18/06/2018, 16:30

Yên Phong xưa

Khổng Đức Thiêm I. MỘT VÙNG ĐẤT CỔ KÍNH Trong chiều sâu của lịch sử, Yên Phong đã là một vùng đất gắn bó mật thiết với bộ Vũ Ninh thời các vua Hùng. Thuở ấy, con người đã đến ở ven đồi vùng Quả Cảm, trên các gò cao ở Chóa, ở Chi Long. Một khu công xưởng đúc trống đồng ...

 Map_of_Bac_Ninh

Khổng Đức Thiêm 

I. MỘT VÙNG ĐẤT CỔ KÍNH

Trong chiều sâu của lịch sử, Yên Phong đã là một vùng đất gắn bó mật thiết với bộ Vũ Ninh thời các vua Hùng. Thuở ấy, con người đã đến ở ven đồi vùng Quả Cảm, trên các gò cao ở Chóa, ở Chi Long. Một khu công xưởng đúc trống đồng được lập ra ở vùng Yên Phụ. Chính những người thợ thủ công này tạo nên một trở lực của Thục Phán. Phan Huy Chú kể lại:

“Núi Thất Diệu ở xã Yên Khang [tên cũ của Yên Phụ – TG] huyện Yên Phong, thời An Dương Vương, trong núi có hồn người thợ nhạc (tức thợ đúc trống đồng – một nhạc khí quan trọng thời vua Hùng) không giải thoát, vẫn quanh quất ở đấy; quán bên núi có con gà trắng yêu quái, hay làm đổ thành. Vua theo lời của rùa vàng, mới đến quán giết con gà trắng và đào núi lên, nhặt được đồ nhạc cổ và xương tàn, đem đốt hết đi, loài yêu mới trừ hết. Thành đắp nửa tháng thì xong”(1).

Huyền thoại và huyền tích về thời mở nước cũng đọng lại khá dầy và đậm nét ở một vùng đất vốn nhỏ hẹp này. Đền Hàm Sơn thờ Quý Minh, con trai của Lạc Long Quân, mà dân gian vẫn gọi là vua Chờ:

                   – Vua Chờ còn mải giết trâu

                     Để cho vua Dốt xách bầu nước đi(2).

                   – Khù khờ như vua Chờ mất nước

Đền Đại Lâm thờ ba vị đại vương tên là Nghiêm, Minh, Trị có công đánh giặc Ân, khi thắng giặc đã đầm mình xuống dòng sông Cầu để về cõi – một thể trái ngược với Phù Đổng Thiên Vương ở đất Tiên Du, cưỡi ngựa bay lên trời. Còn ở Thọ Đức, thờ Cường Bạo đại vương – sinh ra vào thời Kinh Dương Vương, “da đen như sắt, tiếng to như sấm”, rải lá chuối và vẩy nước mồng tơi đánh nhau với thiên lôi, là bạn với thổ công, đi cày dùng ngón tay làm cá của cày… Lòng đất và lòng người Yên Phong đã lưu giữ nhiều kỷ niệm của nền văn minh Văn Lang – Âu Lạc.

Thời Bắc thuộc, Yên Phong là phần đất của Long Biên. Thủ phủ của Long Biên quanh quẩn ở vùng Diềm, Quả Cảm, Đông Yên, lấy núi Tiên Sơn (Tiên Lát) làm chuẩn. Chùa chiền dựng lên ở đây thật nhiều, sư sãi ở đây cũng lắm. Đó cũng chính là điều giải thích tại sao Yên Phong vào thời Lý đã sản sinh ra Hoàng Viên Học, Âu Đạo Huệ, Nguyễn Nguyên Học, Tô Minh Trị và dựng các chùa lớn như Quốc Thanh ở Phù Cầm, Quảng Báo ở Chân Lạc, Sùng Khánh ở Đông Xuyên, Khai Nghiêm ở Vọng Nguyệt… Long Biên lại chia ra làm nhiều phường: phường hàng thịt(3), phường bán đồ gia dụng.

Yên Phong là tên huyện xuất hiện vào thời Lý – Trần. Trừ vài năm vào thời Hồng Thuận thời Lê (1509-1515) gọi là Yên Phú, tên huyện Yên Phong hầu như cố định cho đến tận ngày nay. Hồi Nguyễn Trãi viết Dư địa chí, cạnh Yên Phong còn có huyện Thanh Thủy, nhưng sau đó 28 xã của huyện này chia về Thiên Phúc, Hiệp Hòa và Yên Phong, do đó huyện từ 52 xã (1435) đã lên 59 xã (1483). Yên Phong thời Lê, dưới con mắt Quế Đường thật đẹp và nhộn nhịp:

 

                     Đường thông bãi biển, tôm cua rẻ

                     Gần các lò nung chĩnh vại nhiều

                     Sông bến người qua như mắc cửi

                     Chút lời, vất vả biết bao nhiêu.

                                                         (Đại Lâm)

                     Đường quan khuất khúc theo sông

                     Gió đưa sóng biếc, khiến lòng chơi vơi

                     Xa xa Tam Đảo ngất trời

                     Cái nhìn khắp cả núi đồi tiễn đưa.

