18/06/2018, 16:30

Chính sách ngoại giao của vương quốc Hồi giáo Johore với Phương Tây thế kỷ XVI-XIX

Phạm vi Hồi quốc Aceh, Malacca, Johor và các tiểu quốc Malaysia khác Th.s Lê Văn Trường An Hồi quốc Johore ra đời trong bối cảnh Malacca sụp đổ và sự xuất hiện “ ồ ạt ” của các quốc gia ...

Aceh_Sultanate_en.svg.png

Phạm vi Hồi quốc Aceh, Malacca, Johor và các tiểu quốc Malaysia khác

                                                                                Th.s Lê Văn Trường An

Hồi quốc Johore ra đời trong bối cảnh Malacca sụp đổ và sự xuất hiện “ồ ạt” của các quốc gia phương Tây vào khu vực Đông Nam Á. Đứng trước nguy cơ bị lệ thuộc, Johore đã thực hiện một chính sách ngoại giao khéo léo nhằm từng bước loại bỏ ảnh hưởng của Bồ Đào Nha ra khỏi Malacaca và sự cạnh tranh của các Hồi quốc trong khu vực. Những hiệp ước kí  kết với Hà Lan và Anh sau đó tuy không giúp Johore đạt được những thành tựu như Xiêm nhưng nó đã giúp Johore đứng vững trước tình hình đầy biến động ở Đông Nam Á trong thế kỷ XVI-XIX và không trở thành một Malacca thứ hai

Vương quốc Hồi giáo Johore được thành lập bởi Sultan Alauddin Riayat Shah II (1528-1564) con trai của sultan cuối cùng của Malacca là Mamud Shad (1488-1528). Johore là một phần của Malacca trước khi Bồ Đào Nha chinh phục vùng đất này năm 1511.

Năm 1511, Bồ Đào Nha chinh phục Malacca thành công, Sultan Mahmud Shad buộc phải chạy trốn khỏi Malacca. Những nỗ lực của ông nhắm đánh đuổi Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca đều không thành công. Mahmud Shad chạy đến Perak. Trong khi người con khác của ông là Mazaffar Shah thành lập vương quốc Perak thì Alauddin Riayat Shad ở lại Johore thành lập vương quốc mới.

Sau khi lên cầm quyền, Alauddin Riayat Shad  hiểu rất rõ về lợi thế của hoạt động thương mại mang lại. Chính vì vậy, vị sultan này đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các thương nhân đến buôn bán ở Johore. Thương nhân được nhận sự bảo vệ từ  phía Johore trong quá trình buôn bán. Giá cả từ các mặt hàng của Johore đều được ưu đãi cho các thương nhân. Giống như Malacca trước đó, Johore cũng trở thành một trung tâm Hồi giáo quan trọng. Riau-thủ phủ quả Johore là nơi tập trung nghiên cứu của các học giả Hồi giáo.  Nhiều giáo sĩ Hồi giáo từ Ấn Độ và Ả rập đến Riau để trao đổi những học thuật về Hồi giáo và họ được sinh sống trong những kí túc xá tôn giáo đặc biệt.

Ra đời trên nền tảng sự thất bại của Malacca trong cuộc chiến với Bồ Đào Nha và sự cạnh tranh khốc liệt của các vương quốc láng giềng, những người đứng đầu nhà nước Johore đã tìm cho mình một chính sách ngoại giao khôn khéo đủ để giúp Johore không trở thành một Malacca thứ hai trước sức ép của các quốc gia phương Tây mà cụ thể là Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh.

  1. Liên minh Johore-Bồ Đào Nha trong cuộc chiến chống lại Aceh

Sau khi Bồ Đào Nha chiếm được Malacca (1511), Mamud Shad (1488-1528)-vị vua cuối cùng của Malacca đã tổ chức nhiều đợt tấn công vào Malacca nhằm đánh đuổi người Bồ Đào Nha nhưng không giành được kết quả khả quan. Mamud Shad đã cử một phái viên sang Trung Quốc cầu xin sự giúp đỡ nhưng với lý do đang bận chống lại người Mông Cổ, nhà Minh từ chối giúp đỡ Malacca trong việc chống lại người Bồ Đào Nha. Năm 1528, Alauddin Riayat Shah II (1528-1564) thành lập   nhà nước Johore và đây được xem là “hậu duệ” của Malacca. Tiếp nối Mamud Shad, Alauddin Riayat Shah II cũng miệt mài với những kế hoạch chống lại Bồ Đào Nha nhằm khôi phục Malacca nhưng đến năm 1536, Dom Estavao da Gama cầm đầu cuộc viễn chinh buộc Johore phải giảng hòa với người Bồ[1].

