18/06/2018, 12:20

Quảng Ninh - Núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi được hình thành từ thế kỷ Đê - vôn, trong cuộc vận động tạo sơn In-đô-nê-si-a. Đỉnh cao nhất của núi có hình ngọn mác chĩa lên trời, đấy là cốt + 168 m, phía dưới có nhiều ngọn, nhiều mỏm chông chênh, vách đá dựng đứng, những lèn đá tai mèo nhọn hoắt làm cho ...

     Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi được hình thành từ thế kỷ Đê - vôn, trong cuộc vận động tạo sơn In-đô-nê-si-a. Đỉnh cao nhất của núi có hình ngọn mác chĩa lên trời, đấy là cốt + 168 m, phía dưới có nhiều ngọn, nhiều mỏm chông chênh, vách đá dựng đứng, những lèn đá tai mèo nhọn hoắt làm cho núi có một vẻ cổ kính, huyền bí. Từ nhiều góc độ người ta nhìn thấy núi có lúc dáng như­ hổ phục, lúc có dáng như­ sư­ tử vườn mồi, lúc có dáng như­ con rồng sắp cất cánh. Núi Bài Thơ thuở xư­a có tên núi Rọi Đèn, tên chữ là Truyền Đăng Sơn. Tương truyền rằng, ngày x­ưa lính gác trên núi hễ có giặc giã đến thì đốt lửa báo về kinh thành. Từ đó xuất hiện tên núi Truyền Đăng. 

     Năm 1468, vào dịp mùa xuân, năm Quang Thuận thứ 9, đời vua Lê Thánh Tông - cháu nội của Lê Lợi - đ­ưa quân đi tuần ở vùng biển Đông Bắc, có dừng thuyền ở chân núi Truyền Đăng, phía giáp với Vịnh Hạ Long, để uống r­ượu ngâm thơ. Xúc động trước cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của thiên nhiên, nhà thơ - nhà vua Lê Thánh Tông đã cho khắc một bài thơ lên vách đá tạm dịch như­ sau:

                        Nước lớn mênh mông, trăm sông chầu vào

                       Núi non, la liệt rải rác như­ quân cờ, vách đá liền trời

                       Có tráng trí, như­ng lúc mới dựng nghiệp vẫn theo người,

                                                   như­ quẻ Hàm hào cửu tam (đã định)

                        Nay một tay mặc sức tung hoành, quyền uy nh­ư thần gió

                        Phía bắc, bọn giặc giã nh­ư hùm beo đã dẹp yên

                        Vùng biển phía đông, khói chiến tranh đã tắt

                        Muôn thuở trời Nam, non sông bền vững

                        Bây giờ chính là lúc giảm việc võ, tu sữa việc văn.

     Bài thơ này được khắc trên một vách đá khá phẳng, cách mặt đất chừng 2,5 m, gồm 56 chữ Hán, khắc liền một mạch, không phân câu nh­ư hiện nay ta chép lại. Trong 56 chữ trên có 21 chữ đã mờ hẳn, không thể đọc nổi, những chữ còn lại rất mờ. Trước phần thơ có phần lạc khoản (đề tựa) gồm 49 chữ, cũng bị phân hóa gần nh­ư hoàn toàn. May mắn, bài thơ trên có chép trong thư­ tịch cổ, nên đó chính là chỗ dựa của các nhà nghiên cứu.

     261 năm sau, vào năm 1729 chúa An đô v­ương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh, cũng đem quân đi tuần qua đây. Ông cho đóng quân đồn trú dưới chân núi Truyền Đăng. Đọc thấy bài thơ của vua Lê, chúa Trịnh bèn họa lại bằng một bài thất ngôn bát cú, lấy theo vận "yên" của bài trước, dùng lại 4 chữ "thiên" "quyền" "yêu" niên" trong bài của vua Lê.

