31/05/2017, 12:34

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 38

Để hiểu và cảm nhận được nét đặc sắc của đoạn trích, cần phải nắm được vị trí của nó trong tác phẩm và phải biết dựng lại bối cảnh của câu chuyện. Phần đầu của đoạn trích, tiếng hò của chú Năm là chi tiết cần đặc biệt lưu ý. Phần sau đoạn trích, không nên bỏ qua nghệ thuật chuyển từ miêu tả các ...

Để hiểu và cảm nhận được nét đặc sắc của đoạn trích, cần phải nắm được vị trí của nó trong tác phẩm và phải biết dựng lại bối cảnh của câu chuyện. Phần đầu của đoạn trích, tiếng hò của chú Năm là chi tiết cần đặc biệt lưu ý. Phần sau đoạn trích, không nên bỏ qua nghệ thuật chuyển từ miêu tả các hiện tượng bên ngoài vào miêu tả tâm lí nhân vật một cách hết sức tự nhiên. Cũng cần nói được cái hay của chi tiết về mùi hoa cam...

Câu 1.

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Dựa vào hiện tượng vật lí, khi một tảng băng trôi trên đại dương, chỉ một phần nổi lên bề mặt, bảy phần chìm khuất, Hê-minh-uê nêu lên nguyên lí "tảng băng trôi”. Lời phát biểu này khẳng định hiệu quả của cách viết ngắn gọn, hàm súc và ưu điểm của nó, ngụ ý chí mạch ngầm văn bản hay các lớp nghĩa chưa được phô bày trực tiếp trong tác phẩm.

Nguyên lí “tảng băng trôi”, theo Hê-minh-uê, được thực hiện khi nhà văn hiểu biết cặn kẽ mọi vấn đề mình muốn tái hiện, rồi loại bỏ hết các chi tiết không cần thiết, chỉ giữ lại những phần cốt lõi và sắp xếp sao đó để khi tiếp xúc với nó, độc giả vẫn có thể hiểu được những gì tác giả bỏ đi, không có trong văn bản. Còn nếu nhà văn bỏ qua các chi tiết mà bản thân anh ta không biết thì sẽ có lỗ hổng trong tác phẩm, độc giả không thể tái hiện được mảng thiếu vắng đó, đấy không phải là lối viết “tảng băng trôi".

Ngôn từ, chi tiết, cốt truyện và thậm chí cả nhân vật... trong tác phẩm của Hê-minh-uê rất cô đọng. Nhiều hình tượng Hê-minh-uê sáng tạo là các hình ảnh tượng trưng với nhiều tầng ý nghĩa. Người đọc, khi tiếp xúc với tác phẩm của Hê-minh-uê, phải vận dụng kinh nghiệm, hiểu biết của mình để tái hiện những ‘‘khoảng trống” tác giá cốtình bỏqua, để hiểu những gì tác giả chưa nói hết đó. Ý nghĩa của truyện vì thế sẽ được mở rộng rất nhiều.

(Ngữ văn 12 Nâng cao, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 152 - 153)

1.   Chủ đề chính của đoạn văn trên là gì?

2.   Đoạn văn được chia thành 3 đoạn nhỏ. Ý lớn của từng đoạn trong đó?

3.   Theo những gì được trình bày trong đoạn văn, hãy nêu một số đặc điểm nổi bật của những tác phẩm được sáng tác theo nguyên lí “tảng băng trôi”.

4.   Cần hiểu như thế nào về các khoảng trống trong một tác phẩm có vận dụng nguyên lí sáng tác “tảng băng trôi”?

Câu 2.

Anh (chị) hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) bàn về sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội ta hiện nay.

Câu 3.

Trình bày cảm nhận của anh (chị) về nét đặc sắc của đoạn trích sau đây:

Trong lúc chị Chiến xuống bếp nấu cơm, Việt đi câu ít con cá về làm bữa cúng má trước khi dời bàn thờ sang nhà chú, còn một mình ở nhà trên, chú Năm lại cất tiếng hò. Không phải giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông, rồi dội lại trên cái ghe heo chèo mướn của chú. Câu hò nổi lên giữa ban ngày, bắt đầu cất lên như một hiệu lệnh dưới ánh nắng chói chang, rồi kéo dài, từng tiếng một vỡ ra, nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội.

Cúng mẹ và com nước xong, mấy chị em, chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai.

Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi đểlội hết đồng này sang bưng khác.

(Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 63)

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  Chủ đề chính của đoạn văn: nói về nguyên lí “tảng băng trôi”, một nguyên lí sáng tác được Hê-minh-uê - nhà văn lớn người Mĩ - đề xuất và thực hành trong những tác phẩm của mình.

