27/08/2018, 23:12

Việt Nam và khúc quanh thế kỷ 19

Chiến thuyền nhà Nguyễn TK 19 ở Hải Phòng Bùi Mộng Hùng Nhận định về ta, về người, về ta với người. Ba cái nhìn tuy ba mà một, hệ quả nhiều khi mấy thế hệ sau còn gánh chịu. Nhất là vào những thời đại thế giới chuyển động mạnh, như thế kỷ thứ 19, như hiện nay… Chúng ta ...

a war junk in Hai Phong, 19th century

Chiến thuyền nhà Nguyễn TK 19 ở Hải Phòng

Bùi Mộng Hùng

Nhận định về ta, về người, về ta với người. Ba cái nhìn tuy ba mà một, hệ quả nhiều khi mấy thế hệ sau còn gánh chịu. Nhất là vào những thời đại thế giới chuyển động mạnh, như thế kỷ thứ 19, như hiện nay…

Chúng ta thử lùi về quá khứ lấy tầm nhìn lịch sử tìm hiểu cách ta nhìn ta, nhìn người trong khoảng đầu thế kỷ 19 và trong hiện đại.

Thập niên thứ ba thế kỷ 19 triều đại Minh Mạng bắt đầu, thừa kế một dải giang sơn thống nhất rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử Việt Nam. Vào lúc đất nước đã bắt đầu ổn định sau 18 năm Gia Long trị vì.

Nhà vua có ý chí khai triển sự nghiệp, chấn chỉnh thể chế và pháp độ, mở mang học thuật văn hoá, xây dựng quân đội hùng mạnh hỗ trợ cho một chính sách ngoại giao uyển chuyển, cứng có mềm có, đặt nền bảo hộ trên các nước láng giềng Chân Lạp, Vạn Tượng… Quyết tâm đưa Việt Nam vào một thời đại huy hoàng như Ðại Việt thời Lê Thánh Tôn (1460 – 1494).

Cái ý chí làm một Thánh Tôn nhà Nguyễn của vua Minh Mạng ẩn hiện trong lời nói, trong câu văn. Ðơn cử lời dụ sưu tầm thơ văn xưa “ Nước Việt ta lấy văn hiến mở nước, các vua anh minh ra đời, duy Thánh Tôn nhà Lê là hiếm có, pháp độ và chính trị hay đều chép ở trong sử, lại còn sau khi mưu cơ muôn việc nhàn hạ, văn nghệ vui chơi làm ra rất là phong phú, cái phong tao lưu lại còn thấy tiếng hay, trẫm truy tư cổ nhân rất là khâm mộ.” (Minh Mệnh Chính Yếu (MMCY) Nhà xuất bản Thuận Hoá, Huế 1994, tập III, tr. 86 – 87),và câu vua hỏi triều thần “ Thơ của trẫm đối với thơ Lê Thánh Tôn thế nào ? ” (MMCY, tập III, tr. 90).

Tuy nhiên, khác với thời đại Lê Thánh Tôn một yếu tố mới lạ đã đậm nét : Tây phương bám trụ ở vùng Nam Á, đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng. 

Về giao thương với Tây phương

Ðại Nam Thực Lục (1) chép : tháng bảy, Minh Mạng năm thứ ba (1822) “ Tổng đốc Manh-nha-hố nước Anh-cát-lợi là Hà-sĩ-định sai Cá-la-khoa-thắc mang thư đến dâng phương vật (500 khẩu súng tay, một đôi đèn pha lê lớn). Thuyền đến Ðà Nẵng. Dinh thần Quảng Nam dịch thư dâng lên. ” … (ÐNTL, tập VI, tr. 85 – 86) Cá-la-khoa-thắc chính là John Crawfurd (1783 – 1868). Vào năm 1822 ấy, Crawfurd là người đã từng trải nhiều năm hoạt động ở Pinang và Java, là tác giả bộ History of Indian Archipelago (Lịch sử Nam Dương quần đảo) xuất bản năm 1820. Lý do Lord Hasting (Hà-sĩ-định) thống đốc (gouverneur général) Bengale (Manh-nha-hố), đúng ra là Ấn Ðộ thuộc Anh, trao cho Crawfurd nhiệm vụ đi Huế : Cảng Singapore đã mở năm 1819, điều tra tiềm năng tài nguyên và thị trường của cả vùng là cần thiết.

Vua Minh Mạng từ chối không cho Crawfurd vào bệ kiến, lý do “ là người của tổng đốc phái đi, không phải do mệnh của quốc vương ”, không nhận phẩm vật. Nhưng trọng đãi phái bộ, ban tặng khá hậu. Và Crawfurd thành công mỹ mãn trong vấn đề đặt quan hệ buôn bán. ÐNTL chép tiếp “ Sai hữu ty bàn định điều lệ riêng về việc các nước đến buôn, làm thư của Thương bạc bảo cho biết ”. Văn kiện chính thức ấy quy định chi tiết quan hệ thông thương với Việt Nam, theo báo cáo Crawfurd gởi Hasting nội dung gồm không dưới 71 mục. Quan hệ người Anh đặt được khi đó, người Pháp chưa đạt được, mặc dù Vannier (Nguyễn Văn Chấn), Chaigneau (Nguyễn Văn Thắng) lúc đó lãnh quan chức trong triều là những người Pháp phục vụ nhà Nguyễn từ khi Nguyễn Ánh còn bôn tẩu đối chọi với Tây Sơn.

