18/06/2018, 16:08

Cao Tiên Chi (Go Seon ji) một người Goguryeo thống lĩnh con đường Tơ lụa

Vị anh hùng của lịch sử thế giới “Cuộc viễn chinh của Go Seon-ji còn vượt lên trên cả thành tích của tướng Hannibal và vua Napoleon”. Đó là nhận xét của Aurel Stein, một nhà thám hiểm người Anh từng khai quật, phát hiện thư tịch cổ tại khu vực Dunhuang (Đôn Hoàng), Trung ...

Tang_Dynasty_circa_700_CE

Vị anh hùng của lịch sử thế giới

“Cuộc viễn chinh của Go Seon-ji còn vượt lên trên cả thành tích của tướng Hannibal và vua Napoleon”. Đó là nhận xét của Aurel Stein, một nhà thám hiểm người Anh từng khai quật, phát hiện thư tịch cổ tại khu vực Dunhuang (Đôn Hoàng), Trung Quốc. Với lời nhận xét đó, nhân vật Go Seon-ji đã được đánh giá cao hơn cả tướng Hannibal xứ Cartago, người đã chinh phục La Mã từ năm 218 trước công nguyên và hoàng đế Napoleon, nhà quân sự kiệt xuất của Pháp đầu thế kỷ XIX. Phải chăng đó là vì Go Seon-ji, vị tướng của nhà Đường, Trung Quốc đã thành công trong việc lãnh đạo đội quân viễn chinh quy mô lớn vượt qua cao nguyên Pamir (cao 4600m so với mực nước biển), nơi cao và hiểm trở hơn cả dãy núi Anpơ (dãy núi Alpes cao 2500m so với mực nước biển) mà Hannibal và Napoleon đã qua.

Trên thực tế, Go Seon-ji là người đã thu phục được vùng Trung Á, khu vực có con đường Tơ lụa vào thế kỷ thứ 8. Ở Trung Quốc ông được coi là “Thần bảo hộ của Tây Vực”, còn trong sử sách của A-rập thì ông được miêu tả như “một vị vua của núi rừng Trung Quốc”. Vốn là người Goguryeo nhưng làm sao Go Seon-ji có thể trở thành một vị anh hùng, thống lĩnh cả một vùng của con đường Tơ lụa?

Vị tướng nhà Đường 5 lần viễn chinh Tây Vực

13-674bac6881

Mang họ Go (Cao) là họ của vua triều Goguryeo, Go Seon-ji được cho là hậu duệ của hoàng tộc Goguryeo, quốc gia đã bị diệt vong bởi nhà Đường, Trung Quốc vào năm 668. Sinh ra là người dân của một đất nước không còn tồn tại trong lịch sử nên cũng không có ghi chép nào cho biết chính xác về năm sinh và gia cảnh của Go Seon-ji. Trong “Cựu Đường thư” một thư tịch cổ của Trung Quốc có viết rằng, “Cha của Go Seon-ji là Go Sa-gye, sau khi Goguryeo bị diệt vong đã chuyển đến sống ở Trung Nguyên, theo việc trong quân Hà Tây, rồi sau làm chức tướng quân tại tứ trấn của Tây Vực.” Theo đó có thể phán đoán được rằng, Go Seon-ji sinh trưởng trong một gia đình tinh thông võ lược và là hậu duệ của dân di cư người gốc Goguryeo, khi nhà nước Goguryeo sụp đổ, bị nhà Đường ép sang Trung Quốc cư trú để tránh đi mối họa nổi dậy về sau.

Địa điểm đầu tiên cái tên Go Seon-ji được biết đến trong lịch sử chính là An Tây Đô hộ phủ, nơi Go Sa-gye, cha của ông được bổ nhiệm làm tướng lĩnh. An Tây (nay thuộc huyện Khố Xa, tỉnh Tân Cương) là cực phía Tây của con đường Tơ lụa và An Tây Đô hộ phủ bấy giờ chính là cửa ngõ thông sang phương Tây, đảm nhận chức năng quản lý và bảo hộ cho các thương nhân tới Tây Vực từ các nhánh phía Nam và phía Bắc của con đường Tơ lụa, đồng thời cũng là điểm chốt để ngăn chặn sự xâm lấn của các quốc gia Tây Vực vào Trung Quốc. Có thể nói, Go Seon-ji đã trưởng thành trên một vùng đất phức tạp, liên tục xảy ra xung đột với những cuộc ác chiến như vậy, nên từ nhỏ ông đã luyện võ nghệ, sau khi lên 10 tuổi đã phục vụ trong quân đội, tham gia các cuộc tiễu trừ đạo tặc, lập công và 20 tuổi đã được phong làm chức “Du kích tướng quân”.