                                                         (Trên sông Dũng Liệt)

Thời Nguyễn Gia Long, huyện có 72 xã. Có lẽ suốt mấy trăm năm, nhiều xã nhỏ được tách ra từ các xã lớn. Từ năm 1871 đến cuối thế kỷ XIX, Yên Phong có 69 xã. Từ năm 1905 đến 1945 còn lại 61 xã, là vì vài xã ở vùng Cổ Loa chuyển sang Đông Anh, mới lập từ một số tổng của Đông Ngàn và Kim Anh, mấy xã (Đào Thục, Thư Lâm, Thụy Lôi) của tổng Phương La cũng chuyển nốt về đấy để lập tổng Thư Lâm và cuối cùng là hơn 10 xã của tổng Trâm Khê chuyển về Võ Giàng và thị xã Bắc Ninh. Trong thời gian này, Yên Phong chỉ thêm 2 xã Yên Từ, Đông Mai của tổng Tam Sơn (Đông Ngàn) đưa sang để nhằm hợp với tổng Mẫn Xá tách làm hai tổng Phong Quang và Ân Phú. Từ năm 1880 đến 1907, Yên Phong thêm 6 xã như sau:

– Ô Cách (Phượng Cách, Đống Gạch) tách từ Đông Lâu năm 1880.

– Phong Mẫn (Đống Gạo) tách từ Phong Xá năm 1888.

– Trà Xuyên tách từ Khúc Toại năm 1892.

– Xuân Đồng (Đồng Mật) tách từ Xuân Ái năm 1893.

– Thọ Ninh tách từ Yên Ninh năm 1896.

– Trần Xá lập năm 1907 (năm 1935 đổi là Tiên Trà).

Sau Cách mạng tháng 8-1945, Yên Phong vươn về phía Từ Sơn nhận thêm 2 xã Văn Môn, Đông Thọ của tổng Mẫn Xá, nhận trả lại từ phía Võ Giàng đất tổng Trâm Khê nhưng bớt đi 2 xã thuộc tổng Ân Phú (Tương Giang, Phú Lâm) về cho Tiên Du. Đại để đơn vị hành chính từ cuối Lê – đầu Nguyễn đến nay của Yên Phong được ghi nhận là:

  1. Tổng Hương La (còn gọi là Phương La) nay gồm các xã Yên Phụ, Hòa Tiến một phần lớn Tam Giang ngày nay, và một số xã của Sóc Sơn.
  2. Tổng Nội Trà nay gồm các xã Hàm Sơn, Đông Tiến, một phần xã Trung Nghĩa và xã Tam Giang.
  3. Tổng Dũng Liệt nay gồm hai xã Dũng Liệt và Yên Trung.
  4. Tổng Mẫn Xá nhập thêm Đông Mai, Yên Từ (Tam Sơn) và Ngô Khê của Trâm Khê làm 2 tổng mới:

Tổng Phong Quang gồm xã Long Châu, một phần xã Trung Nghĩa, xã Đông Phong và xã Phong Khê.

Đông Mai, Yên Từ về xã Trung Nghĩa.

Tổng Ân Phú gồm 2 xã Phú Lâm, Tương Giang đã chuyển về Tiên Du năm 1963.

  1. Tổng Nguyễn Xá (sau gọi là Phong Xá) gồm các xã Tam Đa, Thụy Hòa, phần lớn xã Đông Phong và Vạn An ngày nay.
  2. Tổng Trâm Khê: Gồm 3 xã Phong Khê, Hòa Long Khúc Xuyên và một phần xã Vạn An đã kể ở trên.

Ngoài ra còn có Yên Xá nhập về thị xã Bắc Ninh.

Phải kể thêm tổng Mẫn Xá của Đông Ngàn (sau là Từ Sơn), sau Cách mạng tháng 8-1945 thành hai xã của Yên Phong (Đông Thọ).

Như vậy là từ 6 tổng với 61 xã, phường vạn sau Cách mạng tháng 8-1945, Yên Phong chia thành 18 xã. Đơn vị xã của Yên Phong lúc này lớn hơn đơn vị xã thời phong kiến và Pháp thuộc. Tất nhiên, cũng như toàn quốc, đơn vị hành chính trung gian giữa huyện và xã là cấp tổng đã được bãi bỏ.

II. MỘT VÙNG QUÊ GIÀU ĐẸP

Trải qua biết bao thăng trầm và biến cố, Yên Phong vẫn duyên dáng, diễm lệ như ngày xưa cũ. Nằm trọn trong lòng những con đê chắc nịch và xanh rờn của mấy dòng sông Cầu, Cà Lồ, Ngũ Huyện, bao đời nay lòng đất Yên Phong được chất chồng bằng độ phì của nhiều dòng sông lớn.