Mở quan hệ giao thương với Tây phương, có giới hạn và “ định hướng ” là đường lối của vua Minh Mạng. Chính nhà vua có thư phiền trách với công sứ Singapore việc thương gia Anh không biết chụp lấy cơ hội nhà vua mở cửa các cảng Gia Ðịnh, Ðà Nẵng, Hội An, Huế cho họ sau cuộc viếng thăm của phái bộ Crawfurd (doanh số trao đổi giữa Việt Nam và Singapore năm 1824 đạt 93 781 đôla Singapore, đến khoảng năm 1826 – 1827 không vượt quá 134 698 đôla).

Và, sau hai mươi năm gián đoạn – từ Gia Long tức vị 1802 cho đến năm Minh Mạng thứ ba 1822 – nhà vua lại đặt vấn đề sai phái bộ đi Hạ châu. Hạ châu, sử gia nhà Nguyễn dùng để chỉ chung Pinang và Malaka cho đến 1818, nghĩa là đến trước ngày thành lập cảng Singapore, và sau đó bao gồm Pinang, Malaka và Singapore.

Nhiệm vụ giao phó cũng khác trước. Thời còn chiến tranh với nhà Tây Sơn, từ 1788 đến 1801, Nguyễn Ánh bảy lần sai người đi Hạ châu. Ðể mua quân nhu khí giới. Tháng hai Minh Mạng năm thứ tư (1823) khi sai cai cơ Ngô Văn Trung, tuần hải đô dinh Hoàng Trung Ðồng dùng hai thuyền Bình ba, Ðịnh lãng đi Hạ châu, nhà vua dụ rằng : “ Chuyến đi này không phải để mua hàng hoá, chính là muốn biết núi sông phong tục nhân vật của nước ngoài. Bọn ngươi đến nơi phải xem kỹ la bàn, ghi chép rõ ràng cho biết phương hướng. ” (ÐNTL, tập VI, Tr. 146)

Tìm hiểu núi sông phong tục : dò xét tình hình thế giới. Và cải tiến kỹ thuật đi biển : xem kỹ la bàn, ghi chép phương hướng. Mười bảy năm sau, năm 1840, trong dịp từ khước không nghe theo Vũ Ðức Khuê xin đình chỉ gởi thuyền công hàng năm đi ra ngoại quốc, nhà vua tóm tắt kết quả của hai nhiệm vụ này : “ Nay quân ta cũng biết lái chở thuyền vượt biển không kém sở trường của họ (Tây dương), làm họ trùn lòng, nhân đó mà dò xét tình trạng, mới được cả hai đàng ” (ÐNTL, Tập XXII, tr. 295-296)

Chuyến công vụ này mở đầu cho một chính sách giao thương mới với 15 chuyến đi Hạ Châu, 9 đi Giang Lưu Ba (Kelapa, Jakarta ngày nay), 3 đi Tiểu Tây Dương (Ấn độ vùng Pondichéry), 2 đi Pinang, 2 đi Semarang (Java), 2 đi Lữ Tống (Luôon, Philippin), trong thời gian 21 năm trị vì của vua Minh Mạng. Thiệu Trị (1841 – 1847) tiếp tục chính sách, trong 7 năm ở ngôi vua phái đi Giang Lưu Ba và Singapore mỗi nơi 3 chuyến.

Nhà vua căn dặn hai nhiệm vụ : trau dồi kỹ thuật đi biển, thu thập thông tin nhận xét tình hình thế giới – ngày nay còn lại vài tập ghi chép hiếm hoi, Hải trình chí lược của Phan Huy Chú (2), Tây hành kiến văn kỷ lược của Lý Văn Phức (1785 – 1849) về chuyến đi Bengale năm 1829. Nhưng thật ra, các phái bộ còn thêm một chức năng khác.

Từ năm Gia Long thứ 8 (1809), nhà Nguyễn cấm bán cho người nước ngoài lúa gạo, vàng, bạc, tiền, muối, trầm hương… Các chuyến tàu công vụ đời Minh Mạng, Thiệu Trị là một công cụ của nhà vua nhằm nắm độc quyền buôn bán hàng cấm nói trên và một số mặt hàng mua về cho triều đình.

