22/07/2018, 21:53

Bùi Quốc  Hưng-  Vị “Khai quốc công thần triều Lê ”

Phí Văn Chiến Những năm qua, đã có nhiều bài viết của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu khác viết về các vị “ Khai quốc công thần” của nhà Lê trong cuộc kháng chiến chống ...

untitled

                                                                                            Phí Văn Chiến

Những năm qua, đã có nhiều bài viết của các nhà sử học và các nhà nghiên cứu khác viết về các vị “ Khai quốc công thần” của nhà Lê trong cuộc kháng chiến chống quân Minh của dân tộc. Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, tài liệu về cuộc đời và sự nghiệp của họ, chúng ta còn chưa biết hết, những bí ẩn đó vẫn nằm trong gia phả của nhiều dòng họ có người tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, trên các tấm bia đá cổ nằm sâu dưới lòng đất, trong các hiện vật còn chưa được phát lộ ở chính nơi họ đã từng sống, do đó ta chưa thể hiểu được rõ nét về chân dung họ. Trong số những người này, có lão tướng Bùi Quốc Hưng, vị tướng văn, võ song toàn, với những chiến công từng làm nức lòng quân sĩ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, song chưa được nhắc đến nhiều như vài vị lãnh đạo khác trong cuộc khởi nghĩa này.

Sau mười năm sưu tầm, với phương pháp lấy chính sử làm gốc, dùng chính sử để bổ xung cho gia phả, dùng gia phả bổ xung cho chính sử, với nhiều tài liệu và hiện vật mới tìm lại được… chúng tôi xin làm một việc nhỏ bé là tập hợp các tư liệu đó theo hệ thống, từng bước bóc tách làm hoàn chỉnh hơn bức chân dung về Bùi Quốc Hưng, từ đó giúp người đọc có cách nhìn chân xác hơn về “ Nhân vật lịch sử” Bùi Quốc Hưng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của dân tộc.

PHẦN I

1 – Bùi Quốc Hưng gốc họ Phí. Quê cha đất tổ là làng Tri Lai

Với hơn 50 loại tài liệu như cổ sử, khảo cổ học, các bộ gia phả họ Phí, họ Bùi gốc Phí ở Đức Thọ, Hà Tĩnh; họ Đinh, họ Lê, họ Ngô ở Thanh Hóa và Thái Bình…Các cuốn địa chí cổ như Dư Địa chí của Nguyễn Trãi; Đại Nam nhất thống chí; Địa chí Đức Thọ; Địa chí Thái Bình; Địa chí Hải Dương; An Tĩnh cổ lục…Các cuốn thần tích, thần sắc các làng có liên quan đến Bùi Quốc Hưng và các bài văn bia liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong Tổng tập thác bản văn khắc Hán – Nôm Việt Nam mới xuất bản gần đây… Đặc biệt là những hiện vật do bảo tàng tỉnh Hải Dương mới khai quật được ở khu nhà bà Bùi Thị Hý, cho chúng ta cơ sở để khẳng định Bùi Quốc Hưng được sinh ra trong một gia đình quan lại ba đời làm quan cho nhà Trần, quê ông là làng Tri Lai,lộ Hoàng Giang, nay là xã Tân Bình thành phố Thái Bình . Ông là người họ Bùi nguyên gốc là họ Phí!

Theo cuốn “ Bùi thị gia phả” của dòng họ Bùi gốc Phí ở xã Đức Long, huyện Đức Thọ Hà Tĩnh, cuốn gia phả được các nhà nghiên cứu đánh giá là cổ nhất Hà Tĩnh, do ông Bùi Văn Giám, hậu duệ của Bùi Quốc Hưng, làm quan đến chức            “ Tham tri tả hình” thời Lê Thánh Tông, viết vào đầu đời Hồng Đức, do GS – TS Lê Văn Tuấn thuộc Trường ĐHKHXH & NV dịch, thì:

“ Nguyên cụ tổ (Bùi Quốc Hưng đời thứ 4 – PVC) họ Phí, tên tự là Phí Mạnh, mộ đặt ở xứ Sơn Nam, xã Cổ Lai, huyện Vũ Tiên, phủ Kiến Xương. Đời vua Nhân Tông triều nhà Trần, được cử làm An Phủ Sứ Diễn Châu ( Thanh Hoa). Cụ nhậm chức chưa được bao lâu, vua triệu về triều, thưởng tước, báo cáo công việc được giao. Vì cụ có tấm lòng trong sạch, tính cẩn thận nên tiếng tốt khắp vùng Diễn Châu, rằng An Phủ Sứ Diễn Châu trong như nước”.

Việc Phí Mạnh được vua Trần Nhân Tông cử đi làm An Phủ Sứ Diễn Châu, là có thật, cũng được chính sử là ĐVSKTT ghi như sau:

“Nhâm Thìn năm thứ 8 (1292) [ Nguyên chí nguyên năm thứ 29 ]…cho Phí Mạnh làm An Phủ Sứ Diễn Châu… được tiếng là công bình thanh liêm. Người Diễn Châu có câu ca rằng “Diễn Châu An Phủ thanh như thủy”.

Như vậy chính sử và gia phả đã viết về cụ tổ của Bùi Quốc Hưng là Phí Mạnh vị An Phủ Sứ Diễn Châu, là vị quan thanh liêm trùng khớp với nhau!

Về ông Nội của Bùi Quốc Hưng, cuốn “ Bùi thị gia phả” viết:

“ Cụ ( Phí Mạnh – PVC ) sinh con trai là Bùi Mộc Đạc, vốn là họ Phí. Đời Trần Nhân Tông đổi họ Phí thành họ Bùi”.

Về trường hợp đổi từ họ Phí sang họ Bùi của Phí Mộc Lạc, sách ĐVSKTT lý giải như sau:

Giáp Thìn năm thứ 12 ( 1304) [Nguyên Đại đức năm thứ 8]…tháng 2 lấy Bùi Mộc Đạc làm chi hậu bạ thư Chánh trưởng phụng thị Thánh từ cung. Mộc Đạc tên tự là Minh Đạo ( người Hoàng Giang) nguyên họ Phí tên là Mộc Lạc, có tài năng, Thượng Hoàng cho là họ Phí từ xưa không nghe có, mới đổi làm họ Bùi, tên là Mộc Lạc không tốt, đổi làm Mộc Đạc khiến chầu hầu ngày đêm, đến đây bổ cho chức này. Sau này người họ Phí hâm mộ danh tiếng của Mộc Đạc, nhiều người đã đổi thành họ Bùi.”

Như vậy, năm 1304 có một người họ Phí là Phí Mộc Lạc, 40 tuổi, đã được vua giao chức Chi hậu bạ thư Chánh trưởng trông coi cung thánh từ, mà theo Từ điển chức quan Việt Nam, ông là người theo dõi và quản lý sổ sách về ruộng đất của triều đình, đồng thời làm nhiệm vụ trông coi cung thánh từ của nhà vua, là một việc lớn. Hơn thế ông đã được vua cho đổi sang họ Bùi, chỉ vì “ từ xưa không nghe có”, chứ không vì bất cứ lý do nào khác!

Người viết bài này xin có một lời bình nho nhỏ, vua nói “họ Phí từ xưa không nghe có” là một sự lạ?  vì chính ĐVSKTT đã ghi lại rằng, trước nhà Trần, ngay từ thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, đã có nhiều người họ Phí làm quan trong triều, như năm ông tướng họ Phí thời Đinh đi dẹp Phạm Phòng Át ở Chí Linh, Hải Dương; rồi Phí Gia Hựu quan ngoại giao thời Tiền Lê; Phí Xa Lỗi là Tả Kim Ngô khi Lý Công Uẩn vừa lên ngôi vua một ngày; Tăng thống Phí Trí thời vua Lý Thái Tông rồi Phí Công Tín là Thượng thư bộ binh dưới thời Lý Cao Tông…mà lại bảo họ Phí xưa không nghe có thì lạ thật!