Johore hiểu rằng một chính quyền non trẻ vừa mới thành lập chưa đủ sức để đẩy người Bồ ra khỏi Malacca. Sự hòa hoãn lúc này là cần thiết để Johor có thể xây dựng một vương quốc hùng mạnh cạnh tranh với các Hồi quốc lân cận khi Aceh bắt đầu có những hoạt động đánh chiếm Malacca và các tiểu quốc vốn thần phục Malacca trước đây.

Aceh nằm ở phía bắc Sumatra. Aceh có vị trí chiến lược, phía tây giáp Ấn Độ Dương, phía đông và đông bắc giáp Malacca. Aceh là nơi dừng chân đầu tiên của các tàu thuyền quốc tế đi qua eo biển Malacca từ phía tây. Với vị trí thuận lợi, từ xa xưa, Aceh đã phát huy việc giao lưu tiếp xúc với bên ngoài. Sau khi Malacca thất bại trong cuộc chiến với Bồ Đào Nha, các thương nhân Hồi giáo đã chạy sang Aceh. Chính điều này đã tạo cho Aceh nổi lên như một trung tâm kinh tế, chính trị tôn giáo lớn ở cả khu vực Đông Nam Á. Aceh chuyển sang Hồi giáo vào thời cai trị của Ali Mughayat Syah (1514-1530) và nhanh chóng phát triển, trở thành một đối thủ cạnh tranh đáng gờm với vương quốc Hồi giáo láng giềng là Johore và cả với Bồ Đào Nha. Ali Mughayat Syah đã bắt đầu những chiến dịch quân sự để mở rộng quyền kiểm soát của mình ở phía Bắc Sumatra trong năm 1520. Cuộc chinh phục của ông bao gồm Deli, Pedir, Samudera Pasai và Aru. Người con trai của Ali Mughayat Syah là Alauddin al-Kahar (1537-1571) mở rộng các chiến dịch xa hơn về phía nam của Sumatra.  Năm 1564, 1568 Aceh mở hai đợt tấn công lớn vào Johor và khiến cho Hồi quốc này gặp nhiều thiệt hại nặng nề. Hồi vương của Johore là Alaudin bị bắt sống và đưa về Sumatra. Chính điều này đã gây ra mối lo ngại lớn cho Johore buộc người đứng đầu chính quyền phải lựa chọn hướng đi mới trong chính sách đối ngoại của đất nước. Vấn đề Malacca được gác lại và Bồ Đào Nha là một lực lượng có thể hợp tác tin cậy lúc bấy giờ, Johore đã bắt tay với người Bồ để thành lập liên minh quân sự chống lại Aceh và người Bồ cũng sẵn sàng với điều này khi những trận giao tranh với Aceh, người Bồ “bất lực nhìn thuyền chiến và quân đội của mình bị đánh chìm trên Ấn Độ Dương”.

Sự cạnh tranh về ảnh hưởng và quyền cai trị ở bán đảo Malay là nguyên nhân chủ yếu khiến cho Aceh, Johore và Bồ Đào Nha bước vào những cuộc chiến dai dẵng trong suốt thế kỉ XVI. Tuy nhiên, vấn đề tôn giáo cũng được xem là một nhân tố thúc đẩy liên minh Johore-Bồ Đào Nha hình thành.

Sau khi chuyển sang Hồi giáo, Aceh được xem là nơi bảo trợ cho Hồi giáo khi  Malacca sụp đổ. Những hoạt động truyền giáo được những người đứng đầu chính quyền Aceh bảo hộ và khuyến khích dân chúng chuyển sang Hồi giáo. Những vùng đất mà Aceh chinh phục cũng chuyển sang Hồi giáo. Sự phát triển mạnh mẽ của Aceh đã gây ra mối lo ngại cho những người Thiên chúa giáo và cả Johore bởi lẽ khi Malacca sụp đổ, những tín đồ Hồi giáo đã chạy sang Aceh. Điều này làm cán cân Hồi giáo ở Johor và Aceh có sự thay đổi theo chiều hướng nghiêng về Aceh khi cả hai đều là trung tâm Hồi giáo ở cả khu vực Đông Nam Á. Những cuộc tấn công bằng quân sự được người Bồ Đào Nha thực hiện vào Aceh. Trong khi hiệu quả mà người Bồ Đào Nha mong đợi chưa được đền đáp xứng đáng thì ngược lại, với sự tấn công của người Bồ Đào Nha, Aceh càng nổi lên với vai trò là tuyến đầu của Hồi giáo ở Đông Nam Á chống lại những kẻ ngoại đạo từ phương Tây. Điều này đã thu hút được sự chú ý của những người đồng giáo từ Ottoman và những cuộc viện trợ về quân sự và trao đổi về sứ giả được hai nước tiến hành[2]. Trong khi ở Philippin, Tây Ban Nha có thể yên tâm thực hiện công cuộc truyền giáo của mình thì ở bán đảo Malay, Bồ Đào Nha đang còn chật vật với những cuộc tấn công từ những quốc gia Hồi giáo[3].

