29/08/2018, 20:04

Chứng minh tính nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy chứng minh tính nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Bài văn phân tích của một bạn học sinh giỏi văn trường THPT chuyên Nguyễn Huệ). BÀI LÀM Ai đó đã nói “văn học là nhân học”, văn học sẽ chẳng có nghĩa lí ...

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy chứng minh tính nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân (Bài văn phân tích của một bạn học sinh giỏi văn trường THPT chuyên Nguyễn Huệ).

BÀI LÀM

Ai đó đã nói “văn học là nhân học”, văn học sẽ chẳng có nghĩa lí gì khi không thể “nhân đạo hóa con người”. Cảm hứng nhân đạo là một trong hai nguồn mạch ngầm dạt dào của dòng chảy văn học Việt Nam bên cạnh chủ nghĩa hiện thực. Trong số các tác phẩm tôi đã tìm hiểu, “Vợ nhặt” của Kim Lân là tác phẩm tiêu biểu cho chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc của nền văn học Việt Nam.

Trước hết, hãy nói xem chủ nghĩa nhân đạo trong văn học là gì? Rất đơn giản, chủ nghĩa nhân đạo được thể hiện từ rất nhiều khía cạnh như niềm xót thương, đồng cảm; tố cáo, phê phán cái xấu; ca ngợi điều tốt đẹp; trân trọng khát vọng, ước mơ của con người… Trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân, những vấn đề này được biểu hiện rất rõ ràng. 

>>>Xem thêm:

  • Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt
  • Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong Vợ Nhặt
  • Soạn bài Vợ nhặt của Kim Lân
  • Phân tích tình huống truyện độc đáo trong truyện Vợ Nhặt

Thứ nhất, qua tác phẩm, Kim Lân đã bày tỏ niềm xót thương với cuộc sống thê thảm của con người trong nạn đói kinh hoàng những năm 1945. Tác giả đã phục dựng bối cảnh xã hội miền Bắc tựa một bãi tha ma khổng lồ và con người chỉ tồn tại trong hai trạng thái, hoặc đã chết đói hoặc sắp chết đói. “Người chết như ngả rạ”, “ba bốn cái xác nằm còng queo bên đường”, “mùi gây của xác người”, “xanh xám như những bóng ma”… tất cả những hình ảnh ấy chỉ để miêu tả cái chết. Mạng sống con người thật rẻ mạt. Rẻ mạt tới mức vì một câu hò với mấy miếng bánh đúc mà người phụ nữ chịu theo không về làm vợ một người đàn ông xa lạ. Anh ta cũng ế vợ, dở hơi, nghèo túng và neo đơn. Ấy vậy mà người đàn bà sẵn sàng bám lấy bất kì nơi vào cho thị “miếng ăn”. Chuyện miếng ăn đã trở thành chuyện sống còn. 

chung-minh-tinh-nhan-dao-trong-truyen-ngan-vo-nhatchung-minh-tinh-nhan-dao-trong-truyen-ngan-vo-nhat

Song song với hiện thực ấy, Kim Lân muốn phơi bày bộ mặt xã hội, tố cáo bè lũ thực dân – phong kiến đã trực tiếp gây nên nạn đói kinh hoàng 1945 khi chúng bắt nhân dân nhổ lúa trồng đay, bóc lột sưu thuế và sức lao động kiệt quệ. Chính chúng là lí do đẩy con người tới bờ vực thẳm, rơi vào bước đường cùng không lối thoát.

Thông qua truyện ngắn, Kim Lân còn khẳng định đề cao những phẩm chất và tình cảm cao đẹp của con người. Từ tận sâu trong nội tâm con người, Kim Lân vẫn thấy lấp lánh những vẻ đẹp thanh cao. Tưởng chừng như cái đói khiến một người như cô vợ nhặt bị biến chất thành chao chát, chỏng lỏn thế mà thị cũng có nét duyên của người phụ nữ khi e thẹn với hàng xóm, lễ phép chào hỏi mẹ chồng hay nhẹ nhàng tình cảm với anh phu Tràng. Anh phu Tràng ngờ nghệch kia cũng có khát vọng hạnh phúc gia đình lớn lao. Anh là còn giàu lòng trắc ẩn khi sẵn sàng nói “rích bố cu” rồi khoản đãi người đàn bà lạ sắp chết đói. Bà cụ Tứ càng như hiện thân cao cả của tình người và lòng mẹ. Bà cụ Tứ thương con, hiểu được sự thiếu thốn tình thương trong lòng cậu con trai. Bà cụ Tứ biết rõ cảnh “đèo bòng” mà vẫn “mừng lòng” nhận cô con dâu mới. Những giọt nước mắt của người mẹ già tuổi xế chiều khiến người ta cảm mến về một bà mẹ giàu đức hi sinh. 

Cuối cùng, Kim Lân đã ngợi ca khát vọng hạnh phúc gia đình của con người. Từ tình huống truyện, tác giả đã khẳng định dù trong bất kì hoàn cảnh nào, con người luôn hướng đến khát khao hạnh phúc gia đình. Bởi lẽ, có thể cái đói tạo nên cuộc gặp gỡ giữa Tràng và cô vợ nhặt, nhưng điều dẫn tới đêm tân hôn trong tiếng khóc tỉ tê của những nhà có người chết đói chỉ có thể là kết quả của khát vọng hạnh phúc gia đình. Chính lẽ đó mà sau cuộc hôn nhân, mỗi người trong gia đình bà cụ Tứ đều thay đổi, họ trở nên lạc quan và có trách nhiệm với gia đình hơn. 

Tóm lại, truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân đã thể hiện thành công đặc điểm chủ nghĩa nhân đạo của văn học Việt Nam. Sê-khốp từng nói: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy”. Chắc chắn rằng, Kim Lân chính là một “nghệ sĩ chân chính”. 

>>>Xem thêm:

  • Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ Nhặt
  • Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ Nhặt
  • Phân tích tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân
  • Phân tích giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ Nhặt
  • Phân tích truyện ngắn Vợ Nhặt


 

0