Và như ĐVSKTT đã khẳng định, từ sau năm 1304, có một dòng họ Bùi gốc từ họ Phí đã hình thành, trở thành một trong nhiều dòng họ Bùi lớn hiện nay, trong đó có họ Bùi ở Tống Sơn nay là Hà Trung – Thanh Hóa; họ Bùi xã Đức Long, xã Đức Đồng huyện Đức Thọ, rồi huyện Hương Sơn, huyện Lộc Hà tỉnh Hà Tĩnh; họ Bùi ở xã Hào Kiệt huyeenjThieen Bản xưa, nay là huyện Vụ Bản Nam Định; họ Bùi xã Cống Khê huyện Mỹ Đức, xã Đạo Ngạn huyện Chương Mỹ – Hà Nội; họ Bùi ở trang Quang Ánh huyện Gia Lộc – Hải Dương và nhiều nơi khác. Theo cuốn gia phả cổ ở Đức Thọ, Hà Tĩnh đã viết cách đây hơn 500 năm “ Nguyên cụ tổ là họ Phí”, trong đó ghi rõ gốc gác của mình, mộ của người khai sáng ra dòng họ này là cụ Phí Mạnh và Phí Mộc Lạc (ông nội của Bùi Quốc Hưng) đều đặt ở làng Tri Lai huyện Vũ Tiên phủ Kiến Xương, thái Bình ngày nay.

Viết về cha của Bùi Quốc Hưng, cuốn “Bùi thị gia phả” này viết:

“ Mộc Đạc trước lấy vợ tại bản xã ( Làng Tri Lai huyện Vũ Tiên Phủ Kiến Xương – PVC), sinh con trai là Bùi Mộc Đức. Sau ( Bùi Mộc Đức – PVC ) lấy Lê Thị Hiền con gái Lê Văn Thịnh, xã Cống Khê, huyện Thụy Nguyên, phủ Thiệu Thiên, sinh con trai thứ là Bùi Quốc Hưng” .

Cũng viết về người sinh ra Bùi Quốc Hưng, cuốn “ Danh sĩ Thanh Hóa và việc học thời xưa”, do NXB Thanh Hóa xuất bản và do GS Phan Văn Các, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán – Nôm hiệu đính, có đoạn viết như sau:

“ Theo gia phả họ Ngô xã Thọ Diên – Thọ Xuân chép: Bùi Mộc Đạc làm quan Thị lang đời Trần, sinh Bùi Mộng Đức. Bùi Mộng Đức vào ở Lam Sơn Thanh Hóa và lấy bà Lê Thị Ngọc Trinh con gái Lê Văn Thịnh, có họ hàng với Lê Lợi. Ông, bà sinh Bùi Quốc Hưng. Bùi Quốc Hưng thi đỗ Tam trường đời vua Lê Dụ Tông…”

Qua nhiều gia phả và tư liệu ở các vùng, ta biết bố của Bùi Quốc Hưng có tên thật là Bùi Mộc quê cha đất tổ ở làng Tri Lai, phủ Kiến Xương, quê vợ Bùi Mộc Đức, mẹ của Bùi Quốc Hưng ở Cống Khê huyện Mỹ Đức Hà Nội ngày nay. Cụ Bùi Mộc Đức có làm quan cho nhà Trần ở Lam Sơn, Thanh Hóa.

Với tài liệu là chính sử và gia phả như vậy, chúng ta có đủ cơ sở để khẳng định Bùi Quốc Hưng là người họ Bùi gốc họ Phí, quê cha đất tổ ở làng Tri Lai, lộ Hoàng Giang  (nay là tỉnh Thái Bình). Tổ tiên của ông được đổi từ họ Phí sang họ Bùi vào năm 1304.  Ba đời trước, đến Bùi Quốc Hưng cả bốn đời dòng họ này đều làm quan cho nhà Trần.

2 – Con đường cứu nước của Bùi Quốc Hưng

1/ Về quê Mẹ ở Cống Khê đi ở ẩn:

Trong cuộc đời mình, Bùi Quốc Hưng có ba lần về quê mẹ ở đất Cống Khê. Lần thứ nhất vào năm 1407 khi ông đi ở ẩn; lần thứ hai ông về Cống Khê vào năm 1430 khi được vua Lê Thái tổ phong tước Trang Quận công, ông về để tri ân dân làng. Tại đây khi đã 69 tuổi ông lấy thêm một bà vợ con một lương dân, tên bà là Hòng Thị Xuất; Lần thứ ba ông về Cống Khê là năm 1445 khi ông qua đời, ông được đưa về chôn cất nơi quê mẹ mà không về quê cha đất tổ vì lý do thực hiện lời dặn của Tổ tiên tránh bị trả thù bằng cách đào mồ cuốc mả của gia đình Quốc cữu.

Theo gia phả của dòng họ Bùi ở Cống Khê huyện Mỹ Đức, họ Bùi ở xã Đạo Ngạn huyện Chương Mỹ – Hà Nội, Bùi Quốc Hưng sinh vào năm 1359 dưới thời vua Trần Dụ Tông, trong một gia đình ba đời làm quan cho nhà Trần, nhưng vô cùng thanh liêm.

Ngay từ khi còn nhỏ, Bùi Quốc Hưng đã sớm tiếp thu được nhiều kiến thức về Tam giáo đồng nguyên, đặc biệt là đạo Trung quân ái quốc của người quân tử do cha, ông mình truyền lại. Năm 1374, Bùi Quốc Hưng đã lều chõng ứng thí, và ông đã đỗ Tam trường. Sau khi chỉ đỗ đến Tam Trường Bùi Quốc Hưng lại tiếp tục đèn sách,. Nhưng “ Học tài, thi phận” nên ông bỏ dở việc học hành và sau vài năm ra làm quan cho nhà Trần.

Năm 1396, dưới triều vua Trần Phế Đế, Tể tướng Hồ Quý Ly biết thế nào giặc Minh cũng sẽ sang xâm lược nước ta, liền xin vua Trần cho đắp phòng tuyến chiến đấu, bằng cách “ đóng cọc rào ở khúc sông Bạch Hạc, từ phía trước thành Đa Ban, chạy dài theo bờ nam sông Hồng, tới khúc sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hà Nam ngày nay”.

Thời kỳ này, Bùi Quốc Hưng đang làm quan ở phủ Lý Nhân (nay là huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam), theo lệnh vua, ông đã dẫn dân binh tham gia đắp phòng tuyến số hai là Hoàng Giang trong hệ thống phòng tuyến chống quân Minh. Chính vì đi làm phòng tuyến, nên ông sớm biết được âm mưu xâm lược của giặc Minh, do đó cũng như nhiều quan chức khác của nhà Trần, Bùi Quốc Hưng đã lặng lẽ chuẩn bị xây dựng lực lượng  và căn cứ của mình, phòng khi giặc đến có thêm quân đánh giặc cứu nước.

Trong lúc người bạn đồng liêu là Đinh Tôn Nhân và ông Nghè Trần Lâm lui về xây dựng căn cứ Mỹ Lâm, Thủy Cối ở Lam Sơn Thanh Hóa, thì Bùi Quốc Hưng cũng bí mật cho xây dựng trang Quang Ánh huyện Trường Tân lộ Hải Đông với diện tích 250 mẫu thành khu căn cứ của mình, trong đó khu sản xuất đồ gốm và vũ khí ở Cổ Ngựa Đường khoảng 10 mẫu. 

