ý nghĩa phương pháp luận của phạm trù hình thái kinh tế xã hội

a) Sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử – tự nhiên Xã hội loài người đã phát triển trải qua nhiều hình thái kinh tế – xã hội nối tiếp nhau. Trên cơ sở phát hiện ra các quy luật vận động phát triển khách quan của xã hội, C.Mác đã đi đến kết luận: “Sự phát ...

a) Sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là quá trình lịch sử – tự nhiên

Xã hội loài người đã phát triển trải qua nhiều hình thái kinh tế – xã hội nối tiếp nhau.
Trên cơ sở phát hiện ra các quy luật vận động phát triển khách quan của xã hội, C.Mác đã đi đến kết luận: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên”2.
Hình thái kinh tế – xã hội là một hệ thống, trong đó, các mặt không ngừng tác động qua lại lẫn nhau tạo thành các quy luật vận động, phát triển khách quan của xã hội. Đó là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng và các quy luật xã hội khác. Chính sự tác động của các quy luật khách quan đó mà các hình thái kinh tế – xã hội vận động phát triển từ thấp đến cao. 
Nguồn gốc sâu xa của sự vận động phát triển của xã hội là ở sự phát triển của lực lượng sản xuất. Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất đã quyết định, làm thay đổi quan hệ sản xuất. Đến lượt mình, quan hệ sản xuất thay đổi sẽ làm cho kiến trúc thượng tầng thay đổi theo, và do đó mà hình thái kinh tế – xã hội cũ được thay thế bằng hình thái kinh tế – xã hội mới cao hơn, tiến bộ hơn. Quá trình đó diễn ra một cách khách quan chứ không phải theo ý muốn chủ quan. V.I.Lênin viết: “Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên”1.
Sự tác động của các quy luật khách quan làm cho các hình thái kinh tế – xã hội phát triển thay thế nhau từ thấp đến cao – đó là con đường phát triển chung của nhân loại. Song, con đường phát triển của mỗi dân tộc không chỉ bị chi phối bởi các quy luật chung, mà còn bị tác động bởi các điều kiện về tự nhiên, về chính trị, về truyền thống văn hóa, về điều kiện quốc tế, v.v.. Chính vì vậy, lịch sử phát triển của nhân loại hết sức phong phú, đa dạng. Mỗi dân tộc đều có nét độc đáo riêng trong lịch sử phát triển của mình. Có những dân tộc lần lượt trải qua các hình thái kinh tế – xã hội từ thấp đến cao; nhưng cũng có những dân tộc bỏ qua một hay một số hình thái kinh tế – xã hội nào đó. Tuy nhiên, việc bỏ qua đó cũng diễn ra theo một quá trình lịch sử – tự nhiên chứ không phải theo ý muốn chủ quan.
Như vậy, quá trình lịch sử – tự nhiên của sự phát triển xã hội chẳng những diễn ra bằng con đường phát triển tuần tự, mà còn bao hàm cả sự bỏ qua, trong những điều kiện nhất định, một hoặc một vài hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

b) Giá trị khoa học của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội

Trước Mác, chủ nghĩa duy tâm giữ vai trò thống trị trong khoa học xã hội. Sự ra đời học thuyết hình thái kinh tế – xã hội đã đưa lại cho khoa học xã hội một phương pháp nghiên cứu thực sự khoa học. 
Học thuyết đó chỉ ra: sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, phương thức sản xuất quyết định các mặt của đời sống xã hội. Cho nên, không thể xuất phát từ ý thức, tư tưởng, từ ý chí chủ quan của con người để giải thích các hiện tượng trong đời sống xã hội mà phải xuất phát từ phương thức sản xuất.
Học thuyết đó cũng chỉ ra: xã hội không phải là sự kết hợp một cách ngẫu nhiên, máy móc giữa các cá nhân, mà là một cơ thể sống sinh động, các mặt thống nhất chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, quan hệ sản xuất là quan hệ cơ bản, quyết định các quan hệ xã hội khác, là tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các chế độ xã hội. Điều đó cho thấy, muốn nhận thức đúng đời sống xã hội, phải phân tích một cách sâu sắc các mặt của đời sống xã hội và mối quan hệ lẫn nhau giữa chúng. Đặc biệt phải đi sâu phân tích về quan hệ sản xuất thì mới có thể hiểu một cách đúng đắn về đời sống xã hội. Chính quan hệ sản xuất cũng là tiêu chuẩn khách quan để phân kỳ lịch sử một cách đúng đắn, khoa học.
Học thuyết đó còn chỉ ra: sự phát triển của các hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên, tức diễn ra theo các quy luật khách quan chứ không phải theo ý muốn chủ quan. Cho nên, muốn nhận thức đúng đời sống xã hội phải đi sâu nghiên cứu các quy luật vận động phát triển của xã hội. V.I.Lênin viết: “Xã hội là một cơ thể sống đang phát triển không ngừng (chứ không phải là một cái gì được kết thành một cách máy móc và do đó cho phép có thể tùy ý phối hợp các yếu tố xã hội như thế nào cũng được), một cơ thể mà muốn nghiên cứu nó thì cần phải phân tích một cách khách quan những quan hệ sản xuất cấu thành một hình thái xã hội nhất định và cần phải nghiên cứu những quy luật vận hành và phát triển của hình thái xã hội đó”1.
Kể từ khi học thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Mác ra đời cho đến nay, loài người đã có những bước phát triển hết sức to lớn về mọi mặt, nhưng học thuyết đó vẫn là phương pháp thực sự khoa học để nhận thức một cách đúng đắn về đời sống xã hội. Đương nhiên, học thuyết đó “không bao giờ có tham vọng giải thích tất cả, mà chỉ có ý muốn vạch ra một phương pháp… “duy nhất khoa học” để giải thích lịch sử”2.
Gần đây, có những quan điểm đi đến phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế – xã hội và cho rằng phải thay thế bằng cách tiếp cận văn minh. Cách tiếp cận này phân chia lịch sử phát triển nhân loại thành văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp, văn minh hậu công nghiệp (hay văn minh tin học, văn minh trí tuệ). Thực chất đây là phân chia dựa vào các trình độ phát triển kinh tế, dựa vào trình độ khoa học và công nghệ. Rõ ràng, cách tiếp cận này không thể thay thế được học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, nó không vạch ra mối quan hệ giữa các mặt trong đời sống xã hội và các quy luật vận động, phát triển của xã hội từ thấp đến cao.

0