31/05/2017, 12:33

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 32

Toàn bộ hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ với sự đối lập giữa những sự vật bé nhỏ, cô độc, lạc loài với không gian vắng lặng, vô tận, lạnh lẽo chính là hình ảnh ẩn dụ, phản chiếu tâm trạng của nhà thơ, một con người cô độc, yếu đuối và lạc loài giữa thế gian mênh mông không có tình người, xa lạ và ...

Toàn bộ hình ảnh thiên nhiên trong bài thơ với sự đối lập giữa những sự vật bé nhỏ, cô độc, lạc loài với không gian vắng lặng, vô tận, lạnh lẽo chính là hình ảnh ẩn dụ, phản chiếu tâm trạng của nhà thơ, một con người cô độc, yếu đuối và lạc loài giữa thế gian mênh mông không có tình người, xa lạ và lạnh lẽo. Đó chính là một thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng

Câu 1.

Với tất cả những gì để lại, nền văn hoá Đông Sơn cho phép hình dung khá rõ cuộc sống của con người thời đó, cách đây đã hơn 2500 năm, mặc dù đối với khoa học lịch sử không thể nào chỉ là nhìn những hình ảnh trên di vật mà cần những bằng chứng khảo cổ học.

Tuy nhiên, đời sống thường nhật không phải cái gì cũng tồn tại được, chúng may mắn nếu được ghi chép bằng sử sách hoặc vẽ nặn lại bằng điêu khắc và hội hoạ. Một con thuyền được sử dụng làm mộ táng với bộ xương người và các đồ vật mang theo là chứng cứ rất quan trọng có tính thực tế, nhưng hình ảnh những con thuyền khắc trên trống đồng cũng quan trọng không kém và cho thấy nhiều mặt hơn con thuyền có thật. Song nếu nghệ thuật mang tính khoa trương và cách điệu thì sự đoán định sẽ không chính xác. May mắn thay, thời Đông Sơn, người ta chưa nghĩ đến một thứ nghệ thuật thuần tuý bay bổng đến như vậy, nó gắn với tôn giáo và gắn với quan niệm tâm linh đưong thời, yếu tố gì không có thực thì chính là đời sống huyền thoại sinh, ra từ văn minh Đông Son mà thôi.

(Dẫn theo Nguyễn Anh Tuấn, Cuộc đời của con người Đông Sơn, http://www.tiasang.com.vn, ngày 13 - 8 - 2005)

1.   Xác định những ý chính của đoạn văn trên.

2.   Đoạn văn trên thuộc loại hình phong cách ngôn ngữ nào? Phân tích những biểu hiện của loại hình phong cách ngôn ngữ đó.

3.   Hãy viết một đoạn văn nêu suy nghĩ của anh (chị) về vai trò của bảo tàng trong cuộc sống con người ngày nay.

Câu 2.

Đừng bao giờ ném bùn vào người khác. Bạn có thể ném trượt nhưng tay bạn chắc chắn bị bẩn.

Viết bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về câu nói trên.

Câu 3.

Nêu cảm nhận về thiên nhiên trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1. Những ý chính của đoạn văn:

-   Những di tích của văn hoá Đông Sơn cho phép hình dung về cuộc sống của người cổ cách đây hơn 2500 năm.

-   Bên cạnh những bằng chứng khảo cổ, những bằng chứng thuộc về nghệ thuật của thời Đông Sơn cũng rất có giá trị trong việc giúp ta hiểu được cuộc sống của người xưa.

-   Giải thích vai trò của nghệ thuật Đông Sơn trong việc giúp ta hiểu được cuộc sống của người xưa.

2.  - Đoạn văn bản thuộc loại hình phong cách ngôn ngữ khoa học.

-   Những biểu hiện của phong cách ngôn ngữ khoa học trong đoạn văn:

+ Đề cập đến một vấn đề thuộc về khoa học lịch sử: làm thế nào để hiểu được cuộc sống của người xưa sống cách ta 2500 năm qua những dấu tích khảo cổ.

+ Sử dụng lớp từ khoa học (nền văn hoá Đông Sơn, di vật, khoa học lịch sử, mộ táng, tâm linh, nghệ thuật thuần tuý...).

+ Những luận điểm đưa ra đều có sự giải thích mạch lạc.

3.  Đoạn văn cần thể hiện được quan điểm cá nhân một cách nghiêm túc, cụ thể về vấn đề tìm hiểu cuộc spng của người xưa, về vai trò của bảo tàng trong việc giúp ta hiểu cuộc sống của người xưa và về cách trưng bày trong bảo tàng.

Câu 2.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Giải thích ý kiến:

+ Câu nói trên dùng một hình ảnh so sánh: bùn. Bùn có thể hiểu là những điều xấu. Khi ta định làm những điều xấu với người khác, chưa chắc ý định đó đã thành công nhưng gần như chắc chắn là ta sẽ bị vấy bẩn bởi chính những điều xấu đó.

+ Nội dung của ý kiến: khuyên con người ta không nên có ý định làm điều xấu với người khác, dù là với bất cứ lí do gì.

-   Bàn luận về ý kiến:

+ Có nhiều hình thức biểu hiện khác nhau của những hành động xấu, từ lời nói đến hành động. Nhưng tất cả đều giống nhau ở chỗ đó là những hành động không đúng đắn nếu xét theo những tiêu chuẩn đạo đức hoặc những tiêu chuẩn về luật pháp.