Nếu không kể một khu vực phù sa cũ xen lẫn đất chiêm trũng bạc màu ở ba xã Văn Môn, Yên Phụ, Đông Thọ rộng đến 4.250 ha và vùng Tam Tảo đã cắt về Tiên Du, nói chung đất đai của Yên Phong màu mỡ. Từ Ngã Ba Xà ngược lên thượng lưu sông Cầu, ta chỉ gặp một lớp đất màu xám vàng dầy hàng mét, bởi lẽ ở đây chỉ được bồi đắp phù sa của chính dòng sông ấy. Từ Ngã Ba Xà đổ xuôi xuống hạ lưu, ta sẽ thấy dưới lớp vỏ xám vàng dầy độ năm, sáu chục phân ấy là lớp phù sa màu nâu tươi và dưới nữa là lớp than bùn, nhiều chỗ còn nguyên cây gỗ. Lớp bên dưới là thời Yên Phong còn là rừng cây bát ngát. Lớp giữa là lúc sông Cà Lồ nối sông Cầu với sông Hồng ở vùng Yên Lạc hoặc chỗ sông Thiếp ở Đông Anh. Phù sa sông Hồng đã vùi lấp rừng cây, đã chồng chất lên một lớp phù sa màu đỏ. Khi độ dốc của sông Cà Lồ không còn phù hợp với khả năng vận chuyển thì phù sa không kịp mang đi, chúng đọng lại ngay ở nơi chúng bắt đầu rời khỏi dòng chính. Từ đó, đồng ruộng của Yên Phong chỉ còn sông Cầu bồi đắp phù sa. Rồi sự hoạt động của con người cũng dần dần chấm dứt quá trình bồi lấp ấy.

Đê ở Yên Phong được đắp khá sớm. Sách Hậu Hán thư phần Quận huyện chí có ghi: “Phía tây bắc huyện Long Biên quận Giao Chỉ đã có đê để giữ nước sông”. Vào thời Lê, đê Tràng Cày được đắp nhờ công lao vận động của mẹ con bà Xuân Mỵ Nương quê ở Chi Long. Do vậy, Yên Phong đã sớm phải vì cái chung, cái lớn lao để Tam Giang, Yên Phụ, Trung Nghĩa, Thụy Hòa chịu đựng cảnh lầy lội hộ cho cả vùng:

                     – Thứ nhất là cửa đền Xà

                       Thứ nhì Cầu Gạo, thứ ba Vân Điềm

                     – Thứ nhất Đông Mai, thứ hai Bèo, Đóm.

                     – Thiểm ngập mái, thiện hạ thái hòa.

                     – Ba làng Mịn, chín làng Chờ

                       Để cho Ô Cách bơ vơ giữa đồng

                     – Ai về Cầu Gạo làm chi

                       Nước giếng thì đục đường đi thì lầy…

Dấu vết của rừng cũng còn ghi rõ trong các tên làng Bằng Lâm (Thủ Lâm), Đại Lâm, Rừng Cả (Tam Đảo), Rừng Mành (Giới Tế) và trong các câu ca đến nay còn truyền lại (Đằng trước Kẻ Rừng, sau lưng Kẻ Ráng; Cà dằng Rừng, lưng con lợn…). Một vài mỏm đồi ở phía đông của huyện như Kim Sơn, Tượng Sơn, Quả Cảm từ xa xưa đã gắn bó với bao huyền thoại truyền kỳ. Ở phía tây Yên Phong là rặng Thất Diệu “núi đất liên tiếp 7 ngọn”, rồi Hàm Sơn “một ngọn nhọn đẹp có đền thờ thần Quý Minh”. Ở phía nam là Tiên Sơn “trên núi có chùa Trường Liêu, là chỗ trụ trì của sư Vạn Hạnh, nội tể tướng triều Lý”. Lòng người đã khoác lên cho lòng đất những vẻ đẹp khác thường, và vì thế mà nó trở thành những hình thể địa linh truyền lan khắp thế gian những lời ca ngợi:

– Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thư ba Vườn Hồng.

– Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thư ba Thất Diệu.

Sông nước của Yên Phong không chỉ bồi đắp tạo nên đồng ruộng hoặc giản đơn như điều ghi trong Đại Nam nhất thống chí: “Sông Ngũ Huyện vòng quanh huyện Yên Phong hợp với nước ruộng của huyện Tiên Du của các xã Khúc Toại, Đông Xá và Quả Cảm mà đổ vào sông Nguyệt Đức” mà nó còn chuyên chở cho ta những ký ức về một thời hoang vắng (muỗi Thổ Hà, ma Cầu Cỏ), ghi nhận một quãng thời gian dài tấp nập trên bến dưới thuyền (gianh Đông Xá, mã Đông Hồ, đồ Bến Chọi), thời An Dương Vương rợp bóng tinh kỳ, xuôi từ Cổ Loa về Quả Cảm. Thấp thoáng đây đó, những hình bóng của cung Kim Khuyết trên núi Vũ Đương, những bà chúa Chuốt, chúa Sành, chúa Lẫm.

Yên Phong, vùng đất trở nên linh dị khác thường bởi bao lẽ khác.

Ở đây những con người đã vật lộn với đất đai, với bùn lầy, nước đọng, với cây rừng để có được những chân ruộng tốt như vùng Lạc Nhuế (đinh Kẻ Chiền, điền Lạc Nhuế), làng Hàn (con gái làng Giữa, ruộng trước cửa làng Hàn), Yên Phụ (Yên Phụ đất bụt người tiên), Bích La (làm ruộng Bích La, làm nhà Ống Lới), Xuân Cai (lấy chồng Phe Thượng, làm ruộng Xuân Cai). Nhờ vậy, mà Yên Phong đã có không biết bao nhiêu vựa thóc lớn, giống lúa tốt và loại gạo thơm ngon (thóc Kẻ Chiền, tiền Kẻ Chóa; Tiền Đông Sóc, thóc Đông Xuyên; Mật Diềm, chiêm Chắp; Gạo ré Đông Mơi, cá trôi đồng Chờ…).

