18/06/2018, 16:09

Doãn Uẩn một nhân vật lịch sử hiệt kiệt dưới thời Nguyễn

Dấu Quan phòng của Hữu Thị lang bộ Lại Doãn Uẩn Nguyễn Hữu Hiệp An Tây mưu lược tướng Tuy Tỉnh Tử, Tổng đốc An – Hà (An Giang, Hà Tiên) Doãn Uẩn, sinh năm Ất mão (1795), người làng Ngoại Lãng Điền, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ (sau là xã Ngoại Lãng, tỉnh Nam Định). ...

 Dấu Quan phòng của Hữu Thị lang bộ Lại Doãn Uẩn

Dấu Quan phòng của Hữu Thị lang bộ Lại Doãn Uẩn

Nguyễn Hữu Hiệp

An Tây mưu lược tướng Tuy Tỉnh Tử, Tổng đốc An – Hà (An Giang, Hà Tiên) Doãn Uẩn, sinh năm Ất mão (1795), người làng Ngoại Lãng Điền, huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam Hạ (sau là xã Ngoại Lãng, tỉnh Nam Định). Trước ông tên là Ôn, sau được vua Minh Mạng cho tên là Uẩn. Cũng như những người thân trong dòng tộc mình (anh em bác cháu đều thi đậu – Quốc triều hương khoa lục) ông đỗ cao tại kỳ thi Hương trường Nam Định năm Mậu tý (1828). Làm quan trải 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…(con là Chính, chết vì nước, xứng đáng là con bậc danh thần, được tặng Hàn lâm viện thị độc học sĩ).

Trên bước đường Nam tiến vĩ đại của dân tộc, vùng đất Châu Đốc tân cương, hay nói đúng hơn là toàn diện địa của An Giang thời Nam Kỳ lục tỉnh (xưa gọi đất Tầm Phong Long) là điểm dừng cuối cùng (chứ không phải xứ Hà Tiên – Cà Mau), vì cho đến lúc ấy bức dư đồ nước Việt ta mới thực sự liền lạc suốt từ Bắc đến Nam như ngày nay.

Để vùng đất mới này vĩnh viễn an ổn thịnh thái, lớp lớp tiền nhân ta đã phải đổ ra không biết bao nhiêu là mồ hôi, là xương, là máu bởi ngày xưa đây không chỉ là nơi “ác địa” do sơn lam chướng khí, mà còn là địa đầu xung yếu do giặc cỏ bạo hành. Toàn vùng liên miên diễn ra những cuộc quần thảo vang động cả núi rừng, “xương chất thành núi, máu ngập thành sông”!

Chiến trường hầu như bao giờ cũng được mở ra trên diện rộng. Lần nào giặc cũng đem quân đông như kiến cỏ, có khi quân địa phương không chống cự nỗi, phải bỏ chạy. Cho đến khi có quân triều hội tiễu, tiếp ứng mới có thể chuyển ngược thế cờ. Thành thử, khi giặc tiến xuống hoặc lúc ta phản công, thế trận lúc nào cũng diễn ra như chẻ tre, người chết như rạ. Dân tình chưa kịp ổn định nơi ăn chốn ở thì họ phải chịu nhiều phen lạc loài, xiêu tán, vô cùng đồ khổ!

Việc biên phòng lúc bấy giờ triền miên lâm cảnh dầu sôi lửa bỏng!

Giữa lúc ấy Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt mất (đêm 30/7 Nhâm thìn, 1832)! Đã thế quan Bố chánh Phiên An là Bạch Xuân Nguyên từ triều đình vào tra xét, moi ra từng lỗi nhỏ của ông nên gây bất bình trong quân dân! Chính vì lẽ đó con nuôi của Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi đương chức Phó vệ úy thành Gia Định phẫn nộ, bèn kết đảng khởi loạn đêm 18/5 Quý tỵ (1833), giết Bạch Xuân Nguyên, rồi xưng Đại nguyên soái, hưng binh chiếm thành Phiên An (Gia Định), và lần lượt lấy hết các tỉnh Nam Kỳ. Quân đội triều đình một số bị giết, số khác theo Khôi. Trong khi đó quân Tiêm (do Khôi cầu viện) cũng đã kéo đại quân sang. Chúng chia làm 3 đạo tấn công cả hai đường thủy và bộ. Một đạo theo đường bộ từ Bắc Tầm Bôn, một đạo theo đường thủy từ Biển Hồ, một đạo theo đường thủy từ Chân Bôn, mà xuống.