Vì nghiêm cấm cho nên buôn lậu chở gạo Nam Kỳ ra Hạ châu bán, mua thuốc phiện đem về trở thành vấn đề nan giải cho triều đình. Minh Mạng năm thứ 9 (1828) vua chuẩn y lời bàn của đình thần : “ Muốn trừ tệ ấy (bán gạo lậu) chẳng gì bằng lấp cái nguồn ấy đi là hơn. Nay xin từ nay về sau cấm hết thuyền buôn nước ta không được đến Hạ châu buôn bán, làm trái thì chiếu luật buôn lậu mà trị tội. ” (ÐNTL, tập IX, tr.78). Có vài số liệu cho ta một ý niệm về khối lượng buôn lậu sau lệnh cấm đó. Năm 1834 số thuyền buôn cả Ðông lẫn Tây cặp bến Singapore là 472 chiếc, trong đó có 27 là Trung Quốc, 24 Xiêm, 72 Mã Lai và 49 Việt Nam. Doanh số mua bán tư thương giữa Singapore và Việt Nam tăng – 383 273 đôla năm 1829-30, 476 512 năm 1844-45 – mặc dù cướp biển hoành hành, thương nhân Việt Nam lại bị cấm đem khí giới theo, nguy cơ bị cướp bắt hay giết chết chẳng nhỏ. Thời gian sau 1850, tình hình căng thẳng với Pháp, các chuyến tàu công vụ ngưng hẳn, lệnh cấm thuyền buôn tư nhân lại càng ngặt hơn, tuy thế buôn lậu đã chẳng giảm mà so với 1844 – 45 doanh số năm 1856 – 57 của thuyền buôn tư nhân Việt Nam tăng 241 553 đôla, nghĩa là 52%.

Có lẽ cũng nên nói thêm rằng trong những cuộc buôn lậu này, không khỏi có những kẻ quyền cao chức trọng nhúng tay tham nhũng vào. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) phát giác An thái thú Vĩnh Long Lê Văn Nhuận ăn hối lộ của thương gia người Hoa để cho họ mua gạo bán lậu ra nước ngoài (ÐNTL, tập XVIII, tr. 175). Năm sau (1837) đổ bể vụ Hoàng Văn Thông quan chức trong phủ em vua, Kiến An công Hiệu cho một thương gia người Hoa ở Gia Ðịnh dùng thuyền được miễn thuế của phủ Kiến An công đi buôn suốt mười năm trường với Hạ Châu, Phúc Kiến (ÐNTL, Tập XIX, tr. 90)…

Những sự kiện cho thấy rằng trong nửa đầu thế kỷ thứ 19, một luồng thông thương khá náo nhiệt, cả công lẫn tư, cả chính thức lẫn lén lút, nối liền Việt Nam với các thuộc địa Tây phương trong vùng. Các vua Minh Mạng, Thiệu Trị sử dụng một cách có ý thức các chuyến tàu công vụ để thu thập thông tin về tình hình thế giới, trau dồi kỹ thuật hàng hải cho thuỷ binh, thiết lập độc quyền buôn bán gạo lúa cùng một số mặt hàng. Ta thấy nhà vua phác hoạ những nét chính sách giao thương trong một lời dụ vào năm 1840 “ … họ đến cũng không cự, họ đi cũng không theo, chỉ đối đãi coi như người di địch thôi. Gián hoặc có thuyền người Tây dương đến buôn bán, chỉ cho thả neo ở vụng Trà Sơn, đổi chác buôn bán xong xuôi, lại bắt chở thuyền đi, không hề cho lên bờ ở lâu, nhân dân sở tại, cũng không cho cùng họ trao đổi riêng. ” (ÐNTL, tập XXII, tr. 294-295). Tóm lại, kiểm soát giao thương chặt chẽ qua ngả “ quan doanh ”. Muốn biết thêm chi tiết xin tham khảo Chen Ching-ho, Les “ missions officielles dans le Hạ châu ” ou “ Contrées méridionales ” de la première période des Nguyễn (Trần Kinh Hoà, Các “ phái bộ chính thức đi Hạ châu ” hay “ Miền dưới ” thời đầu nhà Nguyễn), Claudine Salmon, Shibata Shintaro, Tạ Trọng Hiệp dịch tiếng Nhật ra tiếng Pháp (BEFEO, tome 84, Paris, 1994, tr. 101 – 124). 

Về kỹ thuật, khoa học Tây phương

Tây phương đến sát nách. Một việc gợi cho ta nghĩ rằng “ sự kiện Tây dương ” đi vào dư luận : Minh Mạng nguyên niên (1820) một trận dịch lớn, tháng sáu phát ra ở Hà Tiên, tháng bảy tràn đến Bình Thuận, Quảng Bình, lan ra Bắc Thành. Trong vòng năm tháng, không kể trẻ con đàn bà người già, tính riêng đàn ông trong sổ hộ khẩu mà tổng số cả nước là 620 240 người, đã chết mất 26 835. Vua Minh Mạng theo quan niệm thời đó sai Phạm Ðăng Hưng soạn dụ, ý rằng : “ Trẫm không có đức, trên cam phạm hoà khí của trời, bốn phương đều có dịch đều là lỗi trẫm ”, Ðăng Hưng tâu : “… thần nghe bệnh dịch từ Tây dương sang, bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình ” (ÐNTL, Tập V, tr. 118, 178, tập IX, tr. 243). Từ ông vua cho đến người dân, vào một dịp này hay ở dịp khác, không thể không nghe đến “ Tây dương ” được.

