24/02/2018, 19:49

Cảm nghĩ bài Cảnh khuya

Đề bài: C ảm nghĩ về bài thơ C ảnh khuya Bài làm C ảm nghĩ bài C ảnh khuya – Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam di sản văn học có giá trị, gắn liền với ...

Đề bài: Cảm nghĩ về bài thơ Cảnh khuya

Bài làm

Cảm nghĩ bài Cảnh khuya – Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam di sản văn học có giá trị, gắn liền với tiến trình phát triển của cách mạng và đời sống tinh thần của dân tộc. Cảnh khuya bài thơ thất ngôn tứ tuyệt hay được Bác viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Bài thơ thể hiện tình cảm của Bác với dân tộc qua những hình ảnh thiên nhiên đất nước gần gũi, hữu tình.

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Bài thơ được viết vào năm 1947. Bài thơ có sự ra đời rất đặc biệt. Sau lời kêu gọi nhân dân tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Theo lời Bác, toàn dân rút vào nơi rừng núi, vùng sâu, vùng xa, tạo căn cứ, thành lập cơ sở cho cuộc kháng chiến lâu dài với một hậu phương vững chắc và an toàn cho cuộc cách mạng. Bác cũng vậy, thời kì ở chiến khu lo lắng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời, con người khiến Bác không sao ngủ được và trong những phút giây thư giãn cùng cảnh trí thiên nhiên, tức cảnh sinh tình, Bác đã sáng tác nên bài thơ này.

Hai câu thơ đầu của bài Cảnh khuya miêu tả cảnh trăng sáng về khuya. Bức tranh thiên nhiên giống như một bức tranh động chứ không phải bức tranh tĩnh

“Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”

Tiếng suối chảy trong đêm yên tĩnh nghe trong trẻo như tiếng hát xa. Trăng sáng lồng bóng vào cây cổ thụ, rồi xuyên qua từng khe lá trải rộng xuống mặt đất như hoa. Cảnh trong hai câu thơ đầy thơ mộng, trong trẻo, dịu dàng và ấm áp. Hai câu thơ đầu được Bác miêu tả rất sinh động, tiếng suối êm dịu, ánh trăng soi xen qua cây cổ thụ khiến cảnh tượng xung quanh yên bình, thanh vắng nhưng không kém phần mờ ảo, huyền diệu. Trăng trong bài thơ đã được nhân hóa, làm hình ảnh thiên nhiên trong đêm trăng thêm phần thơ mộng hơn rất nhiều. Cảnh vật thiên nhiên hiện lên mang vẻ đẹp của sự trầm mặc, huyền ảo của ánh trăng khuya. Thiên nhiên như mang một tâm tình ảo diệu cùng tâm thế. Có chút gì đó buồn buồn, nhưng lại có chút gì đó nhẹ nhàng, bình dị, êm ái.

“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

 Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”

Nếu hai câu thơ đầu là những câu thơ đầy xúc cảm về cái tình của Bác với thiên nhiên thì hai câu thơ sau lại là những lời tâm tình chất chứa bao nỗi xót xa về tấm lòng của Người với đất nước. Thiên nhiên quá đẹp, nét thơ như vẽ nên khung cảnh của sự tuyệt tác, có thể vì người say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên mà không nỡ ngủ, điều đó có vẻ đúng nhưng lý lẽ không hề thuyết phục. Bởi đặt trong hoàn cảnh ấy, thì tâm trạng của Bác không thể nào thoát được những ý nghĩ về nước, vì dân, về những chiến lược, sách lược tiếp theo cho cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Cho nên cách lý giải ở một phương diện khác có lẽ có lý hơn. Bác “chưa ngủ” không chỉ bởi thiên nhiên quá đẹp và quá ư quyến rũ mà còn bởi “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”. Cụm từ “chưa ngủ” được nhắc lại hai lần gắn với nỗi băn khoăn về vận nước, điều đó đủ cho thấy tấm lòng thiết tha vì dân vì nước của Bác Hồ, điều đó mới là điều quan trọng nhất. Ở hai câu cuối này, Bác dường như đã bị say đắm bởi vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng điều đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ, điều khiến Bác trằn trọc khôn nguôi không tài nào chợp mắt được là vì lo lắng cho vận nước, cho cuộc sống của nhân dân. Qua đây cho thấy lòng yêu thương và lo cho nhân dân của Bác thật lớn lao, vĩ đai.

Bài thơ đều nói lên tình yêu, sự say mê của Bác Hồ đối với thiên nhiên đất nước, và ẩn sau đó là nỗi thương đời, thương cho muôn dân đất nước một cách sâu sắc. Bài thơ là sự kết hợp tinh tế giữa chất cổ điển và hiện đại với ngôn ngữ hàm súc, giàu sức gợi hình, gợi cảm. Đề tài của bài thơ rõ nét về tinh thần dân tộc với bút pháp lãng mạng bay bổng, hào hoa, tinh tế, đầy cảm động.

Minh

0