Dựa vào đoạn trích Chị em Thúy Kiều (Truyện Kiều) hãy phân tích nghệ thuật tả người của Nguyễn Du.
Nhà thơ so sánh ẩn dụ ví ánh mắt của Kiều như: làn nước trong xanh của mùa thu, đôi mày có nét thanh tú của núi mùa xuân. Đôi mắt quả là kì diệu! Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, trong đôi mắt ấy là cả một thế giới nội tâm rất phong phú. Ngoài đôi mắt ra, Nguyễn Du cũng chỉ miêu ...
Nhà thơ so sánh ẩn dụ ví ánh mắt của Kiều như: làn nước trong xanh của mùa thu, đôi mày có nét thanh tú của núi mùa xuân. Đôi mắt quả là kì diệu! Người ta thường nói đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, trong đôi mắt ấy là cả một thế giới nội tâm rất phong phú. Ngoài đôi mắt ra, Nguyễn Du cũng chỉ miêu tả một cách khái quát sắc đẹp của Kiều.
I. PHÂN TÍCH ĐỀ:
1. Nội dung: Nghệ thuật tả người của Nguyễn Du được thể hiện trong đoạn trích:
• Hai chị em đều đẹp, mỗi người có một vẻ đẹp khác nhau.
• Tả vẻ đẹp của Vân nhằm làm nổi bật tài sắc tuyện vời của Kiều (so sánh).
• Tác giả ngầm dự báo về số phận của mỗi người thông qua việc miêu tả sắc đẹp.
• Tác giả sử dụng bút pháp nghệ thuật: ước lệ, tượng trưng.
2. Tiều đề: phân tích tác phẩm (một đoạn trích).
3. Phạm vi kiến thức: đoạn trích, có thể liên hệ với một số câu, đoạn khác trong tác phẩm.
II. DÀN Ý
1. Mở bài:
• Khái quát về nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du.
• Hai nhân vật: Thúy Vân, Thúy Kiều được tác giả miêu tả sinh động, thể hiện bút pháp tả người dặc sắc.
2. Thân bài:
a) Vẻ đẹp chung của hai chị em và mỗi người có một vẻ đẹp riêng (giới thiệu khái quát).
b) Vẻ đẹp của Thúy Vân:
• Đầy đặn, đoan trang, phúc hậu.
• Báo hiệu một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc.
c) Sắc tài của Thúy Kiều:
• Sắc: vẻ đẹp sắc sảo, nghiêng nước nghiêng thành.
• Tài: thông minh, đa tài (cầm, kì, thi, họa...)
• Cuộc sống tâm hồn phong phú, đa sầu đa cảm.
• Dự báo một tương lai chìm nổi.
3. Kết luận:
• Nguyễn Du, người nghệ sĩ bậc thầy về nghệ thuật tả người, bằng bút pháp ước lệ, tượng trưng.
• Tác giả tỏ thái độ trân trọng đề cao tài sắc của con người.
III. BÀI LÀM:
Truyện Kiều của Nguyễn Du có nhiều nhân vật, nhân vật nào cũng để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó phai mờ. Nguyễn Du - người nghệ sĩ bậc thầy - dưới ngòi bút của ông các nhân vật đều có dáng vẻ, tính cách và số phận cụ thể, riêng biệt. Trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, phần mở đầu của tác phẩm, Nguyễn Du đã ca ngợi vẻ đẹp của hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều, mỗi người có một vẻ đẹp riêng và cùng dự cảm về số phận tương lai khác nhau của họ.
Vân và Kiều, hai chị em ruột, cả hai đều rất đẹp; dáng điệu cốt cách mảnh mai, yểu điệu, tinh thần trắng trong như tuyết:
Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
Một vẻ đẹp đã đạt độ hoàn hảo nhất: “mười phân vẹn mười”, nhưng hai chị em “mỗi người một vẻ”, không ai giống ai.
