18/06/2018, 16:09

Xác định lại ranh giới Đại Việt- Champa qua các thời kỳ

Đại Việt- Champa vào khoảng thế kỷ 15 (ảnh wiki) Đổng Thành Danh Ranh giới Đại Việt – Champa qua các thời kỳ, một vấn đề đã được đề cập nhiều trong các sử liệu của Việt Nam từ các bộ chính sử, đến các chuyên khảo về cương vực và lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử như Đất nước Việt Nam ...

Đại Việt- Champa vào khoảng 1400 (ảnh wiki)

Đại Việt- Champa vào khoảng thế kỷ 15 (ảnh wiki)

Đổng Thành Danh

Ranh giới Đại Việt – Champa qua các thời kỳ, một vấn đề đã được đề cập nhiều trong các sử liệu của Việt Nam từ các bộ chính sử, đến các chuyên khảo về cương vực và lãnh thổ Việt Nam trong lịch sử như Đất nước Việt Nam qua các đời của giáo sư Đào Duy Anh, Việt Nam quốc hiệu và cương vực qua các thời đại của Nguyễn Đình Đầu… Nhưng cho đến nay, nhận thức về chủ đề này vẫn còn nhiều nhầm lẫn và thiếu sót, như những ngộ nhận về biên giới hai nước sau năm 1307 là đèo Hải Vân hay sau năm 1471 là đèo Cả… Do đó, thiết nghĩ cần có một bài viết về chủ đề này, hầu từ đó, cung cấp một cái nhìn đúng đắn về ranh giớihai nước qua các thời kỳ lịch sử, giúp cho nhận thức lịch sử được chân xác và hoàn chỉnh hơn.

Ranh giới đầu tiên của Đại Cồ Việt (mà sau này là Đại Việt) với nước Champa chính là dãy Hoàng Sơn (nay là ranh giới tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình)[1]. Ranh giới này tồn tại cho đến năm 1069.Sau cuộc chinh phạt Champa của vua Lý Thánh Tông, bắt vua Champa là Rudravarman III (Chế Củ hay Đệ Củ), vua Champa phải cắt ba vùng Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh cho Đại Việt để được thả về nước[2].

Theo lời chú của Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, vùng Bố Chính gồm các huyện Bình Chính, Minh Chính, Bố Trạch (Quảng Bình) theo Đào Duy Anh vùng này ngày nay là hai huyện Quảng Trạch (Bình Chính và Minh Chính hợp lại) và Bố Trạch, Phan Khoang bổ sung thêm huyện Tuyên Hóagồm các vùng phía Bắc Quảng Bình chạy dài từ Hoàng Sơn đến Sông Gianh. VùngĐịa Lý, theo Cương Mục sau này là phủ Quảng Ninh, Phan Khoang bổ sung thêm huyện Lệ Thủy, là các huyện phía Nam sông Gianh của tỉnh Quảng Bình bây giờ. Ma Linh sau đổi thành Minh Linh tương đương với hai huyện Do Linh và Vĩnh Linh (Bắc Quảng Trị)[1].

Vậy, từ sau năm 1069, ranh giới Đại Việt – Champa đã thay đổi, Đại Việt mở rộng lãnh thổ ravùng Quảng Bình và Bắc Quảng Trị ngày nay. Ranh giới hai nước lúc này có thể tạm xác định chính là sông Thạch Hãn. Hầu hết các sử liệu và các nhà nghiên cứu đều thống nhất với việc lấy dòng sông này làm ranh giới hai nước từ năm 1069.

Bước sang thế kỷ XIV, ranh giới hai nước lại thêm một lần nữa biến thiên. Năm 1306, vua Champa Jaya Simhavarman III (mà sử Việt gọi là Chế Mân) cầu hôn công chúa Đại Việt là Huyền Trân với sính lễ là hai châu Ô, Lý. Sang năm sau, vua Trần Anh Tông cho đổi tên thành Thuận châu, Hóa châu, sai Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và thiết lập nền hành chính, ổn định việc sát nhập vùng đất mới[2].

