16/01/2018, 12:51

Viết thư trao đổi kinh nghiệm học môn Ngữ Văn – Văn mẫu lớp 6

Viết thư trao đổi kinh nghiệm học môn Ngữ Văn – Văn mẫu lớp 6 Viết thư trao đổi kinh nghiệm học môn Ngữ Văn – Bài số 1 Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 3 năm 2017. Thúy Nga thân mến! Tạm biệt các bạn và ...

Viết thư trao đổi kinh nghiệm học môn Ngữ Văn – Văn mẫu lớp 6

Viết thư trao đổi kinh nghiệm học môn Ngữ Văn – Bài số 1

Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1 tháng 3 năm 2017.

   Thúy Nga thân mến!

   Tạm biệt các bạn và những ngày sinh hoạt sôi nổi ở trại hè Cháu ngoan Bác Hồ của thành phố, mình trở lại với gia đình, với mái trường quen thuộc. Thời gian ở trại hè trôi qua nhanh quá nên mình chưa có dịp trò chuyện với Nga về việc học hành. Từ nay trở đi, chúng mình sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm học tập qua những trang thư, Nga nhé!

   Năm ngoái, mình đạt kết quả cao trong kì thi học sinh giỏi Văn lớp 5 cấp thành phố là nhờ công lao dạy dỗ của cô Thanh Hà. Tất nhiên là mình cũng đã cố gắng hết sức trong kì thi ấy. Mình nhớ có lần Nga hỏi mình kinh nghiệm học Văn sao cho đạt kết quả cao. Thú thật, mình cũng chẳng có kinh nghiệm hay bí quyết gì đâu mà chỉ có vài điều nho nhỏ muôn trao đổi với bạn.

   Trước hết, mình làm đúng theo những điều cô giáo dạy. Ở lớp, mình chăm chú nghe cô giảng. Cô Hà giảng bài hay lắm! Cô thường đặt ra những câu hỏi gợi mở để cuốn hút chúng mình cùng cô tiếp cận và tìm hiểu tác phẩm. Cô phân tích kĩ từng chi tiết giúp cho học sinh hiểu sâu hơn về cái hay cái đẹp của bài văn, bài thơ. Cô hướng dẫn làm nhiều bài tập từ dễ đến khó. Nhờ vậy mà kĩ năng viết của chúng mình được nâng cao, từ chỗ biết dùng từ ngữ chính xác, biết đặt câu đúng ngữ pháp dần dần đến chỗ biết cách diễn đạt trong sáng và biểu cảm.

   Muốn học Văn giỏi phải say mê đọc sách Nga ạ! Từ nhỏ, mình đã ham đọc sách. Cứ có thời gian rảnh rỗi là mình đọc. Khi đọc những bài văn tả người, tả cảnh đẹp thiên nhiên hay cảnh sinh hoạt hằng ngày… thấy đoạn nào đặc sắc là mình chép vào một quyển sổ gọi là Sổ tay văn học, lâu lâu lại giở ra xem, học tập cách viết của tác giả.

   Rồi mình tự chọn đề tài và luyện viết. Viết xong, mình nhờ ba mẹ hoặc cô giáo xem và góp ý cho. Cứ thế cho đến khi bài văn được tạm coi là hoàn chỉnh. Kể ra cũng mất khá nhiều thời gian nhưng luyện viết như thế rất có ích bởi nó giúp mình nâng cao trình độ quan sát, cảm nhận thực tế và kĩ năng làm bài. Theo mình, điều này hết sức cần thiết cho những ai yêu thích và muôn học giỏi môn Ngữ văn, Nga ạ!

   Ngoài ra còn phải kể đến năng khiếu bẩm sinh, nhưng mình nghĩ rằng năng khiếu chỉ là một phần nhỏ thôi, còn phân lớn là sự học hỏi, rèn luyện không ngừng. Nga có đồng ý với mình không?

   Nga thân mến!

   Mình biết Nga say mê học Toán, thậm chí còn mơ sẽ trở thành một nhà Toán học trong tương lai nữa. Điều đó rất đáng quý, mình ủng hộ bạn. Nhưng ai cấm một nhà Toán học vừa có tư duy chính xác, vừa có tâm hồn phong phú nhạy cảm của một nghệ sĩ?! Sẽ thú vị biết bao khi đọc một bài thơ, một truyện ngắn… ta hiểu được cái hay, cái đẹp của nó và rút ra từ tác phẩm những bài học bổ ích cho mình ? Có người nói rằng sách là túi khôn của nhân loại. Sách mở ra trước mắt chúng ta một chần trời mới, một thế giới mới với bao điều kì thú. Hiểu được con người và cuộc sống xung quanh ta, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao, phải không bạn?

