31/05/2017, 12:33

Nêu và phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân.

Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Càng hiện thực bao nhiêu thì lòng nhân đạo lại càng được thể hiện cụ thể bấy nhiêu, và ngược lại, càng nhân đạo bao nhiêu thì cái nhìn về hiện thực càng trở nên tỉnh táo và sắc sảo bấy nhiêu. - Giá trị ...

Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm Vợ nhặt gắn bó chặt chẽ với nhau. Càng hiện thực bao nhiêu thì lòng nhân đạo lại càng được thể hiện cụ thể bấy nhiêu, và ngược lại, càng nhân đạo bao nhiêu thì cái nhìn về hiện thực càng trở nên tỉnh táo và sắc sảo bấy nhiêu.

-   Giá trị hiện thực:

+ Giá trị hiện thực là một trong những giá trị cơ bản của tác phẩm văn học được tạo nên nhờ vào khả năng phản ánh, khái quát hiện thực cuộc sống của nhà văn. Để khám phá giá trị hiện thực của tác phẩm, người ta thường đặt ra và trả lời các câu hỏi: Truyện miêu tả mảng đời sống nào? Truyện cho ta biết được điều gì về bản chất xã hội, về cuộc sống của con người trong xã hội ấy?...

+ Đọc truyện ngắn Vợ nhặt, ta bắt gặp rất nhiều chi tiết trực tiếp nói về nạn đói năm 1945 - nạn đói đã cướp đi của nước ta một phần mười dân số. Bàn tay của thần chết lúc này vươn toả đi khắp nơi, luồn sâu vào mọi ngõ ngách, đánh gục vô số sinh mệnh sau khi đã xua đuổi họ dạt đi tứ phía: “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường". Nhà văn không chỉ tả “màu” của nạn đói mà còn đưa ra những chi tiết thể hiện sự nhận biết về nó bằng khứu giác: “Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. “Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt”. Còn đây là ghi nhận của thính giác về một thứ âm thanh kinh rợn đặc trưng của chết chóc: “Tiếng quạ trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Bằng các chi tiết rất điển hình như trên, tác giả đã giúp ta có được một cảm nhận rất cụ thể bằng tất cả giác quan của mình về cái đại hoạ mà bọn thực dân, phát xít gây nên cho người dân Việt Nam.

Người chết đã đi tới chỗ tột cùng bi thảm của số phận mình. Còn người sống thì sao? Hình như họ cũng đang đứng bên bờ vực của cái chết. Trước đây lũ trẻ xóm ngụ cư cứ đợi Tràng về mỗi chiều là bám lấy anh “reo cười váng lên”. Bây giờ thì chúng không buồn ra đón Tràng nữa mà “ngồi ủ rũ dưới những xó đường”. Chẳng qua chúng đói quá không còn hơi sức mà đùa nghịch nửa đó thôi. Trẻ con đã thế thì hiển nhiên vẻ mặt của người lớn là “hốc hác u tối”, âu lo. Một sự im lặng nặng nề bao trùm lên cuộc sống của xóm ngụ cư. Đi kèm với sự nín lặng là những tiếng thở dài. Thì các nhân vật còn biết làm gì hơn trước “tao đoạn", trước “giời đất này” nữa! Đúng là một thời buổi khốn cùng đã tước đi của con người niềm hi vọng sống, đã biến con người thành một thứ cỏ rác vô giá trị, thành “của nợ đời”. Cứ xem tình cảnh của người “vợ nhặt” thì sẽ rõ. Gập Tràng, chị như người chết đuối vớ được cọc, cứ bám theo anh không còn kể gì ý thức về tự trọng. Xét theo góc độ đang đề cập, đây là một chi tiết hiện thực đến tàn nhẫn. Cũng cay đắng chẳng kém là chi tiết kể về bữa liên hoan mừng dâu mới ở cuối truyện. Dù lúc đó “khối nhà còn chả có cám mà ăn” nhưng nồi cháo cám thì vẫn cứ là nồi cháo cám - đó đâu phải là thức ăn của con người!

Nhưng theo đúng một quy luật ở đời, “cùng” thì tất “biến”. Hiện thực những năm trước Cách mạng tháng Tám không phải chỉ có một màu xám xịt mà còn có những nét sáng tươi. Do viết Vợ nhặt sau Cách mạng, Kim Lân đã có thể nói tới những biến đổi cách mạng trong đời sống xã hội do Đảng Cộng sản đưa lại. Chi tiết về lá cờ đỏ sao vàng dù chỉ xuất hiện thoáng qua ở cuối tác phẩm cũng có tác dụng đưa đến cho người đọc một ấn tượng hoàn chỉnh hơn về bộ mặt xã hội Việt Nam đêm trước cuộc Tổng khởi nghĩa năm 1945.

-   Giá trị nhân đạo:

+ Giá trị nhân đạo là một trong những giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính, được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng hướng tới những điều tốt đẹp.