Sự dũng mãnh của vị tướng trên con đường Tơ lụa

Năm 741, bộ lạc Đạt Hề ở phía Tây dãy núi Thiên Sơn, nổi dậy khởi binh chống lại triều đình nhà Đường và tướng quân Go Seon-ji đã tỏa sáng. Ông đã dẫn 2000 kị binh đi đánh dẹp và trấn áp ngay được quân phiến loạn. Nhờ công lao này, ông được đặc cách thăng chức làm “Đô tri binh mã sứ”, chỉ huy quân đội tại những điểm xung yếu trong tứ trấn của Tây Vực.

Song, thế kỷ thứ 8 mới được xem là giai đoạn lập nhiều công lao hiển hách của vị tướng quân này. Đó là giai đoạn diễn ra những cuộc chiến kịch liệt, đối đầu giữa một bên là thế lực Hồi giáo sau khi nắm được vùng Tây Á, muốn truyền bá văn hóa của mình sang phương Đông và một bên là nhà Đường thống trị vùng Đông Á cũng đang muốn mở rộng vùng văn hóa về phía Tây.

Go Seon-ji lúc này đã tỏa sáng như một ngôi sao. Năm 747, khi Thổ Phồn, một vương quốc từng thống trị Tây Tạng đã liên minh với người Hồi giáo và mở rộng thế lực ra ngoài, Go Seon-ji được bổ nhiệm làm “Hành doanh Tiết độ sứ” đem hơn 10 nghìn bộ binh và kị binh đi đánh dẹp miền Tây Vực.

Đây là một cuộc viễn chinh muôn vàn khó khăn, quân đội phải đi ngang qua sa mạc Takla Makan, một sa mạc tử thần dài tới 370 nghìn km vốn được gọi là nơi “không thể sống sót quay về” và đồng thời cũng phải vượt qua cao nguyên Pamir, mái nhà của thế giới, nơi tập trung những dải núi lớn có độ cao khoảng trên 5000m so với mực nước biển. Với tài lãnh đạo siêu phàm, tướng quân Go Seon-ji đã động viên quân sĩ, chỉ trong vòng 4 tháng tiến được tới phía Đông của dãy núi Hindu Kush (một dãy núi nằm giữa Afghanistan và Pakistan hiện nay), đánh tan quân Thổ Phồn tại chiến lũy Liên Vân, chiếm lấy vùng Tiểu Bột Luật ở phía Bắc của Pakistan ngày nay.

Go Seon-ji đã lập chiến công, được 72 nước ở Tây Vực hàng phục và quy thuận, mở rộng ảnh hưởng của nhà Đường tới khắp vùng Tây Á. Về sau ông còn thành công trong 3 lần viễn chinh khác đem quân đi đánh Tây Vực, nổi lên như một vị vua của con đường Tơ lụa. Tiếng tăm của ông lẫy lừng tới mức nhà thơ Đỗ Phủ, người được tôn sùng là Thi Thánh của nhà Đường cũng đã phải cất lời ca ngợi trong một bài thơ của mình. Tuy nhiên, danh tiếng một thời của Go Seon-ji đã không còn được kéo dài cho đến mãi về sau.

Hậu duệ của Goguryeo là người mở cổng, thông đường từ Đông sang Tây thời Trung Cổ

002

Ngay khi thế lực của nhà Đường, Trung Quốc lan rộng tới vùng Tây Turkestan, triều Abbas, triều đại Hồi giáo của đế quốc Ả Rập vào năm 751 đã đưa quân ra đối đầu với quân đội của nhà Đường. Tại trận chiến Talas, trận đại chiến đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa người Ả Rập với người Trung Quốc trong lịch sử, Go Seon-ji đã phải đem 30 nghìn quân ra đối đầu với 300 nghìn liên quân Hồi giáo. Kết cục, do thiếu thốn về lực lượng ông đã phải nếm trải thất bại cay đắng.

Sau đó, đến năm 755, khi tướng An Lộc Sơn dấy binh làm phản nhà Đường, Go Seon-ji được cử làm Phó nguyên soái, đem quân đi dẹp loạn. Ông đánh nhau với loạn quân và đã giữ gìn, phòng bị được cho kinh thành Trường An. Song, do quan lại nhà Đường đố kỵ với những chiến công của một người dị tộc như ông, nên ông đã bị hãm hại, dẫn tới bị xử tử khi đang lâm trận.

Dù có kết cục đau buồn do hạn chế là một người Goguryeo di cư tới Trung Quốc, nhưng có thể nói, từ sau trận chiến Talas của ông, việc giao lưu văn hóa giữa các quốc gia đạo Hồi và nhà Đường mới chính thức được bắt đầu và cũng nhờ vậy mà thuật làm giấy hay la bàn của Trung Quốc mới tới được châu Âu, góp phần phát triển cho văn minh của châu Âu. Tuy có một cuộc đời đầy sóng gió nhưng Go Seon-ji là người đã kế thừa được chí tiến thủ của dân Goguryeo, mở rộng được con đường vào đại lục, để lại một dấu ấn trong lịch sử giao lưu giữa phương Đông và phương Tây.

Nguồn bài đăng

0