31/05/2017, 12:33

Bộ đề chuẩn bị kì thi trung học phổ thông Quốc Gia môn Văn 2015 số 36

Để khắc phục tình trạng nói trên, cần xây dựng một hệ thống giáo dục đạo đức cho thanh niên, từ gia đình đến nhà trường để nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của thanh niên. Đồng thời, cần tạo môi trường lành mạnh để thanh niên có thể dùng kiến thức đóng góp tốt nhất cho xã hội. Mặt khác, mỗi thanh ...

Để khắc phục tình trạng nói trên, cần xây dựng một hệ thống giáo dục đạo đức cho thanh niên, từ gia đình đến nhà trường để nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội của thanh niên. Đồng thời, cần tạo môi trường lành mạnh để thanh niên có thể dùng kiến thức đóng góp tốt nhất cho xã hội. Mặt khác, mỗi thanh niên cũng phải tự tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao ý thức về trách nhiệm xã hội của mình.

Câu 1.

1.   Phát hiện các lỗi trong đoạn văn sau đây và chữa lại:

Phê bình văn học là một góc của văn học. Có chức năng phẩm bình, khen chê và lí giải các hiện tượng văn học như người viết, cuốn sách, khuynh hướng, trào lưu văn học. Do đó, phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học. Nó thể hiện trình độ ý thức của một nền văn học. Phê bình văn học phải dựa trên cơ sở những cảm thụ, tinh tế, phong phú trước các giá trị văn vẻ.

2.   Phân tích giá trị của các biện pháp tu từ trong các đoạn văn sau:

a)   Giống như Đác-uyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: cái sự thật đơn giản nhưng đã bị tầng tầng lớp lớp các tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay, đó là con người trước hết cần phải có cái ăn cái uống, quần áo và chỗ ở, rồi sau đó mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo,...

(Ăng-ghen, Ba cống hiến vĩ đại của Các Mác)

b)  Hắn không làm như thường lệ. Hắn không mào đầu gì cả; hắn không chìa tờ trát truy nã ra. Hắn coi Giăng Van-giăng như một địch thủ bí hiểm và không sao bắt được, một đô vật lạ lùng hắn ôm ghì đã năm năm mà không thể nào quật ngã.

(Vích-to Huy-gô, Những người khốn khổ)

Câu 2.

Năm 2014, trong số 6 công dân trẻ tiêu biểu do Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh công bố có bạn Lê Yên Thanh, một sinh viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Thanh đã đoạt trên 10 giải thưởng về công nghệ thông tin trong và ngoài nước, đặc biệt, đã đoạt giải “Quả cầu vàng” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học - Công nghệ trao tặng năm 2013. Trong số những công trình mà Thanh thực hiện, có công trình nổi bật là “Bảo tàng, tương tác thông minh" dùng công nghệ thông tin cải tiến việc trưng bày tại các bảo tàng, khiến bảo tàng thân thiện và hấp dẫn công chúng hơn.

Từ trường hợp của Lê Yên Thanh và phần mềm “Bảo tàng tương tác thông minh”, hãy viết bài văn ngắn (khoảng 600 từ), nêu suy nghĩ của anh (chị) về việc sử dụng tri thức đóng góp cho xã hội của thanh niên ngày nay.

Câu 3.

Có ý kiến cho rằng Tràng giang là một bài thơ đậm chất cổ điển nhưng cũng có ý kiến cho rằng Tràng giang là một bài thơ hiện đại. Bằng hiểu biết của anh (chị) về bài thơ, hãy bàn luận về hai ý kiến trên.

Hướng dẫn làm bài

Câu 1.

1.  Đoạn văn bản mắc các lỗi về từ vựng (một góc, khen chê, cuốn sách...) và lỗi về ngữ pháp (ngắt câu sai). Chữa lại:

Phê bình văn học là một bộ phận của văn học. Phê bình văn học có chức năng phẩm bình, đánh giá và lí giải các hiện tượng văn học như tác giả, tác phẩm, khuynh hướng, trào lưu vãn học. Do đó, phê bình văn học là sự tự nhận thức của văn học. Nó thể hiện trình độ ý thức của một nền văn học. Phê bình văn học phải dựa trên cơ sở những cảm thụ tinh tế, phong phú trước các giá trị văn chương.

2.  a) - Sử dụng phép so sánh, so sánh Mác và Đác-uyn để thấy được vai trò của Mác trong triết học cũng quan trọng như vai trò của Đác-uyn trong khoa học tự nhiên, họ đều là những người làm thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của nhân loại.

-   Sử dụng phép tu từ ẩn dụ: các tầng lóp áp bức che giấu “sự thật đơn giản” như đang "phủ kín” các “sự thật đơn giản” đó.

b) Sử dụng phép tu từ ẩn dụ: cuộc đuổi bắt Giăng Van-giăng giống như một cuộc đấu vật, Giăng Van-giăng giống như đô vật đối thủ.