+ Đọc Vợ nhặt ta luôn cảm nhận được nhịp đập thổn thức của trái tim nhà văn đằng sau các sự kiện đã trình bày. Dưới ngòi bút của Kim Lân, chỉ một “con đường khảng khiu luồn qua cái xóm chợ” cũng hiện lên với dáng vẻ thân thuộc. Khi tả người, đặc biệt là đám trẻ con, nhà văn càng tỏ rõ thái độ trìu mến và thương cảm. Còn ở đoạn văn nói về tâm trạng của bà con xóm chợ khi thấy bóng một người đàn bà lẽo đẽo theo sau Tràng, ta đọc thấy biết bao cảm xúc bồi hồi. Phải thương, phải hiểu những người dân nghèo lắm mới có thể viết được những dòng nhân hậu và ấm áp dường ấy.

+ Điều cơ bản quyết định giá trị nhân đạo của truyện Vợ nhặt liên quan tới cách nhà văn miêu tả các số phận cụ thể. Đó là Tràng, người “vợ nhặt” và bà cụ Tứ.

. Với Tràng, Kim Lân không muốn biến anh ta thành nhân vật biếm hoạ. Giống như Nam Cao ngày trước, bằng đôi mắt tình thương, ông nhận thấy ở Tràng có một cái gì đó thật đáng trọng. Tràng cũng biết thương người đói khát, chấp nhận để người ta đi theo mình một cách liều lĩnh, biết mơ ước hạnh phúc dù hoàn cảnh hết sức bi đát, nhận thức chín chắn hơn về cuộc sống khi đã có vợ... Tràng là nhân vật có thể đem tới cho độc giả niềm tin về khát vọng sống bền bỉ của con người.

. Với người “vợ nhặt”, ban đầu, Kim Lân đã miêu tả những nét tưởng rất xấu xa, và cứ ngỡ nhà văn đang chế giễu những nét "ngợm” ở con người. Nhưng thực ra, ông hiểu sâu sắc rằng, chính cái đói do bọn thực dân, phát xít gây ra đã đẩy con người tới cảnh phải đánh rơi nhân phẩm. Ông rất tinh tế và nhân hậu khi miêu tả những thay đổi của người “vợ nhặt” kể từ khi cất bước theo Tràng cũng như biểu hiện của chị khi đã về nhà chồng. Qua nhân vật này, Kim Lân đáng được xem là một nhà nhân đạo chủ nghĩa luôn tin vào phẩm chất tốt đẹp và bản năng sống mạnh mẽ của con người.

Ở nhân vật bà cụ Tứ, tư tưởng nhân đạo của ngòi bút Kim Lân lại được biểu hiện ở một khía cạnh mới. Qua nhân vật này, ông muốn biểu dương những vẻ đẹp điển hình của một người mẹ Việt Nam: nhân hậu, yêu thương, lo toan, cả nghĩ. Trước sự kiện Tràng “nhặt” vợ về, trong bà dấy lên một niềm thương xót: thương xót cho số kiếp đứa con trai thua thiệt, thương xót cho người đàn bà vi cùng đường mà trở thành con dâu của mình. Bà còn cảm thấy day dứt vì không làm tròn bổn phận người mẹ. Thái độ của bà đối với con dâu có biết bao sự gượng nhẹ, thân tình, biểu thị niềm cảm thông vô hạn của người trải đời và hiểu người. Có lẽ nhờ thái độ đó mà niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của vợ chồng Tràng càng có thêm dư vị, dù giữa lúc bóng đen của cái đói, của sự chết chóc đang bủa vây quanh họ. Rõ ràng, hoàn cảnh bi đát không thể huỷ diệt được tình người mà chỉ càng làm sáng lên vẻ đẹp của nó.

Do thấm nhuần tư tưởng nhân đạo cách mạng, Kim Lân đã rất chú trọng miêu tả niềm tin của các nhân vật về một tương lai tươi sáng. Thật tự nhiên khi ta thấy bà cụ Tứ bàn định với các con về những chuyện sắp tới, nào chuyện kiếm nứa đan phên để ngăn buồng, nào chuyện mua đôi gà để chúng sinh sôi nảy nở... Quả không có gì có thể ngăn trở được con người vun đắp cho tổ ấm của mình. Đối diện với cái chết, sự sống vẫn kiên trì vươn lên và khẳng định sức mạnh của nó. Cuộc đổi đời tuy còn chưa tới, nhưng tín hiệu của nó thì đã xuất hiện với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng. Truyện tuy kết thúc ở sự nghĩ ngợi bần thần của Tràng, nhưng độc giả thì tin rằng, những điều

Tràng mơ ước hôm nay, một mai sẽ trở thành hiện thực. Như những tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhân đạo khác, truyện Vợ nhặt đã thật sự đem tới cho người đọc niềm lạc quan về cuộc sống.

-  

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0