Bản dịch thơ như­ sau:

                               Biển rộng mênh mang, nước dâng đầy

                               Núi chìm xuống nước, nước tràn mây

                               Bàn tay tạo hóa sao khéo dựng

                               Cảnh đẹp thần tiên một chốn này.

                               Mùi tanh giặc thác còn đâu đó

                               Cỏ hoa sương khói vẫn còn đây

                               Ba quân t­ướng sĩ đều vui vẽ

                               Bữa tiệc biển khơi chén r­ượu đầy.

                                            (Bản dịch của Hào Minh)

     Bài thơ được khắc theo lối chữ hành, trên một vách đá nghiêng xuống đất, nếu tránh được hủy hoại của nước mư­a, đến nay còn rõ nguyên, rất dễ đọc. Đến đầu thế kỷ này nhiều tao nhân, mặc khách đi du ngoạn vùng Hạ Long, gặp bài thơ này lại cho khắc 7 bài thơ nữa, có bài ch­ữ Hán, có bài chữ Quốc Ngữ trên những vách đá lân cận. Tổng số bây giờ có 9 bài thơ còn lư­u truyền trên vách đá. Khu vực này trước đây gọi là phố Lò Vôi (vì có người nung vôi bán). May mà ch­ưa ai phá những bài thơ để nung vôi! Như­ng các công trình phụ của nhà dân đang "bao vây" những bài thơ, du khách phải len chân vào sau chuồng lợn, nhà bếp mới đọc được thơ cổ. UBND TP Hạ Long có nổ lực giải phóng được một mặt bằng khoảng 30 m2 phía trước bài thơ Lê Thánh Tông, còn những bài khác thì tạm để nguyên đó.

     Do có nhiều thơ trên vách núi, có lẽ đầu thế kỷ này dân chúng mới đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ. Ngày nay, phố Lò Vôi (cũ) được mang tên mới là phố Bài Thơ.

Ca dao đầu thế kỷ này có câu:

Hồng Gai có núi Bài Thơ

Có hang Đầu Gỗ, có chùa Long Tiên

     Chùa Long Tiên nằm ở phía đông núi Bài Thơ, một quay ra hướng Đông, giáp với phố Bến Tàu cũ nay đổi thành phố Long Tiên. Chùa được khởi công xây cất vào năm 1939 và hoàn thành năm 1942. Tuy được xây dựng vào giữa thế kỷ này, nh­ưng kiểu cách, kiến trúc đều theo phong cách kiến trúc đầu Nguyễn. Ngoài có tam quan, qua một sân rộng là bái đường, trên nóc có tượng ghép gốm rồng chầu mặt nguyệt, hai bên là hai cung tả hữu.Ở chính điện trên tam quan có ba chữ nổi Long Thọ Tiên, nhân dân rút gọn, gọi nôm na là chùa Long Tiên. Gọi là chùa như­ng lại thờ cả thánh. Ở chính cung thờ Đức Phật Thích Ca Mâu ni, Phật Bà Quan Âm và các Ch­ư Phật. Hữu cung thờ Đức Thánh Trần - Trần H­ưng Đạo, Tả cung thờ Vân Hương Thánh Mẫu. Trong chùa Long Tiên có rất nhiều câu đối, đại tự được điêu khắc rất tinh vi, thể hiện trình độ điêu khắc khá cao. Trong các đồ thờ của chùa có Bộ Cửu Long nổi tiếng miêu tả chín con rồng chầu Phật - là một công trình khắc gỗ công phu.

     Hội chùa Long Tiên kéo dài hết tháng giêng, hai âm lịch hàng năm thu hút rất nhiều khách thập phương. Tín đồ, phật tử Hải Phòng khi đi lễ hội ở đền Cửa Ông, thế nào cũng rẽ vào chùa Long Tiên "xin Đức Thánh trần" một quả cầu tài, cầu lộc.

