Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: “Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi”
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: “Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi” Bài văn mẫu viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: "Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi" Viết thư ...
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: “Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi”
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: "Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi"
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45, chủ đề: "Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi" được VnDoc sưu tầm bao gồm những bài văn mẫu hay đạt giải, giúp các em học sinh củng cố vốn từ vựng phong phú cho các bài văn viết thư hiệu quả. Chúc các bạn có một bức thư như ý và đạt giải.
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 46
Lưu ý:
Hiện tại, các em học sinh đang chuẩn bị cho bài Viết thư UPU 47 chủ đề Hãy tưởng tượng em là một bức thư có khả năng du hành vượt thời gian, khi đó thông điệp nào em muốn truyền tải tới người đọc. VnDoc.com đã cập nhật bài viết mẫu về cuộc thi viết thư upu lần thứ 47 năm 2017 - 2018 này. Mời các em tham khảo.
Bài tham khảo 1
Thiên đàng, ngày 1/1/2016
Xin gửi lời chào tới anh bạn tương lai của tôi!
Vậy là đã gần bốn tháng kể từ ngày tôi rời xa dương thế. Có lẽ sự từ giã trần thế quá sớm khiến tôi trưởng thành hơn để hôm nay tôi viết bức thư này cho anh. Tôi – bé Aylan Kurdi 3 tuổi người Syria – được cả thế giới biết đến với giấc ngủ vĩnh hằng trên bờ biển Bodrum Thổ Nhĩ Kỳ, viết cho anh – là tôi của tuổi 45 còn sống nơi trần thế.
Nghe có vẻ vô lý anh nhỉ? Tôi đã chết thì làm gì có anh! Nhưng tại sao lại không thể khi mọi thứ đều trong một giấc mơ – cả tôi và anh. Những thiên thần sẽ giúp tôi gửi bức thư này đến anh.
Anh bạn thân yêu! Giờ đây tôi đang ở trên thiên đàng – một thế giới kì diệu lung linh biết mấy. Nơi này chẳng có ngày hay đêm. Mặt trời, vầng trăng và cả những vì sao lấp lánh cùng nhau tỏa sáng, không gian lúc nào cũng trong veo như pha lê. Mẹ và anh trai tôi đang mỉm cười cùng những linh hồn khác. Chúng tôi không có quốc gia, không phải di cư, không phân biệt tôn giáo, không có khủng bố hay bạo lực... Tất cả đều như nhau – những linh hồn bay nhẹ nhõm, thanh thản và bình yên.
Giờ đang là giao thừa. Từ trên đây, chúng tôi có thể ngắm nhìn cả trái đất. Ngắm nhìn những chùm pháo hoa lộng lẫy bung nở trong màn đêm và lắng nghe tiếng chuông ngân vang. Dưới đó là những mảng màu tương phản. Có những nơi rực rỡ trong ánh sáng, lại có những mảng tối im lìm đâu đó. Tiếng chuông lẫn trong tiếng súng, hạnh phúc ở cùng với bất hạnh, thù hận đi liền với tình yêu... Chao ôi, cuộc sống nơi trần thế! Giờ thì tất cả đã quá xa vời.
Anh bạn tuổi 45 ơi, anh còn nhớ chứ! Chúng ta theo cha mẹ chạy trốn khỏi chiến tranh và bạo lực đẫm máu nơi quê nhà Kobani với giấc mơ về "miền đất hứa" ở trời Âu. Vậy mà, giấc mơ ấy chấm dứt chỉ 20 phút sau khi chiếc thuyền khởi hành. Biển dậy sóng, thuyền lật úp, bàn tay bé nhỏ của tôi buông rời tay mẹ. Tôi đã hét lên: "Bố ơi, xin đừng chết!". Tôi đã vật lộn với những con sóng, đã cố bấu víu lấy sự sống mong manh, đã vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nhưng đứa bé ba tuổi thì có thể làm gì được giữa biển cả mênh mông trong đêm tối mịt mù? Và rồi... biển cả rộng mở đón tôi vào lòng. Biển cả cũng rất khoan dung khi thay vì nhấn chìm tôi đã đưa tôi vào bờ, nằm yên trên nền cát. Hẳn anh còn nhớ hình ảnh của tôi khi ấy. Bé bỏng. Áo màu đỏ và quần xanh lam. Chân đi giày. Hai tay xuôi theo chiều chân. Tôi nằm yên trên bãi biển. Mặt úp xuống bờ cát hiền hòa như đang say ngủ. Xung quanh, những con sóng vỗ về. Một giấc ngủ dài. Vĩnh viễn.
