13/01/2018, 20:47

Xem ngay đề thi cuối kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 – TH Trần Hưng Đạo năm 2017

Xem ngay đề thi cuối kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 – TH Trần Hưng Đạo năm 2017 Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt của trường Tiểu học Trần Hưng Đạo năm 2016 – 2017: Em hãy tả ngôi trường đã gắn bó với em trong suốt mấy năm qua. Thứ năm ngày 11 tháng 5 năm 2017 Trường TH Trần Hưng Đạo BÀI ...

Xem ngay đề thi cuối kì 2 môn Tiếng Việt lớp 5 – TH Trần Hưng Đạo năm 2017

Đề thi học kì 2 lớp 5 môn Tiếng Việt của trường Tiểu học Trần Hưng Đạo năm 2016 – 2017: Em hãy tả ngôi trường đã gắn bó với em trong suốt mấy năm qua.

Thứ năm ngày 11 tháng 5 năm 2017

Trường TH Trần Hưng Đạo

BÀI KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG CUỐI KỲ 2

 NĂM HỌC 2016– 2017

MÔN TIẾNG VIỆT (Đề chính thức)

(Thời gian 40 phút – không kể thời gian phát đề)

A. KIỂM TRA ĐỌC: (10đ)

I. Đọc thành tiếng (3đ)

– Nội dung kiểm tra: GV cho HS đọc một đoạn văn khoảng 150 chữ thuộc chủ đề: Nhớ nguồn, Nam và nữ, Những chủ nhân tương lai. Kết hợp trả lời câu hỏi về nội dung bài đọc.

– Hình thức kiểm tra: Cho HS đọc đoạn văn, thơ trong các bài tập đọc thuộc chủ đề nói trên bằng hình thức bốc thăm.

II. Đọc thầm (7đ) (35 phút)

Đọc thầm bài: Có những dấu câu

Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản. Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

Sau đó, không may, anh ta lại làm mất dấu chấm than. Anh bắt đầu nói khe khẽ, đều đều, không ngữ điệu. Anh không cảm thán, không xuýt xoa. Không có gì có thể làm anh ta sung sướng, mừng rỡ hay phẫn nộ nữa cả. Đằng sau đó là sự thờ ơ đối với mọi chuyện.

Kế đó, anh ta đánh mất dấu chấm hỏi và chẳng bao giờ hỏi ai điều gì nữa. Mọi sự kiện xảy ra ở đâu, dù trong vũ trụ hay trên mặt đất hay ngay trong nhà mình, anh ta cũng không biết. Anh ta đã đánh mất khả năng học hỏi. Đằng sau đó là sự thiếu quan tâm với mọi điều.

Một vài tháng sau, anh ta đánh mất dấu hai chấm. Từ đó, anh ta không liệt kê được nữa, không còn giải thích được hành vi của mình nữa. Anh ta đổ lỗi cho tất cả, trừ chính mình.

Cứ mất dần các dấu, cuối cùng anh ta chỉ còn lại dấu ngoặc kép mà thôi. Anh ta không phát biểu được một ý kiến nào của riêng mình nữa, lúc nào anh ta cũng chỉ trích, dẫn lời của người khác. Thế là anh ta hoàn toàn quên mất cách tư duy. Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.

Thiếu những dấu câu trong một bài văn, có thể bạn chỉ bị điểm thấp vì bài văn của bạn không hay, không ý nghĩa; nhưng đánh mất những dấu câu trong cuộc đời, tuy không ai chấm điểm nhưng cuộc đời bạn cũng vô vị, cũng mất hết ý nghĩa như vậy.

Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của mình, bạn nhé!

Theo Hồng Phương

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành các bài tập sau:

1. (1đ) Nội dung câu chuyện nói về:

a/ Tác dụng của dấu phẩy và dấu chấm than.
b/ Tác dụng của dấu chấm hỏi và dấu phẩy .
c/ Tác dụng của dấu chấm hỏi và dấu hai chấm .
d/ Tác dụng của các loại dấu câu khi viết văn.