Tháng 11 năm ấy, 100 thuyền chiến của quân Tiêm tấn công. Hà Tiên thất thủ.

Tháng 12 thành Nam Vang (do quân triều Nguyễn đang đóng giữ) thất thủ. Chúng tiến xuống, chia 2 đạo đánh đồn Châu Đốc. Tỉnh An Giang thất thủ. Tham tán đạo quân thứ An Giang là Trương Minh Giảng và Nguyễn Văn Xuân buộc phải lui về Vàm Nao. Tiêm tràn xuống ồ ạt như nước vỡ bờ, theo đường thủy thẳng tiến với ý đồ chiếm lấy Gia Định, nhưng chúng bị chặn đánh tan rã. Cụ thể, Trương Minh Giảng đánh tan bọn chúng trên chiến trường mở rộng từ sông Vàm Nao đến sông Cỗ Hũ ở Chợ Thủ, đầu Cù lao Giêng. Trận này quân ta lập công lớn. Quản vệ Phạm Hữu Tâm giết được nhiều giặc, cắt đầu được một tướng chỉ huy. Vua xuống dụ ban khen.

Cùng lúc đó ở miền ngòai, quân Tiêm lại liên kết với người Vạn Tượng từ đất Lào tràn qua tấn công Quảng Trị và Nghệ An để nhằm phân tán lực lượng và chận quân tiếp viện của triều đình, coi như một cuộc tổng tấn công và đánh úp nhiều nơi cùng lúc, nhưng cũng không làm được gì.

Tình hình ngàn cân treo sợi tóc, vua Minh Mạng phải huy động toàn lực lượng mới diệt sạch được nội loạn vào tháng 7 năm Ất tỵ, 1835 (Lê Văn Khôi bị bệnh thủng chết trong thành Phiên An từ cuối năm 1833).

Các Tổng đốc Long – Tường, An – Hà đều bị cách lưu vì đã để rơi mất các tỉnh Vĩnh Long, Định Tường, An Giang và Hà Tiên.

Tại Vĩnh Long, Tuần phủ Tô Trân và Án sát Ngô Bá Toán phải cách làm binh, theo quân hiệu lực!

Doãn Uẩn lúc ấy vừa dẹp yên “nghịch đảng” Nồng Văn Vân ở Tuyên Quang, đã cùng với Phạm Đình Thổ, Nguyễn Công Trứ, phụng mạng thụ Án sát Vĩnh Long, lập tức đem 300 quân thẳng đến tỉnh thành thâu phục bắt sống được một số, xiềng giam những người cầm đầu là Doãn, Phúc và Thông, còn lại đều chém và tâu lên, xin triều đình tức tốc phái quan viên tới tỉnh làm việc. Vua Minh Mạng chỉ truyền cho xét thu ứng nghĩa, cấp bằng cho từng phái, khi xong việc binh sẽ lượng tài mà bổ.    

Thu lại Vĩnh Long, Doãn Uẩn được gọi về lo việc quan điền ở Bình Định, rồi về kinh phục mạng. Tháng 6 năm Canh tý (1840) vua sai Khâm sai đại thần Lê Văn Đức và Doãn Uẩn làm Chánh, Phó sứ đi kinh lý thành Trấn Tây (Cao Miên), phối hợp với các quan trách nhiệm trực tiếp khảo xét, đặt thêm một số sở quan coi giữ và giám sát việc thu thuế, cấm phiên liêu thu bừa bãi linh tinh (vì từ Quận chúa Ngọc Vân trở xuống đều đã được hưởng lương bổng). Nắm tình hình thực tế tâu về, vua khiến Chưởng vệ là Trà Long giáng Chánh đội, Nhâm Vu giáng Chánh đội trưởng, Vệ úy La Kiên giáng Đội trưởng, phát giao ra Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên quản thúc, vì tội ẩn giấu số dân đến hơn 15.000 suất (dân đinh – những người chịu thuế).

Do sự trừng trị này quân lính Cao Miên ở Trấn Tây oán hận, nổi lên làm loạn (tháng 8 Canh tý, 1840), giết hại nhiều quan binh người Việt. Trương Minh Giảng và Lê Văn Đức tâu về, vua cho Tham tán Dương Văn Phong thăng thụ An – Hà Tổng đốc, Khâm sai Lê Văn Đức kiêm Tham tán, Doãn Uẩn sung chức Bang tá, hội với Trương Minh Giảng lo việc đánh dẹp.

