Việt Nam trong 15 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2000): Bài 33. Việt Nam trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1986...
Việt Nam trong 15 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2000): Bài 33. Việt Nam trên đường đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1986 đến năm 2000). Đường lối đổi mới của Đảng được sự hưởng ứng rộng rãi của dư luận xã hội. Đường lối đổi mới của Đảng được sự hưởng ứng rộng rãi của dư luận ...
Đường lối đổi mới của Đảng được sự hưởng ứng rộng rãi của dư luận xã hội, đã nhanh chóng đi vào cuộc sống và đạt được thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
– Trong kế hoạch 5 năm (1986 – 1990), cả nước tập trung sức người sức của nhằm thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của ba chương trình kinh tế : lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Kết quả là nước ta từ chỗ thiếu ăn hàng năm (năm 1988, ta phải nhập hơn 45 vạn tấn gạo), đến năm 1990, đã đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân. Hàng hóa trên thị trường dồi dào, nhất là hàng tiêu dùng, trong đó nguồn hàng sản xuất trong nước tăng. Các cơ sở sản xuất đã gắn chặt với nhu cầu thị trường.
Kinh tế đối ngoại phát triển nhanh và mở rộng về quy mô, hình thức. Hàng xuất khẩu tăng ba lần. Từ năm 1989, ta mở rộng thêm hàng xuất khẩu có giá trị lớn như gạo, dầu thô ; năm 1989, ta xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo (đứng hàng thứ ba sau Thái Lan và Mĩ).
– Trong kế hoạch 5 năm (1991 – 1995), cả nước phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đưa nước ta về cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng.
Sau 5 năm thực hiện kế hoạch (1991 -1995), tình trạng đình đốn trong sản xuất, rối ren trong lưu thông được khắc phục. Kinh tế tăng trưởng nhanh, tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hàng năm là 8,2%.
Nạn lạm phát ở mức cao từng bước bị đẩy lùi. Kinh tế đối ngoại phát triển, thị trường xuất nhập khẩu mở rộng, nguồn vốn đầu tư của nước ngoài tăng nhanh.
Hoạt động khoa học và công nghệ gắn bó hơn với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, thích nghi dần với cơ chế thị trường.
– Trong kế hoạch 5 năm (1996 – 2000), mục tiêu đề ra là tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội ; bảo đảm quốc phòng, an ninh ; cải thiện đời sống nhân dân ; nâng cao tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế.
Sau 5 năm thực hiện kế hoạch (1996 – 2000), nền kinh tế vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trong nước tăng bình quân hàng năm 7%. Nông nghiệp phát triển liên tục, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung và giữ vững ổn định kinh tế, xã hội.
Kinh tế đối ngoại tiếp tục phát triển. Trong 5 năm, xuất khẩu đạt 51,6 tỉ USD, tăng bình quân hàng năm 21% ; nhập khẩu đạt 61 tỉ USD. tăng bình quân hàng năm 13,3%; vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đưa vào thực hiện đạt 10 tỉ USD, gấp 1,5 lần so với 5 năm trước.
Khoa học và công nghệ có bước chuyển biến tích cực. Giáo dục và đào tạo có bước phát triển mới cả về quy mô, chất lượng, hình thức đào tạo và cơ sở vật chất.
Tình hình chính trị, xã hội cơ bản ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng.
Những thành tựu đạt được trong 15 năm thực hiện ba kế hoạch Nhà nước 5 năm (1986 – 2000) đã tăng cường sức mạnh tổng hợp, làm thay đổi bộ mặt của đất nước và cuộc sống của nhân dân, củng cố vững chắc độc lập dân tộc và chế độ xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Bên cạnh thành tựu và tiến bộ, chúng ta gặp không ít khó khăn và yếu kém trên nhiều mặt:
– Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp.
– Một số vấn đề văn hoá, xã hội còn bức xúc và gay gắt, chậm được giải quyết.
– Tình trạng tham nhũng, suy thoái vé tư tưởng chính trị đạo đức, lối sống ở một bộ phận cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng.
Tình hình đó đòi hỏi nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ không ngừng phấn đấu để vươn tới những đỉnh cao mới theo con đường đúng đắn đã được xác định : dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.