Tại trang Quang Ánh, với vị trí đắc địa, thuận đường bộ, tiện đường thủy, dễ bề tiến, thoái khi hành binh này ông đã tuyển mộ những người trung thành với mình đến đây ngày thì sản xuất, đêm về huấn luyện chiến đấu theo phương châm “ Ngụ binh ư nông” của nhà Trần. Theo tài liệu mới tìm được tại nhà cụ Bùi Đình Đấu, hậu duệ của cụ Bùi Quốc Hưng tại trang Quang Ánh, ngoài nơi sản xuất lương thực và làm đồ gốm, sứ, Bùi Quốc Hưng còn mở thao trương huấn luyện bộ binh, rèn kỵ mã, có bến cho ngựa tắm, có nơi sản xuất vũ khí, trong đó có cả chỗ đúc súng thần công… và tất cả nghĩa sĩ ở đây luôn sẵn sàng chờ lệnh Bùi Quốc Hưng.

Năm 1407, “ Nhân nhà Hồ chính sự phiền hà” quân “ Cuồng Minh đã thừa cơ gây họa”, xâm lược nước ta.

Thời kỳ này, trong dân gian truyền tụng hai câu ca :

“ Dục hoạt, nhập ẩn lâm san

Dục tử, Minh triều tố quan!”

Nghĩa là:

“ Muốn sống sót đi ẩn rừng ẩn rú

Muốn chết rũ, đi làm quan triều Ngô!”.

Như nhiều sĩ phu yêu nước khác, Bùi Quốc Hưng bất hợp tác không làm quan cho nhà Minh, mà về quê mẹ ở Cống Khê ẩn dật, chờ thời. Theo gia phả của họ Bùi ở Quang Ánh, trước lúc về quê ngoại ẩn dật, ông đã cho con trai của một người vợ khác tên là Bùi Đình Nghĩa đưa mẹ từ huyện Nam Sang phủ Lý Nhân về trang Quang Ánh tiếp xây dựng, củng cố thêm trang ấp ở đây. Đến năm 1420 khi Bùi Quốc Hưng cùng các tướng  lĩnh khác về vùng Thiên Trường tuyển 1127 quân sĩ, căn cứ Quang Ánh trang của Bùi Quốc Hưng đã đóng góp 180 quân lính do Bùi Đình Nghĩa dẫn đầu, kéo về Lam Sơn ứng nghĩa.

Gia phả họ Bùi ở Cống Khê viết, sau năm năm ở ẩn chờ thời  “ Đến năm Giáp Thìn, vào giờ Tuất, ngày 10 tháng giêng, ông ngắm sao, thấy tinh chủ có vầng Tử Vi chiếu sáng, biết là nước ta có điềm lành sinh bậc đế vương. Ngay sáng hôm sau, thầy trò lên đường đến đất Lam Sơn nguyện theo quân áo vải khởi nghĩa”.

Chúng tôi thấy Cuốn gia phả họ Bùi ở Cống Khê, ghi “ Đến năm Giáp Thìn” là chưa chuẩn, vì Giáp Thìn là năm 1364, lúc này Bùi Quốc Hưng còn nhỏ, mới 6 tuổi, phải là Nhâm Thìn là năm 1412 mới đúng! nó đúng vì năm 1374 Bùi Quốc Hưng mới đỗ Tam trường, sau nhiều năm ông mới ra làm quan, rồi 1407 giặc Minh xâm lược ông mới về quê mẹ ở Cống Khê ẩn dật, năm 1412 khi Bùi Quốc Hưng 53 tuổi ông mới rời Cống Khê đến Lam Sơn Thanh Hóa.

Chúng ta đều biết rằng, ngay khi giặc Minh xâm lược nước ta, suốt từ năm 1407 đến năm 1412, nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Minh nổ ra ở cả đồng bằng và miền núi, trong đó có cuộc khởi nghĩa do Trần Quý Khoáng lãnh đạo, đã thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, nhưng Bùi Quốc Hưng vẫn không đến với Trần Quý Khoáng. Ông cho rằng, cuộc khởi nghĩa này không nhằm mục tiêu đánh đuổi giặc Minh mà chỉ nhằm khôi phục lại vương triều nhà Trần, vốn đã suy vong, mục nát không còn được lòng dân, nên ông không tham gia.

Ta còn biết, năm 1412, Lê Lợi vẫn đang là Phụ Đạo đất Lam Sơn, thời gian này, cho đến nay chưa có bất cứ tài liệu nào nói về việc Lê Lợi đang chuẩn bị khởi nghĩa cả! vậy năm 1412 Bùi Quốc Hưng rời Cống Khê lên Lam Sơn với ai, và làm gì ở đó? Đây là điều nhiều nhà nghiên cứu, cũng như gia phả của họ Phí, họ Bùi gốc Phí chưa chỉ ra được.

Khi điền giã tìm tài liệu, chúng tôi đã về Nông Cống, nơi có nhà thờ Đinh Liệt, chúng tôi sưu tầm được cuốn “ Ngọc phả họ Đinh”, do Thượng thư Bộ binh Đinh Công Đột, (con trai của vị tướng Đinh Liệt trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn), dựa vào cuốn Di cảo của cha để viết, đã cho chúng tôi nhiều tài liệu quan trọng để trả lời nhiều câu hỏi từ lâu chưa có lời giải liên quan đến Bùi Quốc Hưng.

2/ Bùi Quốc Hưng đến với Lê Lợi năm 1415!

Theo cuốn ngọc phả này, năm 1374 khi đi thi, Đinh Công Đột đã kết thân với Bùi Quốc Hưng. Sau khi ra làm quan cho nhà Trần, hai người càng thân thiết với nhau hơn, và sau họ trở thành thông gia với nhau. Bùi Quốc Hưng đã gả con gái của mình là Bùi Thị Ngọc Liễu cho Đinh Lễ, là con trai trưởng của Đinh Tôn Nhân. Vì thế vào năm 1412, khi nghe tin Đinh Tôn Nhân, lại có ông nghè Trần Lâm ( tên hiệu là Trần Khắc Xương, người cùng chi họ với Trần Khát Trân) làm tham mưu, đang chuẩn bị lực lượng để có thời cơ là khởi nghĩa ở căn cứ Mỹ Lâm và Thủy Cối (gọi tắt là Mỹ Thủy), Bùi Quốc Hưng đã rời Cống Khê lên với Đinh Tôn Nhân ở Mỹ Thủy để mưu đại sự. Tại đây, ông được Đinh Tôn Nhân mời làm quan Tham chính, phụ trách Ban thư ký cho Đinh Tôn Nhân. Giúp việc cho Bùi Quốc Hưng lúc này có hai Ký lục, một là Ngô Sĩ Liên (quê ở Chương Mỹ, sau trở thành nhà sử học, viết tiếp bộ ĐVSKTT của nước ta); hai là Nguyễn Nhữ Soạn, ông Soạn là em cùng cha khác mẹ với  Nguyễn Trãi.

Theo bản “Ngọc phả họ Đinh” do Hoàng Giáp Đinh Văn Chấp dịch năm 1941 có ghi “Tư mã Đinh Vĩnh Thái (con trai Đinh Lễ) khi về trí sĩ đã phát hiện ra trong tủ sách của ông ngoại ( Bùi Quốc Hưng) bản danh sách các nghĩa hữu ở căn cứ Mỹ Lâm gồm 40 người, cộng ba anh em: Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt là 43 người. Trong đó có 28 người đã sang Lam Sơn trước ngày xưng vương khởi nghĩa, còn 6 tướng sang Lam Sơn sau ngày xưng vương khởi nghĩa.  Điều này cho thấy quan Tham Chính Bùi Quốc Hưng được Đinh Tôn Nhân cho tham dự bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng của việc chuẩn bị khởi nghĩa, trong đó có việc nắm cả nắm danh sách các tướng lĩnh của Đinh Tôn Nhân.