Không những thế, bằng một sự quý trọng đất đai thông qua những chuỗi ngày lao động cần cù và nghiêm túc, người dân Yên Phong đã san bạt hết cánh ruộng hoang này đến bãi bồi khác để có được những chân đồng, cánh ruộng như ở Đông Xuyên:

                            Tháng chín lúa đã hồ vàng  

                     Bước chân ra đàng, uống nước Cầu Tư

                            Cầu Tư nước đặc lư đừ

                     Bước sang Cầu Vậy, tần từ bảo nhau

                            Bước về đồng Chỗ đã lâu

                     Thấy hai gái đẹp ngồi cầu Ao Giai

                            Ngồi lâu nói chuyện đường dài

                     Trông về Dũng Ngái thấy hai Sọ Dừa

                            Bước ra cho đến Miếu Vua

                     Bà Chúa phải lửa, Đồng Lác tung tăng

                            Đông Lâu, Đồng Cả đâu bằng

                     Bước sang Gò Táo, Gốc Găng, Ao Bời

                            Đồng Niên vui thú ăn chơi

                     Đồng Vọng tay người, Dũng Ngái tay la

                            Mả Thần những quỷ cùng ma

                     Cỏ cây sòng sọng, gọi là Đồng Giai

                            Cầu Ngùi xẻ rãnh trồng khoai

                     Ruộng ta tươi tốt bằng hai ruộng mình 

Nhờ có quá trình lao động sáng tạo ấy, mà “Đông Lâu có cơm dự thơm có tiếng” khiến cho Hoa tiên sinh phải thốt lên trong một câu thơ: “Đạm thực diệc giai Kinh Bắc phạn” (Cơm xứ Kinh Bắc ăn nhạt cũng ngon).

Yên Phong vùng đất linh địa cũng bởi một lẽ, con người ở đây thật là tài hoa trong việc tạo nên những sản phẩm thủ công nghiệp. Các sách Phong thổ Kinh Bắc thời Lê, Bắc Ninh phong thổ tạp ký, Đại Nam nhất thống chí đều ghi nhận Yên Phong có hàng chục thứ nghề tinh xảo, được nhân dân trong nước chuộng dùng.

Nghề dệt lụa, dệt vải của Yên Phong phát triển khá mạnh. Khắp một vùng Như Nguyệt, Dũng Liệt, Mẫn Xá, Yên Phụ, Đẩu Hàn, Nghiêm Xá, Tiêu Long, Tam Tảo, Hồi Quan… xưa kia, không mấy nhà là không chăn tằm kéo kén hoặc có khung dệt. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi: “Vải trắng sản ở xã Đẩu Hàn huyện Yên Phong, xã Lãng Ngâm huyện Gia Bình. Hàng năm mỗi người phải nộp thuế 3 tấm, tính nộp bằng bạc, người già và người ốm nộp một nửa“. Trong dân gian, ai ai cũng biết “Lạc Trung chỉ có dâu tằm mà thôi” và:

                            – Hỡi anh đi cái ô đen

                     Có về Yên Phụ với em thì về

                            Yên Phụ có gốc cây đề

                     Có ao thả cá, có nghề cửi canh

                            – Muốn ăn cơm trắng cá trôi

                     Thì về Mẫn Xá dệt sồi với em v.v…

Rõ ràng từ rất lâu đời, người dân Yên Phong đã biết tới tiềm lực của các bãi sa bồi dọc theo sông Cầu, để có những ngàn dâu xanh tốt. Phương Khiết, cô gái chăn tằm dệt lụa giỏi giang, lại đẹp người đẹp nết, quê ở Chân Lạc, nay vẫn còn đền thờ.

Kỹ thuật luyện kim của người Nội Trà, “sành đúc gang đúc đạn” đã để lại một dư lượng trong sáng. Ở Đông Xuất, kỹ thuật làm bừa ít nơi bì, nó không chỉ ẩn lưu trong tâm hồn người nông dân xưa vốn ngày đêm mê mải trên ruộng đồng (Muốn ăn cơm trắng cùi dừa, thì về Đông Xuất gánh bừa với anh) mà còn đi vào lời thơ hiện đại sau này:

Muối Thái Bình ngược Hà Giang

Cày bừa Đông Xuất, mía đường tỉnh Thanh

Vùng Khúc Toại nổi tiếng với nghề nung gạch ngói và nung vôi, “khiến kẻ xa người gần cũng phải đến đây mua” (Bắc Ninh phong thổ tạp ký). Ngoài ra còn có nghề nấu rượu ở Quan Đình, Đại Lâm, Phú Mẫn; nghề sơn mài ở Yên Phụ; nghề ép dầu ở Phấn Động, Phương La; nghề làm mành trúc ở Giới Tế, Đông Xuyên. “Vạn Đại Bạng – tức Vạn Vân, có nước mắm thơm ngon” đã đi vào phương ngôn từ rất lâu đời:

– Nước mắm Vạn Vân, rau cần Kẻ Chúc, bánh đúc chợ Chay.

– Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần.

  Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét.