Vấn đề là những kỹ thuật, tư tưởng từ mới lạ phương xa tới được đón nhận ra sao.

Ta thấy năm Minh Mạng thứ tư (1823) “ Sai vũ khố chế thứ súng tay thuốc nổ mạnh theo kiểu Tây dương ” (ÐNLT, tập VI, tr. 209). Tháng 10 năm thứ 21 (1840), “ đúc 2 cỗ súng lớn Chấn hải. Sai ty có trách nhiệm theo đúng cách thức của Tây dương mà làm (một cỗ chất bằng gang, trong lòng đường kính 2 tấc, 2 phân, 1 cỗ chất bằng đồng, trong lòng đường kính 1 tấc 9 phân). Khi đúc xong đem thí nghiệm, đều được cứng tốt. Vua cho là thứ súng lớn ấy dùng về thuỷ chiến rất đắc lực, lại sai đúc thêm 30 cỗ chất bằng đồng nữa.” (ÐNTL, tập XXII, tr. 284). Một tháng sau, “ đúc 15 cỗ súng Xung tiêu bằng đồng… Lại chế 30 cái thước đo, để thí nghiệm thuốc súng đều theo cách thức của Tây dương. ” (ÐNTL, tập XXII, tr.344)

Và, Minh Mạng năm thứ 7 (1826) “ Ðóng 11 chiếc thuyền lớn bọc đồng năm cột buồm ” (ÐNTL, tập VIII, tr. 54) Thật ra, đóng thuyền kiểu Tây phương chở được nhiều súng đại bác đã bắt đầu từ trước. Thư đề ngày 24.4.1800 của Labrousse nói rõ : “ Nguyễn Ánh chỉ dùng người Ðàng Trong mà thôi đã thành công đóng được chiến hạm theo kiểu Âu châu. …, tàu nào cũng to, đẹp, chiếc thì mang 26 súng đại bác, chiếc thì mang 36 khẩu thần công ; thuỷ thủ đoàn gồm trên 300 người. ” (L. Cadière, BEFEO, 1912, 38-39).

Tháng 4 năm Minh Mạng thứ 21 (1840) lần đầu tiên thấy chép (ÐNTL, Tập XXII, tr. 114) tham tri Ðào Trí Phú, viên ngoại lang Trần Tú Dĩnh đi Giang Lưu Ba về dâng chiếc tàu mới mua chạy bằng máy hơi nước. Trí Phú thuê một đoàn thuỷ thủ chỉ huy là Bo-di-trợ đi theo tàu, chắc cũng để chuyển giao kỹ thuật. Ðoàn này, phó vệ úy hiệp lãnh thị vệ Nguyễn Tiến Song, viên ngoại lang Trần Tú Dĩnh đưa về Hạ châu trong chuyến tàu Thanh Dương đi mua hàng theo quyết định của nhà vua tháng 5 năm đó (ÐNTL, tập XXII, tr. 129). Ngay tháng 6, ra lệnh đóng tàu chạy hơi nước “ hạng trung kiểu mới… chiểu theo thể chế cách thức tàu hạng to mới mua về châm chước mà làm. ” Tàu, hai bên sườn có bánh xe lớn, thân dài 5 trượng 4 thước, sâu 4 thước 3 tấc 6 phân, (1 trượng là 10 thước, một thước bằng 0,33 mét) (ÐNTL, tập XXII, tr. 162). Còn “ tàu hơi nước hạng trung cũ để làm tàu vận tải tầm thường… ” (tr. 163). Chắc đây nói chiếc tàu Vũ khố đóng năm 1838 (ÐNTL, tập XX, tr. 252). Còn một chiếc tàu lớn đóng năm 1839 tốn 11 000 quan. Vua bảo : “ Trẫm muốn những người thợ nước ta đều học tập máy tinh xảo, cho nên không tính đến sự tổn phí ”(ÐNTL, tập XXI, tr. 226). Tháng 7 âm lịch 1840, đặt tên cho 3 tàu chạy hơi nước : tàu lớn gọi là Yên phi, tàu hạng trung là Vân phi, tàu nhỏ là Vụ phi. Yên phi chắc là tàu Ðào Trí Phú đem về 3 tháng trước, khi mua về “máy móc nhiều chỗ han gỉ, nồi sắt cũng dò nước… chạy thử chưa được nhanh lẹ. ” Sau khi “ thợ tháo ra xem xét, mài giũa từng cái, sửa chữa chỉnh đốn, lắp lại như cũ. ”, cho ra biển chạy thử với tàu Bình hải nhanh nhất đương thời, tàu máy hơi nước chạy nhanh hơn. (ÐNTL, tập XXII, tr. 186)

Ðến năm Thiệu Trị thứ tư (1844) Ðào Trí Phú lại mua ở Tây dương về một tàu chạy máy hơi nước lớn giá 28 000 quan tiền, đặt tên Ðiện Phi. (ÐNTL, tập XXIV, tr. 108 – 112). Tốc độ của nó làm người đương thời kinh ngạc : ngựa trạm chạy từ Cần Giờ về Huế phải mất 4 ngày 6 thìn 5 khắc. Chiếc tàu dài 9 trượng 5 thước 7 tấc, sâu 9 thước này, đi chỉ mất 3 ngày 6 thìn, nhanh hơn ngựa chạy 1 ngày 5 khắc !