Sau một thời gian dài giúp Đinh Tôn Nhân, năm 1414 Bùi Quốc Hưng được biết Lê Lợi là em vợ của Đinh Tôn Nhân, cũng đang bí mật “Chiêu hiền đãi sĩ” ở Lam Sơn. Hai anh em là Đinh Tôn Nhân và Lê Lợi cùng các cháu là Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt đang bàn cách sát nhập hai lực lượng, hai căn cứ vào làm một để tăng cường lực lượng chiến đấu, nhưng do điều kiện chưa chín muồi, nên việc sát nhập chưa diễn ra. Chỉ đến khi Đinh Tôn Nhân mất, Bùi Quốc Hưng mới thực hiện lời di chúc của bạn mình, cùng 27 tướng của Đinh Tôn Nhân hợp nhất với cánh quân của Lê Lợi. Khi các tướng của Đinh Tôn Nhân đã lần lượt sang căn cứ của Lê Lợi trước, mãi tháng 10 – 1415 khi cùng ông nghè Trần Lâm sắp xếp xong mọi việc ở Mỹ Thủy, Bùi Quốc Hưng mới sang Lam Sơn với Lê Lợi.

Trong “Bảng ghi chép tráng niên, hào kiệt, hiền tài đến Lam Sơn hội  nghĩa” của Đinh Công Đột có viết về ngày Bùi Quốc Hưng đến với Lê Lợi trên căn cứ Lam Sơn như sau “ Năm Ất Mùi ( 1415), tháng 10, ngày 10, giờ Tỵ, Lưu Nhân Chú và Bùi Quốc Hưng”. Như vậy Bùi Quốc Hưng cùng Lưu Nhân Chú đã đến với Lê Lợi tại căn cư Lam Sơn vào năm 1415, chứ không phải mãi sau này đến ngày hội thề Lũng Nhai ông mới đến như một vài người nhận định.

3/ Tham gia soạn bài “Thệ từ” của Hội thề Lũng Nhai

Một câu hỏi lớn, quan trọng mà nhiều nhà nghiên cứu đã tốn nhiều công tìm kiếm là, lúc ở dưới trướng của Đinh Tôn Nhân ở căn cứ Mỹ Thủy, Bùi Quốc Hưng đã làm quan Tham chính, cùng tham gia bàn bạc mọi kế sách chiến lược với Đinh Tôn Nhân, vậy sau khi sang với Lê Lợi,  Bùi Quốc Hưng làm việc gì dưới quyền của động chủ Lê Lợi?

Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã phải tìm đọc cuốn “Từ điển các nhân vật lịch sử” của GS Đinh Xuân Lâm mới hiểu được công việc của Bùi Quốc Hưng. Theo GS, “ Trong thời gian đầu của cuộc khởi nghĩa, ông ( BQH ) phụ trách các công việc văn thư”, có nghĩa là làm công việc soạn thảo các loại văn bản do Lê Lợi chỉ đạo để gửi đi các nơi, chứ chưa được tham gia bàn luận các công việc quan trọng khác liên quan đến việc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa như dưới trướng Đinh Tôn Nhân, song không vì thế mà Bùi Quốc Hưng có sự sao nhãng trong công việc được giao.

   Sách ĐVSKTT, cũng như các loại tài liệu về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn có ghi lại, ngày 10/2 năm Bính Thân ( 1416), Lê Lợi tổ chức Hội thề Lũng Nhai. Chúng tôi không đi sâu phân tích câu chữ trong bài văn thề này, vì đã có quá nhiều nhà phân tích bình luận đã viết rồi, mà chúng tôi chỉ đi tìm xem ai là tác giả của lời thề đó? Và thật bất ngờ, ông Đinh Văn Đạt, hậu duệ của Đinh Liệt, căn cứ vào tài liệu của tổ tiên mình là cuốn “ Ngọc phả họ Đinh” của Thượng thư Đinh Công Đột để lại đã viết rõ vấn đề này trong cuốn “Đinh Gia tam kiệt” như sau:

          “Bấy giờ, Lê Lợi họp Hội đồng mưu lược và giao cho Lê Bá Lai, Đinh Liệt đi tìm địa điểm để tổ chức hội thề, còn Bùi Quốc Hưng, Đinh Lễ, Lê Văn Linh soạn bài thệ từ”!  ( Đinh gia tam kiệt trang 74).

Đây là một tài liệu rất quan trọng giúp chúng tôi khẳng định công việc “Văn thư” mà GS Đinh Xuân Lâm đã viết về Bùi Quốc Hưng. Nó cũng giúp chúng tôi làm rõ một chi tiết đặc biệt mà chưa tài liệu nào viết về Bùi Quốc Hưng nói đến, đó là Bùi Quốc Hưng có tham gia soạn bài “Thệ từ ” cho Hội thề Lũng Nhai! Tài liệu này cũng giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, chính vì công lao “Mưu điệp văn quốc sự”  như thế này nên Bùi Quốc Hưng mới được phong làm Trang nghĩa hầu và được Lê Lợi ban là vị “ Khai quốc công thần thời Lũng Nhai”. 

4/ Tham gia Hội đồng mưu lược tối cao:

Có lẽ, từ xưa cho đến nay chưa một cuốn gia phả nào của họ Phí, họ Bùi gốc Phí, hoặc một tài liệu chính sử nào của nước ta có viết về việc Bùi Quốc Hưng là một trong 13 người nằm trong Hội đồng mưu lược tối cao của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Vì thế Bùi Quốc Hưng và nhiều nhân vật quan trọng trong số những người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa luôn là hình ảnh mờ nhạt trong mắt hậu thế!

Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ nhiều cuốn phả của họ Đinh, họ Ngô ở Thanh Hóa, Thái Bình, họ Lê ở Thanh Hóa và Thái Bình, đặc biệt là hai cuốn “ Lam Sơn thực lục” bản thu ở nhà quan Đại thần Lê Sát, và cuốn “ Ngọc phả họ Đinh” của Thượng thư Đinh Công Đột, chúng tôi rất bất ngờ vì hai tư liệu lịch sử này có nói đến vai trò “ Mưu lược” của Bùi Quốc Hưng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Cuốn Ngọc phả họ Đinh viết như sau:

Ngày 10 tháng chạp năm Đinh Dậu ( 1417), Hội đồng mưu lược họp, kiểm điểm mọi việc đã làm và chuẩn bị. Đổi Hội đồng mưu lược thành Hội đồng mưu lược tối cao, bổ xung thêm Trịnh Khả, Lưu Nhân Chú, Phạm Văn Xảo và Bùi Quốc Hưng”… vào Hội đồng này.

Tại sao lại có việc đổi từ Hội đồng mưu lược thành Hội đồng mưu lược tối cao và bổ xung bốn người mới vào Hội đồng mưu lược tối cao?