Nghề làm giấy moi, giấy bản từ vỏ cây dó ở Dương Ổ, Đào Thôn, Trâm Khê có từ xa xưa, trai gái, già trẻ trong làng ai cũng biết làm. Chỉ với ngần ấy con người, mấy xóm làng bên bờ Ngũ Huyện, giấy dó đã có mặt ở chợ Hồ (Thuận Thành), chợ Và (Quế Dương), chợ Cẩm (Hải Dương) và luôn bên cạnh những người học trò trong những năm đèn sách, dùi mài kinh sử:

                            – Người ta buôn vạn bán ngàn

                     Em nay làm giấy cơ hàn vẫn vui

                            Dám xin nho sĩ chớ cười

                     Vì em làm giấy cho người đề thơ…

Yên Phong còn nhiều nghề khác nữa:

                             – Đông Mơi xẻ gỗ đóng mâm

                     Yên Từ hàng xáo, Kẻ Rừng đánh dao

                            – Muốn ăn cơm trắng muối vừng

                     Thì về Đông Bích bện thừng với em

                            – Bền chạc Dốt, tốt chạc Lời, mua chơ chạc Cháy 

Như vậy, từ hàng ngàn năm nay, người Yên Phong đã tỏ ra khá giỏi giang trong cung cách làm ăn, nhờ thế mà quê hương ngày càng trở nên giàu đẹp, đủ ăn đủ mặc. Đấy chính là tiền đề, đòn bẩy để Yên Phong tiến dần đến một vùng quê thịnh vượng, phồn vinh.

III. MỘT NỀN VĂN HIẾN RỰC RỠ

Yên Phong có một nền văn hiến phát triển. “Về văn học thì xã Vọng Nguyệt, Phú Mẫn (thực ra là Chân Lạc mới đúng – TG) là nhiều hơn cả, sau nữa là các xã Yên Phụ, Hương La, Như Nguyệt. Ở Tiêu Sơn có tục đấu vật, hàng năm vào tháng ba thì mở hội vật trong ba ngày. Xã Phú Mẫn có phường diễn trò. Các địa phương Đông Lâu, Trịnh Xuyên, Hồi Quan sản sinh ra đào nương; Đông Xuất có du nữ thích tục đăng ca (quan họ), ca khúc đại khái như: – Nhất ngon là mía Lam Điền, trai khôn ngồi đó gái hiền ngồi đây, mấy khi rồng gặp lại mây, để rồng than thở với mây vài lời… Các xã Hương La, Như Nguyệt có tục đua thuyền, hàng năm vào tháng ba thì mở hội thi” (Bắc Ninh phong thổ tạp ký).

Từ thời nhà Lý, nhân tài Yên Phong đã nở rộ, nhưng có điều kỳ lạ lại tập trung vào các nhà sư quê ở Phù Cầm, Chân Lạc và Như Nguyệt. Hoàng Viên Học sinh năm 1072, quê ở Như Nguyệt, một nhà sư uyên bác của phái Thiền Nam Phương, đồng thời là một nhà thơ nổi tiếng. Ông mất năm 1136 và để lại một bài thơ làm nhân khi đúc xong quả chuông lớn tại chùa Quốc Thanh ở làng Phù Cầm:

                     Sáu căn ám ảnh khổ đêm dài

                     Tăm tối sinh ra biếng nhác hoài

                     Hôm sớm nghe chuông hồn tỉnh thức

                     Thần thông được gặp, hết thần lười.

Âu Đạo Huệ sinh đầu thế kỷ XII, quê ở Chân Lạc, mất năm 1173. Ông trụ trì ở chùa Quang Minh (Phật Tích – Tiên Du), thông hiểu đạo phật, giỏi chữa bệnh. Hiện còn hai bài thơ:

  1. Đất, nước, lửa, gió, thức

                     Hết thảy vốn đều không

                     Mây tụ rồi tan đấy

                     Lòng phật sáng vô cùng

  1. Sắc thân và điệu thể

                     Chẳng hợp chẳng lìa xa

                     Kẻ nào toan cách biệt

                     Lò lửa, một cành hoa

Nguyễn Nguyên Học, cũng sinh vào đầu thế kỷ XII, là thế hệ thứ 10 của dòng Quan Bích, quê ở Phù Cầm, trụ trì tại chùa Quảng Báo (Chân Lạc), được Lý Anh Tông trọng dụng, cho tự do ra vào cung cấm. Dưới đây là một trong hai bài thơ của ông:

                     Đạo không hình bóng

                     Trước mắt đâu xa

                     Tim tự lòng ta

                     Chớ tìm chốn khác

                     Dẫu mà tìm được

                     Chẳng phải là chân

                     Dù có được chân

                     Chân là gì vậy?

Tô Minh Trí sinh vào nửa đầu thế kỷ XII, quê ở Phù Cầm, thuộc dòng thứ 10 phái Quan Bích, mất năm 1196. Ông trụ trì ở chùa Phúc Thanh, còn để lại hai bài thơ:

  1. Truyền riêng ngoài giáo lý

                     Vi diệu ấy nguồn thiền

                     Nếu ai muốn phân biệt

                     Tìm khói trong ảo huyền

  1. Gió cành thông lòng sông trong trắng

                     Bóng cũng không hình dáng cũng không

                     Sắc thân, thân sắc đều không

                     Như tìm tiếng dội trong vòng hư vô.

Thời kỳ nhà Lê, nhân tài của Yên Phong phát triển nhiều hơn. Biết bao nhà thơ nhà văn nổi tiếng ra đời như Chu Xa, Nguyễn Hữu Nghiêm, Nghiêm Nguyên Lãng, Hứa Tam Tỉnh, Nguyễn Chiêu Huấn, Lê Tuấn Mậu, Phạm Thiều, Nguyễn Khắc Khoan.