2. (1đ) Khi bị mất các dấu câu, anh ta đã:

a/ Tự trách mình.                b/ Đổ lỗi cho bạn.
c/ Đổ lỗi cho tất cả.            d/ Không đổ lỗi cho người khác.

3. (1đ) Câu: “Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.” Anh ta là một người:

a/ Không có giá trị, sống một cuộc đời vô nghĩa.
b/ Nghèo khổ, mất hết tiền bạc, của cải.
c/ Cô đơn, không còn ai thân thích.
d/ Hào phóng, sẵn sàng cho mọi thứ.

4. (1đ) Qua câu chuyện, muốn khuyên chúng ta điều gì?

5. (0,5đ) Từ: “tư duy” cùng nghĩa với từ:

a/ học hỏi.               b/ suy nghĩ.            c/ tranh luận.               d/ tư cách.

6. (1đ) Các câu trong hai câu sau được nối với nhau bằng cách nào?

“Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản.”

a/ Nối bằng cách lặp từ ngữ.
b/ Nối bằng cách thay thế từ ngữ.
c/ Nối bằng cách lặp từ ngữ và thay thế từ ngữ.
d/ Nối bằng cách sử dụng từ ngữ có tác dụng nối.

7. (1đ) Xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu sau:

Đằng sau những câu đơn giản là những ý nghĩ đơn giản.

8. (0,5đ) Nêu tác dụng của dấu chấm than trong câu:

“Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của mình, bạn nhé!”.


B.KIỂM TRA VIẾT: (10đ)

I. Viết chính tả: ( 2đ) Bài viết: Buổi sáng ở thành phố Hồ Chí Minh (20 phút)

(SGKTV5 T2/tr132) – (Viết từ đầu …… đến òa tươi trong nắng sớm.)

II – Tập làm văn: (8đ) Chọn một trong hai đề sau: (35 phút)

* Đề 1: Em hãy tả một người thân trong gia đình em mà em yêu quý nhất.

* Đề 2: Em hãy tả ngôi trường đã gắn bó với em trong suốt mấy năm qua.


ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

A/ KIỂM TRA ĐỌC: (10đ)

I. Đọc thành tiếng (3đ)

* Cách đánh giá, cho điểm:

– Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm: 1 điểm

– Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm

– Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

II. Đọc thầm (7đ) (35 phút)

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành các bài tập sau:

1/ (1đ) Nội dung câu chuyện nói về:

d/ Tác dụng của các loại dấu câu khi viết văn.

2/ (1đ) Khi bị mất các dấu câu, anh ta đã:

c/ Đổ lỗi cho tất cả.

3/ (1đ) Câu: “Cứ như vậy, anh ta đi đến dấu chấm hết.” Anh ta là một người:

a/ Không có giá trị, sống một cuộc đời vô nghĩa.

4/ (1đ) Qua câu chuyện, muốn khuyên chúng ta điều gì?

Không nên đánh mất những dấu câu trong cuộc đời; mỗi chúng ta hãy giữ gìn những dấu câu của mình.

5/ (0,5đ) Từ: “tư duy” cùng nghĩa với từ:

b/ suy nghĩ.

6/ (1đ) Các câu trong hai câu sau được nối với nhau bằng cách nào?

“Có một người chẳng may đánh mất dấu phẩy. Anh ta trở nên sợ những câu phức tạp và chỉ tìm những câu đơn giản.”

b/ Nối bằng cách thay thế từ ngữ. (anh ta ở câu 2 thay thế cho: có một người ở câu 1)

7/ (1đ) Xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu sau:

Đằng sau những câu đơn giản/ là những ý nghĩ đơn giản.

CN                                    VN

8/ (0,5đ) Nêu tác dụng của dấu chấm than trong câu:

“Mong bạn hãy giữ gìn những dấu câu của mình, bạn nhé !”.

Dấu chấm than trong câu trên được dùng để kết thúc một câu cầu khiến.


B.KIỂM TRA VIẾT: (10đ)

I. Viết chính tả: (2đ) Bài viết: Buổi sáng ở thành phố Hồ Chí Minh (20 phút)

(SGKTV5 T2/tr132) – (Viết từ đầu …… đến òa tươi trong nắng sớm.)