Như trên chúng tôi đã viết, ngay từ năm 1414 Lê Lợi đã nung nấu ý đồ tập hợp những người tài giỏi chuẩn bị cho khởi nghĩa! Cuốn Lam Sơn thực lục, bản trong Nguyễn Trãi toàn tập xuất bản năm 1976 có viết như sau:

“ Năm Vĩnh Lạc thứ 12 (1414)…vua hậu đãi tân khách, vời người trốn tránh, dụng người làm phản ( quân Minh – PVC); ngầm nuôi kẻ sĩ mưu trí, bỏ của phát thóc, giúp người cô bần; nhún lời hậu lễ để thu hào kiệt…”. Và khi hào kiệt đã bí mật kéo về Lam Sơn ngày một đông, thì vấn đề đặt ra theo binh pháp, là phải có ban tham mưu giúp việc cho động chủ Lê Lợi. Vì thế:

 “ Vào ngày 20/5 năm Ất Mùi ( 1415)” động chủ Lê Lợi đã “thành lập Hội đồng mưu lược gồm Lê Lợi, Lê Lai, Đinh Liệt, Nguyễn Thận, Lê Ngân, Lê Sát, sáu người. Lê Lợi được tôn làm chủ tướng. Sau đó bổ xung thêm Đinh Lễ, Lê Văn An, Nguyễn Văn Linh, tổng cộng là 9 người”.

Như tên gọi, Hội đồng này làm nhiệm vụ làm tham mưu cho Lê Lợi hoạch định chiến lược cũng như sách lược cho việc thu thập nhân tài và lên kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Trong danh sách của Hội đồng mưu lược lúc đó không có tên Bùi Quốc Hưng! Nguyên nhân chính là hội đồng thành lập tháng 5/1415, mà mãi đến tháng 10/1415 Bùi Quốc Hưng mới từ Mỹ Thủy sang căn cứ Lam Sơn, nên việc Bùi Quốc Hưng không có tên trong danh sách này là đúng và dễ hiểu.

Việc phải đổi tên từ “ Hội đồng mưu lược” thành “ Hội đồng mưu lược tối cao” và bổ xung thêm lãnh đạo vào hội đồng là do xuất phát từ nhu cầu phát triển khách quan, cấp thiết của cuộc khởi nghĩa.

 Từ năm 1415 đến tháng 10 năm 1417, tình hình trong nước ngày càng có nhiều chuyển biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến tình thế của cuộc khởi nghĩa. Sách Lam Sơn thực lục, bản trùng san chép rằng:

“ Bọn theo giặc là Lương Nhữ Hốt bàn mưu với quân giặc rằng: chúa Lam Sơn vời kẻ trốn tránh, dung kẻ làm phản, đãi sĩ tốt rất hậu, chí nó không nhỏ đâu, nếu để Giao Long gặp mây mưa, thì tất không phải là vật ở trong ao nữa. Nên sớm trừ đi để khỏi  lo về sau”,  nên quân Minh đã tăng cường lùng sục, liên tục đánh phá các khu vực chúng nghi có nghĩa quân Lam Sơn.

Trước những diễn biến có lợi và không có lợi cho phong trào khởi nghĩa, nếu bộ máy lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa không nhanh chóng nâng cấp hội đồng này, không đưa thêm những người tài giỏi đủ năng lực và thẩm quyền giải quyết nhiều nhiệm vụ lớn, quan trọng và nặng nề xuất hiện trong tình thế bất ngờ, thời cơ khởi nghĩa sẽ bị bỏ qua, cuộc khởi nghĩa sẽ thất bại! Vì vậy, trước những ý kiến, kế sách của các thành viên trong Hội đồng mưu lược Lê Lợi đã đồng ý và quyết định nâng từ “Hội đồng mưu lược” thành “Hội đồng mưu lược tối cao” ( HĐMLTC).

Việc bổ xung bốn người mới trong đó có Bùi Quốc Hưng vào HĐMLTC cũng là một câu hỏi được đặt ra. Tại sao lại là Bùi Quốc Hưng mà không phải là một người khác trong số 43 hào kiệt cùng đến Lam Sơn như Bùi Quốc Hưng? Về câu hỏi này, có nhà nghiên cứu đã lý giải rằng, khi bổ xung ông vào HĐMLTC, Lê Lợi có xét đến công lao và sự tài giỏi của ông khi ông tham gia khởi nghĩa. Trong nhiều yếu tố để chọn lọc, có ba yếu tố như sau:

– Thứ nhất, khi Bùi Quốc Hưng đến với Đinh Tôn Nhân, do biết ông là người có mưu lược và đức độ, nên Đinh Tôn Nhân đã mời ông giữ vị trí Tham chính cho Đinh Tôn Nhân.

– Thứ hai, qua việc tham gia làm văn thư “ Mưu điệp văn quốc sự”, đặc biệt khi ông tham gia vào việc viết lời Thệ từ cho Hội thề Lũng Nhai, Lê Lợi và các vị trong HĐML thấy ông là một văn thần giỏi chỉ “ Đứng hàng thứ hai sau Lê Văn Linh”.

– Thứ ba, qua thực tế cuộc chiến đấu hàng ngày, đặc biệt qua thử thách lấy lại tinh linh xa của Phật Hoàng (tức là hài cốt bố của Lê Lợi), mọi người đã thấy ông là một người trung thành với Lê Lợi. Sách Lam Sơn thực lục, bản ở nhà Lê Sát, do Đàm Văn Lễ sao tại từ trong “ Kim quỹ” ( Rương vàng) của Lê Lợi để ban cho Lê Sát, viết rằng:

“ Lúc ấy, phản thần là thằng Ái câu kết với tên quan huyện Đỗ Phú dẫn giặc Minh đào mả Phật Hoàng, lấy tinh linh xa treo ở sau thuyền, hẹn với vua ( Lê Lợi – PVC) nếu đến hàng thì sẽ trọng thưởng. Vua bèn sai công thần là Trương Lôi, Trịnh Khả, và Bùi Quốc Hưng, Doãn Nỗ, Lê Nanh, Lê Liễu, Lê Nhữ Lãm, Lê Khả Lãng, Lê Xa Lôi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Võ, Võ Uy, Lưu Trung và Trần Dĩ đội cỏ gai bơi theo dòng nước, từ thượng lưu xuống. Đang đêm, đến phường cửa sông, Trịnh Khả lắng nghe bọn giặc ngủ hết, lấy trộm lại hài cốt linh xa đem về, cùng vua bí mật chôn cất ở động Chiêu Nghi như cũ”.

Chi tiết Bùi Quốc Hưng có tham gia vào việc lấy lại hài cốt của bố Lê Lợi trong Lam Sơn thực lục, bản của nhà Lê Sát do Đàm Văn Lễ chép lại trong rương vàng của vua cũng  là một chi tiết hoàn toàn mới và khác với Lam Sơn thực lục bản trong Nguyễn Trãi toàn tập năm 1976. Ở bản 1976, những người viết đã không ghi tên Bùi Quốc Hưng trong đó, do đó chúng ta không thể hiểu được tại sao Lê Lợi lại chọn Bùi Quốc Hưng tham gia HĐMLTC. Đây là tài liệu quý có thẻ bổ xung cho chính sử.

Tóm lại, Bùi Quốc Hưng đến với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn không phải là sự ngẫu nhiên, hoặc chỉ vì bị hai câu thơ đã dẫn ở trên của các nhà nho yêu nước thời đó đe dọa sự sống, mà trước hết đó là do ông đã tiếp thu được từ cha ông mình lòng trung quân ái quốc, sự am hiểu thời cuộc của người quân tử. Chính vì thế, ngay trước khi đến với cuộc khởi nghĩa ông đã nghiên cứu kỹ mục đích, phương châm của những người lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, để chọn cho mình Minh chủ thật sự vì dân vì nước mà phụng sự. Hơn thế, ông đã chuẩn bị kỹ lưỡng cả quân binh lẫn hậu cứ của mình, sẵn sằng thực hiện kế sách của nhà Trần “ Ngụ binh ư nông”, “ Tích cốc phòng cơ” , “ Động vi binh, tĩnh vi dân” cho cuộc khởi nghĩa. Đó cũng là điều mà nhiều tướng lĩnh của nghĩa quân Lam Sơn thời đó đã làm. Đó cũng chính là một trong nhiều nguyên nhân để Lê Lợi có thể điều binh tổng lực cho những trận đánh chiến lược sau này.