Về cử nghiệp, Phan Huy Chú đặc biệt ca ngợi họ Ngô Vọng Nguyệt: “Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức rồi 5 đời đỗ liên tiếp, thực là xưa nay ít có”.

Danh sách đỗ đại khoa của Yên Phong như sau:

 

Vọng Nguyệt

Ngô Ngọc (1487)

Ngô Hải (1508)

Chu Dịch Huấn (1532)

Ngô Trừng (1580)

Ngô Nhân Triệt (1604)

Ngô Nhân Duệ (1640)

Nguyễn Duy Thức (1763)

Ngô Quang Diệu (1849)

Chân Lạc

Chu Xa (1428)

Nguyễn Thành Cần (1490)

Ngô Phúc Tinh (1535)

Nguyễn Nghiêu Tá (1556)

Ngô Khánh Uông (1556)

Nguyễn Long Bảng (1683)

Đông Xuất

Nguyễn Kính Tu (1472)

Nguyễn Hiến (1478)

Nguyễn Chí Công (1563)

Tân Dư

Lương Bá Nhạc (1508)

Nguyễn Tuyển (1508)

Yên Phụ

Nguyễn Chiêu Huấn (1514)

Nguyễn Khắc Khoan (1598)

Chu Văn Nghị (1826)

Nội Trà

Lương Nhượng (1529)

Nguyễn Lương Bật (1532)

Trần Vi Dân (1550)

Như Nguyệt

Hứa Tam Tỉnh (1508)

Nguyễn Quang Tán (1529)

Quan Độ

Nghiêm Phụ (1478)

Nghiêm Ích Khiêm (1490)

Tiêu Sơn

Vũ Bá Thắng (1502)

Nguyễn Nhân Hợp (1547)

Đông Xuyên

Nguyễn Thừa Hưu (1550)

Nguyễn An (1580)

Quan Đình

Nguyễn Thúy Doanh (1490)

Thư Lâm

Nguyễn Khắc Kiệm (1499)

Đẩu Hàn

Đỗ Vĩnh An (1499)

Khúc Toại

Nguyễn Thượng Nghiêm (1496)

Phù Yên

Lê Doãn Chấp (1505)

Phúc Khê

Nguyễn Hữu Nghiêm (1496)

Thụy Lôi

Ngọ Cương Trung (1511)

Phấn Động

Trịnh Đỗ (1547)

Hữu Chấp

Đỗ Lộ Trạch (1550)

Mẫn Xá

Tạ Trung Hổ (1550)

Trâm Khê

Phạm Thiều (1553)

Phong Xá

Nguyễn Tiến Duy (1610)

Bằng Lục

Nguyễn Quốc Cương (1689)

Phương La

Lê Duy Đản (1775)

Dân ca quan họ là niềm tự hào của Bắc Ninh. Yên Phong có vinh dự góp vào 17 làng trong tổng số 49 làng quan họ: Diềm, Chắp, Đẩu, Sói, Xuân Đồng, Xuân Viên, Lẫm, Thụ Ninh, Đặng, Chọi, Trà Xuyên, Châm Khê, Điều Thôn, Đống Cao, Đông Mai, Đông Yên, Hạ Giang. Nhưng vinh dự hơn, vùng đất này vốn là một nơi được huyền thoại chỉ ra là chốn phát sinh ra nền dân ca ấy. Một lời ca đã khẳng định cho địa điểm tiếp dẫn là ở làng Viêm Xá:

                             Thủy tổ quan họ sang ta

                     Những lời ca xướng vua Bà sinh ra

                            Xưa nay nam nữ trẻ già

                     Ai mà ca được ắt là hiển vinh

Vua Bà còn là một nhân vật có nhiều điều bí ẩn. Đôi câu đối còn lại ở cửa nghè làng Viêm Xá cho ta một vài gợi ý để tìm về cội gốc của một nền dân ca:

Oanh liệt hiển Hồi hương, vạn cổ cương thường hoành vũ trụ.

Thần linh hưng Viêm ấp, lũy triều phong tặng đối càn khôn.

(Oanh liệt rạng Hồi trang, muôn thuở cương thường ngang vũ trụ

Thần linh xây Viêm ấp, các triều phong tặng sánh càn khôn).

Ở đây đôi câu đối muốn nhắc lại công sức lớn lao của vợ chồng một ông lão đã cứu sống Lý Công Uẩn, và trai thanh nữ tú của làng Hồi Quan đã ca hát để các “quan họ” lại, tức là các quan dừng lại trên đường để nghe hát, do đó mà sao nhãng công việc được Lê Hoàn giao phó truy tìm Lý Công Uẩn. Tuy chỉ là việc hát ca, nhưng nó được coi là oanh liệt sánh tầy vũ trụ vì nó dã có công cứu được một vị đế vương(4). Lý Công Uẩn lên ngôi, ngớ về ơn cũ, đã cho phép những người có công làm cho “quan họ” – tức đám quan quân của Lê Hoàn dừng lại trên đường truy đuổi Lý Công Uẩn. Về sau, nó được mô phỏng tích cũ mà mở hội và tăng thêm ý vị cho lối ca hát ấy tức là: quan họ thêm một nghĩa là những người ca hát có mối dây mơ rễ má với nhà quan (tức với vua). Vả chăng, quan họ trước khi trở thành lề luật, có nhiều hình thức đơn lẻ xuất hiện và tồn tại trong nhiều làng xóm của Yên Phong, Tiên Du, Đông Ngàn. Nó chính thức trở thành dân ca quan họ với 36 giọng chuẩn bắt đầu từ thời Lý để ngày một hoàn thiện hơn.