Sử cũng chép, năm 1825 “ Cấp cho Khâm thiên giám ba cái kính chiêm nhật kính (ống dòm mặt trời), đại thiên lý kính và thiên lý kính ” (ÐNTL, tập VII, tr. 192). Chính nhà vua tự tay mày mò sử dụng loại dụng cụ này : “ Trước kia người Phú-lãng-sa là Nguyễn Văn Chấn (Vannier) dâng hai cái ống dòm bằng đồng của Tây dương, gọi là ống dòm mặt trời. Vua để một cái ở trong cung, một cái cho Khâm thiên giám, chưa có ai biết dùng. Vua từng khi rỗi đem xem, gọi Phan Huy Thực và Nguyễn Danh Giáp bảo rằng : “ Cái ống dòm này, để bằng, để lệch, để cao, để thấp độ số khác nhau, gần thì đo được núi non, xa thì xem được trời đất, rất là diệu ”. (ÐNTL, tập VIII, tr. 250). Và, 1826 “ Cấp cho Khâm thiên giám hai thước phong vũ và hàn thử. ” … “ Vua từng bảo Lễ bộ rằng : “ Thước hàn thử vốn có độ thường, như khí trời tạnh sáng thì khí dâng lên, âm u thì khí sụt xuống, biết trước khí hậu cái ấy rất nghiệm. Nếu ấm áp mà khí xuống, âm u mà khí lên thì là khí bất chính, nhân dân dễ sinh bệnh tật. Lấy thước ấy để đo lường khí hậu thực là phép diệu. Biết xem kỹ thì suy tính không sai. ” (ÐNTL, tập VIII, tr. 94 – 95)

Một loạt sự kiện cho nghĩ rằng vua Minh Mạng quan tâm đến kỹ thuật, dụng cụ khoa học Tây phương áp dụng trong quân sự cũng như dân sự.

Vì vậy mà ta không ngạc nhiên lắm thấy nhà vua chấp nhận khái niệm “ đất tròn và chuyển động ”. Vua từng nói với quần thần : “ Xưa nay đều nói rằng trời tròn đất vuông. Phàm đất vuông thì hẳn không thể theo trời mà chuyển vận được, cho nên sách Hồn thiên nghi nói rằng trời hình như quả trứng, trời bao ngoài đất, thì đủ biết đất tròn. Nhưng lời nói xưa đã thành, không nên bày ra thuyết lạ nữa ”. (ÐNTL, tập VIII, tr. 99) Ðiều không biết rõ là nhà vua chỉ nhắc lại lập luận của Lê Quý Ðôn (1726 – 1784) nửa thế kỷ trước đấy trong quyển hai Vân đài loại ngữ (1773) khi nhà bác học dẫn Khôn dư đồ thuyết – sách Trung Quốc dịch một tác phẩm của F. Verbiest – để nêu và bàn về vấn đề, hay có đọc thẳng quyển sách được Trung Quốc và Nhật Bản ưa chuộng này. Ta được biết Minh Mạng từng căn dặn sứ bộ đi Trung Quốc tìm mua sách lạ (ÐNTL, tập X, tr.165), lại “ thường xem quyển Tây dương ký sự ” (ÐNTL, tậpXXI, tr. 102). Và, năm 1840 nhà vua “ sai nội các soạn đưa ra một bộ sách nói về hình vẽ địa cầu của Tây dương, giao cho phụng giữ ” (ÐNTL, tập XXII, tr. 168). 

Về tình hình thế giới

Sử chép : “ Vua mỗi khi ngoài lúc ra chầu nghe việc tất vời hai ba vị đại thần, giảng bàn… phong tục, sự vật các nước phương xa… ” (ÐNTL, tập IX, tr. 191) Ta được biết qua kiến giải của nhà vua về cuộc đại cách mạng Pháp “ Trẫm từng nghe việc loạn ở nước Phú-lãng-sa, bắt đầu có người yêu quái truyền nói trong nước rằng : “ Phàm loài miệng có răng đầu có tóc đều là người cả, sao lại để cho giàu nghèo không đều ”. Thế là ùa nhau nổi lên cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo để cho đều nhau, dần đến loạn to… Nhưng đảng loạn nước Phú-lãng-sa cuối cùng bị diệt… ” (ÐNTL, tập VIII, tr. 195).