Các nhà nghiên cứu trước đây như Lê Thành Khôi, Đào Duy Anh, Lafont… thường cho rằng Thuận châu, Hóa châu bao gồm Nam Quảng Trị (từ Thạch Hãn) và tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay, và xác định ranh giới giữa hai nước sau năm 1307 là đèo Hải Vân (hay dãy Bạch Mã)[3]. Trong khi đó, các học giả như Bao La cư sĩ, Phan Khoang… cho rằng vùng đất mới sát nhập này còn bao gồm cả một phần phía Bắc Quảng Nam và ranh giới hai nước sẽ là sông Thu Bồn mà cổ sử ghi là sông chợ Củi[4].

Như vậy, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được kết luận cuối cùng về ranh giới Đại Việt – Champa sau năm 1307, phần nhiều cho rằng đó là đèo Hải Vân, một số ít lại cho đó sông Thu Bồn, do đó ranh giới Hải Vân vẫn được giới nghiên cứu sử dụng phổ biến hơn cả. Nhưng theo cá nhân chúng tôi, đây là một nhận thức chưa xác đáng, vì rằng chúng tôi tìm ra được nhiều cứ liệu chứng minh sông Thu Bồn mói là ranh giới chính thức phân chia hai nước sau năm 1307.

Trước hết, xem xét cụ thể Đại Nam Nhất Thống Chí (Quảng Nam), chúng ta sẽ thấy nhiều điểm mâu thuẫn.Theo NhấtThống Chí thì Phủ Điện Bàn thời Nguyễn thuộc tỉnh Quảng Nam, vào thời Nguyễn Hoàng phủ này thuộc dinh Quảng Nam (tương đương với tỉnh Quảng Nam thời Nguyễn). Thế nhưng trước đó, vào thời Lê Sơ phủ Điện Bàn này chỉ là huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa (đời Lê thánh Tông là thừa Tuyên Thuận Hóa), vùng đất này lại thuộc Hóa châu thời Trần và xa hơn nữa, như Nhất Thống Chí khẳng định, vùng đất này thuộc châu Lý của Champa[1].

Cũng theo Nhất Thống Chí, phủ Điện Bàn có ranh giới phía Bắc đến cửa Hải Vân, giáp với huyện Phú Lộc, phủ Thừa Thiên (đời Nguyễn). Phủ này bao gồm, các huyện Diên Phước, Hòa Vang và Duy Xuyên. Trong đó, hai huyện Diên Phước, Hòa Vang trước thuộc huyện Điện Bàn thuộc Thuận Hóa thời Lê, châu Hóa đời Trần tức là đất châu Lý của Champa trước năm 1307, hoàn toàn thuộc phía Nam của đèo Hải Vân, mà ngày nay là huyện Điện Bàn và các huyện phía Bắc sông Thu Bồn. Trong khi đó huyện Duy Xuyên trước thuộc phủ Thăng Bình, trước nữa  là Thăng Hoa (Thăng Hoa chính là đất Chiêm Động của Champa, sau này vào năm 1402, Hồ Qúy Ly mới sát nhập vào nước Đại Ngu), vùng này ngày nay thuộc phía Nam sông Thu Bồn[2].

Như vậy, xét thấy từ năm 1307, nước Đại Việt đã sát nhập luôn cả vùng đất ở phía Nam đèo Hải Vân cho đến sông Thu Bồn. Bởi rằng, châu Hóa (trước là châu Lý) không chỉ bao gồm các vùng phía Bắc đèo Hải Vân mà còn bao gồm vùng đất ở phía Nam đèo này, tức là vùng đất mà sau này là Điện Bàn, đời Lê vẫn thuộc Thuận Hóa, sau này khi vua Lê Thánh Tông đánh Champa sát nhập vùng đất mới lấy tên là Thừa tuyên Quảng Nam, Điện Bàn vẫn thuộc Thuận Hóa, đến thời Nguyễn Hoàng mới tách ra thuộc về Quảng Nam

Trước đây, Đào Duy Anh[1] đã nêu ra những nghi vấn về vấn đề này và gần đây Hồ Trung Tú[2] thông qua việc nghiên cứu về sự hình thành bản sắc, giọng nói của người Quảng Nam cũng phần nào gợi mở vấn đề về sự sát nhập của vùng phía Bắc sông Thu Bồn vào năm 1307 và phía Nam sông Thu Bồn (1402). Những giả thuyết trên đã bổ sung thêm những cứ liệu cho minh chứng của chúng tôi ở trên, để từ đó chúng ta tạm kết luận rằng: biên giới của Đại Việt – Champa sau năm 1307, không phải là Hải Vân (như nhiều nhà nghiên cứu lầm tưởng) mà còn tiến xa hơn đến sông Thu Bồn ngày nay.