Nghiên cứu một số các trò trong các ngày hội quan họ, ta thấy hình bóng của tích cũ ấy tỏa lan vào mọi sinh hoạt: trò lao đòn đám ở hội Nhồi phản ánh sự tinh nghịch của các cô gái làm cho “quan họ” (họ = dừng, nghỉ ngơi); lễ múc nước đổ vào chum ở hội Bùi thuật lại việc Lý Công Uẩn ngồi dưới hầm có chum nước đặt ở trên. Việc nhiều làng đi nước nghĩa với nhau gợi đến việc các xóm làng của lộ Bắc Giang khi ấy đã đồng lòng bảo vệ người con của quê hương mình, bằng nhiều trò diễn náo nhiệt. Đặc biệt vai trò của nhà chùa phối hợp khá nhịp nhàng cho ta một thực tế về vai trò phật giáo đối với xã hội nước ta hồi thế kỷ X, XI…

Vua Bà phải chăng là người tiếp thu nền dân ca ấy, nơi quê hương Hồi Quan đem đến truyền cho Viêm Xá – Câu ca khẳng định là quan họ được đem thẳng từ nơi phát sinh đến Viêm Xá chứ không phải Viêm Xá là nơi khởi thủy của nền dân ca này (Thủy tổ quan họ sang ta). Ở đây, quan họ trở thành lối hát trùm đầu chân chất, lối hát cầu đảo uy nghiêm. Hai nhánh nhưng cùng chung một cội. Cứ như thế, quan họ dần dần tỏa lan. Lúc đầu, một số chất giọng cơ bản được sử dụng như la rằng, tình tang, cây gạo. Phải chăng sự kiện “Bài thơ cây gạo” nói về sự tất yếu của việc lên ngôi của Lý Công Uẩn đã ảnh hưởng ngay đến hình tượng “Cây gạo” trong dân ca?

Kể từ đấy, khắp tháng giêng, Yên Phong mở hội: Chắp (ngày 4), Đống Cao (ngày 7), Chọi (ngày 9), Nguyễn (ngày 9), Sói (12), Yên Từ (13), Mành (14), Trà, Đông Mai, Tam Đảo, Diềm (15), Bùi (28). Sang tháng 2, hội cũng vẫn còn: Đặng Xá (ngày 2), Tiên Thượng (ngày 6), Tiêu Long (ngày 7), Điều (15), Yên Xá, Thọ Ninh (19). Tất nhiên ở đây ta chỉ kể về các ngày hội quan họ:

                            – Mồng 4 là hội kéo co

                     Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về

                            Mồng 6 đi hội Bồ Đề

                     Mồng 7 trở về đi hội Đông Cao

                            – Đất Đông Mơi ăn chơi là thế

  Bên cạnh ngày hội của quan họ, Yên Phong còn nhiều hội khác. Đông Yên (Đông Khang) có hội thi nói khoa trương (Đất Đông Khang cả làng nói khoác). Hội Vọng Nguyệt (làng bao) tổ chức vào ngày 4 tháng giêng, pháo nổ vang trời, diễn tả lại cảnh bác phó rèn lấy công chúa Nguyệt Sinh (ồn ào như làng Bao vào đám). Như Nguyệt tổ chức hội vào ngày 7 tháng giêng chơi trò bách công của sĩ, nông, công, thương. Còn ở Yên Vĩ, tổ chức cho trẻ em chạy giành bình nước thật vui, thật khỏe. Thực ra còn biết bao loại hội chúng ta phải kể tiếp:

Mồng 4 làng Cả kéo dây

Làng Trung động thổ chém cây rào đồng.

Thời gian đã qua đi, cùng với khí hậu khắc nghiệt và chiến tranh tàn phá, Yên Phong đã mất khá nhiều công trình kiến trúc đồ sộ, đẹp đẽ. Các ngôi chùa Quốc Thanh ở Phù Cầm, Quảng Báo ở Chân Lạp, Sùng Khánh ở Đông Xuyên vào thời Lý nay chỉ còn lại ở đôi dòng ghi chép của sử sách cũ, ở vài hình hài nền móng hoặc trong trí nhớ con người.