2.  Ý lớn của từng đoạn:

-   Đoạn 1: Lí do Hê-minh-uê đề xuất nguyên lí “tảng băng trôi”.

-   Đoạn 2: Cách thực hành lối viết theo nguyên lí “tảng băng trôi” đối với nhà văn.

-   Đoạn 3: Cách tiếp nhận những tác phẩm được viết theo nguyên lí “tảng băng trôi” từ phía độc giả.

3.  Một số đặc điểm nổi bật của những tác phẩm được sáng tác theo nguyên lí “tảng băng trôi”: có cách viết ngắn gọn, hàm súc; có nhiều hình ảnh tượng trưng chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa; có nhiều "khoảng trống” đòi hỏi độc giả phải phát huy tính tích cực cao độ mới tiếp nhận được.

4.  Khoảng trống trong một tác phẩm có vận dụng nguyên lí sáng tác “tảng băng trôi” là cái được nhà văn cố ý tạo ra bằng cách loại bỏ các chi tiết không cần thiết, chỉ giữ lại những phần cốt lõi. Khoảng trống đó luôn kích thích độc giả tái hiện, lấp đầy, nhằm làm lộ ra những tầng nghĩa phong phú của tác phẩm.

Câu 2.

Đây là một vấn đề khá thời sự ở nước ta hiện nay. Để giải quyết thấu đáo, người viết cần có sự hiểu biết về xã hội và nhất là phải có cái nhìn đúng đắn về chuyện giàu nghèo - vấn đề một thời đã từng tồn tại những quan điểm hẹp hòi, cứng nhắc, thu hẹp quyền của cá nhân và kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Phân hoá giàu nghèo là một thực tế đang diễn ra trong xã hội ta hiện nay. Có những người chiếm giữ một khối tài sản khổng lồ. Có những người thiếu thốn, khổ cực, kiếm ăn lần hồi.

-   Giàu nghèo do khả năng, vận hạn của mỗi người. Người có tài, biết sản xuất kinh doanh, thu lợi nhuận là làm giàu chính đáng. Ở nước ta có những người nổi tiếng như Phạm Nhật Vượng, Đoàn Nguyên Đức, Trương Gia Bình, Đặng Lê Nguyên Vũ, Đặng Thành Tâm... Đó là những doanh nhân thành đạt, thực sự là những “người hùng” trong thời đại ngày nay. Ngược lại, cũng không hiếm người thiếu năng lực, tật nguyền, không có khả năng lao động. Họ chịu cảnh nghèo khổ, thiếu thốn cũng là lẽ tự nhiên... Đó là những số phận đáng thương. Lại có những kẻ lười biếng, vô công rồi nghề, chỉ thích hưởng thụ, “có đồng nào xào đồng ấy” như cách nói của dân gian. Những kẻ như thế, không nghèo sao được?

-   Trong xã hội ta ngày nay cũng không hiếm kẻ làm giàu bất chính. Để giàu có, có người không ngại lao vào hoạt động phi pháp như buôn bán ma tuý, kinh doanh trái phép, tham nhũng đục khoét tài sản của'nhà nước và nhân dân... Báo chí, truyền thông hằng ngày phanh phui không ít vụ việc khiến ta phải giật mình.

-   Giàu có thì đương nhiên có quyền hưởng thụ vật chất sung sướng. Có những đại gia xây biệt thự hàng trăm tỉ. Không ai cấm người giàu làm những điều ấy, vì đó là đồng tiền do chính họ làm ra. Tuy nhiên, cách tiêu tiền cũng phải có văn hoá. Giàu có cần đi với sang trọng. Hiện tượng “trọc phú” không hiếm trong giới lắm tiền nhiều của hiện nay ở nước ta.

-    Người giàu cũng cần có trách nhiệm với người nghèo. Đúng là pháp luật không có điều khoản nào quy định việc này, nhưng về lương tâm, đạo lí, người giàu nên biết san sẻ của cải vật chất cho người nghèo khổ trong cộng đồng. Bill Gates, một tỉ phú người Mĩ, người đã chi hàng tỉ đô la để thành lập quỹ chống bệnh AIDS cho những người dân châu Phi nghèo khó thực sự là một tấm gương đáng trân trọng. Ở nước ta, bên cạnh những người thích hưởng thụ xa hoa, cũng có không ít người vừa giàu có của cải vật chất vừa giàu tình nhân ái. Nhờ họ, nhiều mái ấm tình thương đã mọc lên, nhiều em nhỏ cơ nhỡ được nuôi dạy, nhiều người già cả không nơi nương tựa được phụng dưỡng.