PHẦN II

1 – Lão tướng giữa trận tiền

       Năm 1418, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Bùi Quốc Hưng đã bước vào tuổi 59, cái tuổi “ Tri thiên mệnh”. Nhưng tuổi cao trí khí càng cao, ông không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một văn thần, đứng hàng thứ hai sau Lê Văn Linh, mà ông còn là một lão tướng, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn, trong đó có những trận quyết chiến chiến lược chống quân Minh, góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc, đây lại là điều chưa cuốn sach nào viết Bùi Quốc Hưng đã từng chỉ huy chiến trận.

Lịch sử đã ghi lại những trận đánh mà Bùi Quốc Hưng có tham gia khi mới nổ ra cuộc khởi nghĩa. Đó là trận đánh phục kích tiêu diệt một bộ phận lớn quân Minh tại Lạc Thủy khi chúng tiến lên Lam Sơn ngay sau khi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Trận ông cùng các vị Lê Ngân, Lê Văn An, Phạm Bôi, Lê Thận, Lê Lãnh và Lê Văn Linh vây đánh thành Nghệ An để Lê Lợi cùng đại quân tiến đánh Đông Quan. Ngoài ra ông còn được giao nhiều trọng trách lớn khác như lần được giao chức Tả Bộc Xạ, tức Tể tướng dậy bảo Trần Cảo ở Thạch Thất, nhưng thực chất là giam lỏng Trần Cảo để che mắt quân Minh…

Tuy nhiên, trong phần này, chúng tôi không giới thiệu hết các trận đánh mà Bùi Quốc Hưng có tham gia, mà chỉ đi sâu vào ba trận đánh ở những năm gần cuối cuộc kháng chiến chống quân Minh, do Bùi Quốc Hưng trực tiếp chỉ huy chiến đấu mà thôi.

Chúng ta biết, sau ba lần thủ hiểm đất Linh Sơn để bảo toàn lực lượng, nghĩa quân Lam Sơn đã dần có kinh nghiệm chiến đấu. Bắt đầu từ những trận đánh phục kích nhỏ, lẻ, đến những trận công kích lớn hơn, nghĩa quân bắt đầu làm chủ được chiến trường. Đặc biệt, từ sau khi có “ Bình Ngô sách” của Nguyễn Trãi, tranh thủ được sự ủng hộ của toàn dân, nghĩa quân Lam Sơn đã chủ động chuyển từ cuộc khởi nghĩa nông dân trong phạm vi nhỏ hẹp ở vùng Thanh, Nghệ, Tĩnh sang cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên phạm vi cả nước. Cũng từ đó, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, đủ sức đánh những trận phục kích và công thành lớn hơn trước nhiều lần, khiến giặc Minh khiếp sợ.

Từ đầu năm 1426, tương quan lực lượng, thế và lực trên chiến trường đã dần nghiêng hẳn về phía quân Lam Sơn. Sử cũ viết, “ Bấy giờ quân ta có đến 5 vạn tinh binh, cùng lòng chung sức, còn giặc thì thua luôn, ngồi chờ chết. Trong cái thế chỉ vạch, bắt hay tha dều do ta…” . Nghĩa là quân Lam Sơn đã đủ sức áp đảo quân Minh. Đây là thời cơ để bộ tham mưu tối cao của nghĩa quân Lam Sơn và chủ tướng Lê Lợi quyết định vây hãm thành Đông Quan và các thành khác quanh Đông Quan, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn quân Minh trên đất bắc, trong đó Lê Lợi “ phái Bùi Quốc Hưng đánh thành Điêu Diêu và Thị Cầu”, lúc này ông đã 67 tuổi.

Thành Điêu Diêu ở cửa ngõ của thành Đông Quan thuộc làng Gia Thượng, xã Ngọc Thụy huyện Gia Lâm ngày nay. Thành này không lớn lắm, ngoài quân Minh, trong thành còn có một số “ Thổ quan và Thổ quân”, nó có nhiệm vụ khống chế đường giao thông thủy và bộ ở ngưỡng cửa thành Đông Quan. Lúc này các trận đánh của nghĩa quân Lam Sơn vào quân Minh ở các nơi đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của đội quân đồn trú này, khiến chúng rất lo sợ, nhưng trước cái thế không lối thoát buộc chúng phải tử thủ để bảo vệ cửa ngõ thành Đông Quan.

Để đánh và chiếm được thành, dưới sự chỉ huy của Bùi Quốc Hưng, quân ta đã tiến hành vây lấn, đồng thời mắc loa kêu gọi quân trong thành đầu hàng. Bị quân ta vây chặt trong nhiều ngày, quân Minh ở đây không có đường tiếp tế lương thực và vũ khí từ bên ngoài vào. Bất cứ tên địch nào ló đầu ra cửa thành đều bị nghĩa quân bắn hạ. Đói, khát, lại bị tiếng loa khi thì thúc dục, khi thì dụ dỗ, khi thì chia rẽ để phân hóa kẻ thù, rồi nghe những lời tuyên bố đanh thép “ Ta không nói lời rồi lại nuốt lời đâu. Nếu còn tiếc tham ngụy chức, chống cự lại vương sư thì khi hãm thành, tội các ngươi tất nặng hơn quân Ngô đấy”. Biết “ Lưới trời khôn thoát”, chỉ có con đường duy nhất là đầu hàng, tháng 2 – 1427 toàn bộ quân địch trong thành Điêu Diêu do tên Trương Lân chỉ huy và tên tri phủ Trần Vân cầm đầu đã dẫn toàn bộ quan quân ra đầu hàng Bùi Quốc Hưng.

Thành Thị Cầu cũng bị một cánh quân của Bùi Quốc Hưng vây chặt từ cuối năm 1426. Lúc đầu, quân ở đây cũng chống trả quân của Bùi Quốc Hưng quyết liệt. Trước tình hình đó, Lê Lợi đã phái thêm tướng Nguyễn Chích, đang làm Tổng tri Hồng Châu và Tân Hưng đem thêm quân đến cùng Bùi Quốc Hưng “ bốn mặt vây thành”. Bằng lực lượng áp đảo, cộng với chiến thuật tiến công liên tục, vừa đánh vừa địch vận, sau khi thành Điêu Diêu đầu hàng một tháng,  tháng 3 – 1427, thành Thị Cầu do tướng Đường Bảo Trinh chỉ huy phải mở cửa xin hàng Bùi Quốc Hưng và Nguyễn Chích.

Với Chiến thắng Điêu Diêu và Thị Cầu do Bùi Quốc Hưng chỉ huy, cùng với chiến thắng của các tướng lĩnh khác trên các mặt trận, toàn bộ kế hoạch diệt viện do HĐMLTC xây dựng đã được các cánh quân hoàn thành suất sắc. Lúc này quân địch chỉ còn sống chết cố thủ ở bốn thành là Đông Đô, Chí Linh, Cổ Lộng và Tây Đô trong cái thế “ cá nằm trên thớt”.

Có một trận đánh nổi tiếng đã đi vào những trang vàng của lịch sử của dân tộc, đó là trận Chi Lăng trong chiến dịch diệt viện của nghĩa quân Lam Sơn. Trong trận đánh đó, lịch sử chỉ ghi lại tên tuổi một vài vị tướng, nhưng có một lão tướng là Bùi Quốc Hưng, người trực tiếp bàn kế sách, rồi lại trực tiếp chỉ huy một cánh quân lớn chặn đánh Liễu Thăng, thì mấy trăm năm qua không một sử gia nào nhắc đến.