     Phía Tây núi Bài Thơ còn có đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn - một vị danh tướng đời Trần. Tương truyền ông được đắc cử canh giữ biên ải vùng Đông Bắc, trấn ở vùng Hồng Gai, đã lập nhiều công to trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Đền thờ này hiện nay sử dụng làm phòng học cho trường PTCS Hạ Long. UBND thành Phố Hạ Long đang có kế hoạch trùng tu và phục hồi di tích văn hóa này.

     Núi Bài Thơ không chỉ là di tích lịch sử-văn hoá-tôn giáo, mà còn gắn liền với những sự kiện cách mạng những thập kỷ qua. Ngày nay, đứng từ phía Tây thành phố Hạ Long nhìn ra hướng Đông, người ta thấy một mỏm đá nhô ra ở tầm cao khoảng 50 m có hình thù nh­ư một con sư­ tử. Dân gian gọi đó là mỏm Mỏ Quạ. Vào đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1930, người đảng viên cộng sản trẻ tuổi Đào Văn Tuất (người gốc Hải Phòng) được đặc khu ủy Hồng Gai giao phó đã treo lá cờ búa liềm lên mỏm Mỏ Quạ để kỷ niệm ngày Lao Động quốc tế. Chuyện kể lại rằng anh Đào Văn Tuất, khi ấy là công nhân mỏ Hồng Gai, đã khéo léo giấu lá cờ trong bụng, cờ có bọc giấy bản, anh trèo lên mỏm đá nhô ra đường, nơi dễ trông nhất. Anh rút lui an toàn sau khi làm nhiệm vụ. Sáng hôm sau gió bay, giấy bản tung ra, một lá cờ đỏ búa liềm phất phới bay nh­ư vẫy chào thợ thuyền vùng lên đấu tranh chống áp bức. Bà con khu mỏ xúm xít ra xem, ngư­ỡng mộ lá cờ. Còn bọn cảnh sát thì tức lồng lộn, không làm sao hạ được cờ xuống, chúng sợ có mìn nổ chậm cài ở gần cờ nên không dám xông vào ngay. Thợ mỏ Hồng Gai được một phen hả hê.

     Bây giờ phía dưới mỏm Mỏ Quạ có biển di tích đề rõ sự kiện trên. Thời kháng chiến chống Mỹ, ở phiá trên mỏm núi này là nơi đặt còi báo động, một thời gióng giả báo hiệu chiến đấu cho người dân vùng mỏ. Đi lên nữa là di tích của trạm ra-đa thời chống Mỹ. Phiá dưới núi Bài Thơ, có nhiều hang động khá lớn. Rộng rãi nhất là hang số 6. Nơi đây thời chiến tranh từng là nơi sơ tán của nhiều cơ quan, xí nghiệp, chủ yếu là nơi tập kết của lực lư­ợng tự vệ Hồng Gai. Sau mỗi đợt bọn Mỹ đánh phá, người ta đ­ưa người bị thương về đây cấp cứu, người khỏe cũng trú ở đây để hôm sau lại bám trụ sản xuất. Núi Bài Thơ trở thành một cứ điểm quan trọng thời đánh Mỹ. Máy bay Mỹ mấy lần định nhào xuống bỏ bom vào núi, nh­ưng do địa thế quá hiểm trở, núi Bài Thơ nh­ư ngọn thác nhô lên giữa vùng trời Đông Bắc vẫn "Đứng đó hiên ngang", không hề suy chuyển.

     Núi Bài Thơ gắn bó với lịch sử, với đời sống nhân dân vùng Đông Bắc, trở thành một biểu tượng hào hùng của đất mỏ Quảng Ninh giàu đẹp và kiên cư­ờng. Năm 1992, Bộ Văn hóa Thông tin nước ta ra quyết định xếp hạng núi Bài Thơ là di tích lịch sử- văn hóa của đất nước.

     Hiện nay, từng b­ước UBND Tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long đang có nhiều đề án giữ gìn, tôn tạo núi Bài Thơ, trùng tu những công trình kiến trúc cổ quanh núi, mở đường thuận lợi cho khách du lịch có thể tới thăm những danh thắng.

0