Mối quan tâm lớn là tình hình khu vực. 1824, Anh gây hấn với Diến Ðiện, vua nói với sứ giả Xiêm : “ Nước Xiêm có Diến Ðiện, cũng như nhà có phên dậu, nếu Hồng-mao (Anh) đánh mà lấy được, thì thế tất rồi đến nước Xiêm. Người mưu việc nước Xiêm nên lo chứ chẳng nên vui. ” (ÐNTL, tập VII, tr. 77). 1826, vào dịp sứ Xiêm tới yết kiến, vua mở địa đồ, trỏ bảo bầy tôi : “ Trẫm nghe nước Xiêm La cùng nước Hồng-mao có hiềm kích, chợt có dùng binh thì Hà Tiên là chỗ hai nước xung đột nhau, ta nên tính toán ra sao để phòng việc không ngờ. ” (ÐNTL, tập VIII, tr. 81).

Minh Mạng chăm lo phòng bị xâm lăng, vào năm 1840 nhà vua có nói : “ Kể ra, biết tự trị thì mạnh, có phòng bị thì không lo. Nay cửa biển Ðà Nẵng ở Quảng Nam, đã đặt thêm pháo đài Phòng Hải, cửa biển Thi Nại ở Bình Ðịnh, lại mới xây pháo đài Hổ Ky, để giữ chỗ hiểm yếu ; còn đảo Côn Lôn ở Vĩnh Long, đảo Phú Quốc ở Hà Tiên, đều có đặt đồn bảo chia phái lính thú tuần phóng, để răn ngừa sự lo bất ngờ. Như thế thì ta ngăn giữ bờ biển đã có cái thế đáng sợ mà không thể xâm phạm được. Việc võ bị mà chỉnh đốn, thì người ngoài trông thấy, cũng đủ tiêu tan lòng tà. Không những người Tây dương cách trở xa xôi, không dám trông thẳng vào nước ta mà nước mạnh láng giềng tiếp giáp cõi đất, cũng không dám lại manh tâm dòm ngó nữa ” (ÐNTL, Tập XXII, tr. 295).

Mâu thuẫn giữa Anh và Pháp không lọt khỏi mắt nhà vua. Năm 1824 tàu Pháp đem quốc thư, phẩm vật đến xin đặt quan hệ, vua bảo rằng : “ Nước Phú-lãng-sa cùng nước Anh-cát-lợi thù nhau, năm trước nước Anh-cát-lợi nhiều lần dâng lễ, trẫm đều không nhận, nay chẳng lẽ lại cho Phú-lãng-sa thông hiếu.” (ÐNTL, tập VII, tr. 101)

Trước khi trận giặc nha phiến nổ ra (1840 -1842, hoà ước Nam Kinh, mở cửa năm cảng, nhượng Hồng Kông cho Anh), qua đối đáp giữa vua Minh Mạng và Ðào Trí Phú đi công cán Giang Lưu Ba về thì rõ ràng vua tôi không hề ảo tưởng về Trung quốc. Trí Phú tâu : “… Hồng-mao… liên kết với các nước đại tây như Phú-lãng-sa để đánh nước Thanh. Quân họ nếu đến, dẫu không có thể bỏ thuyền lên chiếm đất, mà một dải ven biển người nước Thanh cũng khó giữ được. ” Vua nói : “ Người nước Thanh hèn yếu, ta đã biết rồi. Năm trước nước Hồng-mao ở các hòn đảo thuộc tỉnh Quảng Ðông, mà chẳng nghe người nước Thanh vạch ra một kế gì, đem một cái thuyền nào ra biển đánh. Nay nó lại đến, người nhà Thanh thế không chống được… ” (ÐNTL, Tập XXII, tr. 114). 

Tại sao nên nỗi ?

Tại sao Việt Nam hụt mất khúc quanh thế kỷ 19 ? Tuy rằng thời đó có những cá nhân chịu khó học hỏi Tây phương. Ngày nay ta còn được thấy bản đồ thành Gia Ðịnh của chưởng cơ giám thành sứ Trần Văn Học vẽ năm 1815, chính xác tinh vi. Sử còn chép Lê Nguyên học được cách làm máy của nước Tây dùng để hút nước tưới ruộng rất tiện, vua sai bộ Công chế tạo ngay 3 cái máy ấy cho dân theo cách thức mà làm (ÐNTL, tập XX, tr. 154). Chính quyền cũng cho phép và chu cấp cho những người có chí du học. Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ quyển 123 (nxb Thuận Hoá, Huế 1993, tập VIII, tr. 416) còn chép Nguyễn Hữu Quang, học trò học ở quán Tứ dịch – nơi dạy ngoại ngữ cho những người thông ngôn – được “ theo thuyền nhà nước đi Giang-lưu-ba học tập chữ Tây, tiếng Tây,… giao cho phái viên mang đến xứ ấy xét liệu cho ổn thoả, để tiện cho người ấy ở trọ học tập, khiến được thành tài, đợi sau hai ba năm, khi gặp có thuyền nhà nước phái đến, tuỳ tiện đưa về ”. Thật ra cùng chuyến thuyền năm 1835 ấy còn hai người thông ngôn khác, Nguyễn Văn Mẫn và Ðại Trọng tháp tùng đi Hạ châu. (ÐNTL, tập XVII, tr. 217). Ðến 1839 Nguyễn Hữu Quang được phép đáp thuyền Tây dương đi “ xa hơn nữa ” và ở lại một năm để quan sát phong tục và mua hàng (ÐNTL, tập XXI, tr. 250).