Năm 1568, Aceh mở cuộc tấn công lớn vào Malacca. Người Bồ Đào Nha nhận được sự giúp đỡ từ Johor và 60 chiếc thuyền chiến được quốc vương Johore phái đến hỗ trợ người Bồ chống lại Aceh. Tuy nhiên, cuộc chiến sớm kết thúc và sự viện trợ này không mang đến hiệu quả cho người Bồ Đào Nha. Năm 1575, Aceh đem một hạm đội đe dọa Malacca nhưng sau đó đem quân tấn công Perak và giết chết vị vua của Perak. Perak không chỉ là đồng minh của Johore mà tiểu quốc này còn có mối quan hệ đồng tộc với Johore. Chính vì vậy, năm 1582 Johore với sự giúp đỡ của người Bồ Đào Nha đã chặn đứng cuộc tấn công của Aceh. Tuy nhiên, đến năm 1584, Bồ Đào Nha và Johore bắt đầu nảy sinh những tranh chấp trong vấn đề độc quyền buôn bán ở eo biển Malacca. Năm 1586 và 1587, Johore bao vây và phong tỏa Malacca bằng cả đường bộ và đường thủy[4]. Sau đó, Johore liên minh với Aceh để chống lại người Bồ nhưng đây là liên minh tồn tại hết sức ngắn ngủi bởi lẽ Bồ Đào Nha đã tiến hành một cuộc phản công lớn vào Johore và phá hủy Johore. Đây được xem là sự kiến đánh dấu cho sự đổ vỡ trong mối quan hệ liên minh không bền vững giữa Johore và Bồ Đào Nha.

Mặc dù lúc bấy giờ, Aceh trở thành mối lo ngại chính của Johore và vấn đề đánh đuổi người Bồ Đào Nha nhằm giành lại Malacca chưa thực sự được đặt lên hàng đầu nhưng với những gì người Bồ làm cho Johore, những người đứng đầu chính quyền Johore hiểu rằng cần tìm một giải pháp mới trong bối cảnh các quốc gia phương Tây tăng cường sự hiện diện của mình ở Đông Nam Á mà cụ thể là sự xuất hiện của Hà Lan, Anh và Pháp.

  1. Liên minh Johore – Hà Lan trong hoạt động đánh đuổi Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca

Ngày 20 – 3 – 1602, thống chế Maurice Orange cùng các quan chức cao cấp trong chính phủ cộng hòa Hà Lan đã ra quyết định chính thức thành lập Công ty Đông Ấn Hà Lan (Vereenigde Oostindische Compagnie – V.O.C). Công ty được trao  nhiệm vụ độc quyền buôn bán trong các khu vực từ Mũi Hảo Vọng đến eo biển Magenllan, cùng với quyền ký các hiệp ước, xây dựng các pháo đài, duy trì lực lượng quân sự và thiết lập các cơ quan tư pháp. Công ty Đông Ấn Hà Lan đã bắt tay ngay vào tổ chức các chuyến đi về phương Đông. Với tiềm lực vững mạnh, trong khoảng thập niên đầu thế kỷ XVII, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã vươn tới và thiết lập được những thương điếm của mình trên nhiều khu vực ở phương Đông[5].

Sự xuất hiện của người Hà Lan ở vùng biển Malacca đã tạo nên mối lo ngại cho Aceh và cả Bồ Đào Nha. Bởi lẽ, với sức mạnh đang lên và sự cạnh tranh thương mại vượt bậc, Hà Lan dần chiếm ưu thế trước Bồ Đào Nha và tạo ra mối nghi ngại cho người đứng đầu chính quyền Aceh. Một phái bộ của Aceh được cử sang Malacca vào cuối thế kỉ XVI để yêu cầu sự giúp đỡ từ Bồ Đào Nha trong việc “ giết chết những tên cướp biển Hà Lan” và đổi lại là sự ngưng chiến tạm thời giữa hai bên. Tuy nhiên, sự hợp tác này không tồn tại được lâu bởi những hiềm khích cũ chưa được giải quyết giữa hai bên.