Bước sang thời Hồ, năm 1402, Hô Qúy Ly lại cho quân tấn công Champa, để cầu hòa vua Champa là Jaya Sinhavarman V (sử Việt gọi là Ba Địch Lại) dâng hai đất Chiêm Động, Cổ Lũy cho nhà Hồ. Hồ Hán Thương chia đất Chiêm Động thành hai châu Thăng Hoa, Cổ Lũy làm hai châu Tư, Nghĩa và cho bốn châu thuộc lộ Thăng Hoa[3].  Như một hệ lụy tất yếu của những nhầm lẫn trước, các nhà nghiên cứu đi trước sẽ cho rằng vùng đất mới sát nhập này sẽ bao gồm các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ngày nay[4]. Trong khi thực tế, như đã chứng minh ở trên vùng Thăng Hoa thời Hồ chỉ là vùng phía Nam Quảng Nam (Nam sông Thu Bồn) đến hết dịa phận tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.

Nhưng đây không phải là ranh giới cố định, ngay sau khi nhà Hồ bị nhà Minh (Trung Hoa) tiêu diệt, Champa đã chiếm lại vủng Thăng Hoa, tức là Chiêm Động và Cổ Lũy trước đó. Mãi đến thời vua Lê Thánh Tông, trong cuộc chinh phạt Champa năm 1471, vua Thánh Tông mới chính thức sát nhập vùng đất Thăng Hoa trước đây và kinh thành Đồ Bàn hay tiểu quốc Vijaya của Champa vào lãnh thổ Đại Việt, toàn bộ vùng đất mới sát nhập này được vua đặt là thừa tuyên Quảng Nam (1472)[5].

Thế nhưng do những ghi chép ít ỏi từ cổ sử nên việc xác định xem năm 1471 vua Thánh Tông đã lấy đất Champa tới đâu để đặt thừa tuyên Quảng Nam không phải là dễ dàng. Sách Toàn Thư ghi nhận, sau khi thành Vijaya (Đồ Bàn) thất thủ, một hàng tướng Champa là Bồ Trì Trì đem quân về Phan Rang chiếm giữ, sai người cống và xin thần thuộc vua Thánh Tông, vua phong cho làm vua Champa, nhưng để phân tán quyền lực lại chia vùng đất còn lại của Champa ra làm hai nước Nam Bàn và Hoa Anh.

Về lãnh thổ ba nước này, theo Cương Mụcthì Nam Bàn, tức là vùng phía Tây núi Thạch bi, Hoa Anh thì không thể xác định[1]. Đào Duy Anh thì cho rằng Nam Bàn tức là miền Bắc Tây Nguyên ngày nay, Hoa Anh là vùng đất giữa đèo Cù Mông và đèo Cả, tức là tỉnh Phú Yên bây giờ[2]. Thế thì, phần đất còn lại của Champa do Bồ Trì Trì chiếm giữ làm vua chính là vùng đất phía Nam của đèo Cả, tức là các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay. Nếu vậy, vùng đất Quảng Nam mới mở của Đại Việt phải có ranh giới phía Nam ở đèo Cù Mông (nay là ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên). Nhưng do chưa xác định được nước Hoa Anh có phải là ở Phú Yên, như giả thuyết của Đào Duy Anh hay không? Nên các nhà nghiên cứu vẫn thường đưa ra các ý kiến khác nhau về biên giới phía Nam của Đại Việt sau năm 1471.

Cụ thể, G. Maspero, Lê Thành Khôi, Nguyễn Đình Đầu… cho rằng, sau năm 1471,mũi Varella – Đại Lãnh hay đèo Cả(ranh giới Phú Yên và Khánh Hòa) trở thành biên giới phía Nam của Đại Việt[3]. Trong khi Dorohiem, Dohamine, Đào Duy Anh, Phan khoang, P-B. Lafont và Po Dharma… cho rằng, sau năm 1471, khu vực phía Nam đèo Cù Mông chưa thuộc Đại Việt[4].Vậy, sau năm 1471,đèo Cả hay đèo Cù Mông là ranh giới phía Nam của Đại Việt?