Tại sao nên nỗi ? Khi vua Minh Mạng có quyết tâm và đạt những thành công mà khuôn khổ hạn hẹp của bài báo không cho phép trưng bằng chứng – bên trong chấn chỉnh kỷ cương, mở mang học thuật văn hiến, bên ngoài chiến thắng quân Xiêm… Tại sao một triều đình có ý thức phòng bị Tây phương xâm lăng, biết chú tâm thu thập thông tin về các nước phương Tây mà không đưa nổi Việt Nam vào quỹ đạo chuyển biến ?

Những bộ óc sắc bén đi theo các phái bộ đời Minh Mạng như Phan Huy Chú, Lý Văn Phức đều nhận ra những nét ưu việt của kỹ thuật, tổ chức Tây phương. Sau đó, Phạm Phú Thứ (1821 – 1882) phó sứ trong sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp và Tây Ban Nha năm 1863 xin chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ – ghi chép chuyến đi trong Tây hành nhật ký, và cho khắc in năm 1877 ở Hải Dương những sách phổ biến tri thức khoa học tự nhiên, luật pháp quốc tế của Tây phương Bác vật tân biên, Vạn quốc công pháp – cũng ta thán “ Ðông phương mà biết thêm kỹ thuật, Chưa hẳn Pari, Luân Ðôn đã nói tài ” (Tảo giao Ðông thổ kiêm trường kỹ, Pha Lý, Long Ðông vị túc hiền).

Nhưng không ai nhận xét rằng làm cơ sở cho kỹ thuật là những kiến thức mới lạ. Duy có Cao Bá Quát (1809 – 1854) sau chuyến công cán Giang Lưu Ba 1844 day dứt xét lại giá trị toàn bộ học vấn của mình : “ Văn chương thuở trước như trò trẻ… Phí mất một đời học sử, kinh ” (Hướng tích văn chương đẳng nhi hí… Uổng cá bình sinh độc thư sử) (3).

Phải tìm lý do trong lối nhận định của ta : biết mà không hiểu. Biết lợi ích của phong vũ biểu, hàn thử biểu. Nhưng không hiểu và cũng chẳng muốn tìm hiểu những khái niệm hoàn toàn mới lạ : nhiệt độ, áp lực khí quyển. Vội nhập nhằng đánh lộn những khái niệm rất chính xác đó với quan niệm mơ hồ cổ truyền “ khí ”. Ta thấy trong đoạn dẫn ở trên, vua Minh Mạng thích thú cho rằng “ ấm áp mà khí xuống, âm u mà khí lên thì là khí bất chính, nhân dân dễ sinh bệnh tật. Lấy thước ấy để đo lường khí hậu thực là phép diệu. ”

Phương Tây phải bao đời suy luận, tính toán, quan sát mới đi đến khái niệm “ đất tròn, quay quanh mặt trời ” đảo lộn cả quan niệm vũ trụ của họ. Với ta, là chuyện trà dư tửu hậu. Có gì lạ đâu, luận sách xưa Hồn thiên nghi là biết được ngay !

Chân trời mới từ những khái niệm khác lạ chưa kịp hiện ra thì lối nhận thức nhì nhằng đã kéo ngay cái lũy tre xanh quen thuộc chắn ngang trước mắt mất rồi.

Kể từ Lê Thánh Tôn đến thế kỷ 19 đã bốn trăm năm học đòi Trung quốc. Vào thế kỷ 15, văn hoá kỹ thuật Trung Hoa quả đứng hàng đầu trên thế giới. Hấp thu văn minh đó là một điều thiết thân để tổ chức nên một nhà nước quy mô. Ðại Việt nhào nặn mình theo cái mô hình chói lọi phương Bắc. Nên nề nên nếp, cho rằng chỉ có một văn minh, văn minh Trung quốc, chỉ có một cung cách quan hệ, quan hệ song phương.