May thay, trong cuốn Lam Sơn thực lục, bản ở nhà Lê Sát, do Đàm Văn Lễ sao, có một đoạn Lê Lợi viết như sau:

“ Năm Đinh Mùi, tháng sáu, mùng mười, tướng giặc là Trấn viễn hầu đem năm vạn quân, một nghìn ngựa từ Quảng Tây đánh sang các thành …Trẫm bèn tiệu tập các vương bàn mưu…”.

Tại cuộc họp Lê Lợi phân tích:

“ Giặc vốn khinh ta…giặc lại không suy tính nổi cái thế được thua của mình, của người…bèn sai bọn Lê Nhân Chú, Lê Sát, Lê Khả, Lê Thụ, Lê Lôi, Lê Lan, Lê (Bùi) Quốc Hưng, Lê Liệt và quan hàn lâm Lê Vị Tẩu lĩnh một vạn tinh binh, năm thớt voi, một trăm ngựa mai phục ở đèo Chi Lăng đợi Thăng đến, hễ có hiệu lệnh là xuất kích.”

“ Trước đó, Lê Lựu giữ cửa Pha Lũy, thấy giặc đến thì lui về giữ cửa Ải Lưu, giặc tiến đánh Ải Lưu, Lựu bỏ về giữ Chi Lăng; giặc lại tiến bức Chi Lăng, bọn Chú, Sát, Thu, Khả, Lãnh, Lan, Lôi, Hưng cùng quan hàn lâm vị tẩu mật sai Hựu ra đánh, giả vờ mà thua chạy. Quả nhiên giặc cả mừng, Liễu Thăng thân đốc đại quân đuổi theo đến nơi phục binh ở đèo Chi Lăng. Bọn Chú, Sát, Lôi, Khả, Hưng cho quân bốn mặt nổi lên xông đánh trận giặc. Giặc thua to. Ta chém đầu Liễu Thăng, Lý Khánh, giết hơn một vạn tên, bao nhiêu chiến cụ của giặc đều bị đốt sạch…”.

Theo khảo chứng của cụ Nguyễn Diên Niên, thì Lê Lợi viết cuốn Lam Sơn thực lục sau ngày chiến thắng quân Minh, lúc này hàng trăm tướng lĩnh tham gia khởi nghĩa Lam Sơn có nhiều công trạng đã được vua khen thưởng xứng đáng, nhiều người được vua ban quốc tính họ Lê, Bùi Quốc Hưng được vua ban quốc tính là Lê Quốc Hưng, vì vậy Lê Quốc Hưng trong đoạn này chính là Bùi Quốc Hưng.

Bản Lam Sơn thực lục thu được ở nhà Lê Sát do Đàm Văn Lễ tự Hoàng Kinh 18 tuổi đã đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Quang Thuận 10 ( 1469) đời Lê Thánh Tông sao lại trong rương vàng của nhà vua, do nhà xuất bản Khoa học xã hội tái bản năm 2006, là một tài liệu được các nhà khoa học như GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê cùng nhiều nhà khoa học khác đánh giá đây là tài liệu có độ chính xác cao, nó vô cùng quan trọng đối với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Sự ghi nhận của Lê Lợi đối với Bùi Quốc Hưng trong trận đánh ở Ải Chi Lăng, cũng như cả sự nghiệp Bình Ngô mà ông đã tham gia đã được thể hiện rõ ở sắc phong mà vua Lê đã ban cho ông:

“ Thuận Thiên nguyên niên, phong Bảo chính công thần nhập nội Thiếu phó, Trang nghĩa hầu. Thuận Thiên nhị niên, thăng tham dự triều chính. Tam niên thăng Tán trị hiệp mưu công thần, nhập nội tư đồ. Đại ( Thái ) Hòa lục niên hoăng ( Chết). Sinh thời quan chí tham dự triều chính. Hồng Đức thập ngũ niên tặng Thái phó Trang quận công”.

Còn Đinh Liệt, một vị tướng tài ba, một Tổng tham mưu trưởng mưu lược của cuộc kháng chiến chống quân Minh, khi bình công đối với Bùi Quốc Hưng đã viết hai mươi chữ tặng ông như sau:

“ Làm quan văn, quan võ

Được tín nhiệm trong, ngoài

Bậc công thần khai quốc

Trung, ái vẹn cả hai”. 

2 – Người cha, người ông của các bậc anh tài, hào kiệt

Cho đến nay, chúng tôi mới tổng hợp được Bùi Quốc Hưng có năm bà vợ và 5 người con trai 17 người con gái, cũng như bao nhiêu cháu chắt vì nhiều phả hệ ở nhiều nơi đã viết từ Bùi Quốc Hưng xuống được 23 đời. Nhiều tài liệu lịch sử cũng như gia phả chỉ nhắc đến Bùi Bị, Bùi Ban. Theo chúng tôi, có lẽ do nguồn tài liệu quá hiếm hoi, nên các nhà nghiên cứu chưa có điều kiện đi sâu vào đề tài này. Trong phần cuối của bài viết, chúng tôi cũng chỉ điểm qua bốn người anh tài và hào kiệt là con và cháu nội Bùi Quốc Hưng rất nổi tiếng trong lịch sử mà chúng tôi có được chút ít tài liệu mà thôi.

Theo gia phả họ Bùi ở Đức Thọ, người con trai có theo cha tham gia khởi nghĩa Lam Sơn là Bùi Bị. Cuốn gia phả này không nói rõ, Bùi Bị sinh ra ở đâu? Có nhà sử học viết rằng ông sinh ở làng Hào Lương, Lam Sơn, Thanh Hóa. Nhưng trong cuốn “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của nhà Nguyễn, lại ghi rõ ràng rằng, ông sinh ở làng Hào Kiệt, huyện Thiên Bản, thời nhà Nguyễn thuộc phủ Nghĩa Hưng, nay thuộc Vụ Bản – Nam Định. Qua điền giã cả Hào Lương – Lam Sơn – Thanh Hóa đến Hào Kiệt – Vụ Bản – Nam Định, căn cứ vào tài liệu lịch sử, vào gia phả họ Lê ở Hào Lương và phả họ Bùi của Bùi Bị ở Hào Kiệt, họ Bùi của Bùi Đình Nghĩa ở trang Quang Ánh, cũng như nơi thờ cúng ông ở đây, chúng tôi tin rằng Hào Kiệt là nơi đã sinh ra Bùi Bị như sách Khâm định đã viết! Còn làng Hào Lương ở Lam Sơn là nơi sinh ra Lê Vũ Bị như gia phả họ này đã viết và đang thờ cúng.

Theo Ngọc phả họ Đinh, khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chưa nổ ra, năm 1412 Bùi Bị đã theo cha đến căn cứ Mỹ Lâm – Thủy Cối của Đinh Tôn Nhân để ứng nghĩa. Tại đây, Bùi Bị cùng 19 người, trong đó có ba anh em ruột người họ Đinh là Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt theo học văn, võ của ông nghè Trần Lâm. Sau khi Đinh Tôn Nhân mất, hai căn cứ được hợp nhất, ngày 19/9 năm Bính Thân (1416), nghĩa là sau khi Bùi Quốc Hưng đã sang Lam Sơn với Lê Lợi được hơn một năm, Bùi Bị mới sang Lam Sơn. Ngày 2 tháng giêng năm Mậu Tuất ( 1418), khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính thức nổ ra, ông là một trong 33 võ tướng đứng hàng đầu dưới cờ nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.

