03/06/2017, 18:03
Nghị luận về tình trạng bạo lực học đường
Song song với sự phát triển cùng với những thành tựu khoa học đưa con người bước sang một thiên niên kỉ mới thì vẫn còn đó những hạn chế về tình người. Con người dường như càng phát triển lại càng xa cách nhiều hơn, thiếu sự quan tâm nhiều hơn. Trong xã hội hiện nay có nhiều vấn đề đáng quan ...
Song song với sự phát triển cùng với những thành tựu khoa học đưa con người bước sang một thiên niên kỉ mới thì vẫn còn đó những hạn chế về tình người. Con người dường như càng phát triển lại càng xa cách nhiều hơn, thiếu sự quan tâm nhiều hơn.
Trong xã hội hiện nay có nhiều vấn đề đáng quan tâm, một trong những vấn đề ấy là tình hình học sinh ứng xử với nhau một cách thiếu văn hóa, nghèo nàn về tình cảm hay nói một cách khác là sự thui chột về nhân cách của những con người sẽ làm chủ đất nước trong tương lai.
Tình hình bạo lực học đường ngày nay vẫn thường xuyên xảy ra và đó là một trong những vấn đề đáng quan tâm không phải chỉ của những người công tác trong ngành giáo dục, của cha mẹ học sinh mà còn là vấn đề của toàn xã hội.
Bạo lực học đường có thể hiểu là tình trạng học sinh đánh nhau, cư xử với nhau một cách thiếu văn hóa, thiếu sự cảm thông…
Đất nước ta trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đang rất cần những con người hết mình phục vụ cho sự phát triển đó. Thế hệ tương lai là những con người sẽ trực tiếp đưa đất nước đến bến bờ thắng lợi như lời Bác hằng nhắc nhở, sáng soi: Non sông Việt Nam có được vẻ vang, đất nước Việt Nam có đươc sánh vai với các cường quốc năm châu hay không chính là nhờ công học tập của các cháu. Để làm được điều đó thì chỉ có con đường duy nhất là học tập và trau dồi cho mình những kiến thức vững vàng. Học tập đi liền với sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên bên cạnh sự phát triến ấy thì vẫn còn những mặt tiêu cực: hiện tượng nghiện games, phim ảnh có nội dung xấu tác động trực tiếp đến nhận thức và hành động không nhỏ của một bộ phận học sinh. Bạo lực học đường xảy ra do ý thức của một số học sinh còn yếu, suy nghĩ lệch lạc sai lầm.Nhiều học sinh có suy nghĩ muốn khẳng định mình, muốn mọi người phải chú ý, muốn làm “đàn anh đàn chị” để người khác nể phục nhưng không phải bằng con đường học tập, bằng trí tuệ mà thích thể hiện bằng những hành động tầm thường, vô bổ.
Hành động sai lầm ấy ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân và gián tiếp ảnh hưởng đến người khác. Hành động ấy nếu nghiêm trọng có thể gây những thương tật đến người khác thậm chí là bản thân: tương lai bị đánh đổ, sa chân vào các tệ nạn xã hội. Gia đình mà cụ thể là những người thân sẽ chịu sự tủi nhục, bẽ bàng thậm chí đánh mất niềm tin vào cuộc sống. Con nếu xét ở một góc độ khác tình trạng bạo lực học đường nói riêng và hiện tượng ứng xử thiếu văn hóa trong xã hội nói chung sẽ làm cho xã hội chậm phát triển.
Có một câu chuyện vui về một chú chó nhỏ: một ngày nọ chú đến một căn nhà có nhiều tấm gương, chú nhe răng và sủa lên đe dọa. Ngay lập tức có hàng trăm chú chó khác làm như vậy với chú. Chú chạy về nói vói chó mẹ. Chó mẹ bảo: con hãy cười, đừng làm dữ với bạn. Chú nghe lời mẹ. Và phần quà chú nhận được làm hàng trăm nụ cười và cái vẩy đuôi thân thiện. Cuộc sống cũng vậy: Bạn sẽ nhận được những gì mà bạn đã cho đi hay trao tặng cho ai đó.
Gần đây những vụ việc học sinh có xu hướng bạo lực gia tăng: một nữ sinh ở Hà Nội bị đánh rồi bị quay phim gửi lên Internet hay một học sinh ở Đồng Nai bị hành hung đến tử vong chỉ vì lời nói qua lại trong học tập và gần đây nhất là học sinh Võ Thanh Thảo ở thành phố Hồ Chí Minh bị bạn đánh đến ngất xỉu vì bị cho là học giỏi mà “chảnh”!?.
Những sự việc đó như đánh một hồi chuông cảnh báo với những học sinh còn mù quáng, sai lầm trong ứng xử và cũng là hồi chuông nhắc nhở về sự quan tâm của gia đình, xã hội.
Hiện tượng đánh nhau là một hành vi xấu cần lên án và phê phán, ngăn chặn. Cuộc sống là cả một quá trình học tập và khẳng định mình. Khẳng định mình bằng tri thức và trí tuệ.
Hãy hình dung một ngày nào đó khi bước đi trên đường mọi người nhìn nhau bằng ánh mắt của sự thù hận. Hay ánh mắt không phải bằng ánh mắt của tình người mà lại là sự lo sợ, sự dè chừng, sự đe dọa. Hãy ươm mầm cho những lời nói hành động hòa nhã trong mỗi trái tim chúng ta. Đề mỗi ngày qua đi là một niềm hạnh phúc. Hãy học cách đối xử với nhau một cách chân thành, tôn trọng và quí mến nhau.
Chỉ có lối sống chan hòa yêu thương mới trổ những bông hoa của tình người. Điều đó rất cần trong cuộc sống chúng ta hôm nay.