-    Sự giàu có là điều ai cũng mong muốn. Xã hội ta đang khuyến khích công dân làm giàu chính đáng. Trên bước đường lập nghiệp trong tương lai, mỗi học sinh cần học cách làm giàu, đồng thòi cũng phải học cách chi tiêu một cách hợp lí.

Câu 3.

Khi làm bài, không nên gán cho các hình ảnh, chi tiết những “ý nghĩa” quá rõ ràng, thuần lí. Sự thực, các hình ảnh, chi tiết trong đoạn trích đã hoàn toàn vượt lên tính chất minh hoạ đơn giản để đạt tới sức ám ảnh đích thực của nghệ thuật.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi là một truyện ngắn đậm chất tiểu thuyết. Hiện thực được miêu tả trong tác phẩm bề bộn, phức tạp và sống động. Các nhân vật đã sống tận cùng bản chất riêng tư của chính mình. Tính cách của họ không bị bào gọt đi cho phù hợp với ý đồ chủ quan của nhà văn, mà phát triển một cách tự nhiên và hợp logic, nói được với ta nhiều điều có ý nghĩa về cuộc đời. Trong truyện có nhiều chi tiết rất đắt vừa diễn tả được cái “góc cạnh’’ của hiện thực chiến đấu khốc liệt, vừa chứa đựng những tầng nghĩa thâm trầm khiến độc giả tiếp xúc một lần cũng không thể nào quên. Một trong những chi tiết thuộc loại đó là chi tiết hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ má đi gửi trước ngày lên đường nhập ngũ. Nó được kể lại trong đoạn văn rất giản di, cô đọng, từ “Trong lúc chị Chiến...” tới "... lội hết đồng này sang bưng khác”.

-   Đọc cả truyện ngắn, chúng ta đã biết Chiến và Việt là hai chị em trong một gia đình có mối thù sâu sắc với quân giặc. Cả ba và má họ đều đã bị chúng giết chết. Hai chị em sống nương tựa vào nhau và được chú Năm đùm bọc, dạy dỗ. Họ đã xin nhập ngũ cùng một ngày. Trước khi lên đường, họ gửi đứa em nhỏ và bàn thờ má sang nhà chú.

-   Là một nhà văn có trực giác nghệ thuật hết sức nhạy bén, tác giả đã không quên tạo một điểm nhấn với chi tiết “khiêng bàn thờ”, khiến tác phẩm đạt tới chiều sâu đáng kể. Người đọc có thể ngạc nhiên: làm sao nhà văn lại có thể chớp bắt được chi tiết hiếm, quý đó trong hiện thực để rồi biến nó thành một tín hiệu nghệ thuật sáng giá? Có thể giải thích bằng lí do tài năng và vốn sống. Chính những yếu tố ấy cho phép tác giả nhìn ra những mối liên hệ sâu xa giữa các sự vật ẩn dưới một số hiện tượng có vẻ ngẫu nhiên, rồi từ đó “bắt” người đọc nhận thức lại những “câu chuyện vặt vãnh’’ thường bị họ bỏ qua một cách phí hoài.

-   Trước khi trực tiếp tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ, nhà văn đã nhắc tới một cách có dụng ý tiếng hò của chú Năm. Đây không phải là một âm thanh vô tình. Một cách hết sức tự nhiên, nó “dự báo” ý nghĩa của hành động sẽ được kể đến ở sau. Chắc chắn tiếng hò phải bao hàm một “thông tin” gì thật đặc biệt mà chú Năm (hay đúng hơn là tác giả) muốn ta lưu ý. Không phải ngẫu nhiên mà tiếng hò lại được miêu tả kĩ như thế, từ cao độ, trường độ đến tiết tấu, âm sắc và hình như cả nội dung hàm chứa. Đây không phải là “giọng hò trong trẻo trong đêm bay ra hai bên bờ sông” chỉ có tác dụng gợi lên một nét riêng của phong cảnh. Đây là "lời thề dữ dội”, lời “nhắn nhủ, tha thiết” khiến người nghe không thể yên được. “Ánh nắng chói chang” giữa ban ngày đã tước bỏ đi sự mượt mà không cần thiết để tất cả phơi lộ ra mật bản chất nhất của chúng, theo một kiểu đầy kích thích: “nổi lên”, “cất lên như một hiệu lệnh”, “kéo dài”, “vỡ ra”, “ngắt lại”... Chỉ tả tiếng hò mà nhà văn đã làm dấy lên trong lòng người đọc bao dự cảm về hiện thực. Câu văn càng cố viết bằng giọng khô, đanh, lại càng có sức đập mạnh vào tri giác, cảm giác của người đọc.

