Xem lại việc điều tiết thị trường: Lý thuyết cân bằng thị trường không đúng
George Soros Trong khi điều tiết thị trường quốc tế cần phải được tăng cường để hệ thống tài chính toàn cầu tồn tại, nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức sự việc đi quá xa. Mặc dù thị trường không phải là hoàn hảo nhưng việc điều tiết cần đi đúng hướng. George Soros là Chủ tịch ...
George Soros
Trong khi điều tiết thị trường quốc tế cần phải được tăng cường để hệ thống tài chính toàn cầu tồn tại, nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức sự việc đi quá xa. Mặc dù thị trường không phải là hoàn hảo nhưng việc điều tiết cần đi đúng hướng.
George Soros là Chủ tịch Ban quản lý Quỹ Soros và người sáng lập Viện Xã hội mở. Ông là tác giả của chín quyển sách, trong đó có quyển mới xuất bản là "Mô hình mới cho các thị trường tài chính: Cuộc khủng hoảng năm 2008 và ý nghĩa của nó".
Bài này ban đầu được công bố trên tờ báo The Daily Star của Libăng và được in lại với sự cho phép của Project Syndicate.
Chúng ta đang ở giữa cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930. Đặc điểm nổi bật của cuộc khủng hoảng này là nó không bị gây ra bởi một cơn sốc từ bên ngoài, chẳng hạn việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ tăng giá dầu. Nó phát sinh bởi bản thân hệ thống tài chính. Thực tế này – một khiếm khuyết cố hữu trong hệ thống – mâu thuẫn với lý thuyết được chấp nhận chung là các thị trường tài chính có xu hướng cân bằng, và các lần đi trệch khỏi sự cân bằng này xảy ra hoặc là một cách ngẫu nhiên hoặc bị gây ra bởi một sự kiện bên ngoài bất ngờ nào đó mà các thị trường khó có thể điều chỉnh. Cách tiếp cận hiện nay đối với các quy định về thị trường đã dựa trên lý thuyết này, nhưng sự nghiêm trọng và cường độ của cuộc khủng hoảng chứng minh một cách thuyết phục rằng lý thuyết này có một điều gì đó sai về cơ bản.
Tôi đã phát triển một lý thuyết thay thế, lý thuyết này cho rằng các thị trường tài chính không phản ánh chính xác các tình trạng nền tảng. Chúng đưa ra hình ảnh mà luôn luôn có thành kiến hoặc bị bóp méo theo một cách nào đó. Quan trọng hơn, trong một số hoàn cảnh nhất định thì cách nhìn bị bóp méo của những người tham gia thị trường, được thể hiện trong các giá trên thị trường, có thể ảnh hưởng đến cái gọi là các cơ sở nền tảng mà người ta cho là chúng được phản ánh bởi các giá thị trường.
Tôi gọi mối liên kết vòng tròn hai chiều này giữa giá thị trường và hiện thực cơ bản nằm dưới là "sự phản thân". Tôi dám chắc rằng các thị trường tài chính luôn luôn có tính phản thân, đôi lúc chúng có thể rất xa với cái gọi là sự cân bằng. Nói một cách khác, các thị trường tài chính có xu hướng tạo ra các bong bóng.
Cội rễ của khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt nguồn từ thị trường cho vay thế chấp dưới chuẩn. Sự bùng nổ của bong bóng nhà đất Mỹ đã tác động như ngòi nổ làm nổ tung siêu bong bóng còn lớn hơn nhiều đã bắt đầu hình thành trong thập niên 1980, khi mà trào lưu chính thống về thị trường đã trở thành một giáo điều chi phối. Giáo điều này đã dẫn đến sự bãi bỏ các quy định, dẫn đến toàn cầu hóa và các đổi mới tài chính dựa trên giả thiết sai lầm rằng các thị trường có xu hướng tự cân bằng.
Giờ thì tòa nhà xây bằng các con bài đã sụp đổ. Với sự phá sản của Lehman Brothers tháng 9/2008, điều không thể tưởng tượng đã xảy ra. Trái tim của hệ thống tài chính ngừng đập. Ngay lập tức nó được cho làm hô hấp nhân tạo. Các quan chức trong thế giới phát triển đã đảm bảo một cách hiệu quả rằng sẽ không có một thể chế quan trọng khác nào được cho phép sụp đổ.
Nhưng các quốc gia bên lề của hệ thống tài chính toàn cầu đã không thể đưa ra những bảo đảm đáng tin một cách tương đương. Điều này đã thúc đẩy việc chạy trốn được dự kiến của dòng vốn ra khỏi các nước Đông Âu, châu Á và châu Mỹ Latinh. Tất cả các đồng tiền đều mất giá so với đồng đô-la và đồng yên. Giá hàng hóa rớt mạnh như hòn đá rơi, lãi suất ngân hàng tại các thị trường mới nổi tăng vọt.
Cuộc chạy đua để bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế vẫn đang diễn ra. Ngay cả khi nó thành công thì những người tiêu dùng, các nhà đầu tư và các công ty kinh doanh vẫn đang phải trải qua một kinh nghiệm chấn động mà tác động đầy đủ của nó sẽ vẫn còn được cảm nhận tiếp. Một cuộc suy thoái sâu là điều không thể tránh khỏi và không thể loại trừ xác suất của một cuộc đại suy thoái.