Quan quân kéo tới Hải Đông thì tình báo cho hay, hiện có tới 6.000 quân Tiêm đang chia nhau quấy rối nhiều mặt (tháng 11). Doãn Uẩn cùng Cao Hữu Dực, một mặt phi tư Trấn Tây Kinh lược đại thần Phạm Văn Điển và Tham tán đại thần Nguyễn Tấn Lâm (mới được sung chức tháng 10) lập tức đem quân hội tiễu, một mặt tâu báo về triều.

Đánh giá thực lực của giặc, quan Tả đô Ngự sử Nguyễn Công Trứ (mới vừa được sung chức Tán lý quân vụ thành Trấn Tây – tình nguyện xin ra biên đánh giặc, vua cảm kích, không nỡ, nhưng cũng cho) dâng sớ về triều: “Từ khi chúng tôi tới Nam Kỳ, hỏi kỹ tình trạng giặc Thổ, so với sự thế đảng giặc Nồng Văn Vân, thời việc dẹp yên giặc Thổ này e hơi khó và chậm, bởi vì ngày trước theo giặc Vân chỉ có một xứ Bảo Lạc, các thổ mục đều theo quan binh; còn ở đây giặc dậy khắp nơi…”.

Thế giặc mạnh, quan quân ta phải khổ công đánh dẹp nhiều nơi, nhiều đợt, nhiều xương máu và nhiều thời gian. Dây dưa mãi vẫn không yên được. Đến tháng 5 năm Giáp thìn (1844) tình hình mới lắng dịu, tuy nhiên chiến cuộc vẫn diễn ra liên tiếp như cơm sôi, chỗ này yên thì chỗ khác lại dậy, gần khắp Nam Kỳ. Thắng, thua nơi đâu, vua lập tức ban thưởng, ban phạt nơi đó.

Quan quân ta tả xông hữu đột, chỉ một phút khinh suất, hay do quân ít thế cô, không đủ sức ngăn chặn ngay từ phút đầu, cũng đã đủ bị triều đình ban quở. Chỉ trong thời gian 4 năm, riêng chức Tổng đốc An – Hà bị thay đổi đến 5 người:

– Tháng giêng năm Tân sửu (1841) quyền Tổng đốc An – Hà Dương Văn Phong được khai phục hàm Thị lang Bộ Binh, nhưng lãnh chức An – Hà Tổng đốc. Có công đánh dẹp bình định nhiều nơi (tại Hà Dương, Hà Âm, Tĩnh Biên vùng Bảy Núi và phía thượng du Châu Đốc) được ban khen, gia thưởng. Sau, thua giặc tại Sóc Trăng (tháng 3), bị cách chức, không bao lâu phải bệnh mà chết.

– Tháng 3, Tham tán Lê Văn Đức được lệnh lập tức đến thay thế Dương Văn Phong tại mặt trận.

– Lê Văn Đức bị bệnh, cho về Gia Định, sau Bùi Công Huyên quyền lãnh Tổng đốc An – Hà (có tăng phái Tham tri Bộ Công là Nguyễn Tri Phương lập tức đến hộ lý).

– Tháng giêng năm Nhâm dần (1842) Phạm Văn Điển được thăng Tả quân Đô thống, nhưng lãnh Tổng đốc An – Hà thay Bùi Công Huyên. Đến ngày Canh dần, tháng tư, bị đau ở Thất Sơn, đưa về tới An Giang (Châu Đốc) thì mất.

– Tháng tư, Đề đốc An Giang Nguyễn Công Nhàn lên thay. Sau đó bị bãi chức (cùng lúc với Tuần phủ Nguyễn Công Trứ, Bố chánh Phùng Nghĩa Phương, Đề đốc Đoàn Tiến Mật, Bố chánh Lê Quốc Trinh).

– Tháng 5 năm Giáp thìn (1844), Nguyễn Tri Phương được bổ thọ Tổng đốc An – Hà thay Nguyễn Công Nhàn (Doãn Uẩn cải thọ Tuần phủ An Giang lúc đang làm Tham tri quyền Tổng đốc Thanh Hóa, năm Tân sửu, 1841, Nguyễn Bá Nghi thăng thụ Bố chánh An Giang).

Ngay khi nhậm chức, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tuần phủ Doãn Uẩn  lập tức dâng sớ báo tình hình ở Trấn Tây: “Nhiều thổ mục Chân Lạp đem gia binh đến cầu cứu hoặc thần phục”. Tuy nhiên ông Doãn Uẩn phải truy nã gắt bọn Chân Lạp bất kham còn núp ẩn.