Hình ảnh tôi được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Họ đã nói những gì? "Thảm họa nhân đạo mang tính toàn cầu", "Biểu tượng của nỗi đau mà người dân Syria phải hứng chịu cũng như nỗ lực tuyệt vọng để thoát khỏi nỗi đau ấy" rồi "khiến thế giới câm lặng" hay "thức tỉnh lương tri".
Và người ta còn vẽ lên bức hình tôi đôi cánh của thiên thần. Đây, dĩ nhiên không phải là cách người ta "cường điệu hóa" hay "thi vị hóa" một cái chết. Đây là sức lay động từ một cái chết và là cách người ta làm dịu lại nỗi đau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì một sự thật vẫn luôn hiện hữu. Một cuộc đời đã chấm dứt. Đứa trẻ mãi mãi tuổi lên ba. Tôi và gia đình đã sống sót qua mưa bom bão đạn ở Syria bất ổn, nhưng lại bỏ mạng khi đang trên đường tìm một nơi bình yên khác để sống. Cái chết quá sức đau đớn và quá sức vô lý.
Chao ôi, 3 năm – một cuộc đời! Giá không có chiến tranh và bạo lực; giá tôi được đi trên chiếc thuyền chắc chắn hơn; giá bố mua được cho tôi chiếc áo phao; giá các nước châu Âu mở rộng đường biên giới; giá như... thì có lẽ tôi đã không phải chết!
Giờ thì thân xác tôi đã được trở về nơi quê nhà. Một hành trình trở về đất mẹ gian truân, nhọc nhằn. Nhưng là trở về sau khi đã chết. Trở về cái nơi tôi đã tháo chạy. Trở về chỉ đề nằm dưới lòng đất. Đúng là một kiếp người dạt trôi, một phận người bèo bọt!
Nhưng anh ạ, dù sao thì tôi cũng được nhiều người biết đến, được an ủi. Còn hàng nghìn, thậm chí hàng triệu cái chết khác thì sao? Hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng khi vượt Địa Trung Hải, hàng nghìn đứa trẻ đã chết vì đói, vì rét, vì bệnh tật, hàng trăm người đã chết vì khủng bố. Có những người biết là sẽ chết khi phải vượt biển di cư nhưng không làm khác được. Một người đồng hương Syria của tôi đã viết thế này trước khi chết chìm anh ạ "Cảm ơn biển cả đã chào đón chúng tôi mà không đòi hỏi visa... mà không hỏi tôn giáo của tôi là gì...". Thế đấy, có những cái chết được người ta xoa dịu. Có những cái chết được người ta tưởng nhớ. Nhưng cũng có cái chết bị bỏ rơi, quên lãng. Chao ôi, chỉ có chết mới hết bất công sao? Hay đến chết cũng chưa hết bất công?
Và từ nơi đây, từ trong đau đớn, tột cùng của một đứa trẻ đã chết, từ trong yên bình, nhẹ nhõm nơi thiên đàng, tôi viết thư cho anh – là tôi, 45 tuổi còn sống nơi trần thế. Anh sẽ hỏi sao không phải một độ tuổi nào khác? Anh bạn, tôi chọn anh – tuổi 45 – là bởi khi ấy ta đã định vị được bản thân trong cuộc đời. Khi tôi 45 tuổi, còn sống – là anh – ta sẽ thế nào nhỉ? Một ông bố? Một công chức bình dân? Hay một nhân vật có khả năng thay đổi thế giới?
Anh biết đấy, Steve Jobs của Apple cũng là con một người di cư. Và ta sẽ sống ở đâu? Trở về quê hương Syria hay ở miền đất hứa trời Âu? Thế giới khi ấy sẽ ra sao? Có như thiên đàng tôi đang sống không? Tuổi 45 ngỡ sẽ đến như một lẽ tự nhiên ư? Không! Có những tuổi 45 mãi mãi chỉ là ước mơ không thành hiện thực. Ai sẽ cho tôi và những đứa trẻ như tôi tuổi 45? Ai sẽ cho chúng tôi cuộc đời? Làm sao để tất cả mọi người đều có tuổi 45, tuổi 55 và hơn thế nữa? Câu hỏi ấy ai sẽ trả lời cho tôi – thưa anh!
Thân ái!
Tôi - là anh từ trên thiên đàng
"Đây là bức thư đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 45 của em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 9B, trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương"
Bài tham khảo 2
Hà Giang, ngày 11 tháng 12 năm 2015
Thư gửi tôi!