Lấy lại cân bằng cho các thị trường
Vậy cần phải làm gì?
Do các thị trường tài chính có xu hướng tạo ra các bong bóng tài sản nên các nhà điều tiết thị trường cần phải đảm nhận trách nhiệm ngăn ngừa chúng phát triển quá lớn. Cho đến nay, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính đã chối bỏ trách nhiệm này một cách rõ ràng.
Tất nhiên không thể ngăn ngừa các bong bóng hình thành, nhưng chúng ta có thể giữ cho chúng nằm trong những giới hạn có thể chấp nhận. Điều này không thể được thực hiện một cách đơn giản bằng việc kiểm soát nguồn cung tiền tệ. Các cơ quan điều tiết thị trường cũng phải xét đến các điều kiện tín dụng, vì tiền tệ và tín dụng không vận động sát gót nhau. Các thị trường có những tâm trạng và xu hướng cần phải được cân đối lại. Để kiểm soát tín dụng một cách khác biệt với tiền tệ, cần phải sử dụng các công cụ bổ sung – chính xác hơn thì đó là các công cụ được phục hồi lại, vì chúng đã được sử dụng trong các thập niên 1950 và 1960. Tôi muốn nói đến các yêu cầu về lãi suất thay đổi và các yêu cầu về số vốn tối thiểu của các ngân hàng.
Hoạt động tài chính tinh xảo ngày nay có thể làm cho việc tính toán các yêu cầu về lãi suất và vốn trở nên đặc biệt khó khăn, nếu không nói là không thể thực hiện được. Vì vậy, các sản phẩm tài chính mới cần phải được đăng ký và được các cơ quan thích hợp chấp nhận trước khi được đưa ra thị trường.
Việc cân đối lại tâm trạng của thị trường đòi hỏi phải đánh giá, và do các nhà điều tiết là những con người nên có khả năng là họ sẽ đánh giá sai. Nhưng họ có lợi thế là nhận được thông tin phản hồi từ thị trường, chúng tạo điều kiện cho họ điều chỉnh những sai lầm của mình. Nếu việc thắt chặt yêu cầu về lãi suất và vốn tối thiểu không giúp xả hơi cho bong bóng thì các nhà điều tiết có thể thắt chặt thêm một số quy định này. Nhưng quá trình này không phải là quá rõ ràng, vì thị trường cũng có thể sai. Việc tìm kiếm sự cân bằng tối ưu là quá trình mò mẫm thử và sai mà không bao giờ kết thúc.
Trò chơi mèo vờn chuột này giữa các nhà điều tiết và các bên tham gia thị trường đang diễn ra, nhưng bản chất thực sự của nó vẫn chưa được công nhận. Alan Greenspan, cựu chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, là một bậc thầy trong việc vận dụng những bài phát biểu khó hiểu của mình, nhưng thay cho việc công nhận những gì mình đang làm thì ông ta giả vờ mình chỉ là người quan sát thụ động. Đó là lý do vì sao các bong bóng tài sản đã phát triển lớn như vậy trong nhiệm kỳ của ông ta.
IMF: Một sứ mệnh mới
Do các thị trường tài chính là những thị trường toàn cầu nên các điều tiết thị trường cũng phải có tính quốc tế trong phạm vi của chúng. Trong tình hình hiện nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có một sứ mệnh mới: Bảo vệ các nước bên lề chống lại các tác động của cơn bão bắt nguồn từ những nước nằm ở trung tâm, cụ thể là Mỹ.
Người tiêu dùng Mỹ không còn có thể phục vụ lâu hơn như động cơ cho nền kinh tế thế giới. Để tránh tình trạng suy thoái toàn cầu, các nước khác cũng phải kích thích các nền kinh tế nội địa của mình. Nhưng các nước nằm ở bên lề và không có thặng dư xuất khẩu lớn thì không ở vị thế để áp dụng các chính sách có tính phản chu kỳ. Nhiệm vụ của IMF là phải tìm ra các phương pháp để cấp vốn cho các trường hợp thiếu hụt ngân sách mang tính phản chu kỳ. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tranh thủ sự hỗ trợ của các quỹ tài sản có chủ quyền và một phần bằng cách phát hành quyền rút vốn đặc biệt, sao cho các nước giàu và có khả năng tài trợ cho sự thiếu hụt ngân sách của chính mình sẽ có thể nhượng bộ cho các nước nghèo hơn là những nước không thể làm như vậy.
Trong khi điều tiết thị trường quốc tế phải được tăng cường để giúp cho hệ thống tài chính toàn cầu tồn tại, chúng ta cần phải thận trọng để tránh đi quá xa. Mặc dù các thị trường không phải là hoàn hảo, nhưng việc điều tiết cần đi đúng hướng. Các nhà điều tiết thị trường không chỉ là những con người, họ cũng còn là những công chức quan liêu và phải chịu áp lực của các ảnh hưởng chính trị. Các điều tiết thị trường cần phải được giữ ở mức tối thiểu cần thiết với mục đích duy trì sự ổn định.
Tờ Daily Star đã đăng bài bình luận này trong sự hợp tác với Project Syndicate. Bản quyền năm 2008 của The Daily Star. Bảo lưu mọi quyền.
Những quan điểm được nêu trong bài này không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chính sách của Chính phủ Mỹ.