Do thắng nhiều trận lớn, và bình định được biên phòng nên tháng 6 năm Ất tỵ (1845) Doãn Uẩn được vua Minh Mạng sai quan Trung sứ phi ngựa trạm đến nơi quân thứ ban cho chén ngọc bao vàng và chiếc quạt có đề bài minh Bình định Tiêm Lạp và phong tước Tuy Tĩnh Tử. Dịp này vua có làm một tập “Ngự chế chinh Tây kỷ tiệp” (tập sách vua làm, ghi việc thắng trận ở Trấn Tây), cùng một chiếc chén rót rượu bằng ngọc, với một con báo có vằn tròn bằng vàng. Vua nói: “Chén rượu bằng ngọc tỏ ra ôn nhuận cứng rắn, ôn hòa như hòn ngọc; con báo có vằn tròn bằng vàng là nêu giống ấy có thể thủ thế vi, biết cả văn lẫn võ”.

Sau đó Doãn Uẩn lại cho tiệp báo liên tiếp nhiều lần, quan trọng nhất là đã phá tan được đồn giặc ở Sách Sô, giặc phải tháo chạy về phía thượng du, tụ tập để rình chiếm lại đồn nhưng bị quân của ông đuổi gắt. Riêng Doãn Uẩn đã giết được hơn 10 tên (tháng 7), san bằng cứ hiểm rồi cho quân ở lại canh giữ. Lại đem quân tiến thẳng Nam Vang (tháng 8), cùng với Nguyễn Tri Phương đem 5.000 quân (cánh của Nguyễn Tri Phương 3.000, cánh của Doãn Uẩn 2.000) bức đồn Thiết Thằng (đồn giăng dây sắt ngang sông để chận thủy quân của triều đình). Thừa thắng, quân triều đình lấy lại Trấn Tây. Được khen thưởng nhưng vẫn không rãnh tay, bởi Doãn Uẩn và Nguyễn Tri Phương được dụ truyền đem quân đi đánh dẹp ở Vĩnh Long (tháng 8). Tại đây, 23.000 thổ dân, thổ mục khiếp oai, kéo nhau ra hàng thú. Chúng gào xin tha tội chết, vì “bấy lâu bị quân Xiêm kềm kẹp”!

Sau, do Doãn Uẩn hàng phục được tướng Tiêm là Chất Tri, vua khen, và phán bảo với quần thần rằng: “Tướng soái của ta đối với tướng Tiêm lúc nào cũng giữ thái độ đàn anh, ngay như trong việc nghị hòa cũng rất phong thể”. Dịp này Doãn Uẩn được phong An – Hà Tổng đốc.

Tháng 6 năm Kỷ dậu (1849) vua sai dựng bia đá ở Vũ miếu mang tên “An Tây võ công”, và cho khắc trên ấy tên 6 người có công lớn nhất trong việc đánh giặc tại thành Trấn Tây, ông Doãn Uẩn là một trong 6 người ấy.

Lãnh thổ Nam Kỳ lục tỉnh sau cuộc chiến chính thức thuộc về nhà Nguyễn cho đến năm 1862, cùng vương quốc Cao Miên trước năm 1863

Lãnh thổ Nam Kỳ lục tỉnh sau cuộc chiến chính thức thuộc về nhà Nguyễn cho đến năm 1862, cùng vương quốc Cao Miên trước năm 1863

Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chung cho cộng đồng các dân tộc tại địa phương, năm Đinh Mùi (1847), Doãn Uẩn đã cho xây dựng tại chân núi Sam một ngôi chùa Phật khang trang. Đây là một công trình mang tính chiến lược tâm lý trong kế sách an dân ở vùng biên giới, vốn đã trải nhiều cuộc binh biến thê lương thảm khốc, thực xứng với 5 chữ vàng “An Tây mưu lược tướng” do vua ban tặng. Có lẽ chính nhờ công “An Tây” này mà nhân dân đã gọi và thành danh ngôi chùa ấy là chùa Tây An (Tây An tự), nay gọi Tây An cổ tự. Sở dĩ gọi Tây An vì đây là ngôi chùa chánh của tỉnh, do quan triều đình cất dựng ở phía Tây thành An Giang – cũng là một cách nhắc nhớ công “An Tây” của ông vậy. (Cũng có thể hiểu là chùa ở huyện Tây Xuyên, tỉnh An Giang).