Đông Xuyên có bãi sân chầu

Có chùa Sùng Khánh, có lầu Bạch Vân

Ngay cả những công trình kiến trúc của thời Lê cũng mất mát khá nhiều. Ngôi đình làng Đông Yên bề thế, cao rộng, kiến trúc và chạm khắc cầu kỳ, tinh xảo cũng chỉ còn trơ lại nền móng với những viên gạch vuông chạm nổi hình rồng thật giá trị. Đền Hàm Sơn với chiếc trống lớn cũng bị giặc tàn phá, làm tiêu biến một trong ba vật quý (trống Chờ, chiêng Chõ, mõ Phù Lưu). Chùa Yên Phụ đẹp đẽ, đã từng được Viễn Đông bác cổ xếp hạng nay cũng chỉ còn dáng dấp trong một bài ca:

                             Chùa Yên Phụ đẹp lắm mình ơi

                     Tháng giêng thong thả sang chơi với mình

                            Trăm gian chùa, tượng thật xinh

                     Năm gian nhà tổ thuộc tinh gỗ chò

                            Tam bảo đức phật độ cho

                     Đức chúa lại có hai cô đầu hồi

                            Bên chuông bên trống mình ơi

                     Bên chiêng, bên khánh xếp thời thong dong

                            Đức ông là pho tượng đồng

                     Xung quanh vây tháp, ngoài vòng tam quan…

Không kể những chùa Trường Liêu, Thiên Tâm, đình Hồi Quan, nhà rối Tam Tảo đã cắt về Tiên Sơn, ngoài những “chùa Thọ Ninh, đình Đông Tảo“, Yên Phong còn lại hai ngôi đình có giá trị: Viêm Xá và Ngô Nội. Đình Viêm Xá với bức cửa võng rực rỡ, chạm khắc công phu đã làm cho xóm làng được vinh dự thêm lên:

Thứ nhất là đình Đông Khang

Thứ nhì đình Bảng, vẻ vang đình Diềm

  Ngôi đình Ngô Nội không đẹp nhưng bức chạm nổi tả cảnh tình tự bên giếng là một bức chạm có giá trị và một tài liệu quý về dân tộc học. Ngoài ra phải kể đến tấm bia ở chùa Khai Nghiêm có văn khắc của Trương Hán Siêu, một danh sĩ nổi tiếng thời Trần nêu ra quan điểm của mình về phật giáo hoặc đền Xà, nơi Lý Thường Kiệt đã đọc bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc:

                     “Núi sông nước Nam vua Nam ở

                     Rành rành phân định tại sách trời

                     Cớ sao giặc dữ dám xâm phạm

                     Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”

  Đi khắp chiều dài, chiều rộng đất Yên Phong, nghĩ về một nền văn hiến rực rỡ đã có một truyền thống bền lâu, ta thêm yêu quý. Những mong mãi mãi gìn giữ lại những gì là tốt đẹp và xây đắp, bảo lưu truyền thống muôn đời ấy.

IV. MỘT TRUYỀN THÓNG THƯỢNG VÕ VÀ YÊU NƯỚC

Yên Phong có một bề dầy tinh thần thượng võ và lòng yêu nước. Về truyền thống thượng võ, dũng cảm phải kể đến:

                 –   Thứ nhất anh cả Trung Đồng

                     Thứ nhì anh Công Kẻ Thượng

                     Thứ ba anh Tướng Phù Yên

                     Thứ tư anh thợ làng Chiền oai phong

                 –   Việt Yên: Quang Biểu, Thổ Hà

                     Yên Phong: Quả Cảm, Hiệp Hòa: Tiếu Mai 

  Từ lâu, vùng đất ấy và những con người ấy đã kể lại rằng, ba anh em Nghiêm Công, Minh Công, Trị Công lớn lên và trưởng thành ở vùng đất Đại Lâm, nghe tin vua Hùng đi cầu tướng giỏi để đánh giặc Ân, tất cả đã hăm hở lên đường diệt thù cứu nước. Tam Quang quê ở Hồi Quan thì chiêu tập trai tráng luyện tập võ nghệ, tham gia vào cuộc khởi nghĩa Mê Linh do Hai Bà Trưng lãnh đạo tiến về giải phóng Long Biên, vùng quê hương mình.

Trải gần 1000 năm Bắc thuộc, nhân dân Yên Phong dã nhiều lần đứng dậy đánh đuổi bọn thống trị phòng chống Trung Hoa. Thời Ngô (120-280), hàng trăm dân chúng đã tập hợp quanh thủ lĩnh Lương Kỳ, đánh đuổi bọn quan lại phương Bắc, tự mình cai quản lấy đất đai, sản xuất trong một số năm(5). Thời nhà Tấn (411), dưới sự lãnh đạo của Lý Thoát – Lý Dịch, nhân dân Yên Phong đã xây dựng căn cứ dưới chân núi Tiêu Sơn, rồi phối hợp với nghĩa quân Lư Tuần dùng thuyền chiến ngược sông Ngũ Huyện, công phá Long Biên dữ dội.

Ở thế kỷ VI, nhân dân Đông Mai dưới sự lãnh đạo của bà Hứa Trịnh Hòa(6), đã tham gia đông đảo vào cuộc khởi nghĩa do Lý Bí – Triệu Quang Phục tổ chức. Lúc Lý Bí lên ngôi, kinh đô đã được dựng ở vùng đất Hòa Long với những Vạn Xuân đài, mà những di tích ấy nay còn phảng phất trong tên gọi. Sau này Trương Hống – Trương Hát đã đắp thành “Mặt Gương” và khai phá khu vực ruộng đồng ở đây rộng tới hơn 300 mẫu. Có mấy câu ca còn đọng lại trí nhớ nhân dân trong vùng:

                     Chùa Quả cảm thành cao nước thấp

                     Đứng xa trông thảo mộc xanh rì

                     Ngựa voi chiêng trống tứ bề

                     Nước lũ quay úng cánh đồng Gương Lược

Ngay trong buổi dầu của thời kỳ tự chủ, Yên Phong đã vinh dự tham gia v

0