04/06/2017, 23:06

Viết một bài văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài ca dao sau: Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Ca dao Việt Nam đã dành nhiều dòng thơ để cảm thông với số phận bất hạnh của những người phụ nữ. Bài ca dao sau là một trong số đó. Chiều chiều ra đứng ngõ sau Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Bài ca dao là lời người phụ nữ đã có chồng và phải lấy chồng xa. Trong xã hội phong kiến ...

Ca dao Việt Nam đã dành nhiều dòng thơ để cảm thông với số phận bất hạnh của những người phụ nữ. Bài ca dao sau là một trong số đó.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều.
 
Bài ca dao là lời người phụ nữ đã có chồng và phải lấy chồng xa. Trong xã hội phong kiến xưa, do quan niệm "trọng nam khinh nữ" nên đời sống tình cảm của người phụ nữ ít được quan tâm chia sẻ. Người con gái đi lấy chồng xa thường phải chịu nhiều nỗi tủi hờn, đau khổ. Những lúc tủi phận, nhưng lúc nhớ nhà nàng chỉ còn biết thui thủi ôm nỗi buồn mà “trông về quê mẹ”.
 
Bài ca dao mở ra không gian buổi chiều. Đó là thời điểm cuối ngày thường gợi nhiều suy nghĩ và thường gợi những nổi buồn vương vất. Dân gian dùng từ láy Chiều chiều cho ta biết rằng không phải một buổi chiều mà chiều nào cũng vậy, khi thời gian bước vào cái giây khắc của ngày tàn, người phụ nữ lại “ra đứng ngõ sau” để “trông về quê mẹ” mà “ruột đau chín chiều”. Bước vào chiều tà không gian đã nhập nhoạng tối, người phụ nữ lại chọn địa điểm “ngõ sau” rất kín đáo để tự mình đối diện với lòng mình.
 
“Ngõ sau” chẳng những gợi đến thân phận hèn mọn của phận dâu tôi mà kết hợp với thời gian chiều tôi nó còn tạo ra một góc riêng cho người phụ nữ tội nghiệp ấy: một cái góc vừa tối vừa hẹp. Trong khung cảnh ảm đạm, hình ảnh người phụ nữ cô đơn thui thủi một mình càng nhỏ bé, đáng thương hơn nữa. Nàng lặng lẽ “Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Nhắc đến “mẹ” là nhắc đến điểm tựa tâm hồn của người con. Nhắc đến “quê mẹ” là nhắc đến những yêu thương, những đồng cảm, những sẻ chia làm ấm lòng người. Đặc biệt, từ “trông” không chỉ có nghĩa là nhìn mà còn có ý nghĩa là trông ngóng. Người phụ nữ “trông về quê mẹ” còn là đang khao khát những tình cảm ấm nồng, còn đang mong ngóng ngày trở về quê mẹ với những người thân yêu nhất của mình.
 
 Trong hoàn cảnh bèo dạt mày trôi nơi đất khách quê người, nàng trông về nơi ấy mà ruột đau chín chiều. Chín chiều là "chín bề", là "nhiều bề". Nỗi đau “chín chiều” là nỗi đau quận thắt không nói nên lời, nó âm ỉ, nó dai dẳng làm mòn làm héo con người. Cách sử dụng từ ngữ có kết cấu vòng tròn đối xứng chiều chiều - chín chiều đã góp phần gợi tả bi kịch đời người phụ nữ: họ chẳng bao giờ thoát khỏi cái vòng trong khổ đau định mệnh. Tình cảnh và tâm trạng của người phụ nữ ấy vì thế mà càng nặng nề, đau xót hơn.
 
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau...” là bài ca dao có sức lay động nhưng miền thương miền nhớ dù là sâu kín nhất của con người. Và vì thế, bài ca dao mang trong mình một tinh thần nhân đạo sâu sắc.

0