03/06/2017, 18:03

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong truyện ngắn Chiếc lược ngà

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, còn có bút danh là Nguyễn Sáng. Ông sinh năm 1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội và hoạt động ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1954, ông được tập kết ra miền Bắc, bắt ...

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, còn có bút danh là Nguyễn Sáng. Ông sinh năm 1932 tại xã Mỹ Luông (nay là thị trấn Mỹ Luông), huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội và hoạt động ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1954, ông được tập kết ra miền Bắc, bắt đầu sự nghiệp viết văn kể từ đó. Đến những năm kháng chiến chống Mĩ, ông quay lại miền Nam, cùng tham gia cuộc kháng chiến và tiếp tục viết văn.

Nguyễn Quang Sáng viết nhiều nhưng tác phẩm của ông hầu hết chỉ viết về con người và cuộc sống ở Nam bộ với những nét đặc trưng riêng biệt. Những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh của ông không giống những sáng tác của các nhà văn cùng thời. Viết về cuộc chiến, nguyễn Quang Sáng không tái hiện hiện thực khói lửa mà chủ yếu phản ánh những đau thương mất mát đằng sau cuộc chiến. Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” được Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ là một trong những sáng tác mang nét đặc trưng như thế.
 
Thông qua cảnh ngộ éo le của cha con ông Sáu, truyện ngắn đã gợi cho người đọc biết bao suy ngẫm. Cuộc chiến tranh đang diễn ra, những đau thương mất mát trên chiến trường có thể nhìn thấy được, thống kê được nhưng nỗi đau của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng, những đứa con không biết mặt cha thì chưa phải ai cũng đã nhận ra. Cái mất mát đằng sau cuộc chiến không chỉ diễn ra tại thời điểm đó, nó còn hiện hữu, dai dẳng mãi sau này.
 
Nỗi đau thương mất mát đó đã được nhà văn thể hiện qua hai tình huống đầy éo le.
 
Tình huống thứ nhất: Hai cha con gặp nhau sau tám năm xa cách, bé Thu không nhận cha đến lúc em nhận ra và bộc lộ tình cảm thắm thiết thì anh Sáu phải ra đi.
 
Tình huống thứ hai: Ở khu căn cứ, anh Sáu dồn hết tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm cây lược ngà để tặng con nhưng anh đã hi sinh mà chưa kịp trao cây lược cho con gái.
 
Ở tình huống thứ nhất, người đọc, nếu để ý kĩ, sẽ thấy được hậu quả của chiến tranh đã len lỏi đến nơi hậu phương như thế nào.
 
Gặp lại con sau  nhiều năm  xa cách với bao nỗi nhớ thương nên anh Sáu không kìm được nỗi vui mừng trong phút đầu nhìn thấy đứa con, xuồng chưa cập bến anh đã nhún chân nhảy thót lên rồi kêu to Thu con, nghe gọi con bé giật mình, tròn mắt nhìn, nó ngơ gác, lạ lùng,mặt nó tái đi rồi vụt chạy  hành động này thể hiện  thái độ ngạc nhiên, sợ hãy  của Thu  bởi lẽ với em anh Sáu hoàn toàn là người xa lạ, hơn thế lúc này vết thẹo dài bên má của anh đang đỏ ửng, giần giật trông rất dễ sợ, nên phản ứng đầu tiên của Thu gọi mẹ để mẹ che trở.
 
Những ngày nghỉ phép, anh Sáu ở nhà không đi đâu cả, chỉ quanh quẩn bên con, anh tìm mọi cách gần giũ, vỗ về con. Nhưng anh càng gần gũi, vỗ về con bao nhiêu thì đứa con lại càng tỏ ra lạnh nhạt, xa cách,khi anh khao khát con gọi một tiếng ba thì con lại nói trổng hay trong tình huống người lớn buộc nó gọi tiếng ba khi nó trông nồi cơm sôi sắp nhão, nó cũng nhất định không chịu gọi ba để nhờ chắt nước giùm, con bé thông minh tự thoát khỏi khó khăn bằng cách lấy cái vá múc ra từng vá nước hoặc trong bữa ăn anh Sáu gắp cho con cái trứng cá, hành động đó thể hiện sự quan tâm của anh đối với con nhưng con bé lại hất cái trứng cá mà anh gắp cho, điều đó chứng tỏ bé Thu không chịu đón nhận sự quan tâm của anh cũng đồng nghĩa với việc Thu không đón nhận anh là ba, phản ứng của bé Thu có phần thiểu lễ độ  nên anh Sáu tức giận đã đánh con. Có người cho rằng đây là chi tiết thể hiện phản ứng dữ dội của con bé, đây có lẽ là chi tiết phản ánh tình cảm mãnh liệt của Thu đối với ba, Thu càng phản ứng dữ dội bao nhiêu thì càng thể hiện mãnh liệt tình cảm của em đối với người cha trong tâm tưởng của mình, rồi Thu bỏ sang nhà ngoại, chúng ta có thể khẳng định thái độ ngờ vực, lảng tránh, sự ương ngạnh của Thu là hoàn toàn không đáng trách vì em còn quá nhỏ, em đâu biết được rằng người cha có tấm hình chụp chung với má có thể biến dạng do bom đạn của chiến tranh do vậy Thu đã không nhận ra cha vì vết thẹo dài ở trên má, thái độ của Thu thể hiện tình yêu vẹn nguyên, sâu sắc em chỉ dành cho người cha của mình chứ không có người đàn ông nào thay thế được cha trong trái tim nhỏ bé của em được.
 