I. Viết chính tả: (2đ)

– Tốc độ đạt yêu cầu, chữ viết rõ ràng, viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ; trình bày đúng quy định, viết sạch, đẹp: 1 điểm.

– Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi): 1 điểm.

* Lưu ý : Nếu viết chữ hoa không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ, trình bày không sạch đẹp,… trừ 0,25 điểm toàn bài.

II – Tập làm văn: (8đ) Chọn một trong hai đề sau: (35 phút)

* Đề 1: Em hãy tả một người thân trong gia đình em mà em yêu quý nhất.

Nhạc, hoạ, văn thơ… đều ca ngợi lòng mẹ. Với em, mẹ là tất cả bầu trời, là hơi thở ấm áp, là tình thương yêu vô bến bờ nuôi em lớn khôn.

Mẹ em đã tứ tuần. Dáng mẹ gầy gầy, nhỏ nhắn với mái tóc cắt ngắn gọn gàng. Tóc mẹ xoăn tự nhiên nên ngọn tóc uốn cong, úp sát vào gáy, từng lọn tóc bồng bềnh rũ hai bên má rất xinh. Khuôn mặt mẹ thon thon, mắt to và mơ màng, hơi buồn buồn. Tia mắt mẹ sáng long lanh khi mẹ cười, trầm tĩnh, phân vân khi mẹ có điều lo nghĩ. Với vẻ mặt điềm đạm, vững tin đầy nghị lực, mẹ quán xuyến mọi việc trong nhà,âu yếm, dịu dàng chăm sóc các con. Mẹ em làm việc gì cũng nhanh gọn, phong thái ung dung, vẻ ung dung ấy truyền sang các con nên chúng em quen việc, tự chủ trong học tập và càng vững vàng, vui vẻ hơn khi có mẹ bên cạnh.

Quanh năm suốt tháng mẹ chỉ thích ở nhà làm việc. Ngoài giờ làm việc ởcông sở, mẹ chăm lo việc nhà, nấu cơm nóng canh sốt cho bố con em. Rỗi rảnh một tí, mẹ đọc sách báo, trồng hoa hoặc cắt may. Mẹ lúc nào cũng gọn gàng trong bộ đồ màu xanh nhạt. Đi làm hoặc đi phố, mẹ mặc đồ âu đàng hoàng, lịch sự. Em thích ngắm mẹ lúc mẹ đi dự tiệc cưới. Lúc ấy mẹ mặc áo dài, trang điểm rất đẹp.

Mẹ em đảm đang việc nhà, hiền hậu và cư xử khéo léo với hàng xóm láng giềng. Với bố em, mẹ ân cần chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đằm thắm, nhỏ nhẹ trong lời ăn, tiếng nói. Với các con, mẹ nghiêm khắc dạy dỗ và âu yếm ngọt dịu khuyên răn. Em tự hào vì mẹ em giỏi giang và xinh đẹp nhất nhà ngoại.

Ngoài việc kèm dạy cho chúng em, mẹ còn truyền đạt cho các con tình yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu đất nước qua tình làng nghĩa xóm, qua những điệu ru ca dao, qua thơ ca đầy sức thuyết phục, cuốn hút. Em tự hứa cố gắng chăm học, học giỏi để trưởng thành vững vàng như hoài bão của mẹ nuôi dạy, bảo ban.

* Đề 2: Em hãy tả ngôi trường đã gắn bó với em trong suốt mấy năm qua.

Ngôi trường đã gắn bó với em trong năm năm học vừa qua là ngôi trường mang tên trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Hôm nay em đến trường sớm hơn mọi khu để làm công việc trực nhật, nên có dịp quan sát vẻ đẹp của trường trước buổi học.

Khi em đến trường, hai cánh cửa to lớn được sơn màu xanh đã bị phai màu hé mở từ bao giờ. Lớp học, bàn ghế, những người bạn thân quen của tuổi học trò như âm thầm và lặng lẽ chờ đợi chúng em.