Theo chúng tôi, sở dĩ có hai ý kiến khác nhau như trên là vì một truyền thuyết ghi nhận sự kiện vua Lê Thánh Tông khi đánh Champa có đến vùng đất nay là ranh giới Phú Yên – Khánh Hòa, trên dãy Đại Lãnh và sai người khắc lên đỉnh núi cao nhất hai câu: “An Nam quá thử tướng tru binh triết, Chiêm Thành quá thử binh bại, quốc vong” (An Nam qua đây tướng chết, binh tan, Chiêm Thành qua đây quân thua, nước mất), nên sau này được gọi là núi Thạch Bi hay Đá Bia, ngày nay chữ ở đó rất mờ, không khảo xét được.Nếu như theo thuyết này thì biên giới của Đại Việt ở phía Nam, sau năm 1471 phải là đèo Cả trên Đại Lãnh, nơi có núi Thạch Bi.

Tài liệu đầu tiên ghi nhận tên gọi Thạch Bi Sơn là Hồng Đức Bản Đồ (do vua Lê Thánh Tông cho biên soạn và hoàn thành năm 1490)[1], nhưng không thấy ghi chép về truyền thuyết này. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định (đầu đời Nguyễn) chép rằng vua Thánh Tông lấy đất phía Bắc núi Thạch Bi rồi đặt thành quận, huyện, từ phía Nam núi Thạch Bi vẫn là đất Champa[2]. Nhưng Nguyễn Văn Siêu lại cho rằng thuyết ấy không có thật, vua Thánh Tông chỉ mở đất đai đến huyện Tuy Viễn, phần đất phía Nam đèo Cù Mông vẫn thuộc về Champa[3]. Phan Khoang dù nêu ra truyền thuyết trên, nhưng cũng đặt nghi vấn rằng vua có thực sự đến đây hay không? Hay chỉ sai người đến khắc lên bia? Nhưng sau đó ông lại kết luận thực ra phần bên kia đèo Cù Mông vẫn chưa thuộc bản đồ Đại Việt[4].

Ngay cả Toàn ThưPhủ Biên Tạp Lục của Lê Qúy Đôn đều không nhắc đến núi Thạch Bi hay truyền thuyết trên. Hơn nữa, sách Lê Qúy Đôn dẫn Thiên Nam Dư Hạ Tập ghi nhận rằng cực Nam của Đại Việt sau năm 1741 chỉ đến huyện Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn (nay là Bình Định), còn từ phía Nam Cù Mông không thấy ghi nhận có phủ, huyện nào[5].Hồng Đức Bản Đồ, tư liệu gần nhất với sự kiện, có vẽ núi Thạch Bi cũng chỉ là một ghi chú mơ hờ không cố định, có khi được vẽ ở phía Nam Phú Yên (trên dãy Đại Lãnh), có khi ở phía Nam Khánh Hòa, chưa kể các bản đồ này do người sau họa lại, thêm thắt vào nhiều, mặt khác khi đối chiếu trong bản đồ này cũng không thấy từ Cù Mông đến Thạch Bi có ghi nhận về một phủ, huyện nào do Đại Việt thiết lập[1].

Xem thế thì thấy truyền thuyết về núi Thạch Bi cũng chỉ là huyền thoại chưa có căn cứ xác thực rõ ràng. Hầu hết các tư liệu đều ghi nhận, khi thành lập thừa tuyên Quảng Nam, với phủ Hoài Nhơn ở cực Nam, biên giới Đại Việt chỉ đến đèo Cù Mông. Bởi vì trước năm 1611, tức là khi Nguyễn Hoàng cho quân vượt Cù Mông lấy đất Champa, Đại Việt chưa hề đặt một hệ thống hành chính nào ở phía Nam Cù Mông cả[2]. Chính vì những lẽ ấy, chúng tôi tạm đưa ra nhận định rằng, ranh giới phía Nam Đại Việt sau năm 1471 chỉ đến đèo Cù Mông là cùng. 