Năm nay tôi đã ở tuổi trăng rằm, độ tuổi mà đối với tôi mọi thứ đều hấp dẫn, yêu đời, cuộc sống đầy thú vị và hoài bão.
Ở nơi xa xôi hẻo lánh này, sáng sớm sương mờ giăng đầy núi, đã 8h mà sương vẫn còn dày đặc. Tôi đến trường sương ướt đầy vai áo, sương bám trên mi mắt buốt lạnh, nặng trĩu.
Cách đây 35 năm khi tôi còn chưa ra đời, đất nước tôi khi đó còn khó khăn nhiều lắm. Người dân cơ cực trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, khoai sắn còn thiếu thốn, ... đời sống vất vả vô cùng. Ông và cha tôi phải lên rừng đào củ mài, củ nâu, cỏ tranh... để nuôi sống qua ngày.
Và giờ đây, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đất nước tôi đã trở mình vươn lên dần thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và mù chữ. Ở cái bản nhỏ của tôi, trẻ em được vận động đến trường học cái chữ và mỗi học sinh đều được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm đều có các nhà hảo tâm đến tận nơi tặng quà, sách vở, quần áo và cả lương thực, thực phẩm... Cuộc sống của dân làng tôi nay đã khấm khá hơn trước rất nhiều.
Ông tôi thường nói với tôi rằng: cuộc sống bây giờ của con sướng hơn ông ngày xưa gấp nhiều lần, sau 35 năm nữa chắc hẳn cuộc sống của con sẽ tốt hơn bây giờ gấp bội. Con hãy cố gắng làm một người công dân tốt, đem hiểu biết của mình về truyền đạt lại cho thế hệ mai sau nghe con. Đừng bao giờ như những người thi Olympia gì gì đó, đi ra nước ngoài học tập rồi quên luôn cả nguồn cội, tổ tiên - Những người đã bỏ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của mình để cho họ có được ngày hôm nay, ấy vậy mà họ phủi ơn, lại còn buông lời cay đắng. Cháu của ta phải nhớ lời ta dặn: "Uống nước, nhớ nguồn" nghe không.
Ông ơi! Lời ông dạy con luôn luôn ghi khắc trong lòng, hôm nay đây con biên đôi dòng này gửi lại đến 35 năm sau. Dù thế giới có đổi thay, lòng người có thay đổi thì với những lời này con sẽ truyền đạt lại cho thế hệ mai sau lời dạy của ông: "Chim có tổ, người có tông", sống làm dân nước Nam, thác làm ma đất Việt.
Con sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt, phấn đấu hết sức mình cho quê hương Hà Giang ngày một phồn vinh, giàu đẹp. Trẻ em được đến trường, chữa bệnh miễn phí, người dân được ấm no, hạnh phúc, nhà cửa khang trang, giao thông thuận lợi, ... Con xin tự hứa với mình rằng: 35 năm sau con sẽ đạt được những mục đích đó. Để không phụ lòng của ông dạy dỗ.
Mong rằng các anh chị bưu điện đừng để lạc mất thư này của em, xin hãy bảo lưu thật kỹ, để sau này em được nhìn lại quá khứ và lời hứa của mình 35 năm về trước. Em xin chân thành cảm ơn!
Tôi của ngày xửa, ngày xưa!
VN, ngày rộng tháng dài năm bao la!
Bài làm 3
Chào thầy Hiệu Trưởng,
Có lẽ thầy ngạc nhiên lắm nhỉ? Thầy có biết tôi là ai không? Tôi là quá khứ của thầy đó – quá khứ 30 năm về trước.
Để tôi nhắc cho thầy nhớ nhé! Cũng vào ngày này, tại ngôi trường này – có một cậu học trò ngồi bàn đầu nhưng hay ngủ gật. Cậu ngủ gật đến nỗi viết chữ vào vở mà y như vẽ hàng rào vậy, với những đường dài ngoằn ngoèo thật khó tả. Nhà cậu cách trường 15 cây số, sáng nào đến lớp áo cậu cũng ướt đẫm mồ hôi như vừa mới tắm (vì đạp xe tốc hành). Dù thời tiết có là mùa đông hay mùa hạ thì việc đó cũng không thay đổi.