Việc người Hà Lan và người Anh đến vùng này đã tạo ra cơ hội mới cho Johore, những người vừa bị chính đồng minh của mình bỏ mặc trong cuộc chiến chống lại Aceh. Năm 1600, sultan của Johore là Ala’udin Riayat Shah III tìm cách duy trì mối quan hệ thân thiện với V.O.C thông qua những liên hệ ban đầu với đô đốc Hà Lan Jacop van HeemSkerk (1567-1607). Năm 1603, Johore đã cử một phái bộ ngoại giao đến Hà Lan nhằm tăng cường mối quan hệ và Johore là một trong những quốc gia châu Á đầu tiên có phái bộ ngoại giao đến Hà Lan[6]. Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Hà Lan được một trong những giám đốc của V.O.C kiêu hãnh tuyên bố rằng: “VOC chúng tôi đang có 400 tàu thuyền buôn bán ở châu Á, có 200 thuyền cùng 400 thủy thủ đang buôn bán ở bờ biển Ghinê, có hàng trăn thuyền và 5000 thủy thủ buôn bán ở Tây Ấn”. Người Hà Lan tất nhiên không chịu dừng lại ở đó. Nguồn tài nguyên thiếc ở bán đảo Malay và ham muốn xâm nhập vào vùng đất Ayuthaya của người Thái đã thôi thúc họ đánh bật người Bồ ra khỏi Malacca.

Khi những hiềm khích mới chưa được tạo ra và lợi ích chung được thấy rõ giữa Hà Lan và Johore, hai bên đã đi đến kí kết một hiệp ước vào năm 1606. Theo đó:

–   Hà Lan sẽ giúp đỡ Johore đánh đuổi Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca

      –   Johore cho phép người Hà Lan hiện diện ở Malacca và buôn bán ở Johore

–  Hai bên tôn trọng hoạt động tôn giáo của nhau [7].

Nội dung của hiệp ước 1606 đem đến sự hài lòng và tin tưởng cho Johore bởi lẽ với những tín đồ Hồi giáo, sự tồn tại cưỡng bức bởi một ngôn ngữ và tôn giáo khác như những người Bồ Đào Nha đã làm ở Malacca là một điều không chấp nhận được. Người Hà Lan tôn trọng quyền hoạt động tôn giáo của Johore và đó là nguyên nhân khiến sự liên minh này có cơ sở bền vững hơn so với người Bồ Đào Nha trước đó[8].

Sau khi thiết lập được quan hệ với Johore, Hà Lan đề nghị Johore cùng tổ chức một cuộc tấn công vào Malacca. Năm 1606, cuộc tấn công của V.O.C có sự phối vào Malacca đã bị người Bồ Đào Nha đánh bại, trong khi một hạm đội của Tây Ban Nha từ Philippin đến đã chiếm được các trạm buôn bán ở Molucca. Sự thất bại này cũng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Aceh sau đó đã khiến Johore bắt đầu dao động. Thông qua liên minh với Hà Lan, Johore hy vọng rằng mình sẽ giành lại được Malacca từ tay người Bồ Đào Nha, không những thế Johore còn đưa ra yêu sách làm chủ luôn cả Malacca và tất nhiên, điều này không được Hà Lan đồng ý. Mặc dù có những trở ngại trong quan hệ giữa hai bên từ sau hiệp ước 1606 nhưng đến năm 1637, với quyết tâm đánh Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca, Johore kí thêm một hiệp ước với Hà Lan theo đó Johore sẽ đem quân phối hợp với Hà Lan tấn công Malacca một lần nữa. Tháng 6 năm 1640, cuộc bao vây Bồ Đào Nha ở Malacca được liên quân Johore-Hà Lan thực hiện. Một hạm đội với sự kết hợp của 1500 người Hà Lan, 1500 người Malay, 40 tàu chiến Johore đã khiến cho Bồ Đào Nha gặp rất nhiều khó khăn[9]. Đến 1641, Bồ Đào Nha chính thức bị đánh bại và Hà Lan thay thế người Bồ kiểm soát Malacca.

Trên cơ sở đó, Johore tuyên bố quyền kiểm soát với Pahang, vùng đất vốn thuộc ảnh hưởng của Aceh trước đây. Những mối đe dọa từ quốc gia Aceh láng giềng và người Bồ Đào Nha không còn là mối bận tâm của Johore. Về danh nghĩa, Johore đứng đầu một đế chế lớn bao gồm phần lớn các tiểu quốc ở bán đảo Malay.

Johore đã được mục đích trong việc đánh đuổi Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca dưới sự giúp đỡ của Hà Lan. Đồng thời, Johore ngày càng mạnh lên đủ sức cạnh tranh với Aceh. Tuy vậy, Malacca-vùng đất mà Johore luôn muốn sỡ hữu quyền kiểm soát thì giờ đây nó chỉ được thay đổi từ người Bồ Đào Nha sang người Hà Lan.