Như đã đề cập ở trên, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đem quân đánh Champa, lấy phần đất bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi lập phủ Phu Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa đến đây ranh giới Đại Việt – Champa mới thật sự đến núi Thạch Bia, hay chính là đèo Cả trên dãy Đại Lãnh[3]. Nhưng từ trước đó, năm 1597, chúa Nguyễn Hoàng đã cử Lương Văn Chánh tổ chức một nhóm lưu dân qua khải khẩn vùng đất phía Nam đèo Cù Mông đến đèo Cả ngày nay[4].

Đến năm 1653, nhân sự kiện vua Champa là Po Nraop (sử Việt gọi là Bà Tấm hay Bà Thấm) sang quấy phá biên giới, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Cai cơ Hùng Lộc thống lãnh quân tấn công Champa, bắt vua Champa và sát nhập vùng đất phía Nam đèo Cả vào lãnh thổ Đàng Trong, tức là tiểu quốc Kauthara của Champa, lập ra dinh Thái Khang (sau đổi là Bình Khang) gồm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, tương cũng không thấy từ Cù Mông đến Thạch Bi có ghi nhận về một phủ, huyện nào do Đại Việt thiết lập[1].

Xem thế thì thấy truyền thuyết về núi Thạch Bi cũng chỉ là huyền thoại chưa có căn cứ xác thực rõ ràng. Hầu hết các tư liệu đều ghi nhận, khi thành lập thừa tuyên Quảng Nam, với phủ Hoài Nhơn ở cực Nam, biên giới Đại Việt chỉ đến đèo Cù Mông. Bởi vì trước năm 1611, tức là khi Nguyễn Hoàng cho quân vượt Cù Mông lấy đất Champa, Đại Việt chưa hề đặt một hệ thống hành chính nào ở phía Nam Cù Mông cả[2]. Chính vì những lẽ ấy, chúng tôi tạm đưa ra nhận định rằng, ranh giới phía Nam Đại Việt sau năm 1471 chỉ đến đèo Cù Mông là cùng. 

Như đã đề cập ở trên, năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng sai chủ sự Văn Phong đem quân đánh Champa, lấy phần đất bên kia đèo Cù Mông đến núi Thạch Bi lập phủ Phu Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa đến đây ranh giới Đại Việt – Champa mới thật sự đến núi Thạch Bia, hay chính là đèo Cả trên dãy Đại Lãnh[3]. Nhưng từ trước đó, năm 1597, chúa Nguyễn Hoàng đã cử Lương Văn Chánh tổ chức một nhóm lưu dân qua khải khẩn vùng đất phía Nam đèo Cù Mông đến đèo Cả ngày nay[4].

Đến năm 1653, nhân sự kiện vua Champa là Po Nraop (sử Việt gọi là Bà Tấm hay Bà Thấm) sang quấy phá biên giới, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Cai cơ Hùng Lộc thống lãnh quân tấn công Champa, bắt vua Champa và sát nhập vùng đất phía Nam đèo Cả vào lãnh thổ Đàng Trong, tức là tiểu quốc Kauthara của Champa, lập ra dinh Thái Khang (sau đổi là Bình Khang) gồm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, tương đương với địa phận tỉnh Khánh Hòa ngày nay[1]. Đến đây, biên giới hai nước tương đương với ranh giới hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận ngày nay.

Năm 1692, lấy cớ vua Champa là Po Soat (mà sử Việt gọi là Bà Tranh hay Kế Bà Tranh) sang xâm lấn phủ Diên Ninh. Chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Cảnh đem quân sang chính phạt và lấy luôn phần đất cuối cùng của Champa là Panduranga sát nhập vào xứ Đàng Trong, đặt là trấn Thuận Thành (1693), sau đó lại đổi là phủ Bình Thuận (1697)[2]. Như vậy, đến đây ranh giới giữa Đại Việt – Champa không còn tồn tại nữa, cho dù sau đó chúa Nguyễn có khôi phục lại vương quốc Panduranga của người Chăm (được sử liệu Việt gọi bằng danh xưng trấn Thuận Thành). Nhưng đây chỉ là một phiên quốc nằm dưới sự bảo hộ của chúa Nguyễn, có lãnh thổ nằm xen lẫn và rải rác trong các làng xóm người Việt, trực thuộc phủ Bình Thuận[3].