Cậu rất ghét cái xấu, cái ác, yêu hoà bình, sống chân thật. Cậu mong muốn trở thành một chiến sĩ công an nhân dân để bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người. Nhưng cậu không thể vì cậu lùn quá, thiếu thước tấc: chiều cao 1,6m không đủ tiêu chuẩn đầu tiên để thi vào trường công an. Thế là cậu ước mơ trở thành một thầy giáo – một thầy giáo dạy văn, mặc dù cậu chuyên ban A (toán – lý – hoá), thế có nghịch lý không? Cậu chỉ chú tâm vào hai ngành nghề trên, không phải là cậu không mến mộ các ngành nghề khác như kĩ sư, bác sĩ, kinh doanh, khoa học... mà tại vì gia cảnh nhà cậu nghèo quá. Mỗi sáng nhịn đói đến trường thì lấy đâu ra tiền mà học những ngành cao siêu ấy. Xác định như vậy là phù hợp với bản thân và gia đình của cậu nhất.
Trải qua muôn vàn khó khăn và cực nhọc thức khuya, dậy sớm. Cuối cùng cậu cũng đã đạt được một chút thành công nho nhỏ: Cậu đã thi đỗ vào Đại học sư phạm với số điểm vừa đủ vì thi vào ban C (văn – sử – địa). Trải qua một thời sinh viên nhịn đói cầm hơi, ăn mì tôm Colusa, rau muống luộc người cậu trở nên thanh mảnh và rất thời trang. Đổi lại 5 năm sư phạm thật nhiều niềm vui, học được nhiều ý nghĩa trên con đường mình đã chọn. Cậu học trò nghèo rớt mùng tơi và có phần nhút nhát ngày nào giờ đã là một thầy giáo trẻ trung, năng động đầy nhiệt huyết. Ra trường với tấm bằng loại khá, thầy được điều động về xã miền núi xa xôi, hẻo lánh giáp giới với nước bạn. Điều kiện trường lớp khó khăn, người dân bản xứ còn nghèo đói nên cũng chưa quan tâm đến việc học hành. Thầy đã đến nhà vận động ba mẹ từng học sinh, giúp bản làng trồng lúa nước, trồng rau quả, chăn nuôi lợn gà, bò heo tập trung, ... Thời gian đầu người dân còn ngờ vực chưa tin thầy lắm, nhưng với tấm lòng tận tuỵ hết lòng với bà con nên dần dà thầy đã chiếm được tình cảm của dân làng nơi đây. Cùng với đội ngũ giáo viên của trường, thầy đã ghi công mình vào việc xoá mù chữ cho dân bản và giúp bản thoát nghèo đói, không còn phá rừng làm rẫy mà trồng rừng để thu lợi nhuận. Với thành tích 10 năm giảng dạy ở non cao nên thầy được đặc cách lựa chọn một trường dưới xuôi mà mình muốn về. Thế là thầy chọn ngay ngôi trường THCS ngày xưa thầy đã học.
Đến đây hẳn là thầy đã nhớ ra tôi là ai rồi chứ? Vâng tôi chính là thầy – thầy là tôi 30 năm sau. Bây giờ cuộc sống chắc hẳn đã khác xưa nhiều lắm rồi thầy nhỉ! Việc dạy và học cũng có nhiều thay đổi phải không thầy? Ngày trước chỉ có phấn trắng, bảng đen, bút mực, vở con Nai chưa bao giờ tưởng tượng ra được con chuột, bàn phím như thế nào, mà giờ thì máy tính, máy chiếu, điện thoại, internet, ... hiện đại quá thầy nhỉ! Đất nước từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống của thầy và gia đình đã tốt hơn trước gấp nhiều lần. Đường sá, trường học, bệnh viện được mở rộng, xây dựng khang trang, sạch đẹp, trẻ em dưới 6 tuổi được chữa bệnh miễn phí, người lao động được đóng BHXH, ... Người dân không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như trước nữa. Ngôi trường cũ kĩ trước đây giờ đã được thay bằng một toà nhà mới toanh với 5 tầng đồ sộ và đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy học.
Không biết vợ và các con của thầy như thế nào nhỉ? Vợ thầy có xinh đẹp và đảm đang không? Các con của thầy có ngoan và học giỏi không? Tôi thật sự tò mò và muốn được biết quá. Nếu có thể xin thầy gửi lại cho tôi một bức thư kể về gia đình của thầy hiện tại cho tôi xem với nhé!
Kính chúc thầy và gia đình năm mới được dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúc thầy ngày càng có nhiều trò giỏi, tài đức vẹn toàn góp phần dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp, bền vững.
Quá khứ của thầy!
Thư gửi tôi 30 năm sau!