đặng Huy Trứ Con người và tác phẩmdo Nhóm Trà Lĩnh sưu tầm, khảo cứu. Sđd, tr. 435, 435-436, 436-438, 438.

(13). Tư Nông: Bộ Hộ, quản lý lương thực, thuế má, tiền.

(17). Xem Phan Bội Châu niên biểu, do Phạm Trọng Điềm, Tôn Quang Phiệt dịch. Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957, tr. 24-27.

 (18). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 32.

(19). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 38.

(20). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 33.

(21). Phan Bội Châu: Ngục trung th­, do Đào Trinh Nhất dịch. In trong Phan Bội Châu: Toàn tập, tập 3, do Chư­ơng Thâu s­ưu tầm và biên soạn. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1990, tr. 173.

(22). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 54-55.

(23). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 56.

(24). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 58.

(25). Phan Bội Châu: Ngục Trung th­. Sđd, tr. 192.

(26). Theo Phan Bội Châu, “m­ời giới đồng tâm” để đứng lên chống Pháp là các nhà hào phú, quan lại tại chức, con em nhà quyền quý, tín đồ Thiên Chúa giáo, thủy lục quân, đồ đảng và hội đảng, thông ngôn ký lục và bồi bếp, giới phụ nữ, con em các nhà bị giặc tàn sát, học sinh hải ngoại.

(27). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 141.

(28). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 140-141.

(29). Phan Bội Châu niên biểu. Sđd, tr. 67.

(30). Phan Bội Châu: Việt Nam quốc sử khảo. Sđd, tr. 376.

(31). Phan Bội Châu: Việt Nam quốc sử khảo. Sđd, tr. 386.

(32). Jean Jacques Rousseau: Bàn về khế ước xã hội, do Thanh Đạm dịch. Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992, tr. 86

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (2015), số 1 (465), tr. 3-12

Nguồn bài đăng

0