Ít lâu sau khi chiếm được Malacca, Hà Lan bắt đầu tìm cách kiểm soát các quốc gia sản xuất thiếc. Thiếc là mối quan tâm chủ yếu của Hà Lan và thiếc có tầm quan trọng hàng đầu đối với họ trong việc trao đổi, buôn bán với Ấn Độ và Trung Quốc. Năm 1641, tổng đốc người Hà Lan ở Malacca đã yêu cầu Perak ngừng mọi hoạt động buôn bán với bên ngoài và trong tương lai chỉ bán thiếc cho V.O.C[10]. Johore nhận ra rằng những đồng minh mới của mình cũng không có gì khác so với người Bồ Đào Nha. Nhưng với tiềm lực hiện tại, Johore không còn cách nào khác, thay vì cố gắng đẩy người Hà Lan ra khỏi Malacca như họ đã làm với Bồ Đào Nha, Johore tập trung xây dựng đất nước, biến Johore thành một trung tâm kinh tế và tôn giáo ở Đông Nam Á hải đảo dưới thời trị vì của sultan Abdul Jalil Shah III (1623-1677). Sự hợp tác của Hà Lan với Ayuthaya vào năm 1644 bằng việc kí kết hiệp ước cho phép Hà Lan buôn bán với các vương quốc ở bán đảo Malay nằm dưới quyền kiểm soát của người Thái càng khiến cho Johore lo ngại về một sự đe dọa mới từ Hà Lan và quốc gia Phật giáo này.

  1. Hiệp ước Thân hữu và Đồng minh với Anh – những cố gắng cuối cùng của Johore

Đến năm 1666, Johore rơi vào cuộc chiến tranh với Jambi. Johore ngày càng suy yếu khi phải đương đầu với các cuộc chiến tranh bên ngoài (chiến tranh tam giác) và đối phó với tình hình nội bộ của đất nước[11]. Ý định chiếm lại Malacca từ tay người Hà Lan dường như không còn quá mặn mà với Johore khi quốc gia này rơi vào tình trạng khủng hoảng vào thế kỷ XVIII và người Anh thay thế Hà Lan trong việc can thiệp vào tiểu quốc trên bán đảo Malay vào đầu thế kỷ XIX[12].

Năm 1600, Công ty Đông Ấn Anh (EIC – English East India Company) được thành lập. Đây là lực lượng thay mặt chính phủ và nữ hoàng Anh tiến hành xâm lược và cai trị tại các thuộc địa của Anh ở châu Á, châu Âu và châu Mĩ. Sự cạnh tranh gay gắt của Bồ Đào Nha trước đó và Hà Lan ở thị trường Trung Quốc, Ấn Độ cùng với nguồn tài nguyên hấp dẫn ở bán đảo Malay đã thúc đẩy Anh xâm nhập vào khu vực này.

Ngay từ đầu, Anh đã dự tính biến Penang thành trạm trung chuyển thương mại và căn cứ quân sự chính ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, về sau, Penang lại không phù hợp cho hoạt động thương mại với khu vực, nơi mà nạn cướp biển hoạt động mạnh mẽ. Thêm vào đó, Hà Lan đã bóp nghẹt thương mại của Anh trong khu vực, bằng cách cấm thương nhân Anh hoạt động ở các cảng do Hà Lan kiểm soát, hoặc đánh thuế suất cao vào hàng hóa của Anh. Nhận thức được vấn đề này, Anh nhiều lần tiến hành thám hiểm dọc theo eo biển Malacca, các đảo Borneo, Java để tìm địa điểm thích hợp hơn[13].

Singapore-một hòn đảo thuộc quyền kiểm soát của Johore nằm ở phía Nam  bán đảo Malaya, gần eo biển Malacca và có cảng biển tự nhiên sâu, nước ngọt và gỗ để sửa chữa tàu. Người Anh nhận thấy Singapore sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Anh, cái mà “Hà Lan sẽ không bao giờ lại có thể thiết lập một độc quyền mà họ từng có – một hải cảng tự do và buôn bán, bởi Singapore sẽ phá vỡ thế mạnh đó. Hà Lan không còn có thể đóng cửa eo biển trong trường hợp xảy ra chiến tranh và đe dọa buôn bán với Trung Quốc” và “Malta[14] là gì ở phương Tây thì Singapore sẽ trở thành như vậy ở phương Đông”[15].

Ngày 30-1-1819, Anh thúc ép sultan và các quan cai trị địa phương của Johore ký thỏa thuận cho phép người Anh xây dựng cơ sở thương mại và buôn bán tại Singapore.