Đến đây, chúng tôi đã lược xét xong về ranh giới Đại Việt – Champa qua các thời kỳ lịch sử, từ dãy Hoàng Sơn (trước năm 1069), sông Thạch Hãn – cửa Việt (sau 1069), sông Thu Bồn (1307), đèo Cù Mông (1471), đèo Cả (1611), ranh giới Khánh Hòa – Ninh Thuận ngày nay (1653), cho đến khi vùng đất cuối cùng của Champa bị sát nhập vào xứ Đàng Trong, mà sau này chỉ còn là một phiên quốc trực thuộc phủ Bình Thuận (1693)…Trong quá trình ấy, người viết sử không thể tránh khỏi những nhầm lẫn như việc xác định sai biên giới sau năm 1307giữa Hải Vân và Thu Bồn, hay sau năm 1471 giữa đèo Cù Mông và núi Thạch Bi (đèo Cả)… Nhữngkhảo cứu và truy xét của chúng tôi chỉ cốt sao làm cho cái nhận thức về cương vực, địa giới của hai nước trong tiến trình lịch sử đi đến cái chân, cái hiện thực, để trong tương lai không phải gặp những khiếm khuyết, nhầm lẫn như đã nêu ở trên nữa.

Chú thích:

[1] Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt: lịch sử bang giao và tông giáo, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995, tr. 36; P-B. Lafont, Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose, 2011, tr. 158;  Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012, tr. 330; Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam: từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1014, tr. 191.

[2] Nhiều tác giả, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 197; Khuyết danh, Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, Nxb. Thuận Hóa, 2005, tr. 96 – 97;Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr. 136 – 137.

[3] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, sđd, tr. 137; Đào Duy Anh, sđd, tr. 336; Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, Khai Trí, Saigon, 1969, tr. 52 – 53.

[4] Nhiều tác giả, sđd, tr. 340 – 341; Xem thêm Trần Trong Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Thời Đại, Hà Nội, 2010, tr. 173; G. Maspero, Le Royaume de Champa, Van Oest, Paris, 1928, p. 190 – 191.

[5]Lê Thành Khôi, sđd, tr. 224 – 225 ; Đào Duy Anh, sđd, tr. 182 ; P-B. Lafont, sđd, tr. 172.

[6]Dẫn theo Phù Lang Trương Bá Phát, Lịch sử cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam, tập san Sử – Địa, số 19 – 20, Khai Trí, Saigon, 1970, tr. 78; Phan Khoang, sđd, tr. 67. Về quan điểm này xem thêm Dohamide – Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, Saigon, 1965, tr. 75.

[7]Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2,  Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 389.

[8]Như trên, tr. 389 – 390.

[9]Đào Duy Anh, sđd, tr. 237 – 238.

[10]Xem thêm Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, Nxb. Đà Nẵng, 2012.

[11]Nhiều tác giả, sđd, tr. 436 – 437;  G. Maspero, sđd, p. 222; Trần Trọng Kim, sđd, tr. 200.

[12]G. Maspero, sđd, tr. 222; Đào Duy Anh, sđd, tr. 341; Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nxb. Trẻ, TP HCM, 2007, tr. 53.

[13]Nhiều tác giả, sđd, tr. 660 – 661, 663; G. Maspero, sđd, p. 240; Trần Trọng Kim, sđd, tr. 271 – 272; P-B. Lafont, sđd, tr. 180 – 181.

[14]Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, sđd, tr. 524 – 525.

[15]Đào Duy Anh, sđd, tr. 343 – 344.

[16]G. Maspero, sđd, p. 240;Lê Thành Khôi, sđd, tr. 283; Nguyễn Đình Đầu, sđd, tr. 63.

[17]Dohamide – Dorohiem, sđd, tr. 98; Đào Duy Anh, sđd, tr. 344; Phan Khoang, sđd, tr. 107 – 108 ; P-B. Lafont, sđd, tr. 183 ; Po Dharma, Vương quốc Champa, lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 – 1835), IOC – Champa, San Jose, 2013, tr. 70.

