31/05/2017, 12:25

Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) là nhân vật trung tâm trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.

Hơn nữa, Vũ Nương còn là một người phụ nữ trong trắng, thủy chung. Nàng hoàn toàn vô tội. Thế mà hạnh phúc đơn sơ, một căn nhà ấm với tiếng vui trẻ thơ phút chốc bỗng trở thành một giấc mơ hư ảo. Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sống vào thời kì chiến tranh phong ...

Hơn nữa, Vũ Nương còn là một người phụ nữ trong trắng, thủy chung. Nàng hoàn toàn vô tội. Thế mà hạnh phúc đơn sơ, một căn nhà ấm với tiếng vui trẻ thơ phút chốc bỗng trở thành một giấc mơ hư ảo.

Nguyễn Dữ là học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông sống vào thời kì chiến tranh phong kiến xảy ra liên miên giữa các tập đoàn Lê - Trịnh - Mạc kéo dài đến cuối thế kỉ XVI. Ông đã để lại cho đời tập Truyền kì mạn lục gồm 20 truyện viết bằng chữ Hán. Tập truyện đã phơi bày và tốcáo những mặt xấu xa của thời đại ông đồng thời bênh vực và đề cao những phẩm chất, mơ ước tốt đẹp của con người, nhất là người phụ nữ. Hình tượng nhân vật Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) trong Chuyện người con gái Nam Xương, rút ra từ tập truyện đó của nhà văn, hiện lên với nhiều đức tính cao quý.

Điều đầu tiên, chúng ta thấy Vũ Nương là một phụ nữ đảm đang. Khi chồng nàng giã biệt gia đình ra chiến trận, nàng ở nhà một mình nuôi dạy con thơ mà không một lời kể lể nỗi vất vả, nhọc nhằn. Mẹ chồng của nàng vì tuổi già sức yếu, vì nhớ đứa con trai thân yêu đang chinh chiến phương xa nên sinh ra đau ốm. Nàng ngày đêm chăm sóc thuốc thang, lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn. Khi mẹ chồng trút hơn thở cuối cùng, một mình nàng lo liệu ma chay chu tất.

Mặc khác, Vũ Nương còn là một người vô cùng hiếu nghĩa. Nàng xem mẹ chồng như mẹ đẻ của mình. Bởi vậy, trước khi về bên kia thế giới, bà cụ xúc động mà nói với nàng rằng: “Nước hết chuông rền, sốcùng khó biệt. Một tấm thân tàn, nguy trong sớm tối, việc sống chết thế nào, không thể về đền ơn được. Sau này, trời xét lòng lành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, trời xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Còn đối với Trương Sinh, chồng nàng, trước sau vẫn trọn vẹn nghĩa tình. Khi mới lấy chồng, nàng lúc nào cũng “giữ gìn khuôn phép, chưa từng để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa” vì Trương Sinh có tính đa nghi. Khi tiễn đưa chồng, nàng không màng công danh mà chỉ khát khao sự bình yên cho người tri kỉ, nàng đằm thắm thiết tha: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi”. Rượu tiễn đã tàn, nhìn bóng chồng khuất nẻo, lòng nàng chất chứa sầu đong. Khi vắng xa chồng, dù có con thơ bên cạnh nhưng “mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được”. Đặc biệt, nàng không để xảy ra bất kì điều gì gây tiếng xấu cho gia đình. Khi chồng trở về, cả tinlời con trẻ, nghi ngờ nàng thất tiết, Vũ Nương vừa khóc lóc thảm thiết, vừa phân trần, biện bạch, giãi bày nỗi oan khuất thấu tận trời xanh của mình: “Thiếp vốn con kẻ khó, được nương tựa nhà giàu. Sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu, tường hoa chưa hề bên gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin bày tỏ để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp”.

Quá thất vọng, khổ đau vì bị Trương Sinh hắt hủi, tình yêu tan vỡ, Vũ Nương thốt lên trong cay đắng, xót xa: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rủ trong ao, liễu tan trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thắm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa”.

Nàng dám chọn cái chết để minh oan cho nghĩa tình trọn vẹn của mình. Sau khi tự vẫn, được các nàng tiên ở thủy cung cứu sống và được sống trong an lành sung sướng nhưng mỗi lần nghĩ đến gia đình xưa ở trần gian, nàng ứa nước mắt vì nhớ thương chồng con. Nàng không nói thẳng điều ấy ra với Phan Lang mà nói xa xôi bóng gió: “Có lẽ, không thể gửi hình ẩn bóng đây được mãi, để mang tiếng xấu xa. Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chìm Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày”. Vũ Nương vẫn mong mỏi chồng biết đến nỗi oan khuất mà giải oan cho nàng: “Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ đến chút tình xưa nghĩa củ, xin lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây đèn thần chiếu xuống nước, tôi sẽ trở về”.

Nàng tin tưởng ở tấm lòng trong trắng, thủy chung của mình nên mới buông lời thề với trời đất sau khi nàng tắm gội chay sạch: “Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ và xin chịu khắp mọi người phỉ nhổ”. Vì sự thật nàng có phẩm chất tốt đẹp nên khi gieo mình xuống dòng sông quê hương đã được “các nàng tiên trong cung nước” thương nàng vô tội và “rẽ một đường nước” để cứu nàng thoát khỏi cái chết oan khốc. Nếu không thì nàng “đã chui vào bụng cá”. Rồi Linh Phi đưa Vũ Nương về sống ở “cung gấm đền dao thật nguy nga lộng lẫy”, tậnhưởng biết bao sung sướng, không còn vướng bận âu lo, sầu thảm như khi nàng sống ở trần gian.

Cuối cùng, Trương Sinh đã lập đàn tràng ba ngàyđêm ở bến Hoàng Giang để giải oan cho nàng, “ngồi trên một chiếc thuyền hoa đứng ở giữa dòng, theo sau có đến năm mươi chiếc xe cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện”, nhưng nàng “không thể trở về nhân gian được nữa”. Dù kết thúc ấy quá thương tâm nhưng lại càng chứng minh thêm nét đẹp hoàn hảo của Vũ Nương. Vũ Nương chỉ chết về mặt thể xác, còn tâm hồn của nàng luôn sống mãi với quê hương, làng xóm, gia đình.

Tóm lại, Vũ Nương là người thiếu phụ có nhiều phẩm chất tốt đẹp: đảm đang, hiếu nghĩa, trong trắng, thủy chung. Nàng là hiện thân của những người phụ nữ Việt Nam mà số phận có tính chất bi kịch đau thương nhất trong xã hội cũ. Đồng thời nàng cũng là người phụ nữ đẹp trong đau khổ. Càng yêu mến, trân trọng nhân vật Vũ Nương, chúng ta càng chia sẻ, đồng cảm với bài thơ đề cao đức hạnh của nàng do vua Lê Thánh Tông (1442-1497) sáng tác:

Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương

Bóng đèn đầu nhẫn đừng nghe trẻ

Cung nước chi cho lụy đến nàng.

Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt

Giải oan chẳng lọ mấyđàn tràng!

Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,

Khá trách chàng Trương khéo phũphàng.

Nguồn: Nhungbaivanhay.net
0