Đến ngày 6-2-1819, Anh và Johore ký bản hiệp ước mới với nội dung: “EIC có thể xây dựng thương quán tại bất cứ nơi nào ở Singapore và trong lãnh thổ của Johore; EIC mỗi năm trả cho Sultan Johore là Hussien 5000 đôla, và viên đại quan Johore ở Singapore 3000 đôla; EIC có trách nhiệm bảo vệ Johore và Johore không được cho các nước phương Tây khác xây dựng các cơ sở thương mại ở đây; Singapore do EIC kiểm soát, số tiền thu thuế từ các tàu bè cập bến sẽ được chia đôi” [16].

Tình trạng chia rẽ trong nội bộ Johore từ sau cuộc chiến tranh với Jambi đã khiến cho người đứng đầu chính quyền Johore không còn đủ quyết tâm trong các cuộc đàm phán với bên ngoài. Đối với Anh, việc chú trọng đến thương mại hơn là chiếm lĩnh thuộc địa khiến cho những thỏa thuận với Johore dễ dàng đạt được. Điều này rất ít khi khi xảy ra giữa Johore với Bồ Đào Nha và Hà Lan khi vấn đề Malacca luôn gây ra nhiều bất đồng cho cả hai bên.

Do vị trí địa lý thuận lợi và chính sách thương mại tự do, chỉ sau vài năm, doanh thu thương mại của Singapore đã vượt Penang. Chính vì sinh lời nhanh như vậy, năm 1824, Anh đã ký các hiệp ước với Hà Lan và Johore nhằm hợp thức hóa quyền cai trị của Anh tại Singapore.

Tháng 8-1824, Anh và Johore ký Hiệp ước Thân hữu và Đồng minh (Treaty of Friendship and Alliance), với những nội dung chính như: “Sultan Johore và vị đại quan nhường quyền cai trị vĩnh viễn Singapore cho EIC; Sultan Johore sẽ được nhận bồi thường từ EIC số tiền là 33.200 đôla và khoản phụ cấp suốt đời là 1300 đôla mỗi tháng, còn vị đại quan được nhận 26.800 đô la và tiền trợ cấp mỗi tháng là 700 đôla; khi chưa được sự đồng ý của EIC, Johore không được liên minh với nước nào khác; Anh được hưởng quyền tối huệ quốc” [17].

Hiệp ước này như một dấu mốc đánh dấu cho sự “biến mất” của một đế chế. Từ chổ quyền lợi thương mại ở Singapore được chia đều cho cả Johore và Anh thì đến nay Singapore hoàn toàn nằm trong tay của Anh. Những cố gắng của Johore nhằm đạt được những lợi ích lớn hơn đã không được chấp nhận. Ngược lại, Johore ngày càng lệ thuộc vào Anh về kinh tế và đối ngoại. Trên thực tế, Johore vẫn giữ được nền độc lập của mình ít nhất cho đến khi “những phát súng châu Âu đồng loạt bắn vào trong cấm thành” các vương triều ở Đông Nam Á.