-    Với một tâm thế tiếp nhận đã được chuẩn bị trước ít nhiều (nhờ tiếng hò rất lạ của chú Năm), độc giả bỗng “vỡ ra” được nhiều ý nghĩa từ cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ đi gửi. Bàn thờ là vật thiêng liêng trong mỗi gia đình. Việc thay đổi vị trí của nó cũng như việc bày biện không thể tiến hành một cách tuỳ tiện như đối với các đồ vật khác. Chúng bao giờ cũng phải xuất phát từ những lí do đặc biệt. Việc chị em Chiến, Việt đem gửi bàn thờ sang nhà chú nói lên rất rõ quyết tâm của hai chị em: lên đường đánh giặc để trả thù cho ba má. Thông thường, bỏ mặc bàn thờ là có tội. Nhưng hành động của Chiến, Việt chắc sẽ được vong linh người chết đồng tình, bởi họ ra đi là vì người đã nằm xuống, và trước khi đi, họ đã không quên gửi gắm, khấn nguyện một cách chân thành. với chiếc bàn thờ trên vai, hình như cả Chiến lẫn Việt đều thấy mình gần với má hơn bao giờ hết. Nỗi lòng, tâm sự, lí do lên đường của họ được dịp bộc lộ một cách tự nhiên: “Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập con lại đưa má về”. Nguyễn Thi khéo chuyển mạch văn từ miêu tả những hiện tượng bên ngoài đến miêu tả thế giới bên trong của nhân vật. Mọi chi tiết đưa ra đều súc tích, cùng một lúc nói được nhiều điều. Khi tả “bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng” và tư thế khiêng bàn thờ gọn ghẽ của chị Chiến, tác giả đâu phải chỉ dừng lại ở việc kể câu chuyện đã xảy ra lúc đó. Ông muốn ta hãy lưu ý tới tính xốc vác như một biểu hiện rất cơ bản của tính cách nhân vật. Rồi khi nói tới tiếng chân “bịch bịch” của chị Chiến là khi nhà văn tạo cho độc giả cơ hội nhìn sâu hơn vào nội tâm của Việt, và men theo dòng chảy nội tâm ấy mà hiểu ra tất cả ý nghĩa của sự việc đang diễn tiến: “Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai”. Triết lí trong lời nói thầm của nhân vật đã đến một cách tự nhiên, bất ngờ, hình như nằm ngoài chủ định. Đây chính là chỗ bộc lộ cái sâu sắc trong văn Nguyễn Thi: tính triết lí tự bật lên từ những tương quan mang tính bản chất nhất, cốt lõi nhất. Từ đây, người đọc càng ngẫm ra ý nghĩa khái quát, điển hình của chi tiết khiêng bàn thờ đi gửi: đó chính là cuộc chiến đấu của chúng ta - một cuộc chiến đấu có căm thù nhưng cũng có yêu thương; có sự quyết tâm nhưng cũng có sự thanh thản, nhẹ nhõm; có yếu tố hành động nhưng cũng có yếu tố tâm linh... Trong văn học chống Mĩ, tìm được một chi tiết thật “tiểu thuyết’’, thật cô đọng, nén chặt nhiều ý nghĩa như thế không phải dễ. Điều đó càng chứng tỏ tài năng xuất sắc của cây bút hiện thực nghiêm ngặt Nguyễn Thi.

-   Ở cuối đoạn văn có một làn hương lạ xuất hiện: “Hai chị em khiêng má băng tắt qua dãy đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác”. Làn hương ấy nói lên chất trữ tình kín đáo mà sâu xa của văn Nguyễn Thi. Nó được nhắc đến cứ như không mà đầy dụng ý, và ngược lại, có dụng ý mà vẫn hồn nhiên như chính cuộc đời. Nếu ai đó cứ cố tình “khám phá” và gán ghép ý nghĩa này, ý nghĩa nọ rất mực cụ thể cho chi tiết đó, chắc chắn làn hương kia sẽ mất. Có lẽ chỉ nên hiểu rằng trong sáng tác của mình, Nguyễn Thi không bao giờ “trữ tình” một cách dễ dãi. Nếu có thì đó không phải là “trữ tình” của nhà văn mà là của chính cuộc sống dữ dằn, thô tháp nhưng không thiếu chất thơ này. Chính nó đã đưa lại cho người đọc những thoáng rung động cần thiết để sống và trụ vững giữa thời khốc liệt lúc bấy giờ.

 

-   Đọc Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, ta có dịp hiểu sâu thêm thế nào là một hình tượng nghệ thuật, một chi tiết nghệ thuật đích thực. Chúng đi vào lòng người thật dễ dàng nhưng đã để lại biết bao ám ảnh, suy nghĩ và bâng khuâng.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0