Tả vẻ đẹp của Vân, nhà thơ rất kiệm lời chỉ bốn câu thơ với phương pháp đặc tả đã vẽ lên chân dung cụ thể và sinh động. Thúy Vân tiêu biểu cho vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu của người phụ nữ Á Đông:
Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Vẻ đẹp đó toát lên một nhân cách đoan trang, đứng đắn:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Nụ cười tươi như hoa hé nở, giọng nói thốt lên trong trẻo nghe như tiếng ngọc chạm vào mâm vàng. Thúy Vân có cái hạnh phúc rất lớn được tạo hoá ban phát cho một sắc đẹp mà rất nhiều người phụ nữ khác hằng ước ao:
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
Bằng cách so sánh với vẻ đẹp thiên nhiên vốn có, nhà thơ đã ca ngợi mái tóc của Vân óng mượt đến nỗi mây cũng thua, làn da của nàng trắng ngần, tuyết phải chịu nhường. Một sắc đẹp mà thiên nhiên, đất trời đều chịu “thua”, chịu “nhường”, không đố kị, ghét ghen. Con người đó ắt hẳn có một cuộc sống yên ổn, hạnh phúc.
Tả Vân trước, tả Kiều sau, dụng ý nghệ thuật của Nguyễn Du nhằm so sánh tăng cấp để làm nổi bật chân dung của Thúy Kiều:
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Một sự so sánh khái quát nhưng ta cũng cảm nhận được Thúy Kiều hơn hẳn em cả tài lẫn sắc. Tả vẻ đẹp của Kiều, Nguyễn Du chỉ tập trung vào đôi mắt:
Làn thu thủy, nét xuân sơn
Có lẽ trước một vẻ đẹp sắc sảo, lộng lẫy đến nhường ấy, nhà thơ nghĩ tất cả sự tô vẽ đều thừa nên ông chỉ biết mượn cách nói của người xưa mà kêu lên rằng:
Một hai nghiêng nước nghiêng thành.
Sắc đẹp của Kiều đã đạt đến độ hoàn mĩ, viên mãn nhất và trong đời này không thể có đến người thứ hai. Một sắc đẹp như đến cỏ cây thiên nhiên cũng phải hờn ghen:
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh
Cũng chính vì “hoa ghen” “liễu hờn” mà cuộc đời của nàng phải chịu nhiều nỗi truân chuyên.
Kiều hiện thân của sự kết hợp sắc - tài, tạo hoá đã ban cho nàng không chỉ sắc đẹp tuyệt vời mà còn một tài năng hơn người - Hiếm có người phụ nữ đa tài như vậy, trên các lĩnh vực nghệ thuật: thơ ca, hội họa, âm nhạc, nàng tỏ ra một người tài hoa rất mực:
Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm
Kiều có đầy đủ phẩm chất của người nghệ sĩ, một năng lực cảm nhận nghệ thuật nhạy bén, một tâm hồn phong phú, tinh tế, nhưng có lẽ tài năng của Kiều được biểu hiện tập trung ở ngón đàn:
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Tiếng đàn gắn liền với sốphận của đời nàng, trong tác phẩm, nhiều lần nhà thơ tả tiếng đàn của Kiều, mỗi hoàn cảnh, mỗi tâm trạng tiếng đàn khác nhau: khi nỉ non, ai oán, khi “như khóc như than”, khi “bốn giây giỏ máu năm đầu ngón tay”...
Nàng lựa khúc đàn “bạc mệnh”, như một sự xui khiến của sốphận: Khúc nhà tay lựa nên chương Một thiên “bạc mệnh” lại càng não nhân.
Kiều tài sắc nên mệnh bạc. Trong xã hội cũ, người phụ nữ có sắc có tài phải chịu nhiều đau khổ: “hồng nhan đa truân”. Kiều có sắc có tài hơn người nên chịu số kiếp long đong.
Thúy Kiều, Thúy Vân, hai hình tượng nhân vật được ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du khắc họa sinh động. Cũng như những nhà thơ cổ điển khác, Nguyễn Du sử dụng nghệ thuật ước lệ, tượng trưng để miêu tả nhân vật, nhưng những nhân vật của ông trong “Truyện Kiều” đều có tính cách riêng, số phận riêng. Chị em Thúy Kiều, hai cô gái mà nhà thơ rất mực yêu mến trân trọng, ông dồn hết tâm lực, tình cảm để ca ngợi tài sắc của họ và xót xa, phẫn nộ biết chừng nào khi vẻ đẹp đó bị xã hội vùi dập, chà đạp.