18/06/2018, 12:20

Vũng Tàu - Độc đáo Long Sơn

Với diện tích nhỏ nhưng Long Sơn cũng đã có đầy đủ núi, rừng, sông, biển, là xã đảo duy nhất của TP Vũng Tàu, sẽ được chọn là một trong những điểm tổ chức Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2005. Huyền thoại người đi mở đất Không chỉ đẹp, Long Sơn còn huyền bí với ...

Độc đáo Long Sơn

Với diện tích nhỏ nhưng Long Sơn cũng đã có đầy đủ núi, rừng, sông, biển, là xã đảo duy nhất của TP Vũng Tàu, sẽ được chọn là một trong những điểm tổ chức Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2005.

Huyền thoại người đi mở đất

Không chỉ đẹp, Long Sơn còn huyền bí với những cư dân mặc bà ba đen, tóc búi củ hành và truyền thuyết mở mang bờ cõi bất khuất của cha ông...

Long Sơn không xa thành thị (cách Thị xã Bà Rịa 9km) nhưng thật bất ngờ khi gặp những người dân địa phương còn nguyên nét xưa tựa cả trăm năm về trước: bà ba đen, tóc búi củ hành. Bác Ba Thành - một lão nông chân chất đúng điệu dân Long Sơn - cho biết: “2/3 dân trên đảo theo đạo ông Trần (dân số của đảo khoảng 13.000 người)”.

Người dân đảo không ai không tự hào về truyền thuyết ông Trần - người mở đất lập nên Long Sơn. Tục truyền ông tên Lê Văn Mưu, người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, nay là xã Tân Khánh Hòa, thị trấn Hà Tiên, Kiên Giang nhưng dân đảo thích gọi ông bằng tên theo kiểu miền Nam hơn: ông Trần (vì ông hay ở trần khi phát quang ruộng rẫy) hay ông Nhà Lớn. Khoảng năm 1900, ông cùng đoàn người trên năm chiếc thuyền lớn đã cập bến cù lao Núi Nứa (đảo Long Sơn ngày nay) trên hành trình trốn chạy sự truy nã của giặc Pháp vì tội tham gia lực lượng khởi nghĩa.

Đảo khi ấy rất hoang vắng, bốn bề là rừng ngập mặn bao quanh. Phát quang tạo ruộng lập ấp, khai thác gỗ trên núi, đánh bắt thủy hải sản..., ông cùng đoàn người bắt tay xây dựng Nhà Lớn từ năm 1910-1929 thì hoàn tất. Đến nay, dân đảo còn nhắc đến sự kiện “năm Thìn bão lụt miền Tây” ông đã mở kho gạo cứu đói cho dân. Sau sự kiện đó, có rất nhiều người miền Tây theo ông về Long Sơn lập nghiệp (điều này lý giải việc phần lớn dân trên đảo có gốc miền Tây).

Những kinh nghiệm sống mà ông Trần mang lại cho dân chúng đã được gìn giữ và lan truyền như những điều “kinh đạo”. Các bậc kỳ lão nói: “Đó chỉ là đạo làm người. Ngày xưa ông Nhà Lớn thường dạy về nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, trung hiếu... Dân cứ thế truyền miệng từ cha mẹ sang con cái, ông bà sang cháu chắt”.

Đạo ông Trần độc đáo ở chỗ không có giảng đạo, không kinh kệ, không thu nhận tín đồ. Người dân cho biết nhiều tập tục riêng của Long Sơn vẫn truyền đời như đám tang chôn cất trong vòng 24 giờ (không coi ngày giờ, xả tang ngay tại mộ), đám cưới không coi ngày mà chỉ chọn hai ngày trong tháng là 16 hoặc mồng 1 và giờ hành lễ là giờ Thìn (khoảng 8g sáng)…

Đặc biệt, tục “chết đồng quách” vẫn được dân đảo thực thi đến ngày nay. Theo triết lý của ông Trần, “khi chết mọi người đều bình đẳng như nhau” nên áo quan (đặt tại Sơn Long Hội - Nhà Lớn) được dùng chung cho tất cả mọi người. Gia đình có tang chỉ việc đến thỉnh áo quan về tẩm liệm, khi ra mộ phần thì người chết được quấn vào chiếu cói chôn xuống đất.

Hiện nay, ngay phía sau khu chính điện - nơi ông Trần thường ngồi giảng đạo cho các phiên viên và con cháu nghe - vẫn còn lưu giữ bộ ảnh (chữ Nôm) truyện Lục Vân Tiên. Theo con cháu ông Trần, đây là nét chủ đạo của đạo ông Trần.

Nhà Lớn được gìn giữ như con ngươi

 

 Ảnh minh hoạ.

