31/03/2021, 15:28

Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) số 2 - 10 Bài văn phân tích tác phẩm "Quy hứng" (Hứng trở về) của Nguyễn Trung Ngạn

Nguyễn Trung Ngạn là một vị quan có tài có đức của nước ta dưới thời nhà Trần. Ông được cho là thần đồng khi đỗ hoàng giáp (tương đương học vị tiến sĩ hiện nay) năm mới mười sáu tuổi. Bên cạnh hoạt động chính trị, Nguyễn Trung Ngạn còn sáng ...

Nguyễn Trung Ngạn là một vị quan có tài có đức của nước ta dưới thời nhà Trần. Ông được cho là thần đồng khi đỗ hoàng giáp (tương đương học vị tiến sĩ hiện nay) năm mới mười sáu tuổi. Bên cạnh hoạt động chính trị, Nguyễn Trung Ngạn còn sáng tác thơ và để lại tác phẩm Giới Hiên thi tập. Quy hứng là một bài thơ hay của ông được sáng tác sau khi ông đi sứ bên Trung Quốc trở về. Bài thơ đã thể hiện nỗi nhớ, tình yêu quê hương sâu sắc và mong muốn trở về quê hương của nhà thơ.


“Dâu già lá rụng tằm vừa chín

Lúa sớm bông thơm cua béo ghê

Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt

Dẫu vui đất khách chẳng bằng về”


Bài thơ quy hứng được Nguyễn Trung Ngạn sáng tác bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt đường luật, lời ít nhưng ý nhiều. Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã khắc họa những hình ảnh rất đỗi quen thuộc nơi quê nhà:


“Dâu già lá rụng tằm vừa chín”

Lúa sớm bông thơm cua béo ghê”


Ai cũng có một miền quê để thương để nhớ. Với Nguyễn Trung Ngạn cũng vậy, bài thơ được viết khi ông đi sứ trở vể. Ông nhắc tới những hình ảnh gần gũi thân thương quê hương mình. Đó là “dâu”, “tằm”, “lúa”, “cua”. Nhà thơ đã rất khéo léo khi miêu tả mọi hình ảnh chi tiết đều đang ở độ chín. Đó là “dâu già”, “tằm vừa chín”, “lúa” “bông thơm” và “cua béo”. Câu thơ gợi lên một ngày trở về của vị quan triều đình, ông đi qua cánh đồng dâu xanh bát ngát cùng với những nong tằm, hương lúa thoảng thoảng mùi thơm cùng hình ảnh những con cua đồng béo.


Một vùng quê bình yên và trù phú hiện lên trước mắt người đọc, bình yên như bao miền quê khác trên dải đất hình chữ S này. Đọc câu thơ, ta cảm nhận được những cánh đồng lúa buổi sớm mai đẹp như một tấm thảm, tỏa hương lúa mới rất riêng. Người đọc cũng cảm nhận được hình ảnh cua đồng béo tốt cùng món ăn dân dã là bát canh cua ngon ngọt mỗi trưa hè. Tất cả những hình ảnh mộc mạc ấy tạo nên một hồn quê, một nơi để nhà thơ trở về.


Hình ảnh quê hương bước vào thơ ca dù trung đại hay hiện đại đều mang những nét giản dị, chân thành đến thế. Nếu nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn nhớ vườn dâu, ruộng lúa thì nhà thơ Đỗ Trung Quân lại nhớ:


“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày”


Nhà thơ Tế Hanh cũng góp vào chủ đề tình yêu quê hương ấy những dòng sông xanh biếc:


“Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre”


Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn càng khẳng định tình yêu quê hương đất nước khi so sánh quê hương mình với một đất nước trù phú nơi ông đi sứ:


“Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt

Dẫu vui đất khách chẳng bằng về”


Nhà thơ đã nhấn mạnh “nghèo vẫn tốt” trong câu thơ như muốn nhấn mạnh dù ở quê hương có nghèo những vẫn rất tốt. Bởi lẽ một điều ai cũng hiểu, quê hương vốn là nơi ta sinh ra và lớn lên, cho ta bao kỷ niệm gắn bó. Nên quê hương luôn là hai tiếng thiêng liêng như một phần máu thịt của mỗi con người. Đối với Nguyễn Trung Ngạn, hai từ “đất khách” ám chỉ Trung Quốc phồn hoa, đô hội nơi ông đi sứ một thời gian.


Với ông, dù ở nơi phồn hoa, đô hội như thế “dẫu vui” cũng “chẳng bằng về” với nơi chôn rau cắt rốn đời mình. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp so sánh tài tình trong hai câu thơ để so sánh quê nghèo và đất khách càng khẳng định tình yêu quê hương tha thiết sâu nặng của nhà thơ. Đó là triết lý sông của các bậc hiền triết xưa, luôn yêu thích cuộc sống thanh tao, giản dị chốn quê nhà.


Chỉ với một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt với bốn câu thơ ngắn ngủi, nhịp thơ nhịp nhàng, hình ảnh thơ bình dị, gần gũi, bài thơ đã làm nổi bật một miền quê yên bình, giản dị cùng tình yêu quê hương, nỗi nhớ của Nguyễn Trung Ngạn với quê hương của mình.


Quy hứng là một bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Trung Ngạn. Bài thơ đã khắc họa thành công nỗi nhớ quê hương với những hình ảnh thân thương và bình dị. Qua đó, nhà thơ gửi gắm trong đó tình yêu quê hương da diết luôn thường trực trong trái tim mình cùng triết lý sống thanh cao nơi miền quê yên bình. Bài thơ cũng là tiếng lòng của những người con xa xứ, khơi gợi được nhiều xúc cảm trong trái tim người đọc về nơi quê cha đất tổ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Nguyễn Mỹ Hương

187 chủ đề

43907 bài viết

Cùng chủ đề
Có thể bạn quan tâm
0