Tổng kết

  1. Nhà nước Johore hình thành trong bối cảnh Đông Nam Á có nhiều biến động lớn, sự xâm nhập của các nước phương Tây mà mở đầu là sự kiện đánh chiếm Malacca của Bồ Đào Nha năm 1511 cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của các Hồi quốc láng giềng  đã đặt ra nhiều thách thức cho một nhà nước non trẻ. Nhìn lại chính sách ngoại giao của Johore có thể thấy được sự nhạy bén và khôn khéo trong việc duy trì được nền độc lập và hoạt động chiếm lại Malacca từ các quốc gia phương Tây trong việc chọn con đường chung sống hòa bình với Bồ Đào Nha để ngăn chặn mối đe dọa từ quốc gia đồng giáo Aceh đến việc tranh thủ sự giúp đỡ của người Hà Lan để loại bỏ Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca. Sự suy yếu từ bên trong của Johore từ cuối thế kỷ XVII đã khiến cho Hồi quốc nay không còn tạo ra được “tiếng chiêng” trong chính sách ngoại giao với một quốc gia phương Tây khác là Anh nhưng Johore vẫn có những cố gắng nhằm đạt được một thỏa thuận mang lại lợi ích cho đất nước.
  2. Tôn giáo là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao của Johore. Johore là quốc gia theo Hồi giáo và là một trong những trung tâm Hồi giáo ở Đông Nam Á. Việc thiết lập đồng minh với Bồ Đào Nha đang theo Thiên Chúa giáo đã tạo ra một rào cản cho tính chất bền vững của liên minh này. Ở Malacca, người Bồ Đào Nha thực hiện hoạt động truyền giáo hết sức mạnh mẽ, tiếng Bồ được áp đặt để thay thế dần cho tiếng Melayu-ngôn ngữ của những tín đồ Hồi giáo đang sử dụng trong hoạt động tôn giáo hàng ngày của mình. Chính sự khác biệt về tôn giáo khiến cho Johore và Bồ Đào Nha có lúc rơi vào tình trạng đối đầu nhau. Trong khi đó với Hà Lan, Johore tìm thấy sự tin tưởng cao hơn so với đồng minh cũ của mình. Hiệp ước năm 1606 giữa Hà Lan và Johore quy định sự tôn trọng hoạt động tôn giáo của nhau. Chính vì vậy, trong mối quan hệ với Hà Lan, Johore đặt nhiều niềm tin hơn và mục đích đánh đuổi Bồ Đào Nha cũng đạt được từ sự trợ giúp của quốc gia phương Tây này.
  3. Johore cuối cùng cũng đánh đuổi được người Bồ Đào Nha ra khỏi Malacca nhưng quyền kiểm soát thì không lấy lại được. Malacca chỉ thay đổi quyền kiểm soát từ người Bồ Đào Nha sang Hà Lan và sau này là Anh. Điều đó cho thấy được hạn chế trong chính sách ngoại giao của Johore. Việc liên minh với bên ngoài để đánh đuổi một kẻ thù khác, một mặt sẽ giúp Johore tránh được những tổn thất lớn nhưng mặc khác đó là sợi dây ràng buộc khiến Johore mất quyền tự quyết đối với vùng đất vốn từng là một đế chế có tầm ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á vào thế kỷ XV-XVI.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.      Peter Borschberg, Letter from King of Johor, Abdul Jalil Shah IV (1699-1720), to Governor-General Abraham van Riebeeck, 26 April 1713, https://sejarah-nusantara.anri.go.id

2.      Lê Thị Quí Đức (2016), Chính sách mở cửa của Anh ở các tiểu quốc Malay từ nửa sau thế kỉ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, ĐHSP Huế

3.      D.G.E. Hall (1997), Lịch sủ Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

4.      Marco Ramerini, Dutch Malacca 1641-1795, 1818-1825, http://www.colonialvoyage.com

5.      Marco Ramerini, Portuguese Malacca 1511-1641, http://www.colonialvoyage.com/

6. Viện Nghiêng cứu Đông Nam Á (1999), Lịch sử Đông Nam Á, Tập 2

Từ 1500 đến 1800 (Tài liệu dịch)

7.     http://www.oocities.org/The Dutch fight for Melaka.

8.     http://en.wikipedia.org,  “History of Malaysia”,  21.4.2014.

 

Chú thích:

[1] D.G.E. Hall (1997), Lịch sủ Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

[2] Sultan Suleiman của Ottoman sau khi chào đón đại sứ của Aceh ngay lập tức đã cứ một đại sứ của mình là Mustafa Cavus để đi đến Aceh. Sultan Suleiman đã bày tỏ thái độ chấp nhận lời đề nghị của Aceh và ông xem đây là “một bổn phận tôn giáo và truyền thống của những người đứng đầu Ottoman. Điều này rất quan trọng vì nó không chỉ là vấn đề về tôn giáo mà còn vì truyền thống” . Suleiman yêu cầu lực lượng hải quân của mình tích cực chuẩn bị để hổ trợ cho Aceh. Quân đội của Ottoman được biên chế vào quân đội Aceh đã tham gia vào các chiến dịch của người Aceh tấn công vùng Batak vào năm 1537. Họ cũng tham gia một số cuộc tấn công của người Aceh vào người Bồ Đào Nha ở Malacca trong suốt cuộc chiến thế kỉ XVI. Mối liên hệ trực tiếp giữa Aceh và Ottoman được thắt chặt hơn khi quốc vương Aceh, theo yêu cầu của vua Ottoman nhận nhiệm vụ tiến hành các hoạt động quân sự tấn công người Thiên Chúa giáo Bồ Đào Nha. Năm 1558, một hạm đội gồm 300 chiến thuyền, 15000 quân và 400 pháo binh từ Ottoman đến bao vây Malacca.