+ Việc chúng ta muốn “ném bùn” vào người khác có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể có những lí do chính đáng, khi chính kẻ khác có những hành động xấu với ta, gây cho ta sự căm phẫn, uất ức, muốn trả thù nhưng cũng có thể xuất phát từ những động cơ không chính đáng, từ sự nhỏ nhen, từ những ý nghĩ xấu của chính chúng ta.

+ Dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì khi ta có một hành động xấu thì chính ta cũng đang là một kẻ xấu. Khi đó, ta sẽ phải chịu sự day dứt với lương tâm của chính chúng ta, bị những người xung quanh đánh giá không tốt hoặc thậm chí, có thể bị trừng phạt trước pháp luật.

-   Bài học nhận thức và hành động: Không bao giờ nên làm điều xấu có hại cho người khác. Con người sống phải chấp hành những chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Dù với lí do gì cũng phải hành động đúng với những chuẩn mực đó, nếu không, chính chúng ta sẽ bị vấy bẩn và bị trừng phạt.

Câu 3.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Vài nét về tác giả, tác phẩm:

+ Giống như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận là một trong những thi sĩ hàng đầu của phong trào Thơ mới. Thơ Huy Cận thể hiện những suy tư của con người khi đối diện trời đất và vũ trụ, trước hữu hạn của kiếp người. Trong những năm ngay cận kề Cách mạng tháng Tám, thơ Huy Cận còn ngả sang màu sắc tôn giáo với những triết lí siêu hình. Tuy nhiên, sau năm 1945, ông là một gương mặt quan trọng của thơ ca cách mạng.

+ Tràng giang là một trong những bài thơ tiêu biểu cho tập Lửa thiêng, tập thơ có thể coi là đầu tay của Huy Cận. Bài thơ ghi lại cảm xúc của một con người trước sông nước mênh mông. Giống như một bức tranh cổ, Tràng giang gần như chỉ có thiên nhiên, hình ảnh của con người như chìm khuất trong thiên nhiên.

+ Bài thơ gồm bốn khổ thơ, mỗi khổ thơ giống như một bài tứ tuyệt Đường luật và cũng có thể coi mỗi khổ thơ như một bức tranh thiên nhiên độc lập nhưng vẫn nối kết chung trong mạch nội dung của toàn bài. Có một thủ pháp xuyên suốt toàn bộ bài thơ, đó là sự đối lập, tương phản giữa cái nền không gian sông nước mênh mông và những sự vật bé nhỏ, cô độc, lạc loài giữa không gian sông nước.

-   Cái mênh mông của không gian sông nước và bầu trời:

+ Cái mênh mông vô tận của không gian Tràng giang được thể hiên ngay từ tiêu đề của bài thơ, “tràng giang” với hai âm “ang”, mở, vang, gợi cảm giác về một không giang mênh mông.

+ Cái mênh mông vô tận được thể hiện trong câu đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”.

+ Không gian của Tràng giang là một không gian mở rộng ra mọi hướng đến vô tận.

• Ngay từ khổ thơ đầu, sự mở rộng của không gian có thể cảm nhận qua hình ảnh của những lớp sóng và hình ảnh của mặt sông. Những lớp sóng nối tiếp nhau lan toả. Mặt sông như mở rộng ra đến vô tận. Trong mỗi hình ảnh thơ, nỗi buồn, “sầu” thấm vào không gian, vào từng lớp sóng của dòng sông.

• Khổ thơ thứ hai có sự mở rộng của không gian. Không chỉ là dòng sông mà còn là tròi rộng. Chỉ trong hai câu thơ mà nhà thơ dùng một loạt động từ (xuống, lên), tính từ (dài, rộng) và những kết hợp từ đặc biệt (sâu chót vót - chỉ một cái gì vừa cao, vừa sâu) thể hiện các chiều của không gian.

+ Một không gian câm lặng, lạnh lẽo không có bóng dáng con người, không có biểu hiện của sự sống con người, của niềm thân mật.

• Sự vắng lặng được thể hiện trong câu thơ đầy cảm giác bâng khuâng: Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều. Đâu có thể hiểu là đâu đây, đâu đó, từ một nơi không xác định nào vọng lại mà cũng có thể hiểu là đâu rồi, chỉ sự kiện tìm mà không thấy. Hiểu theo cách nào thì câu thơ cũng gợi ra một cái gì vắng lặng. Âm thanh hoặc thoảng qua, hoặc như không có.

• Những câu thơ được viết với sự phủ định, phủ định tất cả những gì thuộc về con người, những gì gợi niềm thân mật và kết thúc chỉ là bờ xanh tiếp bãi vàng. Những câu thơ ấy ẩn chứa tâm trạng của nhà thơ: tâm trạng tìm kiếm một cái gì thân mật giữa con người mà không thể tìm thấy, chỉ có không gian, bờ bãi lạnh lùng.

-   Đối lập với cái mênh mông vô tận là những sự vật cô độc, bé nhỏ, lạc loài:

+ Hình ảnh con thuyền xuôi mái, trôi đi theo dòng nước và cũng xa khuất dần.

+ Hình ảnh cành củi, vốn đã là một cành cây chết, lại thêm từ “khô” như cạn kiệt sức sống, lạc giữa mấy dòng, không biết sẽ bị cuốn về đâu.

+ Hình ảnh cồn nhỏ, bến cô liêu vừa đơn độc, buồn bã.

+ Hình ảnh bèo từng hàng, nối nhau, bị dòng nước cuốn đi, trôi về nơi vô định.

+ Hình ảnh cánh chim bé nhỏ, cô độc nhơ trĩu nặng đến mức phải nghiêng cánh trước sức nặng của bóng chiều.

 

-   .

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo
0