Trong tài liệu “ Niên biểu của Bùi Bị”, chúng tôi đã tập hợp được mấy chục trận đánh có Bùi Bị tham gia và chỉ huy, mà chúng tôi sẽ trình bày trong một chuyên đề khác, trong phần viết này chúng tôi xin nhắc đến hai tài liệu rất đáng lưu ý là:

1/ Từ khi sang Lam Sơn, Bùi Bị đã được học thủy chiến, sau trở thành phó tướng cho Trần Nguyên Hãn đánh thủy binh địch ở nhiều nơi. Vào ngày 9/11 năm Bính Ngọ ( 1426) Thiếu úy Trần Nguyên Hãn và Thiếu úy Bùi Bị lĩnh 150 chiến thuyền, cùng 5000 thủy binh khống chế  viện binh của quân Minh từ Bắc Giang xuống và Chí Linh về cứu thành Đông Quan.

2/ Tháng 12 năm Đinh Mùi, khi Vương Thông và quân lính đầu hàng nghĩa quân Lam Sơn, Bùi Bị có tham gia Hội thề thành Đông Quan, quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi nước ta.

Sau khi vua Lê Thái Tổ, Thái Tôn mất, Lê Nhân Tông lên ngôi có cử Thượng quận công Bùi Bị đi trấn thủ Nghệ An, tại đây ông đã anh dũng hy sinh.

Con trai Bùi Bị là Bùi Ban được Lê Lợi gả con gái là Trang từ công chúa cho, ông trở thành Phò mã của nhà Lê. Theo gia phả họ Bùi ở Đức Thọ, Minh quận công Bùi Ban được lệnh vua Lê đi đánh Chiêm Thành và Ai Lao. Ông đã bắt được chúa Man Lao, nhưng lại bị phục kích, trúng phải tên độc. Quân sĩ đưa ông về quê ngoại ở xã Phúc Lộc huyện Hương Sơn rồi ông mất ở đó.

Bùi Quốc Hưng còn có một người con trai nữa tên là Bùi Đình Nghĩa cũng theo cha tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo gia phả của họ Bùi trang Quang Ánh, huyện Gia Lộc, thì năm 1407, khi giặc Minh sang xâm lược, ông Nghĩa đã đưa mẹ từ huyện Nam Sang phủ Nghĩa Hưng về trang Quang Ánh đi ở ẩn.

Về tài liệu này, sau khi nhiều tài liệu được viết trên gạch gốm được phát lộ ở tại khu nhà bà Bùi Thị Hý, cháu gái nội của Bùi Quốc Hưng, chúng tôi được biết rằng Bùi Quốc Hưng đã cho xây dựng khu căn cứ ở trang Quang Ánh từ cuối thời nhà Trần mà chúng tôi đã trình bầy ở trên. Đến năm 1407, theo lệnh cha, Bùi Đình Nghĩa mới đưa mẹ mình về trang Quang Ánh trực tiếp củng cố căn cứ này. Theo tài liệu ghi trên viên gạch gốm do bà Vũ Thị Thủy (Hậu duệ của Mạc Đĩnh Chi – đổi từ họ Mạc sang họ Vũ)) vợ Bùi Đình Nghĩa ghi lại, thì tại trang trại này, Bùi Đình Nghĩa đã cung cấp cho nghĩa quân Lam Sơn 180 tráng binh. Còn Bùi Đình Nghĩa trở thành quan kỵ mã và hy sinh khi đánh thành Đông Quan.

Bùi Đình Nghĩa đã có hai người con. Một là Bùi Thị Hý, hai là Bùi Đình Khởi. Bà Bùi Thị Hý được sinh vào năm 1420, tới năm 1442, bà đã giả trai để đi thi. Cùng thi Khoa thi này có viên Ký lục cũ của Bùi Quốc Hưng thời Đinh Tôn Nhân là Ngô Sĩ Liên, quan Đề điệu của trường thi là Lê Văn Linh, người đọc quyển là Nguyễn Trãi, những người cùng tham gia khởi nghĩa với Bùi Quốc Hưng. Khi bị phát hiện bà giả trai, quan coi thi đã ngừng không cho bà thi tiếp. Lẽ ra bà sẽ bị xử theo luật, nhưng bà là cháu nội của Bùi Quốc Hưng nên bà được miễn tội. Sau này bà đã xây dựng tại trang Quang Ánh nhiều trang phường làm gốm. Khi đi lấy chồng làng Chu Đậu, bà trở thành Thủy tổ của dòng gốm Chu Đậu.

Tháng 8 năm 2011, trong khi đào hố trồng chuối, gia đình ông Bùi Đức Lợi đã đào được một tấm bia đá cực kỳ quý báu. Nó quý vì đây là tấm bia đá cổ thời Lê sơ rất hiếm đào được ở Hải Dương. Nó càng quý vì tấm bia đó có ghi rõ là “ Giáo tự đường”  với 20 chữ Hán nữa, có nội dung như sau:

“ Lão tướng Bùi Quốc Hưng ban tặng nhị tôn Bùi Thị Hý, Bùi Khởi, giáo tự đường – Thuận Thiên ngũ niên xuân tạo ( 1432).

Bà Hoàng Hồng Cẩm TS Viện Hán – Nôm đã dịch như sau:

“ Lão tướng Bùi Quốc Hưng ban tặng hai cháu là Bùi Thị Hý và Bùi Khởi ngôi nhà dậy chữ – Mùa xuân năm Thuận Thiên thứ 5 ( 1432).

          Tài liệu vô giá này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về Bùi Quốc Hưng và Bùi Thị Hý, trong đó làm sáng tỏ bản “ Thần tích, thần sắc đình Quang Ánh” có nói về việc Lê Lợi, khi cùng đại quân tiến ra vây hãm thành Đông Quan đã nghỉ và họp bàn mưu đánh địch ngay tại đình làng trang Quang Ánh, cách nhà Bùi Đình Nghĩa không xa, vì đây chính là vùng căn cứ an toàn mà Bùi Quốc Hưng đã cho xây dựng từ lâu. Nó cũng làm sáng tỏ tài liệu “ Tích cổ địa linh Quang Ánh trang” viết vào những năm 30 của thế kỷ 20 mới tìm được ở Quang Ánh là có căn cứ.

Bùi Quốc Hưng có khá nhiều con rể, vì như gia phả họ Bùi ở Cống Khê, ông có tới 17 người con gái. Nhưng có lẽ Đinh Lễ là người con rể được lịch sử ghi lại nhiều nhất. Ông cũng là vị “ Khai quốc công thần thời Lũng Nhai”. Ông đã bị địch bắt cùng với Nguyễn Xí khi hai con voi chiến của hai vị tướng xa lầy ở vùng Hoàng Mai ngày nay. Do bị thương nặng, ông đã anh dũng hy sinh trong tay giặc.

  Ngày nay, nhiều nơi trên đất nước ta có đền thờ Bùi Quốc Hưng, Bùi Bị, Bùi Ban, Đinh Lễ với những chiến công lừng lẫy trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Song chúng tôi vẫn tin rằng, vẫn còn quá nhiều tài liệu và hiện vật của các vị tướng có quan hệ mật thiết với Bùi Quốc Hưng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn vẫn chưa phát lộ. Hy vọng rằng, tới một lúc nào đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho bà con nhiều tài liệu hơn về một dòng họ Bùi gốc Phí, mà mở đầu là vị An Phủ sứ Phí Mạnh, Thủy tổ của dòng họ Bùi gốc Phí này, để chúng ta hiểu rõ hơn một dòng họ cũng có nhiều đóng góp cho lịch sử như các dòng họ khác đang sinh sống trên đất nước ta.

                                                                            Hà Nội 7/2/2009 đến 20/5/2018

0