Nguyên nhân bé Thu không nhận ba là vì vết thẹo trên mặt, vì bé Thu chưa một lần được gặp cha. Vì sao điều ấy lại xảy ra? Chiến tranh. Chiến tranh đã khiến người cha không thể ở bên đứa con, chiến tranh đã làm biến dạng hình hài của những con người, chiến tranh đã làm cho những khát khao hạnh phúc bình dị không bao giờ thành hiện thực.
 
Khi Thu nhận ra anh Sáu là cha thì thái độ của em hoàn toàn khác thỉnh thoảng lại thở dài, cái thở dài đó già dặn hơn lứa tuổi của em, Thu lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và nhìn mọi người đang vây quanh ba nó, anh Sáu rất muốn ôm con, hôn con nhưng hình như lại sợ nó bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó, anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu, anh khẽ nói: Thôi! Ba đi nghe con!. Con bé đã thét lên: - Ba...a...a...ba!. Tiếng ba ấy dường như bật lên từ trong tiềm thức, tiếng ba bị dồn nén bao lâu giờ vỡ tung để cho mọi người phải xót xa, đau đớn, giờ mọi người mới hiểu thực ra tình yêu thương ba của Thu vô cùng mãnh liệt và vẹn nguyên “ nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa”. Nó hôn vội vã, hôn cuống quýt, hôn hối hả, xen lẫn cả sự ân hận tiếc nối, dường như nụ hôn đó để bù đắp cho ba trong ba ngày về phép, có ba ngày bên ba  nó lại bỏ phí cơ hội, nụ hôn đó còn bù đắp cho những tháng ngày cha con phải xa cách.
 
Chúng ta nhận thấy tình cảm của trẻ thơ đối với đấng sinh thành hết sức nguyên vẹn, mãnh liệt, đây không phải là sự khao khát mà là quyền của trẻ em, tất cả các thế lực ngăn cản quyền của trẻ em  được gần gũi với đấng sinh thành đều là tội ác.
 
Trong truyện ‘ Chiếc lược ngà” ngoài tình huống trên, truyện còn xuất hiện tình huống  ở khu căn cứ, anh Sáu dồn hết tình yêu thương và mong nhớ con vào việc làm cây lược ngà để tặng con nhưng anh đã hi sinh mà chưa kịp trao cây lược cho con gái. Tình cảm của anh Sáu dành cho con được thể hiện phần nào trong những ngày anh  nghỉ phép, anh Sáu mong được gặp con, khát khao tình cha con cháy bỏng nên bất lực và vô cùng đau khổ trước sự bướng bỉnh của con, nhưng tình cảm đó còn biểu hiện tập trung và sâu sắc ở phần sau của truyện, khi anh Sáu ở trong rừng tại khu căn cứ.
 
Nỗi day dứt, ân hận, ám ảnh anh suốt nhiều ngày sau khi chia tay với gia đình là việc anh đã đánh con khi nóng giận. Rồi lời dặn của đứa con “ Ba về! Ba mua  cho con một cây lược nghe ba!”khi kiếm được khúc ngà anh vô cùng vui mừng, sung sướng bởi lẽ anh sẽ làm chiếc lược bằng ngà voi, chiếc lược đó giúp anh gửi gắm niềm yêu mến dành cho con nên anh làm lược cho con tỉ mỉ, kì công, trau truốt khắc lên lược dòng chữ: “ Yêu nhớ tặng Thu con của ba”, qua những chi tiết đó ta thấy anh Sáu đã thể hiện tình yêu thương con qua việc anh làm cây lược tặng con, cây lược lúc này không phải chỉ là lời hứa mà còn là hiện thân của đứa con gái, việc anh trau truốt mài từng chiếc răng lược cũng giống như anh đang thận trọng, trau truốt chăm sóc cho đứa con bé bỏng, trong xa cách anh gửi niềm thương nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà.Anh Sáu đã dành hết tâm trí, công sức vào việc  làm cây lược. Cây lược ngà đã trở thành vật quý giá, thiêng liêng với anh, nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao tình cảm yêu mến, nhớ thương, mong đợi của người cha với đứa con xa cách. Nhưng một tình cảm đau thương lại đến với cha con anh Sáu, chiến tranh đã cướp đi cuộc sống của anh, anh không kịp trao lại cây lược cho đứa con bé bỏng của mình “ Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điểu gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu”, có lẽ cái nhìn của anh trước lúc hi sinh như một lời trăng trối, lời trăng trối đối với đứa con bé bỏng của anh, anh gửi gắm tất cả tình yêu thương để bạn nhắn với con rằng cho đến tận lúc hi sinh anh vẫn luôn nghĩ về con, chiến tranh có thể cướp đi cuộc sống của anh nhưng không thể cướp đi tình cha con sâu nặng.
 
Câu chuyện “Chiếc lược ngà” không chỉ nói lên tình cha con sâu nặng, thắm thiết mà còn gợi cho người đọc bao cảm xúc xót xa.
 
Chiến tranh có sức tàn phá khốc liệt, hậu quả của chiến tranh len lỏi vào từng gia đình, khiến cho tình cảm con người bị ngăn trở, xa cách, chiến tranh khiến cho người thân không nhận ra tình phụ tử khi nhận ra thì tình phụ tử phải chia lìa. Eo le của chiến tranh gây ra cho bao nhiêu người, bao nhiêu  gia đình.
 
Mặc dù chiến tranh đã lùi xa vài chục năm nhưng nỗi đau tinh thần vẫn luôn đeo đẳng biết bao thế hệ. Vẫn còn đâu đó trên đất nước bình yên này những nỗi đau quằn quại của những nạn nhân chất độc da cam. Vẫn còn đó những gia đình li tán, còn đó những trái bom trong lòng đất... Biết bao giờ mới hết hậu quả của chiến tranh.
 
Chủ đề truyện ngắn “Chiếc lược ngà” sẽ còn gợi biết bao suy ngẫm và hành động cho những ước mơ hòa bình.

0