Niềm tự hào những gì đã học được bộc bạch trong lời lẽ , như trong một bài biểu của bộ Lễ đời Minh Mạng “ đất Nam giao ta… kể từ khi mở mang đến nay, thanh danh văn vật, cũng thịnh có vẻ như phong hoá Trung quốc, không có cái gì là không do đạo thống các đời ngũ đế tam vương truyền lại ” ÐNTL, tập VI, tr. 157). Niềm tự tôn ấy chỉ là mặt trái lòng tự ti trước Thiên triều. Người Việt thì gọi là dân “ Hán ”, khác phong hoá chỉ có thể là “ Man, Di ”. Ðối với họ, ta là thiên triều giáo hoá mọi rợ. Một thuyền 90 người Anh bị nạn dạt vào Bình Ðịnh được cứu trợ và nghe lời tuyên triệu cúi đầu tạ ân. Nghe tâu trình vua nói “ Người Tây dương vốn khí tính cứng đầu kiêu ngạo. Phải chăng bây giờ họ vừa được mông ơn cứu tuất của ta, cho nên đã hoá được cái tục mọi rợ của họ chăng. ” (MMCY, tập III, tr. 407).

Giao thương thì được, nhưng không đặt quan hệ ngoại giao chính thức với các nước phương Tây. Chỉ việc theo đúng phương châm cổ truyền là thắng lợi : “ Trẫm thường nghe người nước Hồng – mao khi qua lại giao thiệp với ngoại quốc thường dùng những lời lẽ láo xược. Chỉ cùng với nước ta giao tế, thì lại hết sức kính cẩn, thành tín mà thôi. Phải chăng… duy nước ta vì không hám lợi chỉ biết thành tín cho nên họ mới kính trọng chăng. Bởi vậy cho nên người quân tử không làm gì quá đáng, và hai chữ tín nghĩa có thể làm cho người xa xôi phải kính uý. ” (MMCY, tập III, tr. 400).

Tốt nhất là không nên thay đổi. Biết trái đất tròn thật đấy, “ nhưng lời nói xưa đã thành, không nên bày ra thuyết lạ nữa ”. Nhà cầm quyền tận lực để duy trì trật tự một xã hội nông nghiệp. Công nghiệp trước hết phục vụ cho triều đình. Thợ thuyền bị trưng dụng làm trong công xưởng nhà nước, “ con em thợ các cục của Vũ khố đến tuổi thì vào sổ ở các cục ấy, không được tự ý đi làm ở nha khác. Làm trái thì phạt 100 trượng. ”(ÐNTL, tập VII, tr. 57). Thương nghiệp bị bóp nghẹt. Quan Bắc thành dâng tờ tâu xin bãi bỏ thuế cửa quan và bến vì lệ thu sắc thuế đó sách nhiễu cho nhà buôn. Ðình thần bàn : “ Việc đánh thuế cửa quan và bến là để trọng nghề làm ruộng, ức chế nghề buôn, không thể bỏ được. Vua cho là phải. ” (ÐNTL, tập IX, tr. 147).

Xã hội xơ cứng. Lối nhận thức nhì nhằng thiếu nghiêm túc của ta chỉ thấy vụn vặt mà bỏ mất đại thể, không vượt qua nổi phần ngọn kỹ thuật Tây phương để đi tìm hiểu đến điều kiện cơ sở cho những thành tựu của họ là gì. Não trạng đầy ắp tự tôn-tự ti không còn lấy một kẽ hở để cho ý niệm thế giới đang đảo lộn đổi thay đến tận gốc rễ có thể len vào.

*

Thế kỷ 19, ta nhận thức chậm mất một thời đại. Minh Mạng muốn làm Thánh Tôn nhưng thời đại không còn là thời đại Lê Thánh Tôn nữa.

Ngày nay Việt Nam lại đứng trước một khúc quanh quyết định cho vận mệnh của mình. Tình thế mới đặt ta vào thế quan hệ đa phương, khác hẳn lối quan hệ song phương đã thành nếp quen của ta từ xưa tới nay. Lại vào đúng một giai đoạn thế giới chuyển biến mạnh.

Vấn đề nhận thức đặt ra gay gắt.

(Ðón xem trong một số tới phần II : nhận thức về ta, về người trong hiện đại)

(8. 1995)

Chú thích:

(1) Ðại Nam Thực Lục (ÐNTL), bản dịch của tổ phiên dịch Viện Sử Học, Hà Nội, các tập đầu được xuất bản năm 1963 và liên tục ra tiếp theo trong những năm sau. Phần Chính Biên, Ðệ nhị kỷ (Minh Mạng) gồm từ tập V đến tập XXII.

(2) xem sách song ngữ Pháp Việt Phan Huy Chú, Hải trình chí lược, của Phan Huy Lê, C. Salmon và Tạ Trọng Hiệp, Paris, Cahier d’Archipel 25, 1994.

(3) Claudine Salmon et Tạ Trọng Hiệp, L’émissaire vietnamien Cao Bá Quát (1809-1854) et sa prise de conscience dans les “ Contrées méridionales ” (Phái viên Cao Bá Quát và cuộc bừng ý thức của ông nhân chuyến đi “ Miền dưới ”) BFEO, tome 81, Paris 1994, tr. 125-149.

*Tựa do NCLS đặt lại, bài gốc có tên ” Ta nhìn ta, ta nhìn người

0