Vị trí, vai trò của bộ sưu tập trong thư viện
Như đã đề cập ở trên, trên cơ sở các thông tin thu thập được trong quá trình tiến hành phỏng vấn các đối tượng liên quan đến nội dung nghiên cứu; đề tài tiến hành phân tích vai trò, vị trí của hoạt động phát ...
Như đã đề cập ở trên, trên cơ sở các thông tin thu thập được trong quá trình tiến hành phỏng vấn các đối tượng liên quan đến nội dung nghiên cứu; đề tài tiến hành phân tích vai trò, vị trí của hoạt động phát triển bộ sưu tập trong mối quan hệ nội hàm và mở rộng ra môi trường xung quanh; sau đó tiến hành phân tích, đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố tác động đến quá trình xây dựng chiến lược phát triển bộ sưu tập trong quá trình triển khai và quản lý các hoạt động thông tin của đơn vị.
Như chúng ta đã biết, hoạt động của một thư viện dù hoạt động theo hình thức nào cũng không thể thiếu sự có mặt của các nguồn tài nguyên thông tin được thể hiện qua việc tổ chức và quản lý các bộ sưu tập trong thư viện. Điều đó được thể hiện thông qua việc từng bước đưa ra các quyết định lựa chọn loại tài liệu cần thiết cho hoạt động thông tin của đơn vị. Một số bước đó có thể như sau:
* Xác định các loại tài liệu cần thiết trong một lĩnh vực cụ thể hay trong toàn bộ sưu tập
* Đối chiếu tính xác đáng, mức độ yêu cầu của tài liệu nhằm đảm bảo sự chọn lựa tốt nhất đã được thực hiện mà không vượt quá kinh phí cho phép
* Bổ sung tài liệu đã chọn với giá hợp lý theo phương cách hiệu quả nhất
Nói tóm lại, toàn bộ quá trình phải tập trung vào việc cung cấp tài liệu đáp ứng nhu cầu thông tin đã được xác định và phù hợp; gắn liền với hoạt động của Trung tâm trong quá trình xác định vai trò, nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động của mình. Chính vì vậy mà phát triển bộ sưu tập không thể là một yếu tố hay quá trình đơn lẻ; mà ngược lại nó cần được đặt trong mối quan hệ chung mà ở đó nhu cầu sử dụng của các nhóm đối tượng người dùng, cũng như mối tương quan với các quan hệ bên ngoài cần phải được xác định và thỏa mãn.
Sơ đồ này thể hiện vai trò trung tâm của bộ sưu tập trong hoạt động thông tin – thư viện cũng như mối quan hệ của nó đối với các bộ phận chức năng, các hoạt động thông tin được triển khai trong đơn vị. Không những thế nó còn có mối quan hệ hổ trợ với các đối tượng và tổ chức bên ngoài liên quan đến quá trình tổ chức và triển khai các hoạt động thông tin – thư viện của đơn vị.
Để hiểu hơn về vấn đề này, trước hết, chúng ta xem xét mối quan hệ cũng như vị trí và vai trò của bộ sưu tập và các hoạt động liên quan đối với nội hàm hoạt động của đơn vị thông tin. Trong đó thể hiện mối quan hệ của hoạt động quản lý và phát triển bộ sưu tập với các bộ phận chức năng khác trong nội bộ cơ quan thông tin. Ở đó sự liên kết giữa chức năng tổ chức bộ sưu tập và các lĩnh vực hoạt động khác của đơn vị là rất quan trọng trên cơ sở mối quan hệ tương tác ảnh hưởng qua lại. Ví dụ một trong những ảnh hưởng quan trọng của bộ sưu tập đó là tác động lên hoạt động của bộ phận lưu thông và cho mượn. Chẳng hạn:
* Một người dùng có thể sử dụng tài liệu theo yêu cầu bổ sung khi tài liệu được cập nhật
* Nhân viên lưu thông có thể nắm bắt và cập nhật số lượng, tần suất đối với các loại/bản tài liệu có nhu cầu sử dụng cao
* Đồng thời họ cũng nắm rõ tình trạng của tài liệu cần được đưa vào chỉnh sửa hoặc gia cố
Trong đó, cán bộ phụ trách công tác quản lý và phát triển bộ sưu tập đòi hỏi cần thiết phải tạo được mối liên hệ với các cán bộ phụ trách tài chính kế toán khác không chỉ trong phạm vi đơn vị, mà cả với đơn vị quản lý trực thuộc – đảm bảo hoạt động chi trả trong quá trình bổ sung tài liệu. Thêm vào đó, mối liên kết với cơ quan chủ quản, cũng như các đơn vị khác trong phạm vi hoạt động của đơn vị, các trường thành viên cũng nhất thiết được thiết lập và giữ vai trò quan trọng. Bởi nội dung và chính sách của phát triển bộ sưu tập không thể tách rời mà phải tập trung chủ yếu nhằm đáp ứng mục đích, nhiệm vụ đào tạo chung cũng như nhu cầu thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, giảng dạy của các nhóm đối tượng người dùng khác nhau.
Đồng thời, cần thiết phải xem xét vai trò và những ảnh hưởng quan trọng đối với mạng lưới hoạt động thông tin trong phạm vi môi trường hoạt động nói riêng, và khu vực nói chung.
Tại đây cho thấy rõ mối quan hệ giữa các yếu tố trong hệ thống hoạt động chung. Đặc biệt cần chú trọng đến vai trò trung tâm trong mạng lưới hệ thống thông tin thư viện chung; ở đó các nguồn tài nguyên thông tin, dịch vụ và hoạt động thông tin của trung tâm cũng như các thư viện thành viên được chia sẻ một cách hữa ích. Không chỉ dừng lại ở hoạt động cung cấp thông tin và các dịch vụ liên hệ, mà bản thân trung tâm cũng như các thư viện thành viên cần quan tâm đến việc hướng dẫn các đối tượng người dùng làm thế nào để sử dụng và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên đó. Chính vì vậy, bất cứ sự thay đổi nào trong môi trường chung này đều có những ảnh hưởng nhất định không thể tránh khỏi.