Doãn Uẩn không chỉ là một võ tướng có đại công trong việc đánh dẹp, giữ vững cõi bờ phía Tây Nam Tổ quốc, sửa sang chính trị, ổn định cuộc sống nhân dân… mà còn là cây bút văn thơ trác tuyệt. Thơ văn ông gồm các tập: Tuy Tĩnh Tử tạp ngôn, Trấn Tây kỷ lược, Bình định Cao Miên… ghi rõ chiến thuật, chiến lược quân triều lúc ấy, và cả lược sử các nước Chân Lạp, Tiêm La, Miến Điện.

Tháng 11 năm Kỷ dậu (1849) Tổng đốc Doãn Uẩn mất “ở nơi làm quan”. Vua rất thương tiếc: “Uẩn lúc còn sống, vì nước hết sức khó nhọc, vốn có tiếng là liêm chính, tài năng. Truy tặng Hiệp biện Đại học sĩ”. Hậu cấp thêm tiền tuất (ngoài lệ chiểu hàm cấp tiền tuất, cấp thêm 300 quan tiền nữa, sai vát thuyền hộ đưa linh cửu về nguyên quán), và tế (do tỉnh thần khâm mạng đứng tế), được liệt tự ở miếu Hiền Lương (miếu thờ các quan giúp vua trị nước có danh tiếng, được lập vào thời Tự Đức năm đầu, 1848, tại bên tả chùa Thiên Mụ, Huế).

Sau, Tổng đốc mới ở An Giang là Cao Hữu Bằng tâu: “Uẩn là người công bằng, trung thực, thanh liêm, cẩn thận, sau khi chết không có một chút tài sản gì, nên xin đặc cách ra ơn cho”. Vua bèn cho thêm 500 quan tiền, 100 phương gạo để chi dùng về việc đưa đám và cho vợ con no đủ hàng ngày, để khuyến khích người làm quan thanh liêm, nêu lên người làm tôi tài năng (Theo Đại Nam thực lục, đệ tứ kỷ).

Tháng 12 năm Tân vị (1871), “dân làng Ngoại Lãng Điền thuộc tỉnh Nam Định, cảm mộ quan An Tây mưu lược tướng Hiệp tá Đại học sĩ Doãn Uẩn, là người khi sống làm quan có danh tiếng, xin lập nhà thờ”. Quan tỉnh đem việc tâu lên. Vua truyền cho.

***

Tổng đốc Doãn Uẩn là một bậc võ công hiển hách, nổi tiếng thanh liêm và đầy bản lĩnh, luôn xông pha trước lằn tên mũi đạn bình Bắc yên Nam, ông còn là nhà chiến lược, nhà ngoại giao, và cũng là nhà văn với những trước tác đầy ắp sử liệu giá trị, thể hiện cao nhất tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân. Ngay lúc còn sinh tiền đã được nhà vua truyền khắc bia đá tuyên dương “An Tây võ công” trong Vũ miếu. Khi mất được cho liệt tự ở miếu Hiền lương…Triều đình đã có cái nhìn rất tốt đẹp về ông. Trong công vụ, không chỉ thuộc cấp đều nhất mực tuân hành, mà đồng liêu ai ai cũng đem lòng cảm mến, nhân dân ở những nơi ông làm quan và cả tại quê nhà đều vô cùng thương yêu, kính trọng. Với việc tạo dựng ngôi danh lam Tây An cổ tự ở núi Sam, nó không chỉ đơn thuần là kiểng chùa đẹp nhất An Giang, mà còn là công trình văn hóa – lịch sử rất có ý nghĩa về phương diện an dân, bởi đó chính là chỗ dựa tinh thần, một liệu pháp giải quyết thỏa đáng đời sống tâm linh nhân dân vùng biên giới vốn phải thường xuyên đối đầu với biết bao thiên tai địa ách vô cùng khốn khổ, nào là hùm tha sấu bắt, nào là phải gánh chịu bao nạn binh đao điêu háo do bọn giặc cỏ từ bên kia biên giới tràn sang khuấy nhiễu, bạo hành.

Nhưng đó chuyện của ngày trước, thời Nguyễn. Còn nay? Nếu chúng tôi không lầm, chẳng riêng gì ở An Giang mà dường như trong cả nước, chưa tỉnh, thành nào có tên đường, tên trường mang tên Doãn Uẩn!

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, và trong tinh thần ”Đời đời nhớ ơn…”, thiết nghĩ chúng ta không vì lý do gì lại “quên đi” một vị danh tướng tài năng có công với dân với nước, và đầy đủ phẩm chất đạo đức như thế!

Nguồn bài đăng

0