[18]Tủ sách Viện Khảo cổ, Hồng Đức Bản Đồ, Bộ Quốc gia Giáo dục, Saigon, 1962, tr. 4 – 5.

[19]Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.11.

[20]Nguyễn Văn Siêu, Đại Việtđia dư toàn biên, Nxb. Tự do, Saigon, 1960, tr. 132.

[21]Phan Khoang, sđd, tr. 107 – 108.

[22]Lê Qúy Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 46 – 47.

[23] Tủ sách Viện Khảo cổ, sđd, tr.  47 – 48.

[24] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3,  Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 6, 74; Lê Qúy Đôn, sđd, tr. ; Phan Khoang, sđd, tr. 108 ; Đào Duy Anh, sđd, tr. 295 – 296.

[25] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội,  2002, tr. 36; Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, sđd, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 74;Trần Trọng Kim, sđd, tr. 361; P-B. Lafont, sđd, tr. 189.

[26]Về sự kiện năm 1597 xem thêm: Trần Viết Ngạc, “Về một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597”, tạp chí Xưa và Nay, số 73b, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2000, tr. 13; Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, Lương Văn Chánh – thân thế và sự nghiệp, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011, tr. 68.

[27]Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, sđd, tr. 62; Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3,sđd, tr. 102; Trần Trọng Kim, sđd, tr. 361; P-B. Lafont, sđd, tr. 192– 193.

[28]Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, sđd, tr.106 – 107;Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3,sđd, tr. 144; Trần Trọng Kim, sđd, tr. 361 – 362; P-B. Lafont, sđd, tr. 194 – 195.

[29]Về phiên quốc Panduranga hay trấn Thuận Thành thời chúa Nguyễn xem thêm bài viết của chúng tôi: “Từ Panduranga đến phủ Bình Thuận”, tạp chí Xưa và Nay, số 450, tháng 8, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2014, tr. 32 – 35.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dohamide – Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, Saigon, 1965.
  2. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2012.
  3. Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt: lịch sử bang giao và tông giáo, Nxb Văn học, Hà Nội, 1995.
  4. Hồ Trung Tú, Có 500 năm như thế, Nxb. Đà Nẵng, 2012.
  5. Khuyết danh, Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, Nxb. Thuận Hóa, 2005.
  6. Lê Qúy Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, tập 1, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2007.
  7. Lê Quang Định, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005.
  8. Lafont P-B, Vương quốc Champa: địa dư – dân cư – lịch sử, IOC – Champa, San Jose, 2011.
  9. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam: từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 1014.
  10. Maspero G, Le Royaume de Champa, Van Oest, Paris, 1928.
  11. Nguyễn Văn Siêu, Đại Việt đia dư toàn biên, Nxb. Tự do, Saigon, 1960.
  12. Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam quốc hiệu và cương vực qua các thời đại, Nxb. Trẻ, TP HCM, 2007.
  13. Nhiều tác giả, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2009.
  14. Phan Khoang, Việt sử: xứ Đàng Trong, Khai Trí, Saigon, 1969.
  15. Phù Lang Trương Bá Phát, Lịch sử cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam, tập san Sử – Địa, số 19 – 20, Khai Trí, Saigon, 1970.
  16. Po Dharma, Vương quốc Champa, lịch sử 33 năm cuối cùng (1802 – 1835), IOC – Champa, San Jose, 2013.
  17. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 1998.
  18. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội,
  19. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 2, Thuận Hóa, Huế, 2006.
  20. Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, tập 3, Thuận Hóa, Huế, 2006.
  21. Tủ sách Viện Khảo cổ, Hồng Đức Bản Đồ, Bộ Quốc gia Giáo dục, Saigon, 1962.
  22. Trần Viết Ngạc, “Về một công văn của Tổng trấn Thuận Quảng Nguyễn Hoàng năm 1597”, tạp chí Xưa và Nay, số 73b, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, 2000.
  23. Trần Trong Kim, Việt Nam sử lược, Nxb. Thời Đại, Hà Nội, 2010.
  24. Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, Lương Văn Chánh – thân thế và sự nghiệp, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011.

Bài đã đăng trên Tạp chí Xưa và Nay, tháng 4/2015

 Tác giả gởi đến nghiencuulichsu

0