Câu 2.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

-   Nêu suy nghĩ về hiện tượng Lê Yên Thanh: Đây là một tấm gương trong việc theo đuổi một lĩnh vực công nghệ hiện đại, mũi nhọn của nhân loại, một lĩnh vực mà xã hội hiện đại có nhu cầu rất cao. Tuy vậy, điều đáng khâm phục là Lê Yên Thanh đã biết sử dụng công nghệ thông tin vào những công việc có ích cho xã hội, đặc biệt là sử dụng để nâng cao chất lượng của các bảo tàng, góp phần làm cho con người ngày nay yêu lịch sử, yêu quá khứ. Việc làm của Lê Yên Thanh cho thấy bằng kiến thức, người thanh niên ngày nay có thể tham gia vào một lĩnh vực tưởng như chỉ dành cho “người già”, một lĩnh vực tưởng như là cũ.

-   Suy nghĩ về việc sử dụng tri thức đóng góp cho xã hội của thanh niên hiện nay:

+ Thanh niên là lớp người trẻ, nhanh nhạy với cái mới, có trí tuệ và sức trẻ nên chính là lớp người nắm bắt tốt nhất những thành tựu của khoa học và công nghệ, nắm bắt những xu thế hiện đại của thế giới. Tuy vậy, bên cạnh những người biết sử dụng tri thức đóng góp cho xã hội, có không ít người chưa biết sử dụng một cách có ích tri thức hoặc chỉ biết dùng tri thức để làm giàu cho riêng mình, thậm chí có những hành vi phạm pháp.

+ Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên: từ sự lan tràn của lối sống cá nhân, hưởng thụ; mặt trái của kinh tế thị trường; sự buông lỏng giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội...

+

-   Liên hệ bản thân để tự kiểm điểm lại con đường đi tìm tri thức của mình và những dự định của mình trong việc dùng tri thức đóng góp cho xã hội.

Câu 3.

Bài viết có thể triển khai các ý chính sau:

- Vài nét về tác giả, tác phẩm: Xem phần Hướng dẫn trả lời, câu 3, đề 32, tr. 196- 197.

- Chất cổ điển trong bài thơ Tràng giang:

+ Hình thức bài thơ mang dấu ấn của thơ thất ngôn Đường luật, một thể thơ cổ được sử dụng phổ biến ở Trung Quốc và Việt Nam.

• Bài thơ được viết theo thể thơ bảy chữ, chia thành nhiều khổ, mỗi khổ đều đặn bốn dòng thơ, giống như được ghép bởi những bài thơ tứ tuyệt Đường luật.

• Bài thơ sử dụng thành công phép đối: hoặc đối giữa hai câu thơ (Sóng gọn tràng giang buồn điệp điệp / Con thuyền xuôi mái nước song song), hoặc tiểu đối trong tùng câu thơ (Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả; Nắng xuống, trời lên sâu chót vót).

• Nhiều câu thơ được ngắt nhịp 2/2/3 hoặc 4/3 giống hình thức thơ Đường, đồng thời có sự kết hợp hài hoà các âm bằng trắc (Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót / Sông dài, trời rộng, bến cô liêu).

+ Đề tài của bài thơ củũng như tư thế của nhân vật trữ tình cũng mang đậm chất Đường thi. Đó là cảnh sông nước mênh mông không có bóng dáng con người. Đó là một nhân vật trữ tình đối diện không gian mênh mông vô tận trong sự lẻ loi, cô độc. Cái tôi ở đây cũng không hiện diện trực tiếp như trong Vội vàng của Xuân Diệu (với những từ ngữ: tôi muốn, ta muốn) mà ẩn khuất sau hình ảnh thiên nhiên.

+ Trong bài thơ có sự xuất hiện của những hình ảnh quen thuộc trong thơ Đường (cánh chim lẻ trong ráng chiều, dòng sông mênh mông, bến nước vắng vẻ...) hoặc thơ ca cổ điển Việt Nam (bèo dạt về đâu). Đặc biệt, câu thơ cuối trực tiếp đối thoại với thơ Đường (Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà).

+ Bài thơ sử dụng nhiều từ Hán Việt.

-   Chất hiện đại trong bài Tràng giang:

+ Hình thức thơ tuy giống thơ Đường nhưng tự do hơn, đối không còn nghiêm ngặt như trong thơ Đường.

+ Hình ảnh thơ chân thực, mang đậm dấu ấn hiện thực (hình ảnh cành củi khô).

+ Ngôn ngữ thơ vẫn có sự tự nhiên của lời nói thường (Đâu tiếng làng xa văn chợ chiều; Mênh mông không một chuyến đò ngang/ Không cầu gợi chút niềm thân mật).

+ Tâm trạng của nhà thơ phản ánh thời đại mà nhà thơ đang sống. Đó là tâm trạng của một con người mất nước, cô độc, lạc loài, cảm thấy xa lạ ngay trên chính quê hương mình.

- Tóm lại, Tràng giang là một bài thơ dù mang đậm nét cổ điển nhưng vẫn là một bài thơ hiện đại, mang hơi thở của chính thời đại mà nhà thơ đang sống.

Nguồn: Bộ Giáo Dục & Đào Tạo

van vinh thang

0 chủ đề

23876 bài viết

0