Bầu trời hôm nay thật đẹp, tiết trời se se lạnh. Đứng trên tầng cao quan sát em thấy ngôi trường khang trang, sạch sẽ. Trường có ba dãy gồm có hai dãy lớp học và một dãy là văn phòng giáo viên. Các dãy lớp học nằm san sát nhau, mỗi lớp có bốn cửa sổ và một cửa ra vào. Nhìn vào trong lớp học, bàn ghế sạch sẽ, ngay ngắn. Đặc biệt mỗi lớp học đều có ảnh Bác Hồ, 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng và nội qui lớp học để cho chúng em không được quên những nội qui của nhà trường. Khu văn phòng nằm ở giữa, đối diện là vười sinh thái với những cây hoa tạo nên một vẻ đẹp thanh bình. Nơi đây là chỗ các thầy cô giáo làm việc và họp. Bên cạnh đó là phòng Ban giám hiệu và đi vài bước nữa là thư viện của trường, ở đó có rất nhiều sách cho chúng em đọc và tìm hiểu về những điều bổ ích, lí thú. Nơi giúp em vui chơi giải trí sau những giờ học căng thẳng là sân trường. Sân trường được làm bằng xi măng rất đẹp. Chính giữa là cột cờ chừng 10m với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió.

Rồi các bạn đến trường ngày một đông, phút yên tính của buổi sớm bỗng mất dần đi. Quang cảnh trường trở nên nhộn nhịp, đông vui bởi nhữn tiếng nói cười của tuổi học trò chúng em. Trên cành cây, những chú chim hót líu lo vang. Bỗng Tùng! Tùng! Tùng! Ba hồi trống vang lên, không gian như rung mình lay động. Các bạn vội vàng xếp hang vào lớp. Một buổi học mới bắt đầu. Lúc này sân trường trở nên vắng lặng, đâu đó chỉ còn tiếng gió thổi, tiếng chim lích chích trong tán lá phượng.

Em rất thích ngôi trường của em, nơi đã để lại cho em nhiều kỉ niệm của những năm tháng học trò, tình cảm đối với thầy cô, bạn bè. Mai đây dù có đi đâu xa em vẫn nhớ mãi ngôi trường Tiểu học Lê Hồng Phong thân thương này.


– Viết được một bài văn tả người thân hoặc tả cảnh trường có đủ 3 phần, đúng yêu cầu thể loại văn tả người hoặc tả cảnh đã học, độ dài bài viết từ 15 câu trở lên.

– Điểm thành phần được chia như sau:

+ MB:: 1 điểm.

+ TB:: 4 điểm (nội dung: 1.5đ; kĩ năng: 1.5 đ; cảm xúc: 1đ).

+ KB:: 1 điểm.

+ Chữ viết, chính tả: 0,5 điểm.

+ Dùng từ, đặt câu: 0,5 điểm.

+ Sáng tạo: 1 điểm.

* Gợi ý đáp án đề 1 như sau:

a/ MB:: 1 điểm.

Giới thiệu được người sẽ tả: Ai? Có quan hệ với em thế nào? ….

(GT trực tiếp hoặc gián tiếp).

b/ TB:: 4 điểm.

* Tả hình dáng: (2đ)

– Tả bao quát: tầm thước, tuổi tác, cách ăn mặc, …..

– Tả chi tiết: gương mặt, đầu tóc, da dẻ, mắt, mũi, răng, tai, ……

* Tả tính tình: (2đ)

Thông qua lời nói, cử chỉ, việc làm, …..

Điểm thành phần được chia như sau: nội dung: 1.5đ; kĩ năng: 1.5 đ; cảm xúc: 1đ

c/ KB:: 1 điểm.

Nói lên được tình cảm và việc chăm sóc của bản thân và các bạn đối với cây vừa tả.

– Chữ viết đẹp, đúng chính tả: 0,5 điểm.

– Dùng từ đặt câu đúng và hay: 0,5 điểm.

– Bài làm sáng tạo, biết dùng từ ngữ gợi tả, biểu cảm; biết sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa phù hợp trong miêu tả: 1 điểm.

0