[3] Viện Nghiêng cứu Đông Nam Á (1999), Lịch sử Đông Nam Á, Tập 2-Từ 1500 đến 1800 (Tài liệu dịch)

[4] D.G.E. Hall (1997), Lịch sủ Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

[5] Năm 1604, V.O.C đã kiểm soát được hoạt động buôn bán ở Bantam, gạt bỏ ảnh hưởng của người Bồ Đào Nha ở đây. Tiếp đó, V.O.C đã tới Ambonia, buộc người Bồ Đào Nha phải đầu hàng và ngăn cản việc buôn bán của Công ty Đông Ấn Anh ở khu vực này. Tháng 6 – 1605, Công ty Đông Ấn Hà Lan đã chiếm được Tidore và đẩy mạnh các hoạt động thương mại ở đây. Cũng trong năm 1605, người Hà Lan xây pháo đài đầu tiên ở phương Đông sau khi đã củng cố chỗ đứng của mình trên đảo Ambon. Sau đó, V.O.C đã xây dựng được các cơ quan thương mại ở Java, Celebes (tại Macassar), trên lục địa Ấn Độ…

[6] Peter Borschberg, Letter from King of Johor, Abdul Jalil Shah IV (1699-1720), to Governor-General Abraham van Riebeeck, 26 April 1713, https://sejarah-nusantara.anri.go.id

[7] http://www.oocities.org/The Dutch fight for Melaka.

[8] Chính việc xem trọng thương mại hơn là truyền giáo của người Hà Lan là một trong những nhân tố  giải thích vì sao trong chính sách “ Đóng cửa nhưng không cài then” của chính quyền Tokugawa (1603-1868) thì Hà lan là quốc gia phương Tây duy nhất có quan hệ với Nhật Bản lúc bấy giờ khi năm 1609, Công ty Đông Ân Hà Lan (VOC) được mở cửa hàng tại Hirado.

[9]  Marco Ramerini, Portuguese Malacca 1511-1641, http://www.colonialvoyage.com/

[10]  Marco Ramerini, Dutch Malacca 1641-1795, 1818-1825, http://www.colonialvoyage.com/

[11] Người Bugis có vai trò rất lớn trong việc giúp Johore đánh bại Jambi nên đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị của đất nước này. Người Bugis liên kết với Minangkabau trong việc lật đổ ngôi vua của Johor bằng việc giúp sultan Abdul Jalih Rahmat Shah (1718-1722) lên ngôi thay thế sultan Abdul Jalil IV (1699-1720). Abdul Jalil IV  chạy trốn sang Pahang và sau đó ông bị giết. Không hài lòng với cách làm của Minangkabau, con trai của Abdul Jalil IV  là Raja Suleiman tìm cách liên kết với người Bugis để hỗ trợ ông trong việc đòi lại ngai vàng. Năm 1722, Raja Suleiman  (1722-1760) trở thành quốc vương mới của Johore nhưng ông là một nhà lãnh đạo không có năng lực và dần bị người Bugis chi  phối. Đến năm 1857, người Bugis lật đổ quốc vương của Johore và chính thức nắm quyền. Những quý tộc của Bugis bầu Raja Temenggung Tun Ibrahim (1855-1862) làm quốc vương mới của Johor. Năm 1861, Johore tiếp tục kí với Hà Lan một thỏa thuận theo đó, Johore bị chia thành hai vương quốc độc lập: Johore và Pahang. Trong đó, người Hà Lan sẽ kiểm soát Pahang.

[12]  Năm 1824, quyền kiểm soát của Anh tại Malaya được chính thức hóa theo Hiệp định Anh-Hà Lan, theo đó phân chia khu vực Malay giữa Anh và Hà Lan. Người Hà Lan rút khỏi Malacca và từ bỏ toàn bộ quyền lợi tại Malaya, trong khi Anh công nhận quyền cai trị của Hà Lan đối với phần còn lại của Đông Ấn. Đến năm 1826, Anh kiểm soát Penang, Malacca, Singapore, và đảo Labuan.

[13] Lê Thị Quí Đức (2016), Chính sách mở cửa của Anh ở các tiểu quốc Malay từ nửa sau thế kỉ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, ĐHSP Huế.

[14] Malta là một quần đảo nằm ở lòng chảo phía đông của Địa Trung Hải. Quần đảo này được xem là là một bước đệm giữa châu Âu và Bắc Phi, là cửa ngõ để xâm nhập vào khu vực Đông-Nam Âu và Bắc Phi. Do vậy trong lịch sử quần đảo này đã trở thành điểm tranh chấp của nhiều đế quốc tại khu vực địa Trung Hải và là nơi thu hút các hoạt động thương mại của cả khu vực Đại Tây Dương và Địa Trung Hải.

[15] D.G.E. Hall (1997), Lịch sủ Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

[16] http://en.wikipedia.org,  “History of Malaysia”,  21.4.2014. Dẫn theo Lê Thị Quí Đức (2016), Chính sách mở cửa của Anh ở các tiểu quốc Malay từ nửa sau thế kỉ XVIII đến cuối thế kỷ XIX, ĐHSP Huế.

[17] D.G.E. Hall (1997), Lịch sủ Đông Nam Á, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội

0