Nhà của ông Trần (nay là di tích Nhà Lớn, còn gọi là Đền ông Trần) nằm ngay trung tâm xã, rộng hơn 2ha do ông Trần tự thiết kế và xây dựng. Đến nay, Nhà Lớn vẫn đứng vững trong hạng đầu những quần thể kiến trúc cổ đồ sộ, bề thế nhất khu vực (nên dân gọi là ông Nhà Lớn).

Toàn bộ Nhà Lớn (làm hoàn toàn bằng gỗ, nứa - được gìn giữ gần như nguyên vẹn), tại đây được chia làm ba khu vực với nhiều nhà, lầu san sát nhau ăn thông bằng những con đường nhỏ gồm: nhà khách, lầu cấm, nhà thánh, lầu giữa, lầu dài, lầu tiên, lầu Phật, nhà hậu, nhà hội, trường học, chợ, mộ, các dãy phố, nhà ghe sấm (còn lưu giữ một trong năm chiếc ghe đầu tiên về Long Sơn lập nghiệp), nhà mát (trạm, dành cho ghe thuyền bà con tránh mưa nắng), khu nhà ở, công viên...

Bên trong di tích là vô số kỷ vật cổ (phần bằng gỗ quí). Theo đánh giá của nhiều đoàn khảo cổ đến đây tham quan nghiên cứu, ông Nhà Lớn sưu tầm khá nhiều vật dụng của cả ba miền Nam - Trung - Bắc như bàn ghế, tủ thờ, những bức hoành phi, liễn thờ... Trong đó có bộ bàn ghế bát tiên mà con cháu ông Nhà Lớn khẳng định là của vua Thành Thái. Nhà Lớn được xem là di sản của nhân dân cả đảo. Dân gìn giữ Nhà Lớn như gìn giữ con ngươi trong mắt mình.

Việc quản lý di sản đều do nhân dân cùng con cháu ông Trần điều hành hoàn toàn tự nguyện. Cung kỉnh (cúng, lễ), quét dọn, tu sửa hàng ngày do năm người đảm nhiệm, cứ ba ngày thay phiên một lần. Nhà Lớn hiện có 68 phiên với 340 người tự nguyện thực hiện, nửa năm đổi lại một lần.

Anh Bôn, người trực tại lầu Phật cho biết: “Trực phiên chỉ là hình thức, chủ yếu là xuất gia tu tâm dưỡng tính trong ba ngày ở Nhà Lớn”. Nguồn tài chính của Nhà Lớn (do khách tham quan hay nhân dân cúng) được đưa vào quĩ xã hội chăm lo học sinh và người dân nghèo toàn xã: cây mùa xuân cho trẻ em, áo mới cho thầy cô giáo, y bác sĩ của xã... Tổng kết năm 2004, Nhà Lớn chăm lo tổng số tiền trên 85 triệu đồng.

Điều kỳ lạ nhất là trải qua hai cuộc chiến nhưng Long Sơn - nhất là Nhà Lớn, hầu như không bị ảnh hưởng gì nhiều dù đây là căn cứ của cách mạng, bị Pháp chiếm đóng, lập cứ. Lịch sử của Nhà Lớn đã gắn cùng những giai thoại ly kỳ.

Ban điều hành Nhà Lớn cho biết: “Vào thời Pháp, lính Pháp cũng định san bằng Nhà Lớn và di dân khỏi đảo. Pháp đã bỏ bom ngay Lầu Cấm - nơi thờ Phật năm ông - nhưng bom không nổ”. Sau đó, lính đặt mìn ở nhà hội và nhà hậu. Mìn cũng trơ ra như củ khoai. Nhà Lớn khi đó là tòa nhà lớn nhất, sang trọng nhất Long Sơn nên bị lính chiếm đóng đầu tiên. Nhưng việc nhiều tên bị té lầu gãy cổ chết không rõ nguyên nhân đã làm bọn lính ngán sợ phải rút đi nơi khác...

Năm 1991, quần thể kiến trúc Nhà Lớn được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và đến nay vẫn còn là khám phá thú vị với nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ.

Long Sơn hiện nay nhà cửa khang trang, đường sá được mở rộng, tráng nhựa thẳng tắp, điện, nước máy vào tới từng hộ, đời sống sung túc nhiều hơn trước. Thay vì sống bằng nghề trồng lúa mỗi năm một vụ, dân Long Sơn nay chuyển sang đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, đất chuyển sang diêm nghiệp sản xuất quanh năm. Xã cũng đang đẩy mạnh trồng rừng, qui hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, khu nhà nghỉ khách sạn để phục vụ du lịch.

0