   Có thể nói lịch sử phát triển của Văn học cũng lâu đời như lịch sử phát triển của Toán học vậy. Từ xa xưa, con người đã biết sử dụng Văn học như một phương tiện để lưu truyền kinh nghiệm và phản ánh đời sống xã hội. Dân tộc nào trên thế giới cũng coi văn học là sản phẩm tinh thần của dân tộc mình.

   Thông qua văn học, chúng ta nhận thức được nhiều điều bổ ích về con người và cuộc sống trong quá khứ cũng như hiện tại. Đọc ca dao, tục ngữ hay thần thoại, cổ tích, chúng ta hình dung được tổ tiên ta sinh sống ra sao trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước. Những mơ ước, khát vọng chinh phục thiên nhiên; những bài học về đạo lí và kinh nghiệm sống được gửi gắm qua các loại hình văn học từ lúc còn truyền miệng đến khi có chữ viết… cứ thấm dần vào máu thịt, qua năm tháng, tạo nên đời sống tinh thần phong phú cho mỗi con người.

   Văn học hướng con người tới Chân, Thiện, Mĩ của cuộc đời, vì vậy, nó là món ăn tinh thần không thể thiếu. Nó giúp con người hoàn thiện nhân cách để trở nên hữu ích hơn đối với gia đình và xã hội. Ngoài ra, văn học còn là một phương tiện giải trí lành mạnh và bổ ích. Cho dù hiện nay có rất nhiều hình thức giải trí như trò chơi điện tử, sách điện tử… nhưng vẫn không thể thay thế được việc đọc sách, thú đọc sách đã có từ xa xưa.

   Tác dụng của văn học lớn lao như thế nên việc học Văn là rất cần thiết.

   Chúng ta học Văn tức là học tiếng nói dân tộc, tiếng mẹ đẻ thân yêu. Bạn cứ thử nghĩ xem, sẽ như thế nào khi một người Việt lại không rành tiếng Việt? Điều đó sẽ gây trở ngại lớn trong học tập cũng như trong giao tiếp hàng ngày. Việc học Văn sẽ giúp chúng ta có được kĩ năng sử dụng thành thạo ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết. Hai kĩ năng này liên quan chặt chẽ và là cơ sở để cho chúng ta học tốt các môn khác. Có thể nói không có một lĩnh vực khoa học nào không cần đến ngôn ngữ làm phương tiện, dù dưới hình thức này hay hình thức khác, dù ít hay nhiều.

   Môn Ngữ văn gồm Văn, Tiếng Việt và Làm văn. Bên cạnh việc học tốt Văn, Tiếng Việt, chúng ta còn phải học làm văn, tức là học cách xây dựng các loại văn bản thường sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. Một bức thư, một lá đơn, một bản báo cáo, một câu chuyện… muốn viết cho đúng, cho hay đều phải học Nga ạ! Học và thực hành. Học ở trên lớp, học thêm ở nhà và thường xuyên đọc sách để nâng cao hiểu biết. Đó là những điều nên làm trong quá trình học Văn.

   Văn chương phản ánh cái hay, cái đẹp, cái tinh túy của cuộc sống. Bởi vậy cuộc sống thiếu văn chương thì sẽ trở nên tầm thường, tẻ nhạt và con người thiếu văn chương thì tâm hồn sẽ đơn điệu, khô cằn. Công việc căng thẳng gây mệt mỏi cho thể xác, văn chương giải tỏa sự mệt mỏi ấy và đem lại niềm vui, niềm tin cho con người. Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, văn chương lại càng cần thiết như khí trời và ánh sáng vậy.

   Việc học Ngữ văn cần thiết như vậy đấy, Nga không nên xem nhẹ nó. Mình mong bạn sẽ dần dần yêu thích và học tốt môn Ngữ văn như môn Toán. Khi bạn học đã giỏi, bạn sẽ thấy những điều mình trao đổi với bạn hôm nay là đúng. Con người phát triển toàn diện chính là mẫu người lí tưởng của xã hội hiện đại. Mình với bạn sẽ cùng nhau phấn đấu nhé!

   Thôi, thư đã dài, cuộc trao đổi của chúng mình tạm dừng ở đây, hẹn đến dịp nghỉ hè gặp nhau, ta sẽ trao đổi tiếp. Chúc bạn khỏe, vui, đạt được nhiều thành tích trong học tập và phấn đấu!

   Mong sớm nhận được tin bạn!

Thân ái

Thu Minh

Viết thư trao đổi kinh nghiệm học môn Ngữ Văn – Bài số 2

Nam thân mến!

Có lẽ, cậu không biết lý do vì sao khi tớ gửi lá thư này cho cậu. Cậu cũng biết rồi đấy, tớ là người ngồi cùng bàn với cậu từ đầu năm học lớp 6 đến giờ. Qua những giờ kiểm tra Văn trên lớp tớ thấy điểm số của cậu không được cao mặc dù cậu học rất chăm chỉ. Tớ viết lá thư này để tớ chia sẻ cho cậu những kinh nghiệm học Văn của tớ, hy vọng rằng nó giúp ích được cho cậu, không chỉ đối với môn Ngữ văn mà đó có thể là những môn học khác trong chương trình học của chúng ta.

Chúng ta ai cũng biết rằng, cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt và không hề phong phú chút nào khi thiếu môn Ngữ văn, nó là một hành trang vô cùng vững chắc cho chúng ta bước vào đời. Văn học giúp chúng ta yêu quê hương đất nước của mình hơn, hiểu rõ những giá trị chân chính trong cuộc sống này. Một nhà văn Nga đã từng viết: “ Văn học là nhân học”. Đó chính là những gì mà Văn học muốn gửi gắm đến con người. Học văn chính là học cách làm người.

Muốn học tốt Ngữ văn, chúng ta cần:

Thứ nhất, cậu phải xây dựng cho mình một niềm yêu thích đối với môn Ngữ văn. Không phải ai cũng có thể học tốt được môn học này, thực tế đã chứng minh điều đó. Khi bạn yêu thích nó, thì mọi hoạt động hằng ngày của bạn sẽ tự tìm đến nó, không có sự ràng buộc, bạn sẽ tiếp thu tri thức một cách tự nhiên. Khi yêu thích, bạn sẽ thường xuyên đọc sách, nghiên cứu và suy nghĩ, tự dưng trong bạn sẽ có một tâm hồn văn học đặc thù, những kiến thức đó sẽ giúp bạn vận dụng linh hoạt vào trong bài văn của mình. Chỉ cần có đam mê, chúng ta có thể làm những gì mình muốn.

Thứ hai, thường xuyên đọc nhiều thể loại văn học, cập nhật thông tin một cách chính xác và nhanh chóng, điều đó giúp bạn có những kiến thức phong phú và cách dùng từ, đặt câu. Nhiều bạn khi viết văn rất lúng túng, không biết viết cái gì bởi lẽ vốn từ vựng của họ rất ít, không đủ dùng vì vậy nó cản trở đến quá trình làm văn của họ.

Thứ ba, khi đã có niềm đam mê và tri thức nhất định, bạn phải xây dựng cho mình một định hướng cụ thể trong bài văn của mình, bạn phải học tốt phân môn Tiếng việt và xây dựng văn bản trong khi viết bài tập làm văn. Khi học Tiếng Việt phải chú ý thực hành và thực hành từ những bài tập đơn giản đến những bài tập phức tạp. Chú ý những từ loại, các kiểu câu, và cứ sau mỗi bài tập làm văn, thì bạn phải lọc những câu sai từ, sai câu để sửa nhằm tránh lặp lại những lỗi ấy trong các bài tập làm văn tiếp theo. Dĩ nhiên, lúc đầu bạn sẽ rất khó khăn, mắc lỗi rất nhiều, nhưng khi làm quen với nó thì bạn sẽ cảm thấy rất dễ dàng. Khi mắc lỗi, bạn có thể nhờ cô giáo giúp để sửa lỗi, những lúc như vậy bạn sẽ nhớ lâu hơn.

Thứ tư, cần phải lập dàn ý trước khi làm một bài văn. Nếu bạn không lập dàn ý, bạn sẽ không biết ý nào sắp xếp trước, ý nào sắp xếp sau, từ đó bài văn của bạn rất lộn xộn, thiếu ý. Trong dàn bài phải chia ra những luận điểm, luận cứ, xác định luận điểm nào phải xoáy sâu trọng tâm. Luận điểm nào là luận điểm phụ. Và khi viết văn thì theo dàn bài để tránh lặp ý hoặc thiếu ý. Quá trình làm văn thì em nên huy động nhiều kiến thức đã học một cách đa dạng, phong phú để tránh việc lặp đi lặp lại một ý đơn điệu.

Thứ năm, đối với phần đọc hiểu văn bản, đây là nền tảng để cho bạn làm văn, vì vậy, bạn cần phải đọc kĩ văn bản, hiểu rõ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

Trên đây là những kinh nghiệm của tớ muốn chia sẻ cho cậu, sở dĩ tớ không nói trực tiếp mà viết thư vì như vậy có cậu nhớ lâu hơn và lúc nào quên, cậu có thể xem lại nó một cách dễ dàng.

Bạn của Nam,

